Trang chủ » Bài viết số 2 lớp 8 đề 4 : Nếu là người được chứng kiến cảnh Lão Hạc kể chuyện bán chó với ông giáo thì em sẽ ghi lại câu chuyên đó như thế nào hay nhất

Bài viết số 2 lớp 8 đề 4 : Nếu là người được chứng kiến cảnh Lão Hạc kể chuyện bán chó với ông giáo thì em sẽ ghi lại câu chuyên đó như thế nào hay nhất

Bài làm 1
 
Tôi choàng tỉnh giấc, dậy từ khi mặt trời còn chưa treo ngọn tre. Đó là một thói quen bình thường của người làm nghề nông. Cả cái làng Vũ Đại này, có ai không làm nghề nông chỉ trừ ông Bình giáo ra. Ông ấy là người học rộng lại hiểu sâu, chính vì vậy mà tôi định đến nhà ông giáo để viết một số giấy tờ nhà đất.
Con đường làng dài và hẹp. Gió thổi vi vu khiến cho những rặng tre xào xạc, đung đưa. Quanh nhà ông giáo, những hàng râm bụt lá vàng úa vẫn còn tồn tại sau trận bão khủng khiếp. Vừa thấy tôi, ông giáo liền nói: "Chào bác". Tôi đáp lại:
 
– Vâng, chào anh! Hôm nay tôi sang đây là muốn nhờ anh viết một số giấy tờ đất đai!
 
– Vậy mời bác vào nhà nhà xơi nước cái đã!
 
Ông giáo mời tôi ngồi trước thềm nhà, chúng tôi đang bàn bạc thì bỗng đâu có tiếng nói hớt hải vọng tới:
 
Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ!
 
A! Thì ra là lão Hạc, lão mặc bộ quần áo xộc xệch, đầu tóc rồi bù trông có vẻ kham khổ lắm. Lão là người hàng xóm của tôi. Vợ lão chết, con lão thì đi làm đồn điền cao su không biết khi nào về. Lão cứ sống như vậy cô đơn, thui thủi một mình ngày này qua ngày khác. Nhưng có điều khiến tôi thấy rất lạ. Hôm trước, tôi còn sang xin nhà lão mấy củ gừng về pha nước thì thấy lão cưng nựng con chó lắm kia mà; một điều "cậu" này, hai điều "cậu" nọ. Khi ăn thỉnh thoảng lão còn gắp thức ăn cho con chó của lão. Vậy mà giờ lại phải bán nó đi sao? Ông giáo hỏi:
 
– Thế nó cho bắt à?
 
Lúc bấy giờ thì mắt lão Hạc đã ầng ậc nước. Những nếp nhăn xô vào với nhau, ép cho nước mắt chảy ra, trông lão giờ già đi đến hơn chục tuổi.
 
– Khốn nạn! Nó có biết gì đâu ông giáo ơi! Nó thấy tôi gọi thì chạy ra. Cùng lúc đó thì chúng nó tóm gọn con chó rồi lôi đi xềnh xệch.
 
Tôi bắt đầu hiểu ra câu chuyện của lão Hạc và mường tượng cảnh thằng Mục, thằng Xiên dốc ngược con chó lên, trói chân, trói tay nó lại rồi mang đi. Lão Hạc mếu máo nói:
 
– Lúc đấy thì cu cậu mới biết là cu cậu chết! Mắt nó long sòng sọc rồi dại đi. Nó cứ ăng ẳng nhìn tôi như thể nó nói: A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão thế nào mà giờ lão xử tôi như vậy hả.
 
– Cụ cứ khéo tưởng tượng đấy chứ nó có biết gì đâu. Vả lại! Ai nuôi chó mà chẳng để giết thịt. Ta giết nó chính là hóa kiếp cho nó đấy chứ! – Ông giáo nói.
 
Lão Hạc chua chát bảo:
 
– Ông giáo nói phải! Ta hóa kiếp cho nó để nó được đầu thai thành kiếp khác may ra có là kiếp người. Như ông với tôi chẳng hạn!
 
Tôi nghe mà không kìm được nước mắt. Tôi cảm thấy đau khổ và xót thương cho lão Hạc quá! Lão chỉ có mỗi con chó để bầu bạn hằng đêm. Có con chó đó cũng đỡ buồn và bù đắp được cho sự thiếu thốn tình cảm của lão. Vậy mà giờ lão phải bán nó đi để lấy tiền để dành cho con sao! Lão Hạc quả là một con người tốt và có tình thương yêu con sâu sắc mà hiếm ai có được.
 
Ông giáo nói:
 
– Không có kiếp gì là sướng cả! Để tôi vào nhà pha ấm nước chè rồi ba ông con mình vừa rít thuốc lào vừa uống, thế là sướng!
 
– Ông giáo dạy phải! Nhưng giờ tôi có việc gấp phải đi bây giờ ông giáo ạ!
 
– Còn sớm mà, cụ hẵng ở lại chơi với chúng tôi cái đã!
 
– Ông giáo cho tôi xin khất chứ hôm nay thì nhất quyết không được.
 
Vậy là lão Hạc lại loạng choạng ra về trong sự ái ngại của tôi và ông giáo. Thuốc lào đã được vo viên mà không ai thèm đụng đến. Tôi nghĩ đến lão Hạc, một con người đầy tình thương và giàu lòng tự trọng. Một người vì con mà sẵn sàng bán đi thứ yêu quý nhất, kỷ vật của mình. Một người mà đã mếu máo, khóc hu hu như trẻ con vì nỡ lừa một con chó. Một người đáng kính như vậy mà phải sống khổ, sống sở như vậy sao? Cuộc đời thật bất công đối với những con người tốt, chỉ toàn khổ đau, bất hạnh. Tôi từ biệt ông giáo đi về mà lòng đau như cắt.
 
Tôi, ông giáo và lão Hạc, những người nông dân nghèo khổ, bị xã hội dồn đến đường cùng mà vẫn phải sống, vẫn phải tồn tại trên cái thế giới này. Cảm ơn lão Hạc, lão đã cho tôi hiểu được tình thương và lòng tự trọng quý giá của một con người. Tôi sẽ mãi khắc sâu bài học này trong tâm can và ý chí của mình đến cuối đời!
 
Bài làm 2
 
Ở xóm Giữa của làng Đại Hoàng chỉ có khoảng vài chục nóc nhà. Lão Hạc là hàng xóm của gia đình em và gia đình ông giáo Tri. Ông giáo Tri là người có học, hiểu biết rộng và tử tế nên được dân làng tin cậy. Chiều chiều, lão Hạc thường xách cái vò đất nung sang nhà ông giáo để xin nước giếng. Lần nào ông giáo cũng giữ lão Hạc lại chuyện trò, uống bát nước chè tươi hoặc hút điếu thuốc lào… để cho lão bớt cảm thấy lẻ loi, cô độc. Vợ chết đã lâu, con trai lại đi phu cao su đất đỏ mãi tận Nam Kì, Lão Hạc sống thui thủi một mình trong căn nhà nát chỉ có mỗi chú chó Vàng làm bạn. Lão quý nó như quý con, cho nó ăn bằng bát như người.
 
Chiều nay, lão sang chơi sớm hơn mọi khi. Vừa thấy ông giáo, lão báo ngay:
 
– Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!
 
Ông giáo ngạc nhiên:
 
– Cụ bán nó rồi ư? Sao cụ bảo là…?
 
Lão Hạc gật đầu, cố lấy giọng vui vẻ nhưng miệng méo xệch và mắt thì đỏ hoe. Ông giáo nhìn lão ái ngại, lòng đầy thương xót:
 
– Thế nó để cho bắt dễ dàng hả cụ? Bất chợt, lão Hạc bật khóc hu hu, khuôn mặt co rúm lại vì đau khổ.
 
– Khốn nạn… ông giáo ơi!… Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau dốc ngược lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chỉ loay hoay một lúc là trói chặt cả bốn chân nó lại. Đấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết!… Này! ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó kêu ư ử và nhìn tôi, như muốn trách tôi rằng: "A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão đối xử với tôi như thế này à?". Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi mà còn đánh lừa một con chó. Nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!
 
Ông giáo vỗ an, an ủi lão:
 
– Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả hiểu gì đâu! Vả lại, ai nuôi chó mà chả để bán hay giết thịt! Ta giết nó chính là hoá kiếp cho nó đấy, hoá kiếp để cho nó làm kiếp khác cụ ạ!
 
Lão Hạc cố gượng cười:
 
– Ông giáo nói phải! Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra sung sướng hơn một chút… Kiếp người như kiếp tôi đây chẳng hạn!
 
Biết lão đang tự mỉa mai, ông giáo nói:
 
– Kiếp ai thì cũng thế cả thôi, cụ ạ! Cụ tưởng tôi sung sướng hơn chăng? Thôi, bây giờ có cái này là sung sướng: Cụ ngồi xuống phản chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai, nấu ấm nước chè, rồi tôi với cụ vừa ăn khoai, uống nước hút thuốc lào vừa nói chuyện, thế là sướng!
Vẻ mặt lão Hạc nghiêm trang hẳn:
 
– Xin phép ông giáo để cho khi khác! Tôi muốn nhờ ông giáo giúp cho một việc.
 
– Việc gì thế cụ?
 
– Chuyện là thế này, ông giáo ạ!
 
Thế rồi lão Hạc kể lể về anh con trai của lão chỉ vì không có tiền cưới vợ mà phẫn chí bỏ nhà đi phu đồn điền cao su ở tận Nam Kì đã hơn năm nay. Lão nhờ ông giáo trông coi hộ mảnh vườn ba sào để sau này, con trai lão về thì có sẵn đất đấy mà làm ăn. Còn chuyện thứ hai là lão gửi ông giáo giữ hộ ba mươi đồng bạc dành dụm từ việc bán chút hoa lợi còm cõi và tiền vừa bán chó. Lão bảo rằng lão đã già yếu, lại nay ốm mai đau, chẳng biết thế nào. Rủi có nằm xuống thì sẵn số tiền ấy, nhờ ông giáo đứng ra lo liệu cho, thiếu đâu đành trông cậy vào hàng xóm. Lặng nghe lão Hạc nói, ông giáo trầm ngâm suy nghĩ. Lão Hạc vốn là người khái tính, ít chịu phiền ai. Không biết lão có ý định gì mà hôm nay lại nhắc đến những chuyện hệ trọng như thế?! Ông giáo động viên lão Hạc:
 
– Gớm, cụ cứ lo xa làm gì cho mệt? Cụ còn khoẻ lắm, chết là chết thế nào? Cụ cứ để tiền mà ăn, khi nào chết hãy hay, tội gì có tiền mà lại chịu nhịn đói?!
 
Lão Hạc vẫn năn nỉ:
 
– Mong ông giáo thương tình tôi già nua tuổi tác mà nhận cho! Được vậy thì tôi cảm ơn lắm!
 
Không thể từ chối, ông giáo đành nhận lời, nhưng vẫn băn khoăn hỏi lại:
 
– Có bao nhiêu tiền dành dụm, cụ gửi tôi cả thì từ mai lấy gì mà ăn?
 
Lão Hạc xua tay tỏ ý không cần:
 
– Ông giáo đừng lo, tôi đã sắp xếp đâu vào đấy cả rồi ạ! Xin phép ông giáo, tôi về!
 
– Vâng! Cụ lại nhà!
 
Lão Hạc chậm chạp lê từng bước chân ra cổng, ông giáo nhìn theo cái dáng lòng khòng, lam lũ của lão mà động lòng thương. Dạo này, cà làng đói. Có người cả tháng không biết đến hạt cơm, chỉ củ khoai, củ sắn, mớ rau lang, rau má… sống lay lắt qua ngày. Lão Hạc cũng thế, nhưng lão thà nhịn đói chứ nhất quyết không bán mảnh vườn để dành cho con. Lúc bóng lão Hạc đã khuất sau rặng tre đầu ngõ, ông giáo thở dài quay vào nhà, trong tay vẫn giữ chặt chiếc túi nhỏ màu nâu cũ kĩ đựng mấy chục đồng bạc của lão Hạc gửi. Ông giáo lắc đầu, lẩm bẩm một mình: "Rõ khổ!".
 
Chứng kiến đầu đuôi câu chuyện, trong lòng em trào lên tình cảm xót xa và mến phục. Cuộc sống của lão Hạc chẳng có gì vui. Cái nghèo đeo đẳng làm khổ lão suốt đời. Ông lão già nua, ốm yếu ấy sống âm thầm, lặng lẽ trong sự chờ đợi mỏi mòn đứa con trai yêu quý của mình. Ngày trở về của anh ấy chắc còn xa lắm, mà lão Hạc thì như ngọn đèn lắt lay trước gió. Tình thương và đức hi sinh của ông lão thật đáng cảm phục và bi kịch của cuộc đời ông lão khiến cho chúng ta rơi nước mắt.
Số phận bi đát của lão Hạc cũng là số phận chung của nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, khi chưa được Đảng giác ngộ và dẫn dắt vào con đường đấu tranh giải phóng khỏi ách nô lệ của chế độ thực dân, phong kiến vạn ác.
 
Trên đây chỉ là bài tham khảo cho các em, hy vọng các em sẽ tự sáng tạo và kể lại câu chuyện thêm phần sinh động, hấp dẫn hơn từ những ý tưởng của mình.
 
Bài làm 3
 
Trong cuộc đời chúng ta, có những câu chuyện chỉ vô tình nghe được thôi cũng khiến ta ghi nhớ suốt đời. Cuộc đời tôi cũng như vậy, một lần tình cờ nghe được câu chuyện lão Hạc kể việc bán chó với ông giáo đã khiến tôi ghi nhớ đến tận bây giờ – khi mà tôi đã gần đất xa trời lắm rồi.
 
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó trong làng. Nhìn con nhà người ta được đi học đàng hoàng, tôi thèm lắm nhưng trường học là nơi quá xa vời với tôi. May mắn thay họ hàng nhà tôi có người dạy học, người làng gọi là ông giáo. Ông giáo chuyển về sống gần nhà tôi, thế là tôi được theo ông học chữ. Cứ khi nào nhà hết việc là tôi lại chạy sang nhà ông, phụ giúp cả việc vặt trong nhà nên hai vợ chồng ông đều quý mến.
 
Một hôm, tôi đang giúp bà giáo vài việc linh tinh dưới bếp thì nghe tiếng lão Hạc. Lão Hạc chính là lão nông dân già đáng thương nhất ngôi làng này, vợ mất sớm, con trai lão vì nghèo không lấy được vợ bỏ đi làm đồn điền cao su mãi không thấy về. Lão thui thủi sống với con chó Vàng, vừa làm thuê vừa chờ con về. Bố mẹ tôi hay bảo nhau lão có mảnh vườn rộng, bán quách đi cho đỡ khổ mà lão cứ cố giữ để con về thì trao cho anh ta. Tôi ít tiếp xúc nhưng lão hay sang nhà ông giáo, hiểu được ít nhiều, tôi cũng thương lão. Ông giáo bảo lão ốm, không đi làm thuê nên thành ra tôi cũng ít gặp lão hơn.
 
Vậy mà chẳng có mấy ngày, hôm nay lão tiều tụy quá. Dáng đi thất thiểu, da thì xanh xao, vàng vọt, gương mặt sầu khổ, trán dường như lại thêm nhiều nếp nhăn. Nhìn lão tôi càng thấy thương lão hơn. Trông dáng vẻ ấy, hẳn lão lại có chuyện không vui. Đời lão có được mấy chuyện vui bao giờ. Tôi thầm nghĩ vậy và nghe tiếng lão:
 
– Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!
 
Cả tôi lẫn bà giáo đều bất ngờ, ông giáo thì ngạc nhiên hỏi ngay:
 
– Cụ bán rồi?
 
– Bán rồi! Họ vừa bắt xong – Tôi nghe giọng lão Hạc nghèn nghẹn
 
Lão chỉ nói vậy rồi cố tỏ ra vui vẻ, nhưng nụ cười kia có khác gì đang mếu. Hai mắt ầng ậng nước không che giấu được tâm trạng của lão. Ai mà chẳng biết lão yêu quý con Vàng như thế nào. Ông giáo chờ một lát, lại hỏi:
 
– Thế nó cho bắt à?
 
Tôi giật mình thấy lão Hạc thay đổi hẳn, mặt lão đột nhiên co dúm lại, những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…
 
– Khốn nạn… Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!
 
Lão Hạc kể, kể trong nước mắt cái cảnh đau đớn mà lão phải chứng kiến khi bán con Vàng. Tôi dường như thấy được cảnh đó, khóe mắt cũng bất giác cay cay. Tôi lại nghe tiếng ông giáo an ủi:
 
– Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả biết đâu! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt? Ta giết nó chính là hoá kiếp cho nó đấy, hoá kiếp để cho nó làm kiếp khác.
 
Đáp lại lời an ủi đó, tôi nghe giọng lão chua chát:
 
– Ông giáo nói phải! Kiếp cho chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút… kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn…
 
Rồi ông giáo và lão đều bùi ngùi về kiếp người khốn khổ của chúng tôi. Ở cái làng này, dưới cái thời này, có kiếp mấy ai sung sướng đâu. Kiếp lão Hạc, ông giáo và bao người khác, ai cũng khổ cả. Lão Hạc cười rồi lại ho sòng sọc. Ông giáo đề nghị lão ở chơi để ông đi luộc mấy củ khoai lang, thêm ấm nước chè, thuốc lào thế là sướng. Lão cũng cười gượng nhưng nghe đã hiền hậu lại. Tôi đang nghĩ có lẽ lão sẽ khá hơn, định bụng đi rửa khoai giúp ông giáo thì nghe lão nói:
 
– Nói đùa thế, để khi khác ông giáo ạ?… Cảm ơn ông có lời nhưng tôi còn muốn nhờ ông giáo một việc…
 
Mặt lão nghiêm trang lại…
 
– Ông giáo để tôi nói… Nó hơi dài dòng một tí.
 
Lão ngồi, chầm chậm kể, kể việc nhờ ông giáo trông nom hộ mảnh vườn, viết văn tự nhượng cho ông giáo; khi nào con lão về thì nó sẽ nhận vườn làm, nhưng văn tự cứ để tên ông giáo. Lão nhờ cả việc gửi tiền lão để dành và bán để lỡ có chết thì ông giáo và hàng xóm giúp làm ma. Tôi nghe mà không cầm được nước mắt, vừa hốt hoảng, vừa thương lão.
 
Lão Hạc ra về mà tôi vẫn bần thần và nghe văng vẳng tiếng lão. Một lão nông dân thật thà thương con như thế mà khốn khổ biết chừng nào! Sau này, lão mất, nhìn con cháu học lại tác phẩm kể về câu chuyện thật ngày xưa tôi vẫn vừa thương vừa phục lão vô cùng.
 
Bài làm 4
 
Sắp đến phiên chợ sáng thế nên tôi hớt hải chuẩn bị đồ đạc, nào gánh nào bị chuẩn bị lên chợ gồng gánh cố bán cho hết chỗ bánh này. Tôi chạy sang gọi bà giáo đi cho kịp giờ. Bà ấy là vợ của ông giáo, người có nhiều chữ nghĩa nhất cái làng Vũ Đại này. Mặc dù tính bà ấy tính tình có cục cằn nhưng chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào tôi với bả đã thân nhau mấy chục năm nay thế nên ngày nào hai chúng tôi cũng hẹn nhau cùng lên chợ sáng bán đồ. Bà ấy cũng khổ quá rồi, vì khổ thế nên tính tình bà mới thế, nhưng rồi bà ấy cũng chèo gánh cả nhà, đủ ăn đủ mặt. Tôi vừa sang lến nhà bà, thấy bà lại đang lúi húi trong bếp.
 
Tôi vào phụ bả ít đồ. Đang dọn chợt thấy lão Hạc đến. Nhà chúng tôi đã nghèo khó, lão Hạc còn nghèo khó hơn. Nhà lão thuộc “loại nhất nhì trong hạng cùng đinh” ở làng Đại Hoàng này, đã vậy lão còn phải cảnh “gà trống nuôi con” mấy năm nay. Nghĩ mà tội cho lão, nghe đâu thằng con vì không đủ tiền lấy vợ mà bỏ đi biền biệt chẳng thấy về, mình lão thui thủi một mình mấy năm nay. Khuôn mặt lão nhăn nheo, lão mặc bộ quần áo xộc xệch, đầu tóc rồi bù, không ngừng lặp lại câu nói với ông giáo:
 
– Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!
 
Nghe đến đây, không chỉ ông giáo ngạc nhiên mà tôi cũng ngạc nhiên không kém. Con chó Vàng của lão, ai trong cái làng này chả biết lão cưng nựng nó như thế nào. Tôi còn nghe, lão thà không ăn nhịn đói để dành phần ngon đêu dành hết cho nó. Thế mà giờ lão nỡ bán nó sao? hỏi, lão Hạc đau đớn nói:
 
–   Bán rồi! Họ vừa bắt xong.
 
Lão khẽ thở dài. Đôi mắt lão ầng ậng nước, lão cười như mếu. Ông giáo gần như bị choáng, ái ngại nhìn lão Hạc, hỏi như có chuyện:
 
–  Thế cậu Vàng cũng cho bắt à?
 
– Thằng Mục và thằng Xiên đứng nấp sau cánh cứa. Cậu Vàng từ ngoài vườn nghe tôi gọi vội chạy về, vẫy đuôi mừng ríu rít. Tôi cho nó ăn cơm, nó ăn một cách ngon lành. Bất ngờ thằng Xiên và thằng Mục từ sau tấm liếp xông ra nắm chặt lấy hai chân sau cậu Vàng dốc ngược lên. Loáng một lát, hai đứa đã trói chặt cả bốn chân cậu lại. Bấy giờ cậu Vàng mới biết là cậu chết. Cậu sùi bọt mép và rên ư ử, nghe thật thương tâm. Cậu Vàng cứ nhìn tôi, cặp mắt đờ đẫn như vừa kêu cứu, vừa trách móc: “A! Lão già tệ lắm! Tỏi ăn ở với lão như thế đã suốt mấy năm trời, mà nay lão lại xử tệ vởi tôi như thế này à?”. Ông giáo ạ, tôi tủi cực, đau khổ quá! Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi mà còn đi đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!
 
Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Lão khóc hu hu. Cái đầu lơ phơ tóc bạc của lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Ồng giáo run run, nhẹ nhàng nắm lấy tay, nắm lấy vai lão Hạc, dìu lão ngồi xuống tấm phán, rồi an ủi người bạn già đáng thương:
 
–   Cụ cứ tưởng thế đấy, chớ nó chả hiểu gì đâu! Cụ bán cậu Vàng cho bọn thằng Xiên, thằng Mục là hóa kiếp cho cu cậu đấy!
 
Đôi mắt nhăn nheo ướt đầm đìa, lão Hạc nhìn ông giáo rồi chua chát bảo:
 
–   Ông giáo nói phải! Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hóa kiếp cho nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút… kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn! …
 
Ông giáo bùi ngùi. Hai người bạn láng giềng lặng lẽ nhìn nhau mà lòng thổn thức. Ngắm nhìn lão Hạc, nghe câu chuyện lão nói với ông giáo, lòng tôi buồn tê tái mà nghĩ về cuộc đời những người già cả, nghèo khổ và cô đơn. Cuộc đời này vốn thật bất công. Nghe xong câu chuyện của hai người mà tôi trầm tư chợt nghĩ, liêu có khi nào đến một ngày cuộc đời tôi sẽ cùng cực đến như vậy không đây.
 
Bài làm 5
 
Những ngày tháng đó là những ngày giặc Tây đô hộ, nay chúng cướp chỗ này, mai chúng đánh chỗ khác, cuộc sống của những người nông dân nghèo như chúng tôi đã khổ lại thêm cùng cực. Tôi cùng chồng – một ông giáo trong làng cùng đám con nheo nhóc ngày qua tháng nọ. Tôi đã nghĩ đời tôi khổ lắm rồi cho đến khi thấy  cuộc đời của lão Hạc, à thì ra còn có người số phận lại bi thảm đến thế. Những kí ức về ông lão hàng xóm ấy cứ còn mãi trong tâm trí tôi, đặc biệt là câu chuyện bán chó năm ấy..
 
Cuộc đời lão khổ lắm, con trai lão đi đồn điền đã mấy năm nay, lão sống tằn tiện cùng với con chó Vàng của lão, vì để dành tiền cho con mà lão ăn không dám ăn, không dám bòn vào một đồng nào tiền của con. Đã mấy lần lão nói chuyện bán chó với lão chồng tôi, nhưng tôi thầm nghĩ lão chỉ nói thế thôi chư đời nào lão bán, lão quý nó như thằng con nhỏ của lão mà. Ấy thế mà hôm đó lão bán thật. Đang lụi cụi trong bếp thì thấy lão sang, sau trận ốm hai tháng mười tám ngày theo lời lão nói, trông lão gầy hẳn đi, cái dáng bước đi liêu xiêu, vừa thấy lão chồng tôi, lão cất tiếng nặng nề:
 
– Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ! – Lão nói mà cảm tưởng từng tiếng thốt ra nghe sao khó nhọc.
 
Vậy là lão bán thật rồi, tôi lại vẫn cứ nghĩ lão chỉ nói vậy thôi. E chừng lão đã phải khổ tâm lắm khi quyết định như vậy. Lão chồng tôi nghe vậy sửng sốt hỏi lại:
 
– Cụ bán rồi ?
 
– Bán rồi. Họ vừa bắt xong.
 
Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão
 
ầng ậng nước. Khuôn mặt vốn trông đã khổ hạnh của lão giờ đây trông càng tội nghiệp hơn. Chồng tôi lại hỏi cho có chuyện:
 
– Thế nó cho bắt à ?
 
Mặt lão đột nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…
 
Từ khi vợ mất, đứa con trai lại đi biền biệt, lão Hạc chỉ còn mỗi con chó bầu bạn, lão gọi nó gần gũi là cậu Vàng. Ở cái tuổi gần đất xa trời như lão có một mình thui thủi ai mà chẳng buồn, có cậu Vàng hằng ngày quanh quẩn bên lão, lão cũng bớt buồn. Lão ăn gì lão cũng cho nó ăn, lão cho nó ăn cái bát như nhà giàu. Bây giờ cậu Vàng không còn nữa lão phải làm sao đây ? Lão tiếp tục với giọng run run vì khóc:
 
– Khốn nạn… Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi về thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tô; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng : “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão đối xử với tôi như thế này?”. Thì ra tôi bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!
 
Bây giờ lão đang ân hận, tự trách vì lừa một con chó. À mà với lão cậu Vàng còn có ý nghĩa hơn thế, nó là người bạn của lão ở cái tuổi gần đất xa trời này cơ mà. Lão đau đớn nhưng lão cũng hết cách mất rồi, lão không thể tiêu lẹm vào tiền dành cho con.
 
Lão chồng tôi nghe lão nói hết mất cất tiếng:
 
– Cụ tưởng thế đấy chứ nó chả hiểu đâu! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt? Ta giết nó chính là hóa kiếp cho nó đấy, hóa kiếp để cho nó làm kiếp khác.
 
Lão chua chát bảo:
 
– Ông giáo nói phải! Kiếp con cho là kiếp khổ thì ta hóa kiếp cho nó để nó làm  kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút..kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn! ..
 
Câu chuyện bán chó của lão, nỗi ân hận đau đớn của lão, lòng tự trọng khi trót lừa một con chó, dường như vẫn vẹn nguyên tính chân thực qua từng ấy thời gian. Lão Hạc đã không còn, nhưng người ta vẫn còn nhắc mãi về nhân cách đẹp đẽ của người nông dân khốn khổ ấy, nhắc mãi về lòng tự trọng, nhắc mãi về tình yêu thương con..

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top