Trang chủ » Bài văn tả cây cổ thụ lớp 5 hay nhất

Bài văn tả cây cổ thụ lớp 5 hay nhất

Bài làm 1
 
“Cây gì có rễ buông mành,
 
Lá rụng em biến được thành đàn trâu?”
 
   Các bạn có biết, đó là loài cây gì không? Đó chính là cây đa. Trước đình làng Mọc của tôi cũng có một bác đa già. Quanh năm, bác khoác một chiếc áo xanh um và che rợp bóng mát.
   Nhìn từ xa, bác đa cao lớn như một vệ sĩ dũng mãnh đang canh giữ xóm làng. Một điều khiến chúng tôi thích thú là đôi chân sần sùi, nâu đen của bác. Đôi chân ấy là những chiếc rễ lớn, cuồn cuộn nổi lên mặt đất, mọc chìa ra xung quanh rồi cắm sâu xuống lòng đất. Chắc hẳn, nhờ đôi chân này mà bác vẫn đứng hiên ngang bao năm tháng, chẳng mưa gió nào có thể quật ngã được bác. Từ đôi chân này, thân bác đa vươn thẳng lên trời. Thân bác to tròn, làm trụ đỡ vững chắc cho muôn cánh tay. Cánh tay bác là những cành đa. Vì đây là cây đa cổ thụ nên nó có rất nhiều cành lớn nhỏ khác nhau. Cây đa đứng cạnh một chiếc hồ lớn, có những cành mọc chìa ra phía lòng hồ che mát cho đàn cá dưới nước. Những cánh tay bác đa như đang vươn ra mọi phía để nâng đỡ “mái tóc” lá dày, xanh um của bác. Những ngày mây mù, tầng lá đa ẩn hiện như chạm tới vòm trời. Lá đa tròn bầu, thuôn về phía trước. Mặt lá hơi thô ráp, những đường gân nổi lên theo hình xương cá. Nhờ cấu tạo đặc biệt này, chúng tôi thường biến lá đa thành những chú trâu ngộ nghĩnh. Chúng tôi còn hay nghịch những quả đa. Quả đa. Quả đa tròn, to hơn viên bi một chút. Chúng kết thành từng chùm. Khi chín vàng, quả đa rơi đầy khắp mặt đất. Đàn chim líu lo sà xuống, dùng chiếc mỏ nhỏ của mình để nhặt nhạnh. Dường như với những chú chim, quả đa là món ăn vô cùng hấp dẫn.
   Bao năm tháng qua đi, bác đa già vẫn lặng lẽ đứng đó. Có lẽ, bác không chỉ đứng để che mát cho người dân mà còn để chứng kiến niềm vui, nỗi buồn và nhịp sống thường ngày của dân làng.
 
Bài làm 2
 
Giữa sân trường tôi, đứng sừng sững một cây phượng đang nở rộ những đoá hoa đỏ thắm. Tôi không biết nó được trồng từ bao giờ, chỉ biết rằng, khi tôi mới đặt chân vào trường đã thấy nó đứng đấy như một chàng hiệp sĩ hiên ngang, che chắn nắng mưa cho tụi nhỏ trường tôi.
 
Cây phượng đã già lắm rồi. Thân cây đã chuyển sang gam màu xám có nhiều đốm trắng bạc vì cao tuổi. Nó giương những cánh tay che chở cho chúng tôi khỏi những tia nắng gay gắt cùa mùa hè đổ lửa. Dưới gốc cây, nổi lên những cái rễ lớn, ngoằn ngoèo, uốn lượn như những con rắn đang trườn vào bóng râm hóng mát. Phía trên là tán lá như một cái lọng khổng lồ. Tôi không biết ai đã đan những cành cây lại với nhau mà thành cái lọng khéo đến như vậy. Những chú ve thường ẩn mình trong vòm lá phượng và cất tiếng kêu ra rả suốt ngày.
 
Giữa khoảng trời mênh mông, những đoá hoa phượng đỏ rực nổi bật lên, rực thắm và dễ thương. Vào giờ ra chơi, những cánh hoa phượng được các bạn gái tách ra thành những chú bướm xinh xinh. Sau nhừng ưận mưa rào, hoa phượng rơi rải rác khắp sân trường tựa như cả mặt sân được trải lên một tấm thảm màu đỏ tươi, ánh lên dưới tia nắng mặt trời. Cây phượng thay lá quanh năm. Mùa đông, cây rụng hết lá, phô ra những cành trơ trụi, khẳng khiu. Nhưng sang xuân, chồi non lại nhú ra, phủ một màu xanh tươi mát cho cây. Mỗi lần như thế dường như tuổi thanh xuân lại trở về với cây phượng già, xoá đi sự già nua đã in hằn lên thân hình của nó. Sau đó không lâu, ở khắp sân trường hình ảnh của mùa hè lại được vẽ lên bằng những chùm hoa đỏ thắm. Cây phượng đem lại niềm vui sướng, háo hức cho tuổi học trò.
 
Mùa hè lại đến và những cánh phượng như những cánh bướm vẫn nằm trong những trang lưu bút của tụi nhỏ chúng tôi như một dấu ấn kỉ niệm đẹp mà trước lúc chia tay gửi lại cho nhau để nghỉ hè.
 
Bài làm 3
 
Làng tôi có nhiều cảnh đẹp. Cây gạo chùa Công nở hoa đỏ rực mùa hè. Hàng đề cổ thụ chùa Yên xanh um, thấp thoáng tượng Bụt ốc, tượng La Hán..,. sơn son thếp vàng. Nhưng đẹp nhất, thân mật nhất là cây đa cổ thụ đình Hạ.
Cây đa có nhiều rễ phụ, gốc đa xù xì như bầy trăn cổ quái đang bò lượn. Phải đến năm, sáu người lớn vòng tay lại mới ôm nổi gốc đa. Lá đa to và dày bằng bàn tay, dày và óng mượt. Búp đa màu đồng điếu, nhọn hoắt như ngọn giáo của các dũng sĩ thời xưa. Từ mùa xuân đến mùa đông, tán đa xanh biếc, toả bóngmột vùng trời. Ngọn đa xanh non màu cổ tích, như đội mây, như che mưa nắng cho mái đình, cho cổng tam quan.
 
Cành đa, ngọn đa là mái nhà êm ấm của lũ chim trời. Là nơi trú ngụ của chúng trong những ngày mưa bão. Là nơi ca hát đón chào bình minh của đàn sơn ca. Là nơi chia mồi, tranh giành quả ngon, trái ngọt của bầy sáo sậu, sáo mỏ vàng khi mùa đa chín. Ngọn đa là nơi quạ khoang làm tổ. là nơi chú cò trắng ngồi ung dung, ngất nghểu ngắm cánh đồng xanh trong bóng xế tà….
 
Gốc đa đình Hạ ôm ấp quán nước chè xanh của bà cụ Tứ, quây quần mẹt bánh đúc lạc của bà Na, là nơi ngồi nghỉ chân chuyện trò của các bác thợ cày, của khách đi đường trong những ngày nắng hạ.
 
Cây đa làng tôi đã trên hai trăm tuổi. Bà con làng tôi, già trẻ gái trai, ai cũng yêu quý, tự hào coi cây đa như vị Thần hoàng làng. Cây đa đã rũbóng, che mát tâm hồn dân làng tôi, lưu giữ bao kỉ niệm cảm động một thời loạn lạc. Tình quê vơi đầy, dào dạt trong lòng tôi ôm ấp bóng da xanh.
 
Tôi đã bao lần ngắm nhìn cây đa làng tôi. Chiều chiều đi học về, đứng từ xa nhìn bóng đa in thảm trên nền trời xanh, tôi bâng khuâng đứng lặng ngắm nhìn, và thấy lòng mình yên tĩnh lạ. Cây đa cao ngất tầng không là hình bóng quê hương yêu quý của tôi. Giấc ngủ tuổi thơ của tỏi đã có bóng đa trùm mát rượi.
 
Bài làm 4
 
Nếu nói về con đường trước nhà em, ai cũng sẽ nghĩ tới khung cảnh thiên nhiên nơi đây. Vì trải dọc theo con đường là những cây cổ thụ lâu đời được trồng xen kẽ với những khóm hoa dại thì càng làm tôn thêm vẻ đẹp của nơi này. Ở đây có rất nhiều cây che mát hai bên đường . Nhưng em thích nhất là cây điệp được trồng bên kia đường, đối diện với nhà em.
 
Nhìn từ xa, cây điệp giống như một cây dù xanh khổng lồ đứng sùng sũng với phong cách uy nghiêm như một vệ sĩ vô hình. Những tán lá dày tỏa bóng mát rộng cả một góc sân nhà. Gốc cây rất to và vững chắc, một vòng tay không thể ôm xuể mà phải tới ba bốn người nắm tay nhau ôm gốc cây. Rễ cây ngoằn nghoèo, bò lan khắp mặt đất như những con rắn hồ phùng mang trợn má. Thân cây cao hơn mười mét, vươn lên bầu trời, vượt qua những cây khác. Vỏ cây sần sùi, nham nhám và lốm đốm chỗ nâu đen. Nếu sờ vào, bạn sẽ cảm nhận được những vết khắc lên thân cây của những đứa trẻ tinh nghịch. Cành cây vươn dài, có nhiều nhánh nhỏ. Trên cành cây có rất nhiều lá. Đó là loại lá kép, nho nhỏ như lá me, hình cánh chim với chiều dài từ 3-5cm màu xanh và có khoảng 8-12 lá trên một tàu, mùa lá rụng cây điệp vàng rực cả góc như một tấm thảm .Mùa xuân, cây đâm chồi nảy lộc rồi nở hoa. Nụ hoa tròn như viên bi nhỏ, mịn như bọc lớp nhung nâu. Bên trong nụ là một bông hoa. Lúc hoa nở thì có màu vàng nhạt. Cánh hoa rất mịn, hoa thường nở rộ vào khoảng tháng ba, lúc nào cũng chót vót ở đầu ngọn. Đến mùa kết quả, cây điệp mang trên mình một rừng quả, quả mọc chi chít trên cây. Qủa dẹt, thẳng dài từ 10-20cm dài như đậu co ve, lúc non thì có màu xanh, còn lúc già thì có màu đen thẫm như than. Tán lá xum xuê, xanh um và xòe ra như cái nấm, sớm chiều che mưa, che nắng cho chúng em. Loại cây này, tuy không quá đẹp để được trưng trong nhà, không quá lãng mạn để những người đang yêu hái tặng nhau nhưng mùa hoa điệp đến lại gợi cho mỗi người một nỗi niềm riêng sâu lắng khi bước đi giữa những cung đường đầy sắc hoa với những bông vàng nhỏ xinh rơi đầy mặt phố…
 
Em rất yêu quý cây điệp vì cây đã làm tăng vẻ đẹp cho con đường. Nhờ cái màu vàng rực ấy đã khiến chúng em nôn nao một kì nghỉ hè hơn. Điệp đã gắn bó với tuổi thơ em biết bao niềm vui nỗi buồn. Có lẽ dù mai sau lớn lên, điệp có già nua hơn em vẫn luôn coi cây là một người bạn đồng hành, tri kỉ nhất.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top