Bài C1 (trang 69 SGK Vật Lý 8): Hãy lấy 50 cm3 cát đổ vào 50 cm3 ngô rồi lắc nhẹ xem có được 100 cm3 hỗn hợp giữa ngô và cát không? Giải thích?
Lời giải:
Không đủ vì giữa các hạt ngô có khoảng cách nên khi đổ cát vào ngô, các hạt cát đã xen vào những khoảng cách này, làm cho thể tích của hỗn hợp nhỏ hơn tổng thể tích của ngô và cát.
Bài C2 (trang 69 SGK Vật Lý 8): Hãy cố gắng dùng cách giải thích sự hụt thể tích trong thí nghiệm trộn cát vào ngô để giải thích sự hụt thể tích trong thí nghiệm trộn rượu với nước.
Lời giải:
Thể tích của hỗn hợp rượu và nước giảm vì giữa các phân tử nước cũng như các phân tử rượu đều có khoảng cách. Khi trộn rượu với nước, các phân tử rượu đã xen vào khoảng cách giữa các phân tử nước và ngược lại.
Bài C3 (trang 70 SGK Vật Lý 8): Thả một cục đường vào một cốc nước rồi khuấy lên, đường tan và nước có vị ngọt. Hãy giải thích vì sao?
Lời giải:
Vì khi khuấy lên thì các phân tử đường xen vào khoảng cách giữa các phân tử nước, cũng như các phân tử nước xen vào giữa khoảng cách giữa các phân tử đường nên nước đường có vị ngọt.
Bài C4 (trang 70 SGK Vật Lý 8): Giải thích tại sao quả bóng cao su hoặc quả bóng bay bơm căng, dù có buộc thật chặt cũng cứ ngày một xẹp dần.
Lời giải:
Thành bóng cao su hay bóng bay được cấu tạo từ các phân tử cao su, giữa các phân tử này có khoảng cách. Các phân tử không khí ở trong bóng có thể chui qua những khoảng cách này để ra ngoài làm cho bóng xẹp dần.
Bài C5 (trang 70 SGK Vật Lý 8): Cá muốn sống được phải có không khí. Nhưng ta thấy cá vẫn sống được trong nước? giải thích?
Lời giải:
Giữa các phân tử nước có khoảng cách nên các phân tử không khí có thể đứng xen vào khoảng cách đó, chính vì vậy mà cá có thế sống được trong nước.