Câu 1: Cách mạng tư sản Pháp 1789 bùng nổ trong bối cảnh nào ?
Trả lời:
Mâu thuẫn xã hội cũng được phản ánh trong cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng. Những thành tựu mới của khoa học, sự phát triển của mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa đã giúp những người có tư tưởng tiến bộ phê phán những giáo lí lạc hậu, những quan điểm lỗi thời và đề xuất những tư tưởng mới tiến bộ, thúc đẩy xã hội tiến lên. Do vậy, trào lưu tư tưởng ở Pháp vào thế kỉ XVIII được gọi là trào lưu Triết học Ánh sáng, tiêu biểu là Mông-te-xki-ơ, Vôn-te, Rút-xô. Các ông đã kịch liệt phê phán sự thối nát của chế độ phong kiến và nhà thờ Ki-tô giáo, đưa ra những lí thuyết về việc xây dựng nhà nước mới. Những quan điểm tiến bộ của Triết học Ánh sáng đã tấn công vào hệ tư tưởng của chế độ phong kiến, dọn đường cho cuộc cách mạng xã hội bùng nổ.
Câu 2: Hãy nêu những việc làm của phái Lập hiến sau khi lên cầm quyền
Trả lời:
Cuối tháng 8 – 1789, Quốc hội Lập hiến đã thông qua bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền với khẩu hiệu nổi tiếng : “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”. Tuyên ngôn gồm 17 điều, thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của con người và khẳng định chủ quyền của nhân dân, đồng thời tuyên bố quyền sở hữu là quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Nội dung cơ bản của Tuyên ngôn thấm nhuần tư tưởng cách mạng của các nhà triết học Ánh sáng Pháp thế kỉ XVII, đồng thời phản ánh ý chí và nguyện vọng của nhân dân Pháp.
Tiếp đó, Quốc hội Lập hiến ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích công thương nghiệp phát triển như : bãi bỏ quy chế phường hội, cho phép tự do buôn bán, tổ chức hành chính theo quy chế mới (cả nước được chia thành 83 quận với cơ cấu tổ chức thống nhất, xoá bỏ thuế quan nội địa…).
Câu 3: Vì sao quần chúng cách mạng Pháp tiếp tục nổi dậy ?
Trả lời:
Vì cuộc sống của nhân dân lao động vẫn chưa được cải thiện : việc chia ruộng đất theo từng lô lớn đem bán với giá cao nên nông dân không có khả năng mua ; công nhân vẫn đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Thêm vào đó, việc ban hành đạo luật cấm công nhân hội họp, bãi công… càng làm tăng sự bất mãn trong quần chúng nhân dân, nhiều cuộc đấu tranh liên tiếp diễn ra.
Câu 4: Chính quyền Giacôbanh đã thực hiện những biện pháp gì trong cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài ?
Trả lời:
Để đưa đất nước thoát khỏi cơn hiểm nghèo, việc đầu tiên mà những người Giacôbanh quan tâm là phải giải quyết vấn đề ruộng đất – đòi hòi cơ bản của quần chúng nông dân ; qua đó, động viên họ tham gia cách mạng chống thù trong, giặc ngoài.
Đạo luật ngày 3-6 quy định tịch thu ruộng đất của quý tộc phong kiến chia thành nhiều mảnh nhỏ, bán theo phương thức trả dần trong 10 năm. Do vậy, mỗi nông dân đều có quyền sở hữu một mảnh ruộng.
Tháng 6 – 1793, Hiến pháp mới được thông qua, tuyên bố chế độ cộng hoà, ban bố quyền dân chủ rộng rãi và mọi sự bất bình đẳng về đẳng cấp bị xoá bỏ.
Ngày 23 – 8 – 1793, Quốc hội thông qua sắc lệnh “Tổng động viên toàn quốc” để huy động sức mạnh của nhân dân cả nước chống “thù trong, giặc ngoài” ; ban hành luật giá tối đa đối với lương thực, thực phẩm để chống nạn đầu cơ tích trữ, đồng thời ban hành luật về mức lương tối đa của công nhân. Hưởng ứng lệnh tổng động viên, 42 vạn người đã tình nguyện tham gia đội quân cách mạng. Nhờ vậy, phái Giacôbanh đã dập tắt được các cuộc nổi loạn và giành nhiều thắng lợi trên chiến trường, đuổi quân xâm lược ra khỏi biên giới. Cách mạng Pháp đã đạt tới đỉnh cao.
Câu 5: Hãy cho biết tình hình nước Pháp sau cuộc đảo chính ngày 27-7-1794
Trả lời:
Sau cuộc đảo chính ngày 27 – 7 – 1794, chính quyền thuộc về phái tư sản mới giàu lên trong thời gian chiến tranh nhờ buôn bán gian lận, đầu cơ tích trữ và tham ô công quỹ. Uỷ ban Đốc chính được thành lập, tập trung quyền lực vào 5 uỷ viên. Nhiều thành quả cách mạng bị thủ tiêu : luật giá tối đa bị bãi bỏ, quyền tự do dân chủ bị hạn chế, những người cách mạng bị khủng bố. các câu lạc bộ chính trị bị đóng cửa…
Dưới chế độ Đốc chính, nước Pháp luôn trong tình trạng xáo động và ngày càng khó khăn. Các thế lực phong kiến vẫn âm mưu nổi loạn. Một liên minh mới của các nước châu Âu nhằm chống Pháp được hình thành.
Để cùng cố địa vị thống trị của mình và lập lại trật tự xã hội, giai cấp tư sản đã ủng hộ Na-pô-lê-ông Bô-na-pác – một viên tướng có tài chỉ huy quân sự, làm cuộc đảo chính thành công (11 – 1799), chấm dứt chế độ Đốc chính. Nền độc tài quân sự được thiết lập ở Pháp.
Năm 1804, Na-pô-lê-ông lên ngôi Hoàng đế đã thành lập Đế chế thứ nhất, lấy hiệu là Na-pô-lê-ông I, tiến hành cuộc chinh phạt hầu hết các nước châu Âu. Năm 1812, Na-pô-lê-ông bị thua trận ở Nga. Năm 1815, các nước đồng minh chống Pháp đã đánh thắng Na-pô-lê-ông ở trận Oa-téc-lô. Chế độ quân chủ ở Pháp được phục hồi.