Trang chủ » Bài văn Kể chuyện mười năm sau em về thăm trường lớp 6 hay nhất

Bài văn Kể chuyện mười năm sau em về thăm trường lớp 6 hay nhất

Bài làm 1
 
Thế là đã mười năm trôi qua,mười năm xa trường. Thế hệ chúng tôi, những học sinh lớp 6C của thầy Linh dạy Toán và làm chủ nhiệm thuở ấy, nay đã ngoài 20 tuổi, đang học Đại học ở Hà Nội.
 
Sáng hôm ấy, chúng tôi hẹn gặp nhau ở cầu Tào, cùng đi xe máy về dự hội trường. Học sinh đủ mọi lứa tuổi đến hơn ba ngàn người đứng chật cả sân trường. Trường THCS Lương Thế Vinh là trường tiên tiên cấp tỉnh. Trường vẫn toạ lạc trên địa điểm cũ, cạnh ngôi đình làng Canh, nhưng đã hoàn toàn đổi mới.
 
Bốn dãy nhà hai tầng làm phòng học của bốn khối lớp. Thư viện, văn phòng, nhà hiệu bộ, hội trường, phòng thí nghiệm và phòng chức năng, tất cả đều to đẹp, khang trang. Các phòng học cũ nay chẳng còn nữa. Chúng tôi kéo nhau đi thăm các dãy nhà mới, thăm phòng truyền thống. Có biết bao nhiêu là cờ thi đua, bằng khen, ảnh lưu niệm của thầy trò các lớp. Bức ảnh thầy Linh chụp với 42 học sinh lớp 6C thuở ấy nay đã lên màu thời gian. Nhìn lại gương mặt, ánh mắt, nụ cười hồn nhiên của mình, của các bạn. tôi vô cùng xúc động. Hồng lớp trưởng, Quang và Hợi lớp phó đều đứng cạnh tôi.
 
Thầy giáo cũ được gặp lại chỉ còn bốn, năm người. Cô Liên dạy Văn,cô Ngọc dạytiếng Anh, thầy Hợp dạy sử, thầy Linh dạy toán. Thầy cô nào cũng đã ngoài năm mươi. Cô Liên mái tóc đã điểm bạc. Trong lớp cho biết chỉ hai năm nữa là thầy về hưu. Bao kỉ niệm đẹp một thời thơ bé đã sống dậy làm tôi vô cùng bồi hồi. Chúng tôi tặng mỗi thầy, cô một tặng phẩm nhỏ, cùng chụp ảnh lưu niệm. Thầy, cô nào cũng hỏi han về việc học hành, hỏi thăm gia đình mỗi đứa chúng tôi. Cô Liên vừa cười vừa nói: “Các em học giỏi thế mà chẳng vào ngành Sư phạm cả…”
 
Cả sân trường là một rừng cờ, một rừng hoa, một rừng người. Có hơn một nghìn học sinh của bốn khối lớp 6, 7, 8, 9 mặc đồng phục, xinh đẹp như những tiên nga, tiên đồng. Các thầy, cô giáo phần đông đều rất trẻ, đều tốt nghiệp Đại học Sư phạm.
 
Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa sân trường, tôi nhớ lại lần đầu được vinh dự kéo cờ trong lễ khai giảng. Đi vòng quanh gốc bàng, gốc phượng, tôi xúc động như gặp lại người thân thương. Hoàng và Thái nhắc lại kỉniệm trèo bàng, bắt ve bị thầy Linh phạt. Trường tôi 15 năm liền luôn luôn dẫn đầu các trường THCS trong toàn tỉnh. Thi học sinh giỏi, năm nào trường tôi cũng giành được giải cao. Mười năm trước, tôi đã được dự thi học sinh giỏi Toán toàn huyện, toàn tỉnh. Nay về dự hội trường, gặp lại thầy Linh, tôi càng thấy tự hào. Tôi nhớ ơn thầy nhiều lắm. Thành tích học tập và sự trưởng thành của tôi, của các bạn tôi,một phần lớn do công giảng dạy và rèn luyện của thầy. Mãi đến gần cuối buổi lễ, chúng tôi mới gặp được thầyHảo thương binh. Thầy vui tính, học sinhnào cũng nhận được sự yêu thương, nồng hậu và chăm sóc tận tình của thầy.
 
Ra về, tôi càng nhớ trường, nhớ các thầy cô, nhớ các bạn. Mười năm là một quãng đời đẹp. Tuổi trẻ chúng tôi lớn lên tronghọc hành và mơ ước. Thành tích của trường dày lên, đẹp lên theo năm tháng. TrườngTHCS Lương Thế Vinh là cái nôi hạnh phúc của tôi, của các bạn tôi một thời thơ bé.
 
Ôi, giấc mơ của mười năm sau. Mà sao tôi thấy tươi roi rói cả tâm hồn…
 
Bài làm 2
 
10 năm rồi tôi chưa trở về thăm ngôi trường ngày xưa – nơi đã từng dạy tôi những bài học đầu tiên trên đường đời.
 
Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập trường, tôi mới có dịp về lại mái trường mến yêu ấy…
 
Chiếc xe chở tôi từ từ lăn bánh, tôi hồi hộp, bao nhiêu câu hỏi cứ hiện lên trong đầu tôi “Trường mình bây giờ thế nào nhỉ? Có còn như lúc trước không? Những thầy cô hồi xưa dạy mình có khỏe không?” Rồi tôi tưởng tượng như mình đang đứng trước cổng trường cũ…
 
 Đập vào mắt tôi bây giờ là hàng chữ đỏ nổi bật giữa nền trắng: “Trường THCS Trung Sơn”. Những lá cờ đầy màu sắc được treo lên trên cổng trường để kỷ niệm ngày thành lập ngôi trường thân yêu…
 
 Tôi bước vào trong, ngôi trường cổ kính với những bức tường đã bị bong tróc những mảng sơn đã không còn, thay vào đó là một ngôi trường khang trang với những bức tường được quét vôi trắng xóa.
 
 Tôi vừa thấy quen, vừa thấy lạ, cây bàng trước đây chúng tôi trồng chỉ cao bằng một đứa bé mới lớn mà giờ đây đã trở thành một cây xanh khổng lồ, che bóng mát cả một góc sân trường.
 
 Tôi đi thăm từng lớp học, những chiếc quạt trần cũ kỹ đã được thay thế bằng những chiếc máy điều hòa hiện đại. Bàn ghế vẫn còn thơm mùi gỗ mới. Dãy phòng thực hành với đầy đủ các thiết bị giúp học sinh học tập tốt hơn,…
 
 Có biết bao cái mới lạ ở ngôi trường này, nhưng vẫn còn sót lại đâu đây nơi chứa đừng đầy ắp kỷ niệm thưở học trò mơ mộng của chúng tôi. Đây chiếc ghế đá nơi chúng tôi trò chuyện rôm rả trong những giờ ra chơi. Đây cây bàng với những tán là dày, xanh mướt, nơi chúng tôi ôn bài vào những buổi trưa hè oi bức. Đây cây phượng vĩ nơi chúng tôi trao nhau những lời hẹn ước trước khi rời xa ngôi trường dấu yêu này,…
 
 Tôi đang mải mê ngắm sự thay da đổi thịt của trường thì một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai tôi. Tôi quay người lại, ra là cô Mai – cô giáo dạy GDCD của chúng tôi. Tuy trên đầu đã có hai thứ tóc nhưng trông cô vẫn trẻ trung, xinh đẹp và đầy nhiệt huyết như thuở nào. Cô cất tiếng hỏi: “Là Ngọc phải không?”. Tôi vui mừng đáp lại, hóa ra cô vẫn nhận ra tôi: “ Dạ vâng, em là Ngọc ạ!”. Cô cười rồi ngồi xuống bên tôi, hỏi tôi về cuộc sống hiện nay, đồng thời cũng nói cho tôi biết rằng một số thầy cô đã về hưu, một số khác thì đã chuyển trường,… Tuy tôi hơi buồn khi nghe tin nhưng cùng lúc đó thì những thầy cô khác tới, cả những người bạn thuở học trò của tôi nữa! Tôi đến bên họ, hỏi han, trò chuyện rôm rả như thời học sinh…
 
 Chợt, chiếc xe phanh kít lại, anh phụ xe lên tiếng: “Đã đến nơi, mời mọi người xuống xe…” Tôi giật mình tỉnh giấc, hóa ra từ nãy đến giờ chỉ là một giấc mơ… Một giấc mơ thật thú vị. Hy vọng lát nữa thôi tôi sẽ được ngắm ngôi trường thật, gặp bạn bè, thầy cô… như trong giấc mơ kia vậy!
 
Bài làm 3
 
Tối hôm ấy, hai chị em được bố mẹ cho phép đi ngủ sớm. Nhưng kì chưa, trằn trọc mãi mà có ngủ được đâu. Càng lạ hơn nữa là khi thếp đi, cả hai cùng mơ một giấc mơ thật đẹp giống nhau: ngày hội trường Đồng Nga mười năm sau, khi ấy Thu Hà và Thu Hồng đã hai mươi mốt tuổi, năm tháng rưỡi, đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bồi hồi về thăm lại trường xưa.
 
Nhớ lại mười năm trước khi hai cô gái nhỏ vừa tạm biệt mái trường tiểu học Đồng Nga – ngôi trường thân yêu dưới bóng hoàng lan, gắn bó suốt 5 năm học, với bao kỉ niệm ngọt ngào để chuyển qua trường trung học cơ sở mới xây dựng ở ngoài đồng. Quả thật, trường mới xây dựng bề thế hơn nhiều. Nhưng phải có một thời gian khá lâu mới quen, mới thích ngôi trường mới này. Năm tháng trôi nhanh, tốt nghiệp THCS lên PTTH, vào học ở trường Xuân Tỉnh, rồi bốn năm qua, Hồng và Hà được đào tạo chính qui ở trường Đại học Sư phạm. Vậy mà cô gái làng Chè này chỉ mong có ngày trở về thăm ngôi trường tuổi thơ yêu dấu.
 
Thì giờ đây, ngày ấy cũng tới! Hỏi không xôn xao, không náo nức sao được.
 
Thướt tha và dịu dàng trong hai bộ áo dài lụa trắng, Thu Hà và Thu Hồng dắt tay nhau men theo dọc bờ đê đã thành dải đường lụa mịn màng dung dăng đi tới trường. Cổng trường kia rồi! rực rỡ cờ hoa, khẩu hiệu, băng rôn chào mừng. Lão tiên đồng hoàng lan, trải qua mười năm gió bụi, mà hình như chẳng già đi chút nào, vẫn tỏa hương thơm ngát. Trong hương hoa thoang thoảng, dưới bóng rợp của tán lá tầng tầng, tai vẫn nghe tiếng loa truyền đi lời diễn văn chào mừng kỉ niệm trường của cô hiệu trưởng – nhà giáo ưu tú Đỗ Hòa Lan (Cô giáo chủ nhiệm của hai chị em hồi lớp 6, ba năm trước đã được bầu làm người lãnh đạo cao nhất của trường học lớn với 2000 học sinh khu vực Đồng Nga, cầu Thăng Long này). Mắt hai chị em như loa lóa trước bao sắc màu lộng lẫy của hoa, của bóng bay, khăn quàng đỏ rực trên ngực của hàng ngàn thiếu nhi, nhi đồng khuôn mặt bừng sáng, hớn hở niềm vui.
 
Phần nghi lễ đã qua từ lúc nào. Hai chị em vội đi chào các thầy, cô giáo cũ. Cô Hòa Lan mỗi tay ôm một đứa, nụ cười rộng mở và nước mắt quanh mi.
 
– Trời! Hai đứa con gái của cô đã lớn, xinh thế này ư? Sang năm ra trường có định về quê dạy học không đấy?
 
– Vâng, thưa cô, có chứ ạ!
 
Hồng, Hà líu ríu đáp. Bụi phấn còn vương hay sương chiều đã phảng phất trên mái tóc dài buông ngày ấy của cô, nay cũng đã ngắn, mỏng khá nhiều.
 
Tạm rời tay cô, Hồng, Hà rảo bước tới căn phòng, nơi hai chị em ngồi học năm lớp 5. Thay đổi nhiều quá! Hà thốt lên ngạc nhiên khi bước chân vào căn phòng sáng chưng, hiện đại. Hóa ra bây giờ học sinh được học theo các phòng bộ môn: phòng học toán, phòng học văn, sử, địa, sinh, thể dục… Căn phòng học của hai chị em ngày xưa nay trở thành phòng chuyên dạy tin với năm dàn máy vi tính, hệ mới nhất. Trên tường treo chân dung của các tác giả được học trong chương trình. Sát tường phía dưới là sách giáo khoa Tiếng Việt, kể chuyện, các tạp chí, tập san, báo Văn nghệ. Bảng phớt trắng tinh. Máy chiếu hắt đặt ở góc phải. Micrô bốn chiếc. Bàn ghế học sinh xếp ba dãy, mỗi dãy bốn bàn, mỗi bàn ngồi có hai người. Mỗi lớp không vượt quá 25 học sinh.
 
–  Chẳng thua gì phòng học của ĐHSP Hà Nội, Hồng nhỉ? Hà tấm tắc khen.
 
Năm mươi phòng phục vụ cho việc dạy học trong một tòa nhà năm tầng với hệ thống thang máy và điều hòa nhiệt độ, vẫn đứng cách tòa nhà cổ với cây hoàng lan, cây sấu, cây phượng, cây bàng. cũng chẳng già đi bao nhiêu. Một khoảng sân gạch vuông đỏ, không rêu.
 
– Lão tiên đồng hoàng lai ơi! Hoàng lan!
 
Nhất định sang năm chị em cháu sẽ về đây làm cô giáo, để được sớm chiều bên ông, dìu dắt lớp đàn em, để được đền ơn các thầy cô, đền ơn mái trường no ấm, đền ơn cả bóng mát và hương thơm của hoàng lan tiên ông nữa đấy.
 
– Về đi! Về đi!…V.ề.đ.i!
 
Tiếng cây già giục gọi hay tiếng loa truyền thanh vang động, kéo dài làm hai chị em bừng tỉnh giấc. Chết thôi đã sáng banh mắt ra rồi. Mọi chuyện chỉ là mơ, một giấc mơ thật đẹp.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top