Trang chủ » Cảm nhận về nhân vật Hạ Du trong truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn

Cảm nhận về nhân vật Hạ Du trong truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn

BÀI LÀM 1:

Truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn ra đời vào tháng 5 – 1919 đã mang một hàm nghĩa sâu sắc. Tác phẩm đề cập đến mâu thuẫn của dân tộc, thời đại, khơi dậy nỗi ưu dân, nó đánh trúng vào căn bệnh tinh thần trầm trọng của dân tộc. Thuốc thể hiện tình trạng u mê, tê liệt của quần chúng và bi kịch của người cách mạng tiên phong trong xã hội Trung Quốc đầu thế kỉ XX.

Nhân vật Hạ Du tuy không trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm nhưng nhân vật này lại đóng vai trò quan trọng, bởi chính là mắt xích làm nảy sinh toàn bộ mâu thuẫn của câu chuyện cũng như chi phối các sự kiện khác trong tác phẩm. Hạ Du là con nhà bác Tứ chứ con nhà ai, là người cùng làng nên ai cũng biết họ tên, gốc gác,… Khi Hạ Du bị bắt, nằm trong ngục, trước lúc ra pháp trường còn cả gan tuyên truyền cách mạng cho lão Nghĩa mắt cá chép, rủ lão đề lao làm giặc nên đã bị lão ta đánh cho hai cái bạt tai. Những người cách mạng tiên phong như Hạ Du có lí tưởng chống triều đình phong kiến Mãn Thanh, họ sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa, hi sinh vì cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Nhưng giữa đông đảo quần chúng u mê, họ chiến đấu một cách đơn độc. Chính vì thế, trong mắt của quần chúng nhân dân, anh là thằng quỷ sứ, là thằng nhãi ranh con, là thằng khốn nạn,… Với bác Cả Khang thì là đáng thương hại, với lão râu hoa râm thì hắn điên thật rồi và với cậu Năm gù thì Hạ Du đúng là một kẻ điên thật rồi. Cái chết của Hạ Du đã mang lại cho một số ít người món hời. May nhất là lão Hoa Thuyên đã mua được thuốc (chiếc bánh bao tẩm máu Hạ Du) để chữa bệnh lao phổi; rồi đến cụ Ba đưa đứa cháu ra đầu thú để được thưởng hai mươi lạng bạc trắng; lão Nghĩa đề lao được cái áo tử tù cởi ra trước khi ra pháp trường; bác Cả Khang thì được mấy đồng bán thuốc cho lão Thuyên,… Ngay cả mẹ Hạ Du cũng không hiểu con, bà kêu là oan con lắm Du ơi! và nguyền rủa chúng nó: Trời còn có mắt, chúng nó giết con thì rồi trời báo hại chúng nó thôi. Quần chúng đều u mê, không hiểu sự nghiệp của những người cách mạng như Hạ Du nên xa lánh, có cái nhìn không đúng đắn, thậm chí sai lệch khiến người cách mạng phải chiến đấu một thân một mình đơn độc, không có sự ủng hộ, đoàn kết, thiếu sức mạnh tập thể.

Ngôi mộ của Hạ Du được đặt ở nghĩa địa của người chết chém, bên trái con đường mòn. Đây là hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng cho sự nghiệp, sự hi sinh của những người cách mạng như Hạ Du trong thời điểm đó. Anh đã đi trước buổi bình minh, giác ngộ sớm vẫn không được quần chúng nhìn nhận một cách đúng đắn bởi sự u mê, tê liệt của họ. cần phải có một liều thuốc tinh thần chữa bệnh cho dân tộc, căn bệnh quốc dân tính vào lúc này cho người dân Trung Hoa. Trên ngôi mộ Hạ Du, người mẹ già đã rất ngạc nhiên, ngỡ ngàng khi thấy một vòng hoa vô danh với những cánh hoa trắng hoa hồng và hoa không nhiều lắm, xếp thành vòng tròn, không lấy gì làm đẹp, nhưng cũng ngay ngắn. Hình ảnh vòng hoa này cũng mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc: mặc dù quần chúng vào thời điểm ấy ở trong trạng thái tê liệt, u mê nhưng không phải tất cả, vẫn có những người hiểu, nhớ đến, tiếc thương, ngưỡng mộ tấm gương người cách mạng tiên phong đã hi sinh vì địa nghĩa. Người dân rồi sẽ thức tỉnh dần, cách mạng rồi sẽ có tiền đồ, có xu thế phát triển.

Tóm lại, Hạ Du là người chiến sĩ cách mạng tiên phong, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp chống phong kiến, ngay cả khi đã là tử tù vẫn tuyên truyền, vận động cách mạng. Người chiến sĩ ấy đã hi sinh vì lí tưởng, vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

BÀI LÀM 2:

Trong tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn, Hạ Du là một nhân vật được miêu tả gián tiếp qua suy tư của nhân vật khác. Tuy vậy, hình ảnh Hạ Du lại có một vị trí đặc biệt, là hình tượng trung tâm của tác phẩm. Đó là hình tượng người cách mạng giác ngộ sớm; có lí tường cách mạng rõ ràng: lật đổ ngai vàng, đánh đuổi ngoại tộc, dành độc lập. Nhân vật Hạ Du là một người dũng cảm hiên ngang, dám tuyên truyền lí tưởng cách mạng với cả người cai ngục trong những ngày chờ lên đoạn đầu đài, được xây dựng từ một nguyên mẫu. Trong một thiên hồi kí ở tập Nhặt cánh hoa tà ly Lỗ Tấn nói: viết Hạ Du là để kỉ niệm Thu Cận, một nữ chiến sĩ cách mạng của Quang phục hội (tiền thân của Quốc dân đảng do Tôn Trung Sơn đứng đầu, sau này lãnh đạo cách mạng Tân Hợi), từng du học Nhật, khai sáng tờ Trung Quốc nữ báo tuyên truyền giải phóng phụ nữ và lên đoạn đầu đài lúc 36 tuổi.

Nhà văn tỏ ý trân trọng, lánh phục nhân cách của người cách mạng Hạ Du nhưng cũng ngầm phê phán Hạ Du xa rời quần chúng, xa rời đến mức mẹ Hạ Du cũng không hiểu, chú Hạ Du thì coi cháu mình là “làm giặc” và đi tố giác; người dân lấy máu Hạ Du dể chữa bệnh…

Chi tiết vòng hoa tưởng niệm Hạ Du ở phần kết thúc truyện đã hé mở tư tưởng chủ đề của tác phẩm, thể hiện niềm tin của tác giả, một ngày kia, sẽ chấm dứt bi kịch của người cách mạng tiên phong và quần chúng sẽ được tỉnh ngộ.

BÀI LÀM 3:

Hạ Du là một chiến sĩ cách mạng, nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng Hạ Du là hình ảnh của nữ chiến sĩ Thu Cận bị chém ở Cổ Hiên đình trong Cách mạng Tân Hợi. Không hề xuất hiện trực tiếp trong truyện nhưng anh xuất hiện trong lời đồn của đám đông tại quán nhà nhà lao Thuyên. Người ta gọi anh là thằng quỷ sứ, thằng nhãi con, thằng khốn nạn, là người điên. Những người trong quán sung sướng kể chuyện anh bị hai cái tát của tên cai ngục vì đã tuyên truyền thiên hạ nhà Mãn Thanh chính là của ta (Đánh cái đồ ấy, thương hại cái gì?), họ lấy cả cái áo anh mặc khi bị xử chém, đau đớn nhất là tranh cướp máu của anh. Những giọt máu đỏ tươi, nhỏ từng giọt, từng giọt trên tay một người mặc đồ đen được đổi sằng phẳng bằng những gói tiền chắt chiu của những người nghèo khổ như lão Thuyên làm cho cái chết vì nghĩa của những người như Hạ Du trở thành bi kịch đẫm máu. Anh đã chết rồi vẫn để lại cái ngập ngừng, xấu hổ cho mẹ anh khi đi thăm mộ con. Ngay cả mẹ anh cũng không hiểu sự nghiệp của anh. Mộ của những người chiến sĩ cách mạng như anh vô tình bị xếp về phía bên phải của nghĩa trang (phía của những người bị chết chém hoặc chết tù). Ngăn cách giữa hai khu nghĩa địa ấy là con đường do người ta hay đi tắt dẫm mãi cũng thành quen. Con đường đã trở thành biểu tượng của sự ngăn cách, làm cho những người như Hạ Du cho đến khi chết vẫn bị hiểu nhầm, bị đối xử, phân biệt như những tên tội phạm nguy hiểm khác. Sự ngăn cách này một phần do sự mê muội của dân chúng, một phần là do sự xa rời quần chúng của những người chiến sĩ.

Cuối tác phẩm, thời gian mùa xuân hứa hẹn mở ra những điều mới mẻ. Bà mẹ của Hạ Du ngạc nhiên khi thấy trên nấm mồ của con trai mình có một vòng hoa, hoa trắng hoa hồng xen lẫn nhau. Vòng hoa ấy thể hiện sự tôn vinh, ngưỡng mộ sự nghiệp và cái chết của Hạ Du, không như những lời người dân bàn tán. Lỗ Tấn đã trân trọng đặt lên mộ anh một vòng hoa, điều đó cũng có nghĩa là Hạ Du chết rồi nhưng sự nghiệp dang dở của anh vẫn tiếp tục được khẳng định, ngợi ca. Ở nghĩa địa, mẹ Hạ Du khóc cho cái chết oan uổng của con trai mình, bà mẹ Thuyên đầy thông cảm, dám bước qua con đường mòn ngăn cách để sang phía bên kia nghĩa địa. Giữa hai bà mẹ đã có sự đồng cảm. Vòng hoa trên mộ, cánh dương liễu đâm những mầm non bằng nửa hạt gạo, bước chân vượt qua con đường mòn, con quạ vút bay như một mũi tên về phía chân trời xa thẳm hứa hẹn những gì tốt đẹp hơn, hứa hẹn một tương lai sáng sủa hơn, làm nên điểm sáng kết thúc tác phẩm. Đây cũng là cách kết thúc quen thuộc trong truyện ngắn Lỗ Tấn.

BÀI LÀM 4

Lỗ Tấn là nhà văn tiêu biểu cho nền văn học Trung Quốc. Ông là một trong số ít những nhà văn thấu hiểu được chức năng của văn học và dã dũng cảm theo đuổi và làm tròn thiên chức nhà văn của mình. Ông quan niệm rằng: "Văn học cải tạo quốc dân tính" và ông cho rằng, người dân Trung Quốc đương thời đang mắc căn bệnh u mê, ngu muội, "ngủ say trong một chiếc hộp bằng sắt không có cửa sổ". Những trăn trở ấy của ông đã được gửi gắm vào trong nhân vật Hạ Du của tác phẩm “Thuốc”.

Mặc dù chỉ được miêu tả gián tiếp qua suy tư của nhân vật khác và qua thái độ của người kể chuyện, nhưng hình ảnh Hạ Du có một vị trí đặc biệt, là hình tượng trung tâm của tác phẩm. Anh hiện ra trước hết là một người yêu nước, một nhà cách mạng tiên phong, dũng cảm xả thân vì nghĩa lớn. Qua nhân vật Hạ Du, Lỗ Tấn bày tỏ sự kính trọng và lòng thương cảm sâu sắc đối với những chiến sĩ tiên phong của Cách mạng Tân Hợi. Chính Lỗ Tấn cho biết là ông viết về Hạ Du là đề nhớ về Thu Cận (Hạ đối với Thu, Du và Cận đều thuộc bộ ngọc, là hai loại ngọc). Trong không khí khủng bố cách mạng Tân Hợi, đây là cách né tránh kiểm duyệt. Thu Cận là nhà nữ cách mạng tiên phong thời cận đại, từng du học ở Nhật, tham gia cách mạng rồi bị trục xuất về nước, lập tờ Trung Quốc nữ báo đầu tiên tuyên truyền bình đẳng nam nữ, chống phong kiến quân phiệt. Bà tham gia chuẩn bị khởi nghĩa với Từ Tích Lân rồi bị bắt và bị hành hình lúc ba mươi hai tuổi (1875 — 1907). Nơi bà bị hành hình là Cô Hiên Đình Khẩu trong thành Thiệu Hưng mà Lỗ Tấn cho là thấp thoáng ẩn hiện trong tác phẩm.

Lỗ Tấn đã không chỉ một lần nhắc đến Thu Cận. Số phận bi thảm của nhà nữ cách mạng trẻ tuổi này đã khắc sâu trong tâm khảm nhà văn. Nhưng Thu Cận cũng đồng thời là biểu tượng của cả một lớp thanh niên giác ngộ sớm thời bấy giờ. Trong tác phẩm Thuốc, hình tượng Hạ Du cũng chính là hình tượng biểu trưng cho lớp thanh niên có lí tưởng cách mạng rõ ràng: lật đổ ngai vàng, đánh đuổi ngoại tộc, giành độc lập. Hạ Du là một người dũng cảm hiên ngang, dám tuyên truyền lí tưởng cách mạng với cả người cai ngục trong những ngày chờ lên đoạn đầu đài.

Nhưng cũng chính Hạ Du là một con người cô đơn, không ai hiểu anh, kể cả mẹ anh. Anh đổ máu vì quần chúng, thế mà họ lại lấy máu anh để tẩm bánh bao chữa bệnh lao. Người ta gọi anh là thằng quỷ sứ, thằng nhãi con, thằng khốn nạn, là người điên. Những người trong quán sung sướng kể chuyện anh bị hai cái tát của tên cai ngục vì đã tuyên truyền thiên hạ nhà Mãn Thanh chính là của ta (Đánh cái đồ ấy, thương hại cái gì?), họ lấy cả cái áo anh mặc khi bị xử chém, đau đớn nhất là tranh cướp máu của anh. Những giọt máu đỏ tươi, nhỏ từng giọt, từng giọt trên tay một người mặc đồ đen được đổi sòng phẳng bằng những gói tiền chắt chiu của những người nghèo khổ như lão Thuyên làm cho cái chết vì nghĩa của những người như Hạ Du trở thành bi kịch đẫm máu. Anh đã chết rồi vẫn để lại cái ngập ngừng, xấu hổ cho mẹ anh khi đi thăm mộ con. Ngay cả mẹ anh cũng không hiểu sự nghiệp của anh. Mộ của những người chiến sĩ cách mạng như anh vô tình bị xếp về phía bên phải của nghĩa trang (phía của những người bị chết chém hoặc chết tù). Ngăn cách giữa hai khu nghĩa địa ấy là con đường do người ta hay đi tắt giẫm mãi cũng thành quen. Con đường đã trở thành biểu tượng của sự ngăn cách, làm cho những người như Hạ Du cho đến khi chết vẫn bị hiểu nhầm, bị đối xử, phân biệt như những tên tội phạm nguy hiểm khác. Sự ngăn cách này một phần do sự mê muội của dân chúng, một phần là do sự xa rời quần chúng của những người chiến sĩ.

Có thể nói, Hạ Du chính là hình ảnh tượng trưng của cuộc cách mạng Tân Hợi, một cuộc cách mạng góp phần đánh đổ chế độ phong kiến Trung Quốc, nhưng vì xa rời quần chúng nhân dân nên thất bại. Thuốc vừa là tiếng Gào thét để "trợ uy cho những dũng sĩ đang bôn ba trong chốn quạnh hiu", vừa là sự bộc bạch tâm huyết của một ngòi bút lạc quan tin tưởng: "Riêng về phần tôi, tôi vẫn cho rằng hiện nay, tôi không còn phải là người có điều gì bức xúc, không nói ra không được, nhưng hoặc giả bởi vì chưa thể quên hết những nỗi quạnh hiu, đau khổ của mình ngày trước, nên có lúc không thể không gào thét lên mấy tiếng đế an ủi những kẻ dũng sĩ đang bôn ba trong chốn quạnh hiu, mong họ ở nơi tuyên đầu được vững tâm hơn…" (Lỗ Tấn,Tựa Gào thét, 1922).

“Thuốc” có lối viết cô đọng, súc tích, giàu hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng. Cách xây dựng nhân vật cũng rất đặc biệt: không đặt nhân vật cách mạng vào vị trí chủ yếu mà đặt ở tuyến ngầm phía sau nhân vật đám đông để khắc họa chủ đề thức tỉnh quần chúng của truyện. Ngoài ra, cách kể chuyện theo ngôi thứ ba truyền thống nhưng nhiều đoạn đã chuyển điểm nhìn trần thuật sang nhân vật làm cho truyện sinh động hơn.

Truyện ngắn “Thuốc” vẫn luôn là một trong những sáng tạo nghệ thuật tài ba của nhà văn Lỗ Tấn. Thông qua tác phẩm này, Lỗ Tấn đã bộc lộ những suy tư, trăn trở của mình dành cho đất nước, con người Trung Hoa. Giá trị mà Thuốc mang lại không chỉ gói gọn trong thời đại lúc ấy, mà còn trong cả thời đại ngày nay.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top