Trang chủ » Bài văn cảm nghĩ về bài thơ tiếng gà trưa lớp 7 hay nhất

Bài văn cảm nghĩ về bài thơ tiếng gà trưa lớp 7 hay nhất

Bài làm 1
 
Từ lâu ta đã biết đến tiếng thơ vừa sôi nổi vừa đằm thắm mà tha thiết, trong sáng của Xuân Quỳnh, nay đến với Tiếng gà trưa lại một lần nữa ta bắt gặp điệu cảm xúc ấy. Bài thơ là sự bộc lộ tình cảm yêu quê hương, đất nước chân thành, sâu lắng của nhà thơ qua hình tượng tiếng gà trưa. Đó là âm thanh gọi về những kỉ niệm, những cảm xúc thiêng liêng và nơi chốn bình yên cho tâm hồn con người.
 
Tiếng hà trưa là âm thanh giản dị, quen thuộc của làng quê Việt. nó gợi về cuộc sống yên ả, sự lao động yên vui, ấm áp của người nông dân quanh năm sau lũy tre làng. Ở đây, bằng những cảm xúc mới mẻ, nồng nàn rất riêng Xuân Quỳnh đã thổi vào thứ âm thanh ấy một vẻ đẹp rất thiêng liêng của những cảm xúc ấu thơ của người lính hành quân. Nó làm xao động cái nắng trưa trên đường hành quân. Âm thanh ấy làm cho anh như đang sống lại thời thơ ấu đẹp đẽ của mình, nó như tiếp thêm sức mạnh cho đôi chân anh bớt mỏi, cho lòng anh xúc động dạt dào. Với ý nghĩa như vầy, tiếng gà trưa là âm thanh, tiếng gọi của quê hương, gia đình, xóm làng còn in đậm trong lòng người lính ra trận, trở thành hành trang của người lính trẻ.
“Cục…cục tác cục ta
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ”.
Đến đoạn thơ thứ hai, trong hai mươi sáu câu thơ, câu thơ Tiếng gà trưa được nhắc lại ba lần, âm thanh ấy gọi về bao kỉ niệm thân yêu. Xa xa tiếng gà trưa vọng lại, người chiến sĩ nhớ về người bà thân yêu chắt chiu từng quả trứng hồng. Những quá trứng hồng, đàn gà chi chít đông đúc.
“Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái mơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng.”
Tiếng gà trưa cất lên nơi xóm nhỏ, người chiến sĩ nhớ về người bà thân yêu. Tuổi thơ sống bên bà có biết bao kỉ niệm đáng nhớ, tính hiếu kỳ, tò mò của trẻ thơ quan sát con gà đẻ trứng. Rồi bị bà mắng, sợ mặt bị lang, trong lòng cháu hiện lên lo lắng:
“Tiếng gà trưa
Có tiếng bà vẫn mắng
Gà đẻ mà mày nhìn
Rồi sau này lang mặt
Cháu về lấy gương soi
Lòng dại thơ lo lắng
 
Khi gió mùa đông tới
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối
Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới.”
Nổi bật qua suốt những câu thơ ấy là hình ảnh người bà chắt chiu, giành giụm yêu thương cháu. Bà đã luôn ân cần, hi sinh và mệt nhọc để mong có được một đàn gà tốt giúp cháu có những bộ quần áo mới, dù nó chỉ nhỏ thôi những mà thấm thía biết bao nhiêu. Đoạn thơ nghe giản dị mà thật gần gũi nhường nào, những chi tiết tác giả miêu tả gắn bó thân thuộc với quê hương làng xóm, hơn thế nó là những kỉ niệm không bao giờ phai nhạt trong tâm trí trẻ thơ. Nỗi lo của bà thật cảm động xiết bao, đàn gà kia sẽ bị chết nếu như sương muối giá lạnh và cháu bà lại chẳng được may áo mới.
“Ôi cái quần chéo go,
Ống rộng dài quết đất
Cái áo cánh trúc bâu
Đi qua nghe sột soạt”
Cháu nhớ mãi sau mỗi lần gà được bán, bà lại ra chợ chọn mua cho cháu yêu bộ quần áo thật đẹp. Tình cảm yêu thương nồng hậu bà luôn dành trọn cho cháu, cho con. Tuổi thơ sống bên bà đây là quãng đời đầy ắp những kỉ niệm khó quên.
Lần thứ tư Tiếng gà trưa lại cất lên. Tiếng gà gọi về những giấc mơ của người lính trẻ.
“Tiếng gà trưa
Mang bao nhiều hạnh phúc
Đêm cháu về nằm mơ
Giấc ngủ hồng sắc trứng.”
Âm thanh xao động của tiếng gà trưa bình dị mà thiêng liêng, nó gợi tình cảm đẹp trong lòng người chiến sĩ hành quân ra trận. Âm thanh ấy như tiếng của quê hương, đất mẹ thân yêu. Tiếng gà trưa, đâu chỉ là âm thanh của một con vật vô tri mà nó là tiếng gọi của tuổi thơ, của yêu thương hồng, là những âm thanh của kí ức tươi đẹp, trong sáng đã theo cháu suốt một đời. nó cứ ám ảnh, âm vang day dứt mãi trong lòng nhà thơ, trong những giấc mơ tuổi nhỏ. Âm thanh ấy đã đi vào tiềm thức đứa cháu nhỏ, đầy dịu dàng mà xúc động thiêng liêng vì nó gắn với tình bà cao cả. Đó cũng là lí do để người cháu sống cống hiến:
“Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.”
Điệp từ “vì” được lặp lại 4 lần liên tiếp nhấn mạnh mục đích chiến đấu của người chiến sĩ. Đó là vì tổ quốc thân thương, vì xóm làng que thuộc nơi chôn rau cắt rốn của tuổi thơ, nhưng đất nước quê hương vô cũng vô tận, mênh mông ấy cũng chỉ mãi hữu hình trong dáng bà thầm lặng hi sinh, gắn với âm thanh của tiếng gà trưa quen thuộc. Ha tiếng “bà ơi” vang lên nghe mới tha thiết mà đằm thắm làm sao, nó vừa xúc động thiêng liêng, vừa bỏng sôi mãnh liệt. Giống như nó được chực trào ra từ tận đáy lòng thổn thức không thể kìm lòng. Tiếng gà cũng là tiếng gọi thân yêu của bà, của mẹ, của quê hương. Tiếng gọi thân yêu ấy như là niềm tin cho người chiến sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương yêu dấu. Qua đây thấy được tình cảm tiền tuyến hậu phương của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến, gian khổ có thể làm mệt mỏi, bom đạn có thể hủy diệt mọi thứ nhưng những tình cảm về bà, về những kỉ niệm ấu thơ cùng tiếng gà trưa không bao giờ chết mà vẫn còn nguyên lửa, vẫn cứ dâng dâng trong lòng người.
 
Bài thơ “Tiếng gà trưa” là một nốt trầm sâu lắng, da diết của người lính trên bước đường hành quân gian khổ, nhưng tiếng gà ấy còn là tên gọi khác của kỉ niệm, của hồi ức, của tình bà cháu thiêng liêng bất diệt. với cách sử dụng linh hoạt điệp từ, các hình ảnh giản dị mà xúc động, Xuân Quỳnh đã truyền tải được thật chính xác lòng mình tới độc giả.
 
Bài làm 2
 
Theo thời gian, mọi thứ luôn có thể thay đổi theo quy luật năm tháng nhưng có lẽ có một điều không bao giờ thay đổi đó là những rung động do kỉ niệm tuổi thơ đem lại mà mỗi người đều có. Đối với Xuân Quỳnh kỉ niệm ấy là tiếng gà “cục…cục tác cục ta” của những năm tháng sống êm đềm bên người bà kính yêu. Từ những tình cảm tha thiết mến yêu bà, người đọc cảm nhận sâu sắc tình yêu quê hương đất nước mà nhà thơ muốn gửi gắm.
Bài thơ được sáng tác vào năm 1968, thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Mĩ ác liệt và gian khổ, trong hoàn cảnh đó, nhà thơ đã chọn cho mình một điểm gợi cảm xúc đó là trên con đường hành quân:
Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ:
“Cục… cục tác cục ta”
Như một lời kể về chuyến hành trình bắt gặp cảm xúc, trên con đường hành quân, khi đi qua một xóm nhỏ, nghe tiếng gà vọng ra, vọng về cả một vùng trời bang khuâng xúc cảm. Tiếng gà ấy vừa vang lên thì:
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ
Từ “nghe” được điệp lại ba lần đặt ở đầu ba câu thơ như bật lên niềm xúc cảm xao xuyến bâng khuâng khó tả của lòng người. Tiếng gà dường như có một sức mạnh ghê gớm khiến cho chỉ vừa cất lên đã làm cho nắng ngả phải xao động hay có lẽ chính là lòng người xao động làm cho nắng nhìn như ngả sang. Chỉ cần nghe được tiếng gà ấy mà bao nhiêu mệt nhọc trên con đường hành quân như tan biến hết bởi kí ức tuổi thơ theo tiếng gà ùa về đã làm cho bàn chân vơi mỏi. Khi ấy, mọi hình ảnh của tuổi thơ như ùa về trong tâm trí tác giả:
Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái mơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng
 
Tiếng gà trưa
Có tiếng bà vẫn mắng:
– Gà đẻ mà mày nhìn
Rồi sau này lang mặt!
Cháu về lấy gương soi
Lòng dại thơ lo lắng
Kỉ niệm tuổi thơ bên bà là những cô gà mái mơ “khắp mình hoa đốm trắng” cùng “lông óng như màu nắng”. Rồi cả tiếng bà mắng nhìn gà đẻ sẽ lang mặt đều là những hình ảnh không thể nào phai nhòa trong kí ức Xuân Quỳnh. Kỉ niệm ấy còn là tình cảm chắt chiu thầm kín của bà:
Tiếng gà trưa
Tay bà khum soi trứng
Dành từng quả chắt chiu
Cho con gà mái ấp
Hình ảnh người bà “tay khum soi trứng” thật đẹp, thật hiền từ, đó là hình ảnh của một người bà tần tảo, chu đáo sớm hôm lo cho đàn gà đẻ trứng và cũng là lo cho gia đình thân yêu.
Cứ hàng năm hàng năm
Khi gió mùa đông tới
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối
Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới
Ôi cái quần chéo go
Ống rộng dài quét đất
Cái áo cánh chúc bâu
Đi qua nghe sột soạt
Mọi hi vọng bà đều đặt vào đàn gà, bà lo trời sương muối, đàn gà không chịu được và chỉ mong cuối năm bán gà có được tiền cho cháu mua quần áo mới. Có lẽ hình ảnh của những bộ quần áo được đổi bằng tiền bán gà, đổi bằn những tần tảo sớm hôm của bà vô cùng đặc biệt, đó là chiếc quần chéo go rộng đến quét đất, rồi chiếc áo chúc bâu rộng thùng thình, khi đi lại nghe sột soạt. Tất cả những món ấy tuy bình dị mà hết sức thân thương, trìu mến, đó không chỉ là cái quần, cái áo mà còn là công sức, tình cảm yêu thương của người bà thầm lặng cho cháu. Tình cảm ấy luôn được ẩn giấu trong tiếng gà trưa:
Tiếng gà trưa
Mang bao nhiêu hạnh phúc
Đêm cháu về nằm mơ
Giấc ngủ hồng sắc trứng
Và từ tình cảm gia đình cụ thể, Xuân Quỳnh đã khái quát lên tình cảm lớn lao rộng rãi đó là tình yêu tổ quốc:
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ
Ta như hình dung ra tâm trạng người lính từ những kỉ niệm về tuổi thơ của mình mà khi quay về thực tại với con dường hành quân trở nên giàu lòng hăng hái với giọng thơ tràn trề sinh khí. Xuân Quỳnh đã khẳng định mục đích chiến đấu hôm nay đó là vì tổ quốc, vì bà, vì kỉ niệm tuổi thơ êm đềm của mình. “Ổ trứng hồng tuổi thơ” không đơn thuần là những hình ảnh kỉ niệm mà còn biểu tượng cho sư êm đềm, thanh bình của một làng quê mà khi giặc Mĩ đến đã phá tan sự yên bình ấy. Và nhà thơ khẳng định mình chiến đấu hôm nay chính là vì muốn bảo vệ quê hương, bảo vệ sự yên bình của mọi mái nhà trên tổ quốc.
 
Bài thơ chỉ với ngôn từ và hình ảnh giản dị nhưng thật dễ đi sâu vào lòng người, ta cảm nhận rõ nét tình cảm của hai bà cháu thắm thiết hòa quyện trong tình yêu quê hương đất nước.
 
Bài làm 3
 
Khi nhắc tới Xuân Quỳnh người ta thường nhớ tới những vần thơ nhẹ nhàng,sâu lắng của một trái tim người phụ nữ đa cảm nhiều cảm xúc trong tình yêu,nhưng khi viết về tình cảm gia đình,thơ Xuân Quỳnh lại rất nhẹ nhàng lắng đọng,khơi gợi cho ta biết bao nhiêu cảm xúc.
Tiếng gà trưa là một tác phẩm đặc sắc của Xuân Quỳnh được viết với những hình ảnh bình dị gần gũi mà thấm đượm tình bà cháu.
 
“Trên đường hành quân xa
 
Dừng chân bên xóm nhỏ
 
Tiếng gà ai nhảy ổ
 
Cục…cục tác cục ta
 
Mở đầu bài thơ là là hoàn cảnh của tác giả đang trên đường đi hành quân.Hoàn cảnh cụ thể gắn với thời gian và địa điểm hiện lên một cách rõ ràng.Địa điểm là trên đường đi hành quân bên những xóm làng nhỏ trong một buổi trưa thanh tịnh. Tiếng gà của những nhà dân quanh đó đang nhảy nhổ với tiếng “ cục ta cục tác” mang những âm thanh rất đỗi thân thương đó là hình ảnh hết sức quen thuộc của làng quê Việt Nam đa hiện lên trong tâm trí người đọc những hình ảnh đặc trưng của làng quê Việt Nam.
 
Nghe xao động nắng trưa
 
Nghe bàn chân đỡ mỏi
 
Nghe gọi về tuổi thơ
 
Ở đoạn thơ trên tác giả đã kheo léo sử dụng biện pháp tu từ lặp lại được sử dụng ba lần,gợi nhớ về những kỉ niệm tươi đẹp được nhớ về tuổi thơ như làm cho tâm hồn mỗi người trở nên tĩnh lặng,mang theo những hoài niệm về cuộc sống thời thơ ấu bên bà đã trở nên thương nhớ hơn bao giờ hết.
 
Tiếng gà trưa
 
ổ rơm hồng những trứng
 
này con gà mái tơ
 
khắp mình hoa đốm trắng
 
này con gà mái vàng
 
lông óng như màu nắng.
 
tiếng gà trưa lại mang lên,đưa tâm trí của tác giả trở về với những hình ảnh kỉ niệm vè thời thơ ấu. Đó là về những chú gà mái màu lông mượt mà, được miêu tả như những màu sắc vàng óng mượt như màu nắng trưa yên ả.
 
Cứ hàng năm hàng năm
 
Khi gió mùa đông tới
 
Bà lo đàn gà toi
 
Mong trời đừng sương muối
 
Để cuối năm bán gà
 
Cháu được quần áo mới
 
Biết bao nhiêu khó khăn khi mùa đông đến,trời giăng sương muối,bà lại không lo cho bà mà chỉ lo cho đàn gà bị rét mong sao đàn gà khỏe mạnh đẻ nhiều trứng rồi ấp thành con để cuối năm có tiền mua cháu bộ quần áo mới. Cụm từ “ cứ hàng năm,hàng năm” có nghĩa là hết năm này sang năm khác cho thấy đức hi sinh tảo tần của người bà dành cho cháu của mình,đồng thời qua bài thơ ta cũng thấy được tình yêu vô bờ bến của bà dành cho người cháu.
Và món quà của bà dành cho cháu khi bán đàn gà để mua cũng vô cùng giản dị:
 
Ôi cái quần chéo go
 
Ống rộng dài quét đất
 
Cái áo cánh trúc bâu
 
Đi qua nghe sột soạt
 
Món quà tuy giản dị nhưng đó là món quà mà bà dành tặng làm cho người cháu cảm thấy vui thích.Tiếng gà,ổ trứng chính là những hình ảnh nuôi dưỡng tâm hồn người cháu:
 
Tiếng gà trưa
 
Mang bao nhiêu hạnh phúc
 
Đâm về cháu nằm mơ
 
Giấc ngủ hồng sắc trứng
 
Chính những giấc ngủ bình yên bên bà,ấm áp và hạnh phúc đó chính là động lực để nhân vật trở thành một người chiến sĩ tay cầm súng ra chiến trường.
 
Cháu chiến đấu hôm nay
 
Vì xóm làng thân thuộc
 
Bà ơi,cũng vì bà
 
Vì lòng yêu Tổ Quốc
 
Vì tiếng gà cục tác
 
Ổ trứng hồng tuổi thơ
 
Trong đoạn thơ cuối tác giả đã sử dụng điệp từ “ vì” để nhấn mạnh về mục đích chiến đấu của người cháu cũng là vì bà,vì lòng yêu Tổ Quốc,vì tiếng gà cục tác bình yên những buổi trưa nắng,vì ổ trứng của bà đãnuôi dưỡng tâm hồn người cháu.Không phải vì điều gì lớn lao mà chính là vì những điều giản dị mà bà làm nên,vì lòng yêu Tổ Quốc xóm làng thân thương vì bà và những tuổi thơ gắn bó.Ở đây ta thấy hình ảnh người cháu như lớn lên đã đủ sức để bảo vệ những gì đáng quý của mình.
 
Bài thơ “ tiếng gà trưa” là một bài thơ hay của Xuân Quỳnh,được tác giả viết bằng lối thơ nhẹ nhàng kết hợp với biện pháp tự sự,đồng thời mỗi đoạn thơ đều gợi lên đượcnhững kỉ niệm của bà và cháu gây lên một cảm xúc lắng đọng trong tâm hồn người đọc.Bài thơ là tình yêu của người cháu đối với người bà đồng thời cũng thể hiện được tấm lòng yêu nước thiêng liêng và cao quý.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top