Trang chủ » Soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mạc Tử

Soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mạc Tử

1. Phân tích nét đẹp của phong cảnh và tâm trạng của tác giả trong khổ thơ đầu.
 
Trả lời: 
 
  Câu thơ mở đầu "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?" là câu hỏi mà thực ra là lời trách móc nhẹ nhàng và cũng là lời mời gọi tha thiết của cô gái thôn Vĩ với nhà thơ (hay đấy cũng là lời tự trách, tự hỏi mình, là ao ước thầm kín của người đi xa được về thôn Vĩ, của người đang mắc căn bệnh khiến mọi người xa lánh tìm về với cuộc đời). Thực ra câu hỏi vọng lên từ phương trời xa xôi ấy đã là duyên cớ để khơi dậy trong tâm hồn nhà thơ bao kỉ niệm sâu sắc, bao hình ảnh đẹp đẽ, đáng yêu về xứ Huế, trước hết là về Vĩ Dạ, nơi có người mà nhà thơ thương mến. Đẹp nhất trong những hồi tưởng ấy (nhà thơ đã từng ở Huế) có lẽ là cảnh thôn Vĩ Dạ trong ánh bình minh.
 
   Dường như Hàn Mặc Tử không tả. Nhà thơ chỉ gợi những gì ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc nhất còn lưu lại trong tâm trí mình. Do đó, câu thơ "Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên" như phác qua cái nhìn từ xa tới, chưa đến Vĩ Dạ nhưng đã thấy hàng cau thẳng tắp, cao vút, vượt lên trên những tán cây khác, những tàu lá cau lấp lánh ánh mặt trời buổi sớm mai. Đây là một quan sát rất tinh tế của nhà thơ: Cái đẹp của thôn Vĩ không chỉ do "nắng" hay do "hàng cau" mà là do "nắng hàng cau", do sự hài hoà của ánh nắng vàng rực rỡ trên hàng cau tươi xanh. Câu thơ bảy chữ mà có tới hai chữ "nắng", tưởng như Hàn Mặc Tử đã gợi đúng cái đặc trưng của nắng miền trung: Nắng nhiều và nắng rực rỡ ngay từ lúc bình minh. Dù sao cụm từ "nắng mới lên" vẫn gợi ra một vẻ đẹp trong trẻo, tinh khiết, có cảm giác ánh nắng ấy đã làm bừng sáng cả khoảng trời hồi tưởng của nhà thơ.
 
   Câu thơ "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc" lại là cái nhìn thật gần của người như đang đi trong những khu vườn tươi đẹp của thôn Vĩ. Có thể coi cái thần thái của thôn Vĩ là vườn cây, vườn bao bọc quanh nhà, gắn với ngôi nhà thành một cấu trúc thẩm mĩ xinh xắn mà Xuân Diệu từng có cảm giác "giống như một bài thơ tứ tuyệt" (Đường về miền Trung). Cũng vì là cấu trúc vườn – nhà cho nên vườn được chăm sóc chu đáo, những khóm hoa, cây cảnh vốn đã xanh tươi lại được những bàn tay khéo léo chăm sóc nên càng thêm đẹp tươi hơn. Câu thơ tả cảnh đã đẹp, từ ngữ lại có hồn và sống động vô cùng. Từ "mướt" gợi sự tươi non, sạch sẽ, láng bóng của từng chiếc lá dưới ánh mặt trời. Trong khi đó, hình ảnh so sánh "xanh như ngọc" gợi hình dung về những tán cây xanh mướt, mượt mà được ánh nắng mặt trời rực rỡ buổi sớm mai chiếu xuyên qua ánh lên màu xanh trong suốt như màu ngọc. Phải là một người có tình yêu tha thiết với thiên nhiên, với cuộc sống, có ân tình thật sâu sắc, đậm đà với thôn Vĩ mới lưu giữ được trong tâm trí những hình ảnh sống động và đẹp đẽ như thế.
 
   Trong ba câu thơ đầu, con người chưa xuất hiện. Đến câu thơ thứ tư, sự xuất hiện ấy cũng không trọn vẹn. Nó ngượng ngùng, e ấp: "Lá trúc che ngang mặt chữ điền". Một sự xuất hiện rất kín đáo, rất đúng với bản tính của con người đất Huế, bởi chỉ có thể thấy thấp thoáng sau những chiếc lá trúc là khuôn mặt chữ điền, khuôn mặt của người ngay thẳng, cương trực, phúc hậu theo quan niệm của người xưa. Có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề ai là chủ thể trữ tình trong câu thơ này (cũng như ở câu thơ đầu vậy). Nếu ta hiểu câu thơ đầu là lời của người con gái Huế thì ở câu này hẳn nhân vật trữ tình có lẽ là chủ nhân của "vườn ai". Thế nhưng nếu câu đầu là lời của tác giả (tự phân thân để tự vấn mình) thì cũng có thể hiểu đây là hình ảnh của người thi sĩ đang rất khổ đau ấy.
 
   Như chúng ta đã biết, bài thơ ra đời khi Hàn Mặc Tử đang phải chiến đấu với bệnh tật – một căn bệnh quái ác trong "tứ chứng nan y" mà lúc đó con người còn bó tay. Ở trong trại phong Quy Hoà, Hàn rất cô đơn. Thi sĩ luôn xem đó là một lãnh cung và tất nhiên luôn khát khao được sống với cái cuộc sống đầy hương sắc ngoài kia. Cuộc trở về bằng tâm tưởng lần này có thể xem là nằm trong cái mạch cảm xúc ấy. Và nếu như câu thơ đầu là lời tự vấn (Vì sao chưa về thăm thôn Vĩ? – vì thi sĩ đang mặc cảm về bệnh tật) thì câu thơ thứ tư có thể được hiểu là: thi sĩ trở về nhưng chỉ dám ngại ngùng núp sau tán trúc mà khao khát nhìn vào cái cuộc sống ngọt ngào, đầy hương sắc kia (khu vườn) vậy. Điều này phù hợp với sự chuyển biến tâm trạng của nhân vật trữ tình trong khổ thơ thứ hai và thứ ba.
 
2. Hình ảnh gió, mây, sông, trăng trong khổ thơ thứ hai gợi cảm xúc gì?
 
Trả lời:
 
   Hàn Mặc Tử chuyển mạch thơ sang khổ thứ hai một cách khá đột ngột bằng những hình ảnh rất ấn tượng:
 
   Gió theo lối gió, mây đường mây.
 
   Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
 
   Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
 
   Có chở trăng về kịp tối nay?
 
   Ở khổ thơ này, tâm trí Hàn Mặc Tử hướng về sông Hương với hai nét tiêu biểu cho xứ Huế là êm đềm và thơ mộng. Nhưng không chỉ có vậy, câu thơ còn ẩn sâu trong đó là biết bao cảm xúc, suy tư của nhà thơ.
 
   Trong hai câu đầu, sông Hương hiện lên với vẻ êm đềm, hợp với nhịp điệu khoan thai của xứ Huế: Gió mây nhè nhẹ bay đi, dòng nước chảy lững lờ, cây cỏ khẽ đung đưa. Tuy nhiên, có vẻ như sự êm đềm chỉ ở cái hình thức bên ngoài, bởi câu thơ đã tàng ẩn một sự chia lìa, tan tác: Gió mây vốn luôn đi liền với nhau, gió thổi mây bay và nhờ gió mà dòng sông mới có sóng, thế mà ở đây "gió theo lối gió, mây đường mây". Sự chia lìa đã diễn ra ngay trong cả những thứ vốn không thể chia lìa được. Động từ lay thật gợi buồn, buồn đến hiu hắt vậy. Nó là nét buồn phụ hoạ với gió, mây, dòng nước, hay nỗi buồn nước – mây như đã xâm chiếm vào lòng hoa bắp.
 
   Hai câu thơ sau là hai chiều cảm xúc: Tâm hồn nhà thơ có buồn, có cô đơn nhưng vẫn chan chứa tình yêu với con người và thiên nhiên xứ Huế. Cảnh thực mà cứ như ảo, vì dòng sông không còn là dòng sông của sóng nước nữa mà là dòng sông ánh sáng, lấp lánh ánh trăng vàng. Cũng vì thế, con thuyền vốn có thể có thực trên sông đã trở thành một hình ảnh của mộng tưởng. Nó đậu trên bến sông trăng để chở trăng về một nơi nào đó trong mơ. Câu thơ có một cái gì đó rất chơi vơi gợi hình dung rất rõ về một sự thất vọng nhói đau. Sự thất vọng ấy, bi kịch ấy được gợi ra từ chữ "kịp" (Có chở trăng<> vê kịp tối nay?). Ta không thể biết "tối nay" là một tối nào cụ thể. Nhưng qua giọng thơ khắc khoải và chữ "kịp" thì thi sĩ chắc sẽ hoàn toàn rơi vào tuyệt vọng, vĩnh viễn đau thương. Chữ "kịp" hé mở cho ta một mặc cảm: mặc cảm về một hiện tại ngắn ngủi, hé mở cho ta thấy chủ thể đang cố chạy đua với thời gian. Thơ là sự lên tiếng của tâm hồn, của thân phận. Câu thơ thật đúng với thân phận Hàn Mặc Tử.
 
3. Ở khổ thơ thứ ba, nhà thơ bộc lộ tâm sự của mình như thế nào? Chút hoài nghi trong câu thơ: "Ai biết tình ai có đậm đà?" có biểu hiện niềm tha thiết với cuộc đời không? Vì sao?
 
Trả lời:
 
   Ở hai khổ thơ trên, Hàn Mặc Tử hướng đến thiên nhiên xứ Huế để mà tâm sự. Trong khổ thơ cuối này, nhà thơ trực tiếp tâm sự với người xứ Huế. Câu thơ mở đầu khổ như nhấn mạnh thêm nỗi xót xa (Mơ khách đường xa, khách đường xa), như lời thầm tâm sự của nhà thơ với chính mình trước lời mời của cô gái thôn Vĩ (Sao anh không về chơi thôn Vĩ?), có lẽ nhà thơ mãi chi là người khách quá xa xôi, hơn thế, chí là người khách trong mơ mà thôi. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới suy tư ấy, nhưng chủ yếu ở đày là mặc cảm về tình người.
 
   Câu thơ có thể hiểu theo hai nghĩa, về nghĩa thực, xứ Huế nắng nhiều, mưa nhiều nên cũng nhiều sương khói, sương khói làm tăng thêm vẻ hư ảo, mộng mơ của Huế, nhưng sương và khói đều màu trắng, "áo em" cũng màu trắng thì chỉ có thể thấy bóng người thấp thoáng, mờ ảo. Về nghĩa bóng, cái sương khói làm mờ cả bóng người ấy phải chăng tượng trưng cho bao cái huyễn hoặc của cuộc đời đang làm cho tình người trở nên khó hiểu và xa vời?
 
   Câu thơ cuối mang chút hoài nghi mà lại chan chứa niềm thiết tha với cuộc đời: "Ai biêt tình ai có đậm đà?". Đại từ phiếm chỉ "ai" mở ra hai lớp nghĩa của câu thơ: Nhà thơ làm sao biết được tình người xứ Huế có đậm đà không, hay cũng mờ ảo, dễ có chóng tan như sương khói kia; tuy vậy người Huế có biết chăng tình cảm nhà thơ với cảnh Huế, với người Huế hết sức thắm thiết, đậm đà. Dù hiểu theo nghĩa nào thì câu thơ cũng chỉ làm tăng thêm nỗi cô đơn, trống vắng trong một tâm hồn tha thiết yêu thương con người và cuộc đời.
 
4. Có gì đáng chú ý trong tứ thơ và bút pháp của bài thơ?
 
Trả lời:
 
– Tứ thơ là ý chính, ý lớn bao quát bài thơ, là điểm tựa cho sự vận động của cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng toàn bài thơ. Ở bài thơ này, tứ thơ bắt đầu với cảnh đẹp thôn Vĩ bên dòng sông Hương, từ đó khơi gợi liên tưởng thực – ảo và mở ra bao nhiêu nỗi niềm cám xúc, suy tư về cánh và người xứ Huế với phấp phỏng những mặc cảm, uẩn khúc, niềm hi vọng, niềm tin yêu.
 
– Bút pháp của nhà thơ sử dụng trong bài thơ này kết hợp hài hoà điệu tả thực, tượng trưng, lãng mạn và trữ tình. Cảnh đẹp xứ Huế đậm nét tả thực mà lại có tính chất tượng trưng. Sự mơ mộng làm tăng thêm sắc thái lãng mạn. Nét chân thực của cảm xúc làm đậm thêm chất trữ tình.
 
LUYỆN TẬP
 
1.  Những câu hỏi trong bài thơ hướng tới ai và có tác dụng gì trong việc biểu hiện tâm trạng của tác giả?
 
Trả lời:
 
Bài thơ có ba câu hỏi ứng với ba khổ thơ:
 
– Khổ 1 : Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
 
– Khổ 2: Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
 
– Có chở trăng về kịp tối nay?
 
– Khổ 3: Ai biết tình ai có đậm đà?
 
   Những câu hỏi trên đều không hướng tới một đối tượng nào cụ thể, vì đây không phải là những câu hỏi kiểu vấn đáp mà chỉ là những hình thức tỏ nỗi niềm tâm trạng (Xem thêm phần phân tích ý nghĩa của những câu thơ này ở phần trên).
 
2. Hoàn cảnh sáng tác và nội dung bài thơ gợi cho anh (chị) cảm nghĩ gì?
 
Trả lời:
 
   Nội dung bài thơ thể hiện nỗi buồn, niềm khao khát của một con người tha thiết yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu con người. Bài thơ đẹp như thế, trên thực tế lại được sáng tác khi nhà thơ ở trong một hoàn cảnh thật tối tăm, tuyệt vọng (bệnh tật giày vò, nỗi ám ảnh về cái chết, về sự xa lánh của người đời). Điều đó khiến ta thêm thương xót và cảm thông với số phận của tác giả, thêm cảm phục một con người đầy tài năng và nghị lực, con người đã dũng cám vượt lên trên hoàn cảnh nghiệt ngã để sáng tác ra những vần thơ tài hoa về tình đời, tình người.
 
3*. Đây là bài thơ về tình yêu hay về tình quê? Vì sao bài thơ diễn tả tâm trạng riêng của nhà thơ lại tạo được sự cộng hưởng rộng rãi và lâu bền trong tâm hồn các thế hệ bạn đọc?
 
   Có thể nói, Đây thôn Vĩ Dạ trước hết là một bài thơ về tình yêu. Xuyên qua sương khói hư ảo của tình yêu mơ mộng là tình quê, là tình yêu thiết tha đằm thắm với đất nước, quê hương. Với việc khơi gợi lên tình cảm yêu thương chung của nhiều người như thế. Bài thơ diễn tả tâm trạng riêng của tác giá lại tạo được sự cộng hưởng rộng rãi và lâu bén trong tâm hồn của bao thế hệ người đọc. 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top