Bài làm 1
Một trong những đức tính cần thiết để tạo nên sự thành công trong cuộc sống đó là chăm chỉ. Và đức tính này đã được người xưa lồng vào câu tục ngữ: “Có công mài sắt có ngày nên kim” như để nhắc nhở thế hệ ngày nay về sự quan trọng của sự chăm chỉ.
Câu tục ngữ “có công mài sắt có ngày nên kim” được hợp thành từ những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu nhưng lại mang một ý nghĩa vô cùng bổ ích và cần thiết cho con người. Về mặt nghĩa đen, câu tục ngữ muốn nói, nếu một người chịu bỏ công sức ra cố gắng mài khối “sắt” thì một ngày nào đó nó sẽ trở thành một cây “kim”. Song không chỉ đơn giản như vậy , khối “sắt” ấy còn được hiểu như những công việc to lớn, khó khăn nhất mà gần như không thể thực hiện được.Và hình tượng cây “kim” chính là kết quả, sự thành công mà ta đạt được sau một quá trình dài chăm chỉ, quyết tâm với thử thách. Từ đó ta thấy được, nếu biết cố gắng, chăm chỉ, kiên trì thực hiện thỉ dù là công việc hay thử thách gian nan nhất ta cũng có thể vượt qua được một cách dễ dàng. Vì thế, nói tính chăm chỉ là thành phần không thể thiếu của sự thành công thật đúng đắn.
Mặt khác, đức tính chăm chỉ không những tạo ra sự thành công, mà còn tô đậm thêm được đức tính tốt đẹp, cần thiết của một con người và đặc biệt là đối với một người học sinh. Ta có thể nhận thấy, nếu một người học sinh có sự thông minh, óc tư duy nhạy bén nhưng lại thiếu sự chăm chỉ thì sẽ không bao giờ đạt được thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống. Trong đời sống có rất nhiều tấm gương về sự chăm chỉ và tiêu biểu nhất đó là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta – Bác Hồ. Năm 1941, Bác ra đi tìm đường cứu nước chì với đôi bàn tay trắng, không hề thành thạo về ngôn ngữ của nước bạn nhưng cùng với sự chăm chỉ, Bác đã cố gắng học tiếng của họ. Bác tranh thủ học mọi lúc rãnh rỗi của mình. Từng ngày như thế đều đặn trôi qua, Bác đã rất thông thạo tiếng nước bạn, có thể giao tiếp, nói chuyện một cách thật dễ dàng và thậm chí Bác còn viết báo khi ở nước ngoàì nữa. Quả thật là đáng nể đối với một người bình thường, không hề được học qua một trường lớp ngoại ngữ nào mà vẫn có thể sử dụng thành thạo nhiều thứ tiếng, chỉ với một sự trợ giúp đó là đức tính chăm chỉ của Bác.
Câu tục ngữ đã cho ta thấy quan niệm, kinh nghiệm của ông cha ta ngày xưa, chăm chỉ thật sự rất cần thiết cho con người. Ngoài ra vẫn có rất nhiều người không hề coi trọng tính chăm chỉ, đặc biệt là đối với một số hoc sinh khá giỏi, hay có tính tự cao về khả năng của mình và những học sinh ấy sẽ không thể nào nhận thức được cái hậu quả nghiêm trọng của việc lười biếng, thiếu chăm chỉ, cần cù gây nên. Thật dễ nhận thấy một điều, đó là nếu trong lớp ta không chép bài, làm bài đầy đủ, chỉ nghe cô giáo giảng bài một cách qua loa thì sẽ có một lỗ hỗng của kiền thức hiện ra và ngày càng lớn dần. Cho đến một ngày nào đó, kết quả học tập sẽ tồi tệ và khiến ta nản chí trong học tập. Vậy, chỉ vì không chịu khó chăm chỉ mà từ một học sinh khá giỏi có thể dễ dàng trở thành một học sinh yếu kém, và ngược lại. Qua đó, ta thấy tính chăm chỉ quyết định nhiều điều quan trọng mà ta không thể nào nhìn thấy ngay lập tức như sự thành công, vinh quang trong học tập, công việc và cuộc sống.
Là một người học sinh, em sẽ cố gắng phát huy hơn nữa tính chăm chỉ của bản thân thông qua những việc dù là nhỏ nhoi như: học bài, làm bài tập, ghi chép bài học thật đầy đủ và cẩn thận…ngoài ra, tham khảo thêm trong sách cũng có thể phát huy được đức tính này. Có như thế, việc học hành của em mới ngày càng tiến bộ hơn và mong muốn vào Đại Học dù có khó khăn như việc mài sắt thành kim thì cũng sẽ thành công.
Câu tục ngữ “có công mài sắt có ngày nên kim” là một lời khuyên dạy của ông cha ta về tính quan trọng của sự chăm chỉ, cần cù cho con cháu đời sau. Để chúng ta biết được rằng, muốn đạt được kết quả hoàn mỹ nhất thì phải có tính chăm chỉ và chỉ có tính chăm chỉ mà thôi.
Bài làm 2
Trong cuộc sống, ngoài sự thông minh của cá nhân thì đức tính chăm chỉ, cần cù cũng góp phần đến sự thành công. Vì vậy câu nói: “Có công mài sắt, có ngày nên kim” của ông bà ta luôn đúng qua mọi thế hệ.
Vậy câu nói đó có nghĩa là gì? Nếu hiểu theo nghĩa đen thì câu nói này có nghĩa là dù cho cục sắt có to lớn đến mấy đi chăng nữa nhưng nếu ta chăm chỉ, bỏ công sức ra mài thì cục sắt sẽ thành cây kim nhỏ bé thôi. Nếu ta hiểu rộng ra thì ta sẽ thấy hàm ý của câu là việc gì dù có khó khăn đến mấy đi chăng nữa nhưng nếu ta chăm chỉ, cần cù thì việc lớn sẽ thành việc nhỏ bé. Trong học tập cũng vậy, người chăm chỉ là người luôn học và làm bài đầy đủ, làm thêm các bài tập để nâng cao kiến thức của mình, tìm hiểu học hỏi những gì mà mình chưa biết, chăm chú và ghi chép những gì mà mình chưa biết…Trong công việc cũng vậy, người chăm chỉ là người luôn học hỏi những gì mình chưa biết để nâng cao tay nghề, siêng năng, tự giác hoàn thành công việc đươc giao ra…
Chăm chỉ là một đức tính quan trọng không thể thiếu của mỗi người. Nó góp phần tạo nên sự thành công trong mọi việc, được người khác yêu mến, kính trọng, khâm phục. Chẳng hạn như nhà bác học nổi tiếng Ê-đi-sơn dù chỉ mới học xong tiểu học thôi nhưng với sư chăm chỉ, cần cù ông đã sáng chế ra những phát minh vĩ đại cho nhân loại. Hay như chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta, Bác đã học được nhiều thứ tiếng nhờ sự chăm chỉ, cần cù của mình. Ông bà ta đã từng nói: “ Cần cù bù thông minh “ . Nếu như ta không thông minh như những người khác thì ta có thể chăm chỉ để hoàn thiện mình hơn. Nếu ta chăm chỉ thì làm một việc gì đấy ắt sẽ thành công. Chẳng hạn như trong học tập nếu như một bài toán khó người này giải chỉ trong mười phút, nhưng người khác thì phải giải trong ba mươi phút. Nhưng không sao cả. Nếu chúng ta chăm chỉ, siêng năng thì đến một lúc nào đó ta sẽ giỏi bằng hoặc thậm chí hơn người đó. Có một nhà bác học nói rằng: “ Con người chỉ có một phần trăm là thông minh còn chín mươi chín phần trăm còn lại là cần cù”. Các bạn thử nghĩ xem chín mươi chín phần trăm với một phần trăm thì cái nào lớn hơn? Việc chúng ta có thể đạt một phần trăm đó hay không phụ thuộc rất nhiều vào chín mươi chín phần trăm còn lại. Một người dù có thông minh đến mấy dù không chăm chỉ thì cũng coi như vô ích mà thôi. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho người nào lười biếng. Chính họ là người đã tự phá huỷ đi tương lai của chính mình. Chính họ là người tự mình làm cho người khac coi thường, khinh rẻ, không tôn trọng. Và tất nhiên là cũng không có được thành công trong cuộc sống.
Vậy để tự rèn luyện chăm chỉ cho mình em đã tự lập ra một thời gian biểu phù hợp cho mình, đi học thì học và làm bài đầy đủ trước khi đến lớp. Giơ tay phát biểu xây dựng bài trong lớp. Cố gắng tìm tòi học hỏi những gì mình chưa biết từ mọi người xung quanh.
Để đạt được thành công trong cuộc sống mỗi người phải tự rèn luyện mình và nhất là đức tính chăm chỉ. Chì có như vậy thì mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ theo ý mình.
Bài làm 3
Tục ngữ là trí khôn muôn đời của nhân dân. Mỗi câu tục ngữ là một bài học lớn. Một trong những bài học ấy được đúc kết trong câu tục ngữ hàm súc: “Có công mài sắt có ngày nên kim”.
Câu tục ngữ đã nêu lên một chân lí lớn bằng những hình ảnh tượng trưng đầy sức thuyết phục, sắt là một thứ kim loại cứng thế nhưng mài mãi cũng sẽ thành cây kim nhỏ. Đó là một sự kiên trì, cố gắng phi thường. Từ một thỏi sắt to trở thành cái kim nhỏ phải tốn bao công sức, mồ hôi mới có được. Mới nghĩ đến ta đã thấy run sợ, ngại ngùng, Chẳng ai hơi đâu ngồi kì công mài sắt thành kim như thế. Công việc này tưởng như khó khăn không thể làm nổi. Thế mà vẫn có người không quản gian lao, không sá công phu, vẫn gắng sức làm cho kỳ được. Cho nên cây kim dù rất nhỏ bé, không đáng gì nhưng nó là thành quả của biết bao sự cố gắng, kiên trì nhẫn nại. Nghĩa đen của câu tục ngữ chỉ là việc mài sắt thành kim, nhưng nếu suy ra nghĩa bóng thì thật là rộng. Đó là một lời khuyên, một bài học mà ông cha ta đã đúc kết từ ngàn đời truyền hi cho con cháu hôm nay và mai sau. Đó là lời răn dạy: Có sự kiên trì nhẫn nại và quyết tâm lớn thì việc gì cũng làm xong cho dù việc đó rất khó khăn, tưởng như không thể hoàn thành được.
Bác Hồ từng dạy:
"Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển Quyết chí ắt làm nên"
Cũng là trên tinh thần như thế. Qua lời Bác dạy ta càng hiểu thêm về sức mạnh của lòng kiên trì, bền bỉ. Có quyết tâm lớn thì việc gì cũng làm được, cho dù đó là việc đào núi và lấp biển".
Trong cuộc sống của chúng ta có biết bao tấm gương tiêu biểu đã “mài sắt” để có ngày “nên kim”. Tấm gương ấy không đâu xa lạ, đó chính là Bác Hồ – Người Cha của dân tộc. Đất nước ta được hoà bình tự do như ngày hôm nay chính là một phần nhờ vào lòng kiên trì “bền gan vững chí” của Bác. Khi ông là chàng thanh niên trẻ tuổi, Bác đã từ biệt mọi người ra đi tìm đường cứu nước. Ở nơi đất khách quê người, Bác đã làm mọi việc để kiếm sống: làm phụ bếp trên tàu, làm người cào tuyết giữa mùa đông giá lạnh ở châu Âu…
Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba-lê
Một viên gạch hồng Bác chống lại cả một mùa băng giá
Và sương mù thành Luân Đôn người có nhớ
Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya.
(Chế Lan Viên)
Biết bao nhiêu vất vả và cực nhọc, Bác chẳng sờn lòng. Bác kiên trì đi đến tất cả các nước, các dân tộc trên thế giới để tìm hiểu con đường giải phóng dân tộc của họ. Cuối cùng, sự kiên nhẫn của Bác đã được đền đáp xứng đáng. Người đã tìm thấy con đường đi cho dân tộc thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than.
Tấm gương Bác Hồ chói sáng và rực rỡ, trước hết là ở chỗ “có công mài sắt có ngày nên kim"
Gần gũi với chúng ta không ít những tấm gương sáng đáng khâm phục Nhà thơ Nguyễn Khuyến nổi tiếng là “Nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Những sáng tác của ông là kết quả của một sự rèn luyện không ngừng, không biết mệt mỏi "lao tâm khổ tứ". Thiên tài không thể một sáng một chiền mà thành công được. Một nhà văn phương Tây đã khẳng định: “Thiên tài là một sự kiên nhẫn lâu dài”. Quả đúng như vậy; Để trở thành một nhà thơ lớn, Nguyễn Khuyến đã trải qua cuộc sống nghèo khổ, túng thiếu. Theo giai thoại: Ông nhà nghèo, mỗi buổi sớm đến trường phải mang theo một cái giậm để sau buổi bình văn đi bắt cá. Quê ông vốn là đồng chiêm trũng nên cá rất nhiều. Có những buổi sớm mùa đông giá lạnh, thầy đồ vẫn thấy anh học trò nghèo lam lũ dưới ao sâu. Tối về nhà, không có đèn, anh học trò nghèo Nguyễn Khuyến đã theo cách người xưa bắt đom đóm nhốt vào vỏ trứng hoặc tận dụng ánh trăng để đọc sách. Tài năng của Nguyễn Khuyến không chỉ là ở trí thông minh mà còn là sự kiên trì, lòng quyết tâm cao.
Một tấm gương nữa rất gần gũi với chúng ta đó là anh Nguyễn Ngọc Kí. Anh bị liệt cả hai tay nhưng mong ước đến trường vẫn luôn thôi thúc anh. Thế là anh bắt đầu tập viết bằng chân. Những nét chừ đầu tiên thật là khó nhưng anh không chịu nản lòng và bây giờ anh đã trở một nhà giáo ưu tú, được các em học sinh yêu quý, kính trọng. Anh còn là một cây bút quen thuộc với chúng ta.
Trong lao động, tấm gương của nhà bác học Lương Định Của đúng là một bằng chứng hùng hồn. Để lai tạo một giống lúa mới có năng suất cao, có khả năng chống rầy tốt, ông phải làm việc vô cùng vất vả, khó nhọc. Hàng ngày, từ tờ mờ đất, ông đã ra ruộng lội bì bõm nghiên cứu, thử nghiệm đến tối mịt mới về. Qua vài vụ lúa, một giống lúa mới được tạo thành. Chính sự kiên nhẫn bền bỉ của ông đã đem no ấm đến cho đời. Rồi Mai An Tiêm, rõ ràng nhờ chăm chỉ, kiên trì đã làm chủ cuộc sống nơi đảo hoang không một bóng người.
Trên thế giới, không ai là không biết nhà bác học người Pháp Pi-e Quy-ri và Ma-ri Quy-ri. Họ đã kì công trong bốn năm trời lọc đi lọc lại tám tấn bã quặng để tìm ra một phần mười gam chất phóng xạ Ka-di-um. Thế mới biết, muốn tìm ra một nguyên tố hoá học cũng đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì mãnh liệt.
Không chỉ học tập những con người nổi tiếng mà những tấm gương của những người lao động xung quanh mình cũng rất đáng tuyên dương. Ở huyện em, mọi người đều yêu quí chị Lan. Chị bị liệt tay phải và một chân. Tuy phải viết bằng tay trái và đi lại khó khăn song chị là học sinh giỏi toàn diện, vừa rồi hai tác phẩm chị viết đã được xuất bản gây tiếng vang lớn. Em nghĩ phải chăng chị cũng là tấm gương của lòng kiên trì đáng cho chúng ta học tập.
Qua các tấm gương trên, em thấy mình còn phải cố gắng nhiều, trước hết là lòng kiên trì nhẫn nại, không quản khó khăn vất vả để trở thành người công dân tốt. Đó là bước mở đầu của nhân cách con người. Là một đứa con trong gia đình, em phải học tập tốt để xứng đáng với lòng tin yêu của cha mẹ. Là một công dân của đất nước, em phải cố gắng tu dưỡng nhiều để trở thành chủ nhân của tương lai.
Lời khuyên răn của ông cha luôn đúng đắn, thiết thực. Nó sẽ có ý nghĩa lớn hơn khi ta thực hiện tốt lời dạy đó.
Bài làm 4
Ta thấy không một thắng lợi nào mà không gặp những khốn khó, thử thách, không một thành công nào mà không phải bước qua bom đạn, chông gai. Cái chính là con người có kiên trì, có quyết tâm vượt qua hay không? Hiểu được điều đó, từ ngàn xưa nhân dân ta nhắc nhở nhau: Có công mài sắt, có ngày nên kim.
Câu tục ngữ cho đến hôm nay vẫn còn là một kinh nghiệm rèn luyện bản thân vô còng quý giá.
Câu tục ngữ thật ngắn gọn, hàm súc mà ý nghĩa của nó lớn lao Với hình ảnh ẩn dụ đặc sắc, ông cha ta đã khuyên chúng ta phải biết kiên trì, chịu thương chịu khó thì làm công việc gì cũng đạt hiệu quả cao. Không phải việc gì dù dễ đến đâu chúng ta cũng gặt hái được kết quả ngay được. Có công thì mới có quả. Có chịu khó rèn luyện thì chúng ta mới vượt qua gian lao thử thách để hoàn thành công việc được giao.
Vâng! Câu tục ngữ là một chân lý sáng ngời, là một chiếc gương để mọi người tự rèn luyện. Chân lý đúc kết qua quá trình lao động sản xuất gian khổ của nhân dân ta. Có đặt vấn đề vào thực tế cuộc sông của chúng ta hôm nay mới có thể thấu hiểu được cái tinh tế của người xưa.
Một người học sinh phải trải qua thời gian miệt mài học tập trên ghế nhà trường suốt mười mấy năm mới có thể đủ trí thức bước vào cuộc sống. Trong cuộc sống chúng ta phải không ngừng rèn luyện, tự học thì mới thành tài. Một người phải rèn luyện trong khó khăn, lao động chăm chỉ, cần cù mới có được tay nghề cao và làm ra được những sản phẩm tốt, làm giàu cho xã hội. Nhưng sự rèn luyện ấy không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi hoàn toàn, cái chính là chúng ta phải biết làm chủ ý chí, nghị lực của mình để vượt qua những khó khăn ấy. Từ rèn luyện nhưng chúng ta cũng phải tự đề ra phương pháp hợp lý. Rèn luyện không có nghĩa là khổ luyện. Rèn luyện phải biết kết hợp giữa những ưu điểm sẵn có của mình và những điều học tập của người khác, biến mặt yếu thành mặt mạnh, được như vậy, chúng ta phải biến dần từng bước, tìm cách khắc phục mọi khó khăn. Người học sinh muốn giỏi toàn diện thì không được nản lòng trước những bài toán hiểm hóc, bài văn khó làm. Hơn nữa, trong cuộc sống chúng ta, tương lai luôn ở phía trước, hiện tại luôn cận kề bên ta nhắc ta không chỉ lúc nào cũng mơ đến một ngày mai tốt đẹp mà phải chịu rèn từ hôm nay. Nói tóm lại, muốn gặt hái được kết quả mỹ mãn, chúng ta phải kiên nhẫn đi từng bước một như câu tục ngữ:
Có chí thì nên
Thế nhưng, trong thực tế cuộc sống, bên cạnh những tấm gương tốt, còn có những kẻ ngại khó, ngại khổ, nhất là trong giới học sinh chúng ta, còn nhiều bạn nản lòng trước bài toán khó, chùn bước trước bài sử, bài văn dài hoặc coi thường những bài học đơn giản. Không thiếu những bạn có quyết tâm ban đầu nhưng khi đối đầu với khó khăn thì bỏ cuộc. Có người còn quan niệm rằng mình đã đù tài buông xuôi phần rèn luyện, coi thường những ưu điểm của kẻ khác. Và nghiêm trọng hơn cả trong xã hội còn khó khăn hôm nay, có bạn coi thường việc học và cho đó là không cần thiết, không chịu mài sắt. Liệu những người đó có đạt được kết quả như mình mong ước hay không? Chúng ta hãy nhớ: một thiên tài có một phần trăm là năng khiếu còn chín mươi chín phần còn lại là lao động và rèn luyện. Biết bao nhà bác học trên thế giới lúc nhỏ gặp biết bao trở ngại, nhưng bằng quyết tâm và sự kiên trì họ đã vượt qua tất cả để thành đạt trong cuộc đời và cống hiến cho nhân loại những công trình vô giá. Họ đã nên kim như mình mong ước.
Ích lợi của việc rèn luyện kiên trì là như thế đấy! Là một học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, chúng ta không chỉ rèn luyện cho mình mà còn góp phần xây đựng cho đất nước mai sau. Đất nước ta hôm nay còn rất nhiều gian khổ, dân tộc ta còn thua kém, thiệt thòi so với các nước, các dân tộc khác. Vì vậy mỗi con người trong chúng ta lại càng phải hiểu rõ và làm lời khuyên của ông bà: Có công mài sắt có ngày nên kim. Con người ta không được cho phép mình lùi bước trước khó khăn và phải hiêu đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ đối với Tổ quốc.
Vậy chúng ta phải rèn luyện như thế nào để đạt kết quả tốt ? Theo em, muốn đạt kết quả tốt trong học tập cũng như trong lao động sản xuất, trước hết, chúng ta phải luôn khiêm tốn tự coi mình là dốt để nhắc nhở bản thân phải luôn học hỏi.
Chúng ta không có quyền nản lòng trước công việc khó khăn, không được nản lòng trước gian nan. Hãy luôn nhớ đến sự nhẫn nại của ông cha ta trong lao động sản xuất. Hãy nhớ đến những thành quả lao động mà cha anh chúng ta đã gặt hái mà nhắc nhở mình rằng: Có công mài sắt, có ngày nên kim.
Câu tục ngữ là một bài học đối với tất cả mọi người. Đó là một lời khuyên rất chân tình, sâu sắc với những ai còn nóng vội hấp tấp trong công việc và tăng thêm quyết tâm cho những người có ý chí muốn phấn đấu vươn lên. Là học sinh, em luôn coi câu tục ngữ là phương châm là tấm gương để tự rèn luyện bản thân trờ thành con người có ích cho chính mình và cho xã hội như lời Bác Hồ đã khuyên:
… Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công
(Nghe tiếng giã gạo)
Bài làm 5
Trong cuộc sống, làm bất cứ việc gì nếu vội vàng hấp tấp ta thường bị hỏng việc. Trái lại, nếu cố gắng, bền bỉ, kiên trì thì dù việc đó có khó khăn đến đâu ta cũng có thể hoàn thành. Cũng chính vì thế, nên tục ngữ có câu: ”Có công mài sắt, có ngày nên kim”.
Đọc câu tục ngữ, trước tiên ta gặp nghĩa đen, nghĩa trực tiếp của câu tục ngữ. Một thanh sắt thô sơ, cứng cáp, ngày này qua ngày khác thanh sắt đó được mài, mài mãi… cho đến mọt ngày nào đó thanh sắt đó sẽ trở thành một cây kim bé nhỏ, tiện dụng. Mài sắt thành kim, mới nghĩ như vậy, nhiều người đã ngại ngùng vì thấy công việc này tưởng như khó khăn không thể làm nổi. Song có người lại không nghĩ như vậy. Họ bỏ ra nhiều công sức, nhỏ không ít giọt mồ hôi mài đi mài lại để cuối cùng thanh sắt thành cây kim. Cho nên cây kim dù nhỏ bé, không đáng gì nhưng nó lại là thành quả của lòng kiên trì, nhẫn nại.
Bên cạnh nghĩa đen trên, câu tục ngữ còn có nghĩa bóng. Đó là một lời khuyên, một bài học mà ông cha ta từ ngàn đời truyền lại cho con cháu: có sự kiên nhẫn, có quyết tâm cao, thì việc gì dù khó đến đâu cũng có thể làm xong.
Có biết bao tấm gương đã chứng minh điều đó.
Mạc Đĩnh Chi, con nhà nghèo, ban ngày còn phải làm kiếm sống chỉ tối đến mới có thời gian học tập. Nhưng không có tiền mua dầu thắp đèn, cậu bé họ Mạc phải bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng rồi soi lên trang sách mà đọc chữ. Với ngọn đèn đom đóm ấy, cậu bé miệt mài học tập và đến khoa thi năm 1304 cậu đã thi đỗ trạng nguyên rồi trở thành một vị quan có tài năng lớn trong triều nhà Trần.
Gần gũi với chúng ta là tấm gương sáng của Bác Hồ. Bác đã quyết chí đi tìm đường cứu nước khi còn rất trẻ. Ở nơi đất khách quê người, Bác đã làm mọi việc để kiếm sống và làm cách mạng: lúc làm phụ bếp trên tàu thuỷ, khi làm người cào tuyết giữa mùa đông lạnh giá ở Luân Đôn… Vượt qua bao khó khăn gian khổ, Bác đã tìm ra con đường cứu nước và đưa dân tộc ta, đất nước ta làm cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi, giành lại độc lập, tự do.
Nhìn ra nước ngoài ta thấy nhà khoa học nổi tiếng Niutơn, là một tấm gương kiên trì về học tập và nghiên cứu. Sinh ra trong một gia đình nông thôn ở nước Anh, mãi đến năm 12 tuổi mới được ra thành phố học tập và kết quả học tập năm đầu chỉ đạt mức trung bình. Đến cuối năm thứ hai, cậu bị một anh bạn học giỏi nhất lớp bắt nạt. Cậu tức quá, quyết tâm học giỏi hơn anh ta để trả thù. Sau đó cậu say mê làm việc, miệt mài đọc sách và trở nên giỏi nhất lớp. Năm 16 tuổi, Niutơn phải nghỉ học về quê sống với mẹ. Bà mẹ muốn hướng cậu vào công việc làm ăn nhưng cậu lại chẳng thiết tha mà chỉ chăm chú đọc sách. Năm sau, nhờ sự góp ý của ông chú, bà mẹ cậu lại cho cậu vào đại học. Ở đấy Niutơn đã bỏ hết thời gian vào việc nghiên cứu học tập và cuối cùng ông đã trở thành một nhà bác học vĩ đại của thế giới.
Qua một vài tấm gương tiêu biểu trên đây, ta có thể rát ra kết luận: chỉ có kiên trì, nhẫn nại, bền lòng, quyết chí, con người mới có thể làm nên sự nghiệp giống như người bền bỉ mài mãi một miếng sắt để làm nên vây kim. Nếu thiếu sự kiên trì, bền chí thì mỗi người chúng ta làm sao có thể vượt qua trăm ngàn trở ngại luôn chắn ngang con đường đi tới của mình? Sự nản chí, thiếu nhẫn nại, vững lòng chỉ dẫn tới đầu hàng và thất bại.
Tóm lại, điều mà câu tục ngữ Có công mài sắt, có ngày nên kim muốn nhắn ngủ mọi người là quá đúng đắn và xác thực. Chính là từ rất nhiều kinh nghiệm sống mà nhân dân ta đã đúc kết nên câu tục ngữ trên. Mỗi chúng ta có thể ngẫm nghĩ về câu tục ngữ và xem đó là một bài học rất quý giá giúp ta trau dồi ý chí nhằm vươn tới, tiến lên.