Đề bài (trang 82 sgk Tiếng Việt 5): Hãy kể lại một câu chuyện em đã nghe hoặc đã đọc nói về truyền thống hiếu học hoặc truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Trả lời:
1. Nội dung:
a) Ví dụ về truyện ca ngợi truyền thống hiếu học: Ông tổ nghề thêu (Tiếng Việt 3, tập hai), Văn hay chữ tốt (Tiếng Việt 4, tập một), Bông sen trong giếng ngọc (Truyện đọc lớp 4).
b) Ví dụ về truyện ca ngợi truyền thống đoàn kết: Câu chuyện bó đũa (Tiếng Việt 2, tập một), Đôi bạn (Tiếng Việt 3, tập một), Vì muôn dân (Tiếng Việt 5, tập hai).
2. Tìm câu chuyện ở đâu?
– Những câu chuyện em đã được nghe.
– Báo, truyện đọc xưa và nay. Chú ý truyện của Nhà xuất bản Kim Đồng, sách Truyện đọc lớp 5 của Nhà xuất bản Giáo dục.
3. Giới thiệu tên câu chuyện và kể lại nội dung câu chuyện đã nghe (hoặc đã đọc):
– Mở đầu câu chuyện thế nào?
– Diễn biến của câu chuyện ra sao? (Kể rõ trình tự các việc xảy ra, hành động của nhân vật; chú ý nhấn mạnh những chi tiết liên quan đến đức tính hiếu học hoặc tinh thần đoàn kết.)
4. Trao đổi với các bạn về ý nghĩa câu chuyện.
Bài tham khảo 1
Câu chuyện tôi kể các bạn nghe nói về một cậu bé ham học và học giỏi, cạo hạt điều để kiệm tiền đi học.
Cạo hạt điều là công việc thường xuyên của gia đình Bùi Thị Ngọc Bích, sinh năm 1995, học sinh giỏi lớp Năm trường tiểu học Hòa Phú, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Nhà Bích có năm anh em, anh trai của Bích đang học lớp Bảy, dưới Bích có ba người em, bé út mới bốn tuổi nhưng cũng đã biết cạo hạt điều cùng anh chị.
Giá cạo hạt điều là 3000/kg. Trung bình mỗi ngày cả nhà Bích cạo được 7 – 8 kg.
Bích kể, khi ở lớp, Bích luôn phải cô" gắng tập trung nghe thầy giảng để hiểu và cũng để nhẩm thuộc bài được phần nào hay phần ấy. Về đến nhà, vừa ăn cơm xong, Bích lại miệt mài bên thúng hạt điều. Tuy không được rong chơi, nghỉ ngơi nhưng đối với Bích khoảng thời gian có hạt điều để cạo là vùi nhất. Bởi những lúc đó nhà mới có đủ cơm ăn, mấy anh em mới có tiền mua sách vở, đóng tiền trường.
Tối đến, Bích mới có thời gian để học tập. Mùa hè này, Bích được mẹ cho đi học thêm để về dạy lại cho các em, vì mẹ gom góp, tằn tiện lắm thì cũng chỉ đủ lo cho Bích và anh trai, dù số tiền đóng trọn kì hè này chỉ có 50.000đ. Cuộc sống gia đình rất bấp bênh, luôn thiếu trước hụt sau, vậy mà trong đôi mắt của Bích vẫn ánh lên khát vọng: "Con thích môn Tiếng Việt. Con mong sau này được làm cô giáo". Bích nói khẽ khàng, tiếng Bích như muốn chìm lấp giữa âm thanh của tiếng mũi dao đang cạo mạnh vào vỏ hạt điều.
Bài tham khảo 2
Từ xa xưa, nhân dân ta đã coi trọng tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết. Đoàn kết để sống, để tồn tại và vượt qua mọi thử thách to lớn trong cuộc đời. Đoàn kết đã trở thành niềm tin và đạo lí của nhân dân ta từ bao đời nay. Chính vì thế, ông bà, cha mẹ luôn nhắc nhở con cháu ghi nhớ câu tục ngữ:
"Một cây làm chẳng nên non Ba cây chụm lại nên hòn núi cao".
Tôi sẽ kể cho các bạn nghe chuyện có tựa đề là "Câu chuyện bó đũa", ca ngợi về sức manh của tinh thần đoàn kết. Chuyện như sau:
"Ngày xưa ở một gia đình, có hai anh em. Lúc còn nhỏ hai anh em rất thương yêu nhau, có cái gì ngon, anh em thường nhường nhịn cho nhau, nhưng khi lớn lên anh có vợ, em có chồng, tuy mỗi người một nhà nhưng vẫn thường hay va chạm.
Thấy các con không thương yêu nhau, người cha rất buồn phiền. Một hôm, ồng đặt một bó đũa và một túi tiền trên bàn, rồi gọi các con, cả trai, gái, dâu, rể lại và bảo:
– Ai bẻ gãy được bó đũa này thì cha thưởng cho túi tiền. Bốn người con lần lượt bẻ bó đũa. Ai cũng cố gắng hết sức mà không sao bẻ gãy được. Người cha bèn cởi bó đũa ra rồi thong thả bẻ gãy từng chiếc một cách dễ dàng.
Thấy vậy, bốn người con cùng nói:
– Thưa cha, lấy từng chiếc mà bẻ thì có khó gì!
Người cha liền bảo:
– Đúng. Như thế là các con đều thấy rằng chia lẻ ra thì yếu, hợp lại thì mạnh. Vậy các con phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Có đoàn kết thì mới có sức mạnh”.
Câu chuyện khuyên chúng ta: anh chị em trong gia đình phải biết yêu thương, giúp đỡ, cưu mang nhau. Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh.