Trang chủ » Bài văn kể về chuyến đi về thăm quê lớp 6 hay nhất

Bài văn kể về chuyến đi về thăm quê lớp 6 hay nhất

Bài làm 1
 
Mỗi dịp nghỉ lễ đối với em vô cùng ý nghĩa, đó không chỉ là khoảng thời gian em có thể nghỉ ngơi, cùng gia đình tận hưởng kì nghỉ sau những ngày học tập, làm việc căng thẳng mà đó còn ý nghĩa hơn nữa bởi mỗi dịp nghỉ lễ em sẽ cùng bố mẹ về thăm quê, thăm ông bà. Hoàn cảnh làm việc và công tác xa nhà khiến cho em và bố mẹ không thường xuyên về quê thăm ông bà được, vì vậy mà những ngày nghỉ trở về quê hương em đều vô cùng trân trọng. Chuyến về thăm quê ý nghĩa nhất đối với em đó chính là dịp về quê nhân dịp tết Nguyên Đán năm 2016.
 
Sau một năm học tập đầy căng thẳng, đến dịp lễ tết Nguyên Đán, nhà trường cho học sinh nghỉ lễ trong vòng mười lăm ngày. Em thấy vui vẻ và hạnh phúc lắm bởi dịp tết nguyên đán chính là ngày lễ đặc biệt nhất trong năm. Và sẽ còn hạnh phúc hơn nữa khi em và gia đình mình sẽ được đón tết bên ông bà. Đó sẽ là cái tết sum vầy đầy ấm cúng, hạnh phúc. Bố mẹ em được nghỉ muộn hơn em nên phải đến ngày hai mươi sáu tết âm lịch thì gia đình em mới bắt đầu về quê đón tết.
Trên đường đi em đã vô cùng háo hức, hân hoan, đan xen chút hồi hộp, bởi chỉ một chút nữa thôi em sẽ được tự do chạy nhảy trên con đường làng thân quen, được gặp ông bà sau một thời gian dài xa cách. Tuy đây không phải lần đầu tiên em được về quê nhưng lần nào cảm xúc cũng dạt dào, hân hoan như thế. Kể từ dịp nghỉ hè bảy tháng trước thì em chưa có dịp về quê thăm ông bà, vì vậy mà nỗi háo hức, mong chờ càng to lớn hơn nữa. Em liên tục nhìn ra ngoài cửa sổ, mong cho xe nhanh nhanh chạy đến để em có thể trở về quê hương đầy yêu dấu của mình.
Sau hơn hai tiếng chạy xe đường dài, cuối cùng con đường đên cũng hiện ra trước mắt của em, em vội vàng gọi bố mẹ cùng sướng, niềm vui như vỡ òa khi vừa đặt chân xuống thì em bắt gặp ánh mắt hiền từ, trìu mến của ông. Nghe tin gia đình em hôm nay sẽ về nên ông nội đã ra đón từ rất sớm, ông ngồi bên quán nước của bà Hoa, khi thấy xe dừng thì lại gần đón con, đón cháu. Em vui sướng gọi to tên ông:
“Ông ơi, con về rồi. Con nhớ ông lắm” Em ôm chầm lấy ông, ông bế em lên, miệng cười đầy nhân hậu.
“Cái Bống của ông về rồi, lớn quá ông sắp không bế được rồi” Em vui mừng và hạnh phúc lắm, vòng tay của ông bao giờ cũng ấp áp như vậy, yên bình như vậy. Sau khi chào hỏi thì ông nội dắt tay em, cùng bố mẹ đi về nhà.
 
Trên đường về nhà em bắt gặp rất nhiều hình ảnh thân quen, là con đường làng quen thuộc, là những bầy trâu thả ven đê, là những người bạn đang ngồi trên lưng trâu thổi sáo, thả diều. Nhìn thấy em các bạn gọi tên đầy vui vẻ, không khí ngày tết ở làng quê thật ấm áp, nếu như thành phố có cái ồn ào, tấp nập thì ở những vùng quê lại yên bình, thấm đượm tình người, những cành đào khoe sắc được các bác, các chú mang về nhà bày biện ngày tết mới thật rực rỡ làm sao.
 
Về đến nhà, nghe tiếng em từ ngoài cổng, bà nội đã vội ra đón, nhiều tháng không gặp, bà nội vẫn vậy, ánh mắt vẫn hiền từ, nụ cười vẫn ấp áp như vậy. Bà đang rửa lá dong ở sân giếng, em đã cùng bà rửa cẩn thận từng chiếc lá dong xanh ngắt, để cho những chiếc lá không bị dập nát, như vậy gói bánh chưng mới thơm, ngon. Những công việc giản dị nhưng khi được làm với những người mà ta thương yêu thì ý nghĩa hơn rất nhiều. Sau khi rửa xạch, em lại giúp bà lau khô từng chiếc lá, sau đó mang lên trên mái hiên để ông nội gói bánh.
 
Ông nội vô cùng khéo tay, việc gì ông cũng có thể làm được, em luôn có suy nghĩ ông là người tài giỏi nhất trên đời. Những chiếc lá dong được ông gấp khéo léo để cho gạo, đỗ, thịt lợn vào gói bánh, những chiếc bánh vuông vức, xanh ngắt được buộc bằng những sợi lạt dẻo dai trông thật đẹp mắt. Bánh chưng là món bánh truyền thống của đất nước ta, đối với những vùng quê như quê em thì những chiếc bánh chưng không chỉ là biểu tượng của ngày tết mà còn là biểu tượng của sự xum vầy. Bởi những người thân sẽ cùng nhau làm ra những chiếc bánh thơm ngon, đêm giao thừa sẽ ngồi bên bếp lửa luộc bánh, tâm sự những chuyện đã qua, cùng nhau vui vẻ đón một năm mới lại về.
 
Chuyến về thăm quê của gia đình em dịp tết Nguyên đán này vô cùng ý nghĩa bởi chính sự hạnh phúc, niềm vui của sum vầy. Đây là dịp để cả gia đình em được quây quần hạnh phúc bên nhau, cùng đón năm mới về biết bao nhiêu hi vọng tốt đẹp về một cuộc sống bình an, vui vẻ. Đón tết bên ông bà, người thân làm cho niềm vui năm mới nhân lên gấp bội, em sẽ mãi trân trọng những khoảnh khắc hạnh phúc như thế này.
 
Bài làm 2
 
Quê nội em ở rất xa thành phố nên chẳng mấy khi em được về thăm. Nam nay dù dã mười hai tuổi nhưng em cũng mới chỉ được về thăm ông bà nội có một lần. Lần ấy lâu lắm rồi, từ khi em còn nhỏ lắm nên hầu như em chẳng nhớ điều gì nữa. Thế nhưng tuần vừa qua, cảm ơn những ngày nghỉ của bố, em đã được về quê nội.
 
Bố báo tin mừng trước ba ngày. Ba ngày là khoảng thời gian quá lâu để hâm nóng niềm vui và chờ đợi. Thế rồi cuối cùng em cũng chờ được đến lúc lên tàu. Chuyến tàu hôm ấy đông đúc và ồn ã lắm. Dường như em có cảm giác ai cũng về quê thì phải. Con tàu lăn bánh rời khỏi sân ga trong một niềm vui mừng bâng khuâng khó tả. Tàu chạy gần cả một ngày nhưng em không muốn ngủ. Cảnh vật bên đường mới thích làm sao. Hết làng mạc lại đến cánh đồng, rồi đồi bãi bát ngát mênh mông. Hai bên đường lúc thì rợp một màu xanh, lúc lại nhộn nhịp vô cùng khi tàu đi qua phố chợ. Em đang miên man suy nghĩ thì tàu đến sân ga.
Nhà nội cách sân ga chưa đầy nửa cây số nên bố quyết định cả nhà đi bộ. Bước trên con đường mà dưới chân sỏi và đá cứ kêu lạo xạo, em thấy có một cái gì đó lạ vô cùng. Một cảm giác em chưa từng được trải qua. Loáng cái đã đến cổng nhà bà nội. Chiếc cổng bằng tre cũ kỹ, che một phần giàn mướp sai trĩu quả bên trong. Thấy cả nhà đã về tới cổng, bà nội vui mừng ra đón. Không hiểu sao lúc ấy tự nhiên em vứt ngay túi đồ xuống đất sà vào lòng bà nội mà nức nở. Buổi tối hôm ấy qua đi trong một giấc ngủ ngon làn cùng bà nội.
 
Sáng hôm sau bà gọi em dậy sớm và hình như em cũng không muốn ngủ lười như ở trên thành phố. Bây giờ em mới kịp quan sát kỹ ngôi nhà của ông bà nội. Ngôi nhà ba gian lâu ngày bị gió sương làm chuyển sang màu nâu bạc. Nhưng bên trong vẫn toát lên vẻ ấm cúng, thiêng liêng và gần gũi vô cùng. Trong bữa cơm buổi sáng, em cố khớp những hình ảnh đã hình dung với hình ảnh thực của ông bà nội. Ông bà trẻ hơn so với suy nghĩ của em. Dù đã ngoài bảy mươi nhưng ông vẫn khỏe mạnh và quắc thước. Bà nội tóc có bạc hơn nhưng bà vẫn còn nhanh nhẹn lắm.
 
Bữa cơm vừa xong là lúc em bắt đầu được thưởng thức những cảm giác thú vị của đồng quê. Trong khi ông bà miệng bỏm bẻm nhai trầu cùng bố mẹ em và các chú bàn công chuyện thì em được các anh chị họ rủ ra đồng chơi. Hôm nay em là nhân vật trung tâm nên anh chị nào cũng giành phần để chăm chút cho cậu em từ thành phố mới về. Ôi! Những ngày ở quê, các anh chị đã cho em biết thêm bao điều thú vị. Và có lẽ vui mừng hơn cả là những trò chơi của tụi nhỏ ở nông thôn. Lần đầu tiên em biết thế nào là một con diều sáo. Và lại còn được anh hai cho cầm dây mới thích chứ. Rồi còn biết thêm trò chơi chọi dế, đánh cỏ gà, đá bóng bằng trái bưởi phơi khô…lại còn cả những buổi được đi chăn trâu thật là ngộ nghĩnh. chỉ vài ngày mà em quen thêm bao nhiêu người bạn mới. Điều lạ là ai cũng dễ gần, cũng dễ chơi và nhanh thân thiết lắm chẳng như trên thành phố.
 
Những ngày ở quê vội vã qua đi trong sự nuối tiếc của em vì hầu hết những cuộc chơi còn đang dang dở. Ngày trở về thành phố ông bà còn cho rất nhiều quà. Bà ôm em vào lòng khóc nhưng không rơi nước mắt. Bà nói: Cháu bà ngoan! Về thành phố nhớ chăm chỉ học hành, lần sau trở lại chắc cháu bà lớn lắm. Em không nức nở như lúc mới về mà chỉ dửng dưng. Ở trong lòng bà em cảm thấy quê nội ấm áp, thiêng liêng, cao quý mà gần gũi xiết bao.
 
Bài làm 3
 
Bố mẹ tôi lấy nhau ở thành phố nên nghiễm nhiên sinh tôi ra cũng ở thành phố, dẫu vậy bố mẹ tôi luôn nhắc nhở tôi phải nhớ đến quê hương. Thế nhưng quê tôi ở xa quá, phải đợi đến khi tôi học lớp 6 bố mẹ tôi mới cho phép tôi về quê và ở một với bà nội một thời gian. 
Khỏi phải nói tôi đã hồi hộp và sung sướng như thế nào khi được bố mẹ cho phép về quê. Ngày lên đường về quê nội, bố mẹ tôi dặn đủ thứ nào phải ngoan, phải nghe lời bà không được để bà buồn. Tôi vâng dạ rối rít. 
 
Sau nửa ngày đi tàu và mấy tiếng đi ôtô, quê nội đã hiện ra trước mắt tôi. Đó là một vùng đất trung du có những quả đồi lúp xúp và những rừng cọ có tán xoè rộng như những chiếc ô che đầu. 
 
Nhà nội tôi nằm nép ở chân đồi, muốn vào nhà phải đi trên một cây cầu tre bắc qua một con suối nhỏ. Nhà nội tôi không nhiều tầng như những ngôi nhà ở thành phố mà chỉ là ngôi nhà ngói năm gian, có rất nhiều cửa sổ và xung quanh là vườn cây xanh tốt, đằng trước là vườn rau đủ loại. Tất cả đều được phủ lên bằng một màu xanh mát. Bởi vậy cảm giác đầu tiên khi đặt chân lên nhà nội là một cảm giác mát mẻ thanh bình của một miền quê vùng trung du. 
 
Từ nhà nội nhìn ra phía trước, tôi lại thấy những quả đồi thấp, ở đó có một màu xanh của cây cỏ, và xen lẫn là những thân cọ khẳng khiu cao vút. Buổi chiều, khi ông mặt trời sắp lặn, tôi nghe văng vẳng tiếng mõ của đàn bò no nê trở về, đâu đó còn có tiếng reo hò của lũ trẻ chăn trâu. Trên không trungtừng đàn chim ùa bay qua. Buổi chiều ở quê nội thật đẹp và yên bình, tôi ước ao được cùng các bạn nhỏ nơi này dạo chơi ở trên những quả đồi, trên những cánh đồng xanh mát. Sau một ngày đi đường vất vả mệt nhọc, tôi ngủ thiếp đi trong lòng nội. Đang trong giấc ngủ ngon lành, tôi bỗngnghe thấy tiếng chim hót líu lo như cất lên ngay cạnh nơi tôi ngủ, tôi choàng tỉnh giấc và mải mê nghe, tiếng chim hót nghe trong trẻo, lảng lót như một điệu nhạc cất lên chào buổi sáng. Ngoài sân tiếng mẹ con nhà gà mái cũng lục tục gọi nhau đi kiếm ăn, hai chú cún con đùa rỡn nhau trên sân. Ôi, buổi sáng ở đây thật tuyệt vời. 
 
Tôi chạy ra sân ngắm nhìn cảnh vật, ông mặt trời đã hé mắt nhìn ở phía đằng đông, cây chuối trong vườn đung đưa trong gió, ngoài ao đàn cá tung tăng bơi lội, thỉnh thoảng lại chạy ào xuống đáy ao như chơi chốn tìm. Bữa sáng ở quê được dọn ra thật đơn giản chỉ có khoai lang luộc. Bà biết tôi thích món này nên đã chuẩn bị từ trước, củ khoai của quê nội tôi không to nhưng lại rất bở và ngọt. Tôi thích thú ăn đến no bụng. Ăn sáng xong hai bà cháu dẫn tôi lên nương hái chè, quê bà tôi chè được xem là món đặc trưng nhất. Quả đồi thoai thoải nằm ngay sau nhà của nội tôi và được trải lên một màu xanh mướt của những búp chè non. Nội tôi tuy đã già nhưng hai tay vẫn thoăn thoắt hái chè. Hai bà cháu vừa làm vừa chuyện trò vui vẻ, cười vang khắp quả đồi. 
 
Đến gần trưa, khi ông mặt trời bắt đầu toả ánh nắng lên khắp nương chè cũng là lúc bà cháu tôi trở về nhà. Bóng bà như cùng nghiêng nghiêng theo bóng nắng, tôi thấy thương bà quá, bà đã già rồi mà vẫn còn vất vả. Bà mủm mỉm cười: Bà vất vả quen rồi, làm lụng cũng giúp con người ta khoẻ mạnh hơn đấy cháu ạ. Buổi chiều, khi cái nắng hè đã dìu dịu, tôi ra cổng đứng trên cầu thả hồn theo dòng nước trong veo, trong đến nỗi tôi có thể nhìn thấy cả sỏi và cát ở dưới đáy. Thỉnh thoảng có đàn cá lững lờ bơi và chỉ nghe thấy một tiếng động nhỏ là tất cả lại biến mất.
 
Chỉ sau mấy ngày ở quê nội tôi đã có thêm rất nhiều bạn, những người bạn chân chất thật thà và họ rất quý tôi. Họ thường rủ tôi đi chơi, giới thiệu cho tôi nghe những thứ đặc trưng của vùng thôn quê. Và thú nhất là vào buổi trưa, chúng tôi lại leo lên đồi cọ, ở đó cái nắng nóng đâu chẳng thấy mà chỉ thấy gió mát và bóng râm. Chúng tôi ngồi dưới tán cọ, nghe gió thổi xào xạc trên những tàu lá cọ, cả rừng cọ đung đưa theo nhịp gió, nghe như bản nhạc của đồng quê. Giữa không gian thanh bình ấy tôi thấy mình như lạc đến một nơi nào xa lắm. Quê nội tôi thật đẹp phải không các bạn! Thời gianthấm thoắt trôi đi, đã đến lúc tôi phải rời quê nội trở về thành phố. Ngày chia tay, bà nội nhìn tôi rơm rớm nước mắt, bà chúc tôi học giỏi để sang năm lại về thăm bà. Các bạn trong xóm cũng đến tạm biệt tôi. Bước lên xe, lòng tôi đầy tiếc nuối, quê nội cứ khuất dần ở phía sau, tôi thầm hứa sang năm sẽ học thật giỏi để lại được bố mẹ cho về thăm nội. Trong tôi, quê nội thật gần gũi và thân thương đến lạ thường.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top