Bài làm 1
Kỉ niệm về ông nội, một người ông rất hiền và cần mẫn sẽ luôn sống mãi trong trái tim em.
Ông nội em đã mất khi em mới học lớp 5, nhưng những kỉ niệm về ông em vẫn còn nhớ như in. Ông em hồi đó đã ngoài 70 tuổi răng ông đã rụng mất vài chiếc và da nhăn nheo, lưng cũng còng đi theo năm tháng. Ông bảo đó là vì gánh cả tương lai của các cô các bác nên lưng ông đã còng từ hồi nào ông cũng không nhớ. Ông là một người nông dân nên tính tình ông lúc nào cũng thật thà và chất phác, mỗi lần chúng em về thăm ông, ông đều nở nụ cười rất tươi và thường kể chuyện về cuộc sống của ông và gia đình khi còn chiến tranh cho chúng em nghe. Em rất thích nghe ông kể những câu chuyện đó và lại càng cảm thấy khâm phục ông nhiều hơn.
Vì sống ở quê nên ông có cả một đàn gà rất nhiều con đủ loại trống, mái, lớn, nhỏ em và em gái em thường giành nhau để được cho gà ăn mỗi lúc ông gọi chúng vào chuồng. Ông nội em còn có cả một vườn rau trồng rất nhiều loại rau mà mẹ thường hay mua ở chợ cho chúng em ăn, thi thoảng ông còn gửi lên cho nhà em cả con gà và rau sạch nữa. Em thích được cùng ông đi tưới rau vào mỗi buổi chiều. Ông bảo: “Phải chăm sóc, tưới nước đầy đủ thì mới có rau ngon cho các cháu của ông ăn được” rồi ông lại cười thật hiền. Em còn rất thích đọc sách cho ông nghe.Buổi chiều em thường ngồi cạnh và đọc cho ông nghe về quyển sách mà em có. Ông bảo hồi bé không được đi học nên ông không biết chữ nhưng ông tính toán rất nhanh.
Bài làm 2
Được sinh ra trên cuộc đời này tôi đã thấy rất hạnh phúc rồi, nhưng được những người sinh ra mình quan tâm chăm sóc mình thì thôi càng cảm thấy yêu cuộc sống này biết bào. Và tôi muốn cho cả thế giới này biết rằng tôi rất hạnh phúc. Đặc biệt ngoài sự yêu thương của cha mẹ, anh chị em trong gia đình thì tôi còn được sự yêu mến của ông nội tôi. Ông như một tấm gương sáng để tôi noi theo về phẩm chất và tích cách tuyệt vời ấy.
Ông có một khuôn mặt rất đẹp theo như nhiều người nhận xét là như thế. Khuôn mặt của ông mang một vẻ đẹp rất riêng rất đàn ông và lịch lãm. Cũng chính vì vẻ đẹp ấy mà bà nội tôi đã phải lòng ông. Gò má hơi cao cộng thêm đôi môi đẹp và chiếc mồm rộng khiến cho ông tôi thật đẹp cả đến khi ông già đi như bây giờ mà tôi vẫn thấy được vẻ đẹp đó. Người ta nói đàn ông mồm rộng thì sang phải chăng ông tôi sang trọng lịch lãm nhờ cái mồm.
Ông tôi giờ đã chín mươi tuổi, ông vẫn hồng hào trông ông như một ông bụt, ông tiên trong truyện cổ tích chui ra. Mái tóc ông bạc phơ như sợi cước, tùng mảnh trắng bạc phơ như màu của đám mây. Thỉnh thoảng có những sợi tóc lạc đàn phất phơ trước gió mềm như mây vậy. Dù già đi nhưng ông tôi vẫn rất khỏe ông vẫn đi lại bình thường, vẫn mang về cho tôi những món quà kẹo ngon ngọt của trẻ con. Mắt ông tinh lắm, tôi mới ít tuổi đầu mà đã cận trong khi ông tôi mắt sáng mở to tròn khi nào mà bị ông dọa cho thì sợ phải biết. ông rất hiền chả bao giờ chùng mắt với tôi, nhưng khi ông dọa ma thì nhìn đôi mắt to của ông hơi sợ. Ông tôi gầy lắm chỉ có bốn lăm cân thôi, nhìn thân hình ông chỉ còn có da bọc sương thế nhưng ông vẫn ngày ngày tập thể dục thường xuyên để giữ gìn sức khỏe.
Trên khuôn mặt ông còn có điểm nhấn là bộ râu. Ông tôi để râu trông thật hiền lành, bộ râu ấy cũng bạc phơ như mái tóc trông thật như phật sống. Đôi lông mày cũng chuyển sang màu trắng nhìn ông với mái tóc bộ râu đôi lông mày cùng nước da hồng hào ấy nhìn thật đẹp lão biết bao. Ông là một người liêm khiết nhất mà tôi từng thấy. Khi nhà nước tặng ông một mảnh đất trên thủ đô thì ông lại từ chối. Ai cũng bảo rằng ông quá liêm khiết nêu như ông nhận miếng đất ấy thì bay giờ con cháu có thể sung sướng trên hà nội rồi. Bởi dẫu gì có một mảnh đất trên thủ đô cũng rất có giá. Thế nhưng ông nhất định không nhận, ông quả thật là liêm khiết hết mức. Và điều đó rất đáng để tôi học tập và noi theo. Mỗi khi buồn tôi thường đến bên ông để vuốt ve mái tóc bạc trắng ây, vuốt râu của ông và nghe giọng cười khanh khách giòn giã của nội. Những nét đẹp trên khuôn mặt nội hay vẻ đẹp tâm hồn đều làm cho tôi thấy yêu quý và khâm phục trân trọng nội tôi nhiều hơn.
Bài làm 3
Trong gia đình có ông bà và bố mẹ, đôi khi người mà ta dành tình cảm nhiều nhất lại không phải là bố mẹ mà là ông hay bà. Bởi vì ông, bà là người chăm sóc chúng ta có khi nhiều hơn cả bố mẹ. Bản thân em cũng vậy, trong gia đình ông nội là người em kính trọng và yêu quý nhất vì ông luôn lo lắng, chăm sóc em mỗi khi bố mẹ bận bịu với công việc của mình.
Ông nội em năm nay đã bảy mươi tuổi, cái tuổi vẫn còn khá trẻ so với các cụ già. Dáng ông thấp và hơi gầy, chắc tại do ông hơi còng nên nhìn mới thấp như vậy. Ông kể trước kia lúc còn trẻ ông không gầy như bây giờ, cũng có thể tại tuổi già ông không ăn được nhiều nên mới thế. Mặc dù tuổi khá cao nhưng da dẻ ông vẫn rất hồng hào chứ không nhăn nheo, thỉnh thoảng có những chấm đồi mồi biểu hiện của tuổi già. Tóc ông cũng đã bạc khá nhiều, tuy vậy nhưng răng vẫn còn chắc và mắt còn rất tinh chư không như các cụ ông khác là răng rất yếu hoặc có thể đã bị rụng một vài cái. Ông với cặp kính của mình vẫn có thể đọc rành mạch từng chữ trong một tờ báo hay quyển sách mặc dù chữ khá nhỏ.
Bố mẹ em đều rất mừng vì điều đó. Ông mặc rất giản dị, ông hay mặc bộ quần áo nâu và có đôi dép xốp vào mùa hè, mùa đông thì ông mặc áo bông, đội mũ len và vẫn đôi dép ấy nhưng có đeo tất. Ông có sở thích là cắt tỉa cây cảnh, biết được sở thích của ông nên bố em có thói quen sưu tầm cây cảnh vừa để làm phong phú khu vườn và cũng giúp ông vơi đi phần nào nỗi cô đơn của tuổi già.
Em nhớ lúc còn bé, bố mẹ thì lúc nào cũng tất bật với công việc của mình, bà nội là hội trưởng hội thanh niên xung phong của xã và tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh nên cũng khá bận với công việc của mình thì ông là người chăm sóc em, ông nấu cháo cho em ăn, đưa em vào giấc ngủ với những câu chuyện cổ tích, quạt cho em những khi mất điện với chiếc quạt nan quen thuộc của mình.
Lớn hơn một chút ông cho em theo ông ra vườn tỉa cây cảnh với ông. Ông tỉa cây còn em thì nhổ cỏ, ông bảo nhờ có em mà lúc nào ông cũng cảm thấy vui và bớt hiu quạnh. Bây giờ em đã đi học, những lúc bà bận việc ông lại ở nhà một mình chỉ biết làm bạn với vườn cây. Biết ông buồn, tan học là em về với ông, nhổ tóc sâu cho ông và kể cho ông nghe những chuyện trên lớp học của mình. Những ngày em được nghỉ học em và ông hay đi bộ tập thể dục buổi sáng, em bảo ông tập thể dục sẽ rất tốt cho sức khỏe nhưng ông bảo những hôm em đi học có một mình nên ông không tập. Trong gia đình ông luôn dạy con cháu những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống, khuyên răn con cái không được làm điều gì sai trái, đi ngược lại với đạo lí con người.
Em rất yêu quý và kính trọng ông, mong ông luôn khỏe mạnh để còn chăm sóc cháu nữa. Cháu sẽ thường xuyên đi tập thể dục với ông, học cách tỉa cây cùng ông để ông không cảm thấy buồn những lúc bà vắng nhà nữa ông nhé!
Bài làm 4
Ông nội tôi, một người thầy cao cả nhất, người đã khiến tôi yêu quý nghề giáo hơn bất kỳ nghề nghiệp nào khác.
Cho tới bây giờ, tôi vẫn không thể nhớ nổi người ông mà mình yêu quý nhất đã xa từ lúc nào, chỉ biết là đã rất lâu tôi không được nhìn thấy khuôn mặt ấy, giọng nói ấy, không còn được làm nũng và đòi ông đưa đi mua quà vặt lẫn đồ dùng học tập nữa. Thực sự tôi luôn có cảm giác rằng ông vẫn theo bước tôi đi, vẫn bên cạnh tôi bất cứ lúc nào.
Có lẽ, những ngày tháng ở với ông, tôi còn quá nhỏ để có thể hiểu được và trân trọng những gì ông đã làm cho mình. Ông nội là thầy giáo dạy toán ở trường đại học, ông có cả một lớp dạy thêm toán ở nhà.
Ngày còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi hay chạy lại đứng cạnh cửa sổ và xem ông dạy học, những lúc như thế ông thường đuổi tôi ra vì không muốn tôi làm các anh chị mất tập trung.
Lúc đấy, tôi thấy giận ông lắm. Trong đầu tôi cứ hiện ra những suy nghĩ: “Tại sao ông không dành thời gian ở bên tôi, ông quý tôi nhất mà, quý tôi hơn những anh chị đang ngồi đằng kia. Vậy mà tại sao ngày nào ông cũng dành rất nhiều thời gian để dạy học, hết lớp này đến lớp khác, để rồi ông chẳng đưa tôi đi mua được thứ gì”.
Ngày đó, tôi quý ông lắm vì ông hay đưa tôi đi mua hết thứ này đến thứ khác, những gì đòi mẹ mua không được, tôi đều vòi ông đưa đi mua. Ông chẳng bao giờ từ chối tôi bất cứ thứ gì cả. Nhiều lần tôi bị mẹ mắng vì cứ suốt ngày đòi ông mua lung tung, mẹ nói ông làm gì có tiền mà cứ nhõng nhẽo. Tôi thấy mẹ nói dối, ông không có tiền làm sao mà sẵn sàng mua cho tôi nhiều thứ như vậy được.
Bà tôi thì hay mắng ông vì ông chiều quá đâm nó sinh hư, vì thế nên mỗi lần đi mua gì hai ông cháu cũng đi bí mật, không cho ai biết. Ông bảo tôi sau khi mua phải giấu đi kẻo bà thấy lại mắng ông, những lúc ấy tôi thấy vừa buồn cười, vừa thương ông. Ngày ấy, ông hay ngủ ở nhà bác tôi để trông nhà hộ bác, thế mà từ ngày ông chuyển đi, cả đống sách vở ông cũng đem theo luôn, rồi tôi cũng gặp ông ít hơn, chỉ thỉnh thoảng ông mới về vì ông đi dạy ở trường suốt. Thỉnh thoảng ông đèo tôi đi học bằng xe đạp, từ nhà tôi đến trường phải đi qua một con dốc rất cao, cứ mỗi lần đạp xe đến gần dốc là ông lại phải xuống để dắt bộ. Lúc ấy, tôi nhận ra rằng sức khỏe của ông không còn tốt nữa.
Tôi nói ông để tôi xuống rồi dắt xe đi cho nhẹ nhưng ông luôn nói rằng “cứ ngồi đấy ông sẽ dắt lên được”, nhưng mồi lần dắt lên dốc, tôi lại thấy ông thở rất nhiều. Từ sau lần đấy, tôi đều tự động nhảy xuống để dắt xe cùng ông, tôi đẩy đằng sau, còn ông dắt.
Có lần, tôi đã hỏi ông rằng ông dạy lớp mấy, ông bảo ông dạy cấp 3, tôi nói rằng vậy khi nào tôi lên cấp 3 thì ông lại đèo tôi đi học nhé, rồi ông còn phải dạy toán cho tôi nữa, ông cười rồi và trả lời rằng tất nhiên rồi, ông sẽ dạy học cho tôi. Đó là lời hứa duy nhất của ông mà tôi chưa bao giờ quên. Rồi một ngày tôi biết tin ông bị ung thư đại tràng, mọi người phải chạy chữa cho ông ở viện này tới viện khác.Tôi nghe lén cuộc nói chuyện của bà với mẹ, bà bảo những ngày ở nhà bác, ông hay đi dạy về muộn, rồi thức đêm, chỉ ăn qua loa bánh mì, không ăn đầy đủ chất.
Ông biết rõ là bị bệnh nhưng lại giấu vì sợ mọi người lo, ông chỉ mua thuốc rồi uống chứ không đi khám nên bệnh tình mới trở nặng. Những ngày ông nằm giường bệnh, tôi thấy lo cho ông lắm, chẳng biết làm cách nào để giúp ông khỏi bệnh.
Thấy mẹ chiều nào cũng khuấy bột sắn cho ông nên tôi tranh làm và nói rằng sẽ đảm nhiệm công việc này. Dù tôi làm hôm thì nhạt quá, hôm thì ngọt quá nhưng ông chẳng chê gì mà vẫn kêu ngon. Thấy ông hay ăn bánh mì, tôi nghĩ ông phải mê nó lắm nên ngày nào cũng ăn. Tôi ăn cùng ông rồi cũng nghiện món ấy, chẳng có gì, tôi và ông chỉ thích ăn bánh mì không, vừa ăn hai ông cháu vừa trò chuyện rất vui vẻ.
Rồi ông được viện trả về, tôi không biết tại sao, chỉ thấy mọi người bảo thế, tôi thấy thích lắm vì tôi sẽ được ở cạnh ông nhiều hơn. Rồi mọi người muốn cho ông đi du lịch, chuyến du lịch dài ngày, ông trở về với tâm trạng thoải mái hơn. Cho tới giờ tôi mới biết đó là chuyến du lịch cuối cùng của ông.
Những ngày tháng cuối đời, dù bị những cơn đau bụng quằn quại, tôi thấy ông vẫn cố chịu đựng. Những lúc đau, ông lại đuổi tôi về vì không muốn tôi thấy ông như thế. Ông còn bảo tôi đem sách vở toán sang ông dạy, những ngày ông dạy tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dù đau bụng nhưng ông vẫn cố ngồi dạy tôi làm toán. Tôi thấy thương ông lắm mà chẳng làm gì được.
Rồi cái ngày đáng sợ nhất cũng đến, ông ra đi trong sự thương tiếc của gia đình và học trò. Cho tới những giây phút ấy, tôi cũng không tin vào mắt mình rằng người ông mà tôi yêu quý nhất đã bỏ tôi mà đi. Còn lời hứa với tôi thì sao? Ông còn chưa thực hện lời hứa với tôi mà đã ra đi như thế, tôi ghét ông lắm vì ông đã không giữ lời hứa với tôi.
Sau này khi đã lớn, tôi mới biết ông thực ra không thích ăn bánh mì, ông chỉ ăn vì nó giúp ông đỡ đau bụng hơn mà thôi. Cái giá sách của ông nào là sách triết, nào là sách toán các loại, nào là giấy khen, giờ nó đã đóng bụi hết cả.
Tôi tự nhủ với lòng mình rằng tôi sẽ cố gắng học tốt để không phụ công lao của ông, tôi vẫn thường hay mượn sách tham khảo từ giá sách của ông để tự học môn toán.
Vậy đấy, người ông cao cả của tôi, người luôn hy sinh thầm lặng cho học trò cũng như cho gia đình, người đã khiến tôi thêm trân trọng nghề giáo biết nhường nào…
Nhiều lúc bản thân tôi thấy rất ghen tỵ với những người còn có ông bên cạnh, tôi chỉ mong các bạn hãy trân trọng thứ tình cảm thiêng liêng đó mà biết quý trọng người ông của mình.