Đề 1: Kể lại một truyện cổ tích hoặc một truyện ngắn mà anh (chị) yêu thích (ví dụ: Sọ Dừa, Bến quê, Những ngôi sao xa xôi…).
Kể lại truyện cổ tích Sọ Dừa
Ngày xưa, có hai vợ chồng một lão nông nghèo đi ở cho nhà một phú ông. Họ hiền lành, chăm chỉ nhưng đã ngoài năm mươi tuổi mà chưa có lấy một mụn con.
Một hôm, người vợ vào rừng lấy củi. Trời nắng to, khát nước quá, thấy cái sọ dừa bên gốc cây to đựng đầy nước mưa, bà bèn bưng lên uống. Thế rồi, về nhà, bà có mang.
Ít lâu sau, người chồng mất. Bà sinh ra một đứa con không có chân tay, mình mẩy, cứ tròn lông lốc như một quả dừa. Bà buồn, toan vứt nó đi thì đứa bé lên tiếng bảo.
– Mẹ ơi! Con là người đấy! Mẹ đừng vứt con mà tội nghiệp. Bà lão thương tình để lại nuôi rồi đặt tên cho cậu là Sọ Dừa.
Lớn lên, Sọ Dừa vẫn thế, cứ lăn lông lốc chẳng làm được việc gì. Bà mẹ lấy làm phiền lòng lắm. Sọ Dừa biết vậy bèn xin mẹ đến chăn bò cho nhà phú ông.
Nghe nói đến Sọ Dừa, phú ông ngần ngại. Nhưng nghĩ: nuôi nó thì ít tốn cơm, công sá lại chẳng đáng là bao, phú ông đồng ý. Chẳng ngờ cậu chăn bò rất giỏi. Ngày ngày, cậu lăn sau đàn bò ra đồng, tối đến lại lăn sau đàn bò về nhà. Cả đàn bò, con nào con nấy cứ no căng. Phú ông lấy làm mừng lắm!
Vào ngày mùa, tôi tớ ra đồng làm hết cả, phú ông bèn sai ba cô con gái thay phiên nhau đem cơm cho Sọ Dừa. Trong những lần như thế, hai cô chị kiêu kì, ác nghiệt thường hắt hủi Sọ Dừa, chỉ có cô em vốn tính thương người là đối đãi với Sọ Dừa tử tế.
Một hôm đến phiên cô út mang cơm cho Sọ Dừa. Mới đến chân núi, cô bỗng nghe thấy tiếng sáo véo von. Rón rén bước lên cô nhìn thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đang ngồi trên chiếc võng đào thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ. Thế nhưng vừa mới đứng lên, tất cả đã biến mất tăm, chỉ thấy Sọ Dừa nằm lăn lóc ở đấy. Nhiều lần như vậy, cô út biết Sọ Dừa không phải người thường, bèn đem lòng yêu quý.
Đến cuối mùa ở thuê, Sọ Dừa về nhà giục mẹ đến hỏi con gái phú ông về làm vợ. Bà lão thấy vậy tỏ ra vô cùng sửng sốt, nhưng thấy con năn nỉ mãi, bà cũng chiều lòng.
Thấy mẹ Sọ Dừa mang cau đến dạm, phú ông cười mỉa mai:
– Muốn hỏi con gái ta, hãy về sắm đủ một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm đem sang đây.
Bà lão đành ra về, nghĩ là phải thôi hẳn việc lấy vợ cho con. Chẳng ngờ, đúng ngày hẹn, bỗng dưng trong nhà có đầy đủ mọi sính lễ, lại có cả gia nhân ở dưới nhà chạy lên khiêng lễ vật sang nhà của phú ông. Phú ông hoa cả mắt lúng túng gọi ba cô con gái ra hỏi ý. Hai cô chị bĩu môi chê bai Sọ Dừa xấu xí rồi ngúng nguẩy đi vào, chỉ có cô út là cúi đầu e lệ tỏ ý bằng lòng.
Trong ngày cưới, Sọ Dừa cho bày cỗ thật linh đình, gia nhân chạy ra chạy vào tấp nập. Lúc rước dâu, chẳng ai thấy Sọ Dừa trọc lốc, xấu xí đâu chỉ thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đứng bên cô út. Mọi người thấy vậy đều cảm thấy sửng sốt và mừng rỡ, còn hai cô chị thì vừa tiếc lại vừa ghen tức.
Từ ngày ấy, hai vợ chồng Sọ Dừa sống với nhau rất hạnh phúc. Không những thế, Sọ Dừa còn tỏ ra rất thông minh. Chàng ngày đêm miệt mài đèn sách và quả nhiên năm ấy, Sọ Dừa đỗ trạng nguyên. Thế nhưng cũng lại chẳng bao lâu sau, Sọ Dừa được vua sai đi sứ. Trước khi đi, chàng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà nói là để hộ thân.
Ganh tị với cô em, hai cô chị sinh lòng ghen ghét rắp tâm hại em để thay làm bà trạng. Nhân quan trạng đi vắng, hai chị sang rủ cô út chèo thuyền ra biển rồi cứ thế lừa đẩy cô em xuống nước. Cô út bị cá kình nuốt chửng, nhưng may có con dao mà thoát chết. Cô dạt vào một hòn đảo, lấy dao khoét bụng cá chui ra, đánh đá lấy lửa nướng thịt cá ăn. Sống được ít ngày trên đảo, cặp gà cũng kịp nở thành một đôi gà đẹp để làm bạn cùng cô út.
Một hôm có chiếc thuyền đi qua đảo, con gà trống nhìn thấy bèn gáy to:
Ò… ó… o
Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về.
Quan cho thuyền vào xem, chẳng ngờ đó chính là vợ mình. Hai vợ chồng gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Đưa vợ về nhà, quan trạng mở tiệc mừng mời bà con đến chia vui, nhưng lại giấu vợ trong nhà không cho ai biết. Hai cô chị thấy thế khấp khởi mừng thầm, tranh nhau kể chuyện cô em rủi ro ra chiều thương tiếc lắm. Quan trạng không nói gì, tiệc xong mới cho gọi vợ ra. Hai cô chị nhìn thấy cô em thì xấu hổ quá, lén bỏ ra về rồi từ đó bỏ đi biệt xứ.
Kể lại truyện cổ tích Con Rồng Cháu Tiên
Thuở xưa ở vùng đất Lạc Việt có vị thần tên là Lạc Long Quân, con trai của thần Long Nữ sống ở dưới biển Đông. Thần hình rồng, sức khỏe phi thường và có nhiều phép lạ. Thỉnh thoảng thần lên sống trên cạn, giúp dân diệt trừ các loài yêu quái như Ngư Tinh, Hồ tinh, Mộc Tinh. thần còn dạy dân cách trồng trọt và sinh sống.
Âu cơ là một tiên nữ dòng dõi Thần Nông ở vùng núi cao phương Bắc. Nàng thích ngao du đây đó, những nơi có phong cảnh đẹp. Bên trai tài, bên gái sắc, họ yêu nhau rồi kết thành vợ chồng.
Ít lâu sau, Âu Cơ sinh ra cái bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con khôi ngô tuấn tú lạ thường. Chẳng cồn bú mớm mà đàn con lớn nhanh như thổi, khỏe mạnh như thần.
Một hôm, nhớ biển cả và cảm thấy mình không thể sống lâu trên cạn được, Lạc Long Quân đành từ biệt Âu Cơ để trở về chốn thủy cung. Âu Cơ một mình nuôi con. Ngày lại ngày qua, nàng sốt ruột trông ngóng chồng với tâm trạng buồn tủi. Cuối cùng, nàng gọi chồng lên mà than thở:
– Sao chàng nỡ bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi các con?!
Lạc Long Quân ân cần giải thích:
– Ta vốn nòi rồng ở miền nước thẳm, nàng là dòng tiên ở chốn non cao. Kẻ trên cạn người dưới nước, tính tình tập quán khác nhau, khó lòng mà ăn ở cùng nhau một nơi lâu dài được. Nay ta đưa năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Kẻ miền núi, người miền biển, khi có việc gì khó khăn thì giúp đỡ nhau, đừng quên lời hẹn.
Âu Cơ nghe theo đưa năm mươi người con lên đất Phong Châu. Người con trưởng được tôn làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, lập ra nước Văn Lang, đóng đo ở Phong Châu (vùng Bạc Hạc, Lâm Thao, Phú Thọ ngày nay). Triều đình có quan văn, quan võ (Lạc tướng, Lạc hầu). Con trai của vua gọi là lang, con gái vua gọi là mị nương. Vua cha chết, con trai trưởng nối ngôi. Mười tám đời vua kế tiếp nhau đều lấy hiệu Hùng Vương.
Từ sự tích này mà dân tộc Việt Nam thường nhắc đến nguồn gốc cao quý của mình là con Rồng cháu Tiên. Tất cả các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều là anh em cùng chung một bọc sinh ra (đồng bào). Các dân tộc đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Kể lại câu truyện cổ tích Cây khế
Ngày xửa, ngày xưa, có hai anh em nhà kia cha mẹ mất sớm. Người anh tham lam, khi chia gia tài liền chiếm hết nhà cửa, ruộng vườn cha mẹ để lại, chỉ cho người em một túp lều nhỏ và mảnh vườn, trong đó có cây khế ngọt. Người em không chút phàn nàn, ngày ngày chăm bón cho mảnh vườn và cây khế.
Năm ấy, cây khế trong vườn nhà người em ra quả rất sai. Từng chùng quả chín vàng như năng lúc lỉu trên cành. Người em nhìn cây khế mà vui mừng, tính đem bán để lấy tiền mua gạo.
Một hôm, có con chim lạ từ đâu bay đến ăn khế. Thấy cây khế bị chim ăn xơ xác người em ôm mặt khóc. Chim bỗng cất lời:
“Ăn một quả trả một cục vàng
May túi ba gang, mang đi mà đựng”
Người em nghe chim nói tiếng người lấy làm kinh ngạc, bèn về kể cho vợ nghe. Hai vợ chồng may một chiếc túi vừa đúng ba gang, chờ chim đến. Hôm sau, chim bay đến, bảo người em ngồi lên lòng mình. Chim bay rất xa, đến một hòn đảo đầy vàng bạc giữa biển khơi bao la. Người em lấy vàng bỏ đầy túi ba gang rồi lại theo chim trở về nhà. Từ đó, người em trở nên giàu có.
Người anh nghe thấy em giàu liền sang chơi và lân la hỏi chuyện. Em không giấu giếm kể lại cho anh tường tận mọi điều. Người anh nằng nặc đòi đổi nhà cửa ruộng vườn của mình lấy mảnh vườn và cây khế, người em dù không muốn nhưng thấy anh cương quyết quá cũng đành đổi cho anh.
Mùa năm sau, cây khế lại sai trĩu những quả vàng chín mọng, người anh khấp khởi mừng thầm, ngày ngày ngóng chờ con chim lạ tới. Thế rồi một hôm, chim tới ăn khế, người anh giả vờ khóc lóc, chim cũng nói:
“Ăn một quả trả một cục vàng
May túi ba gang, mang đi mà đựng”
Người anh nghe vậy, mừng như mở cờ trong bụng, vội vã cùng vợ may một chiếc túi to thật là to. Hôm sau chim tới đưa người anh đi lấy vàng ở hòn đảo xa lạ nọ. Nhìn thấy vàng bạc châu bái trên đảo, người anh vội vàng nhét đầy túi to, lại còn giắt khắp người. Khi người anh leo lên lưng chim, chim phải vổ cánh mấy lần mới bay lên được. Vì quá nặng nên chim bay chậm, mãi vẫn ở trên biển. Chim bảo người anh vứt bớt vàng bạc đi nhưng anh ta không chịu. Chim nặng quá, nghiêng cánh, thế là người anh tham lam cùng túi vàng rơi xuống biển sâu, không bao giờ trở về được nữa.
Kể lại truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi
Những ngôi sao xa xôi là câu chuyện kể về ba cô gái: Thao, Phương Định và Nho trong cùng tổ trinh sát mặt đường. Công việc của họ là ngồi chờ trên cao điểm. Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Công việc thật chẳng đơn giản chút nào. Rất gian khổ và gần kề ngay cái chết.
Họ chạy trên cao điểm cả ban ngày ngay bên cạnh những quả bom đang nằm chờ nổ. Nhưng họ anh dũng và vui vẻ. Họ đã quen với những vết thương, với đất bốc khói, không khí bàng hoàng và tiếng máy bay đang gầm lên ầm ĩ. Thần kinh lúc nào cũng căng lên như chão, tim đập nhanh, chân chạy mà biết chắc rằng xung quanh bom sắp nổ. Nhưng rồi khi xong việc, nhìn đoạn đường, họ thấy vui, thở phào nhẹ nhõm và sà ngay về cái căn hầm mát lạnh của mình. Đánh một hơi nước mát cho thật đã, xong thì tất cả nằm dài trên nền đất ẩm nghe ca nhạc hay có thể nghĩ lung tung.
Hôm ấy vào buổi trưa, không gian im ắng lạ. Phương Định ngồi dựa vào thành đá và khe khẽ hát. Cô mê hát, có khi bịa ra cả những lời hát ngớ ngẩn lung tung. Định người Hà Nội và là một cô gái khá với hai bím tóc dày, mềm, cái cổ cao và đôi mắt đẹp. Nhiều anh lái xe quý mến thường gửi thư tán tỉnh cô.
Đang mơ màng suy nghĩ, Định bỗng giật mình. Có tiếng giục của Nho và chị Thao. Họ đã nhận ra tiếng máy bay trinh sát. Cả tổ đã rất quen với việc: cái sự im lặng là sự bất thường. Tiếng máy bay trinh sát và tiếng phản lực gầm gào theo sau.
– Sắp đấy! – Nho quay lưng lại, chụp cái mũ sắt lên đầu. Chị Thao vẫn thong thả nhai mấy chiếc bánh quy. Chị bình tĩnh đến phát bực nhưng lại hay sợ máu. Chị hay diêm dúa nhưng trong công việc, chị cương quyết và táo bạo vô cùng.
Chị Thao cầm cái thước trên tay Định, rồi nói: “Định ở nhà. Lần này nó bỏ ít, hai đứa đi cũng đủ”, rồi kéo tay Nho, vác xẻng lên vai đi ra cửa.
Định ở nhà trực điện thoại. Lòng cô nóng như lửa đốt. Xung quanh chỉ thấy khói bom mù mịt và tiếng cao xạ nã nhau chan chát. Địch tấn công dữ quá nhưng cũng may các anh cao xạ, thông tin và công binh đã kịp chi viện cho ba cô gái.
Nửa tiếng sau, chị Thao về, bình thản mệt lả và cáu kỉnh. Đại đội trưởng đã có được thông tin. Anh tế nhị cảm ơn ba cô gái.
Nho cũng về, bình thản và ướt sũng. Cô vừa tắm ở dưới suối lên, đẹp và mát mẻ như một que kem trắng.Cả tổ nghĩ ngợi một lúc rồi tối lại ra đường luôn. Họ đi phá bom trong cái không khí vắng lặng đến kinh người. Ba cô gái thao tác rất nhanh và thành thục. Hai mươi phút sau, một hồi còi, rồi hồi còi thứ hai nổi lên. Những tiếng bom nổ vang trời xé toang không gian yên lặng. Mùi thuốc bom buồn nôn, đất đá rơi lộp bộp, tan đi âm thầm trong những bụi cây.
Thao và Định đã định ra về. Nhưng bất chợt họ phát hiện ra Nho đã bị thương. Hầm của Nho bị sập khi cả hai quả bom của chị cùng phát nổ.
Định và Thao đưa Nho về. Vết thương không sâu lắm nhưng bom nổ gần nên Nho bị choáng. Họ tự lo chăm sóc cho cô gái vì không muốn làm phiền đơn vị. Lát sau, Nho đã thiếp đi.
Hai cô gái ngồi yên lặng nhìn nhau. Họ đang nuốt những giọt nước mắt vào trong vì lúc này phải giữ sao cho cứng cỏi. Chị Thao hát, những giai điệu sai và lạc nhịp. Nhưng cần phải hát. Hát để quên đi và để vững tin hơn.
Có một đám mây, một đám nữa rồi thêm đám nữa kéo đến cửa hang. Bầu trời đen đi và cơn dông ào đến đột ngột như một biến đổi bất thường trong trái tim con người vậy. ở rừng mùa này hay thế. Trời mưa. Nhưng là mưa đá. Định nhận ra và thích thú cầm một viên đá nhỏ thả vào lòng bàn tay của Nho, vui thích và cuống cuồng.
Mưa tạnh và tạnh rất nhanh. Định bỗng thẫn thờ và nuối tiếc. Nhưng cô không tiếc những viên đá nhỏ. Cô đang nhớ về mẹ, về những ngôi sao to trên bầu trời thành phố, nhớ bà bán kem, nhớ con đường nhựa… cơn mưa đã vô tình đã xoáy mạnh vào những kỷ niệm trong tâm hồn của cô gái xa quê.
Đề 2: Hãy tưởng tượng mình là Xi- Mông, kể lại chuyện Bố của Xi-Mông.
Bài văn mẫu: Hãy tưởng tượng mình là Xi- Mông, kể lại chuyện Bố của Xi-Mông
Quá khứ của tôi đã có những ngày buồn đau và tuyệt vọng. Nhưng nếu không có những ngày như thế, có lẽ tôi sẽ không cảm thấy hạnh phúc tuyệt vời như chính lúc này đây.
Câu chuyện của tôi xảy ra vào ngày đầu tiên khi tôi bước chân vào lớp một. Hôm ấy tôi mừng vui lắm và thật háo hức vô cùng. Tôi đến trường vui tươi và phấn khởi. Thế nhưng khi tôi vừa chực bước chân vào lớp thì một đám bạn xúm đến vây quanh lấy chân tôi. Một đứa trong đám bắt đầu ném vào tai tôi bao lời chua chát mà cho đến bây giờ tôi vẫn chẳng thể nào quên. Tôi bực giật nhưng đành câm lặng bởi đúng là lúc ấy… tôi không có bố. Tôi bật khóc, vậy mà lũ bạn tôi vẫn chưa chịu thôi cái trò chơi quái ác. Buổi học đầu tiên với bao mong đợi đã không thành. Tôi buồn nản và vô cùng thất vọng bỏ ra phía bờ sông.
Trời ấm áp và dễ chịu. Ánh mặt trời êm đềm sưởi ấm bãi cỏ. Nước lấp lánh như gương. Tôi muốn nằm ngay ra đó và ngủ đi một giấc nhưng lại không sao ngủ được. Không thể nào quên được những câu nói vừa qua. Đầu tôi choáng váng, chân tay mệt mỏi rã rời. Tôi muốn chìm ngay xuống dưới lòng sông để quên đi tất cả. Nhưng không hiểu sao tôi lại trù trừ không muốn làm ngay. Mắt tôi rệu rã nhìn theo những đám bọt trên sông.
Đang chán ngán, tôi bỗng thấy một chú nhái con màu xanh lục nhảy nhót dưới chân. Tôi vung tay tóm lấy mà không được. Tôi đuổi theo, vồ hụt ba lần liền rồi mới tóm được hai chân sau của nó. Tôi bật cười nhìn con vật cố giãy giụa để thoát thân. Nó thu mình lại trên đôi cẳng lớn, rồi bật phắt lên, đột ngột duỗi cẳng, ngay đơ như hai thanh gỗ; trong lúc giương tròn con mắt có vành vàng, nó dùng hai chân trước đập vào khoảng không, huơ lên như hai bàn tay. Trò nghịch với chú nhái bỗng gợi cho tôi nhớ về một đồ chơi thuở nhỏ. Và thế là tự nhiên tôi nghĩ đến nhà, đến mẹ. Tôi thấy buồn vô cùng và lại khóc. Người tôi rung lên, tôi sợ, quỳ xung và đọc kinh cầu nguyện như trước khi đi ngủ nhưng không đọc hết. Nỗi buồn càng lúc càng giăng kín lòng tôi. Tôi chẳng còn nghĩ được điều gì nữa, chẳng nhìn thấy cái gì nữa. Tôi chỉ ngồi ôm mặt và cứ nức nở mãi không thôi.
Thế rồi, bỗng nhiên tôi giật nảy mình. Một bàn tay chắc nịch của ai đó vừa đặt lên vai tôi và tai tôi nghe những lời nói ồm ồm nhưng đầy chia sẻ:
– Có điều gì làm cháu buồn phiền đến thế, cháu ơi?
Tôi quay lại. Một bác công nhân cao lớn, râu tóc đen, quăn, đang nhìn tôi bằng ánh mắt nhân hậu vô cùng. Tôi trả lời, giọng nghẹn ngào trong khi mắt vẫn còn ươn ướt:
– Chúng nó đánh cháu… vì… cháu… cháu… không có bố… không có bố.
– Sao thế – bác ta mỉm cười bảo – ai mà chẳng có bố.
Tôi nói tiếp (một cách khó khăn) trong tiếng nấc:
– Cháu… cháu không có bố.
Tôi nhận ra bác công nhân bỗng nghiêm mặt lại. Và hình như bác đã nhận ra tôi. Bác nói:
– Thôi nào, đừng buồn nữa, cháu ơi, và về nhà với mẹ cháu, với bác đi. Người ta sẽ cho cháu… một ông bố.
Ngay lúc ấy, tôi không biết lời nói kia có thật hay không. Thế nhưng trên đường về, lòng tôi tràn đầy hy vọng.
– Thưa bác, đây rồi! Nhà cháu ở đây – tôi nói:
Mẹ tôi mở cửa bước ra khi bác công nhân đang mải ngắm ngôi nhà nhỏ, quét vôi trắng và hết sức sạch sẽ của mẹ con tôi.
Thấy mẹ tôi, bác e dè, cầm mũ một bên tay và nói:
– Đây, thưa chị, tôi dắt về trả cho chị cháu bé bị lạc ở gần bờ sông.
Không để cho mẹ kịp trả lời, tôi bỗng ôm chầm lấy mẹ rồi òa khóc:
– Không, mẹ ơi, con đã muốn nhảy xuống sông cho chết đuối, vì chúng nó đánh con… đánh con… tại con không có bố.
Đôi má của mẹ tôi cứ thế đỏ bừng lên và đôi mắt gợi một nỗi buồn sâu thẳm. Mẹ ôm tôi vào lòng, hôn lấy hôn để trong nghẹn ngào nước mắt khiến tôi càng nức nở hơn. Nhưng rồi như vừa chợt nghĩ đến một điều gì trước đó, tôi bỗng chạy đến bên bác công nhân và nói:
– Bác có muốn làm bố cháu không?
Tôi hồi hộp đợi chờ, trong khi ấy mẹ tôi ngả vào tường và hai tay ôm ngực. Không thấy trả lời, tôi lại nói, mạnh mẽ và dứt khoát:
– Nếu bác không muốn, cháu sẽ quay trở lại nhảy xuống sông chết đuối.
Đến đây, bác công nhân mới nở nụ cười rồi đáp:
– Có chứ, bác muốn chứ.
Tôi ngây thơ và sung sướng vô cùng. Tôi hỏi tiếp ngay:
– Thế bác tên gì để cháu còn trả lời chúng nó khi chúng nó muốn biết tên của bác?
– Phi-líp – người đàn ông đáp.
Tôi im lặng một giây để ghi nhớ cái tên ấy vào đầu. Rồi hết cả buồn, tôi vươn hai cánh tay ra nói:
– Thế nhé! Bác Phi-líp, bác là bố cháu.
Tôi sung sướng quá! Bác Phi-líp bước đến nhấc bổng tôi lên, hôn vào hai má tôi, rồi bác sải từng bước dài bỏ đi vội vã.
Sau hôm ấy, tôi lại đến trường. Vừa bước vào cửa lớp, tôi lại nghe một tiếng cười ác ý. Buổi học hôm ấy qua nhanh, lúc tan học, đứa bạn hôm trước lại định trêu chọc tôi. Nhưng tôi lớn tiếng quát vào mặt nó:
– Bố tao ấy à, bố tao tên là Phi-líp.
Khắp xung quanh tôi lại bật lên những tiếng la hét vô cùng thích thú:
– Phi-líp gì?… Phi-líp nào?… Phi-líp cái gì?… Mày lấy đâu ra Phi-líp của mày thế?