Bài làm 1:
Ngày Tết ở nhà em, năm nào ba mẹ cũng dành ra một buổi để cả nhà đi chợ hoa mua cành đào tết thật đẹp. Năm nay cùng vậy, giữa một rừng hoa đào hồng thắm đang rung rinh trong gió, nhà em chọn được một cây đào thật đẹp để mang về.
Năm nay nhà em mua được một cây đào thật là đẹp. Cây đào này được cắt tỉa rất gọn gàng và đẹp mắt. Từ gốc lên đến ngọn cây có hình nhọn như một chiếc tháp. Cây đào cao chừng một mét rưỡi, được bố em trồng trong một chiếc chậu sành rất lớn. Gốc cây không to lắm, thân cây to chừng hơn cổ tay người lớn một chút, được người trồng hoa khéo léo uốn theo chiều lượn sóng nhìn thật mềm mại. Cây đào nhiều cành nhỏ, mỗi cành lại đâm dài ra rồi vút cao lên theo ngọn. Lá đào thưa, cả cây hoa chắc chỉ có ít lộc non đang nhú ra như những đốm lửa xanh. đốm lửa đỏ đậu trên cành. Khi mua bố em đã cố ý chọn một cây có nhiều nụ để đến ngày Tết cây vừa nở kịp hoa, vừa có nụ hồng, chồi biếc mới thật là đẹp. Khi hoa đào bung nở là Tết đã đến, màu hoa đỏ thắm, đài hoa bé xinh nâng đỡ lấy những cánh hoa mảnh mai, mềm mọi. Nhị hoa màu vàng ở giữa càng làm cho bông hoa thêm yêu kiều. Hoa đào nở nhiều vào 'những ngày xuân ấm áp, nhìn màu hoa hồng hào như màu má của em bé vậy. Hương hoa đào rất thơm, cứ khi nào trong gió nghe rõ mùi thơm mát lành của hoa đào, ấy là ngày Tết đã đến, nó dường như là một tín hiệu của tự nhiên vậy.
Có cây đào để trang trí, dường như Tết đã về với gia đinh em, Ngôi nhà thêm đẹp đẽ và ấm cúng hơn. Cây đào tượng trưng cho mong ưốc một năm nhiều tài lộc. Hoa đào vừa thơm vừa đẹp, em nghe ông nội em nói hoa đào còn dùng để ướp trà rất tuyệt. Người xưa còn dùng hoa đào để làm thành mĩ phẩm cao cấp nữa.
Cây đào Tết đã mang lại sắc xuân cho cả gia dinh em, nó như muốn hứa hẹn một cái Tết thật đẹp đẽ và yên vui. Em sẽ làm theo lời bố dặn khi chăm sóc cây hoa để nó có thể nở hoa thật đẹp và thật lâu.
Bài làm 2:
Tết vừa qua, em cùng bố lên Nhật Tân xem vườn đào nổi tiếng của Hà Nội. Hôm ấy là sáng 25 Tết, trời lành lạnh và khô ráo.
Dọc hai bên con đường nhựa, những luống đào chạy dài tít tắp. Đào bạt ngàn. Em như choáng ngợp giữa vườn đào mênh mông. Em dừng lại trước một cây đào khiêm nhường ở cuối của một luống. Cây không cao, chỉ vượt qua đầu em một đoạn nhưng các cành uốn lượn thật đẹp. Rõ rang cây đã được bàn tay ai đó chăm sóc đặc biệt. Gốc đào chỉ to hơn cổ tay em một chút và càng lên cao thân càng nhỏ dần. Thân cây nâu xám và bóng, có chỗ nhựa quánh như keo đặc. Cách mặt đất chừng bốn tấc, đào bắt đầu tỏa nhánh. Nhánh lớn tỏa nhiều nhánh nhỏ và từng nhánh nhỏ lại tỏa nhiều cành. Ai đó đã khéo léo tạo dáng cho cây, uốn lượn các cành chụm lại thành hình con hạc đang hếch mỏ lên trời. Trước Tết một tháng, đào được tỉa hết lá nhưng nay trên mỗi cành, nhánh đã chi chít những chum hồng, nụ hồng và đó đây, những bông hoa năm cánh mảnh mai nở nụ cười rộ trong nắng sớm. Sương chưa tan hẳn, còn lấm tấm trên cành, trên nụ, trên hoa. Những giọt sương long lanh làm đẹp thêm màu hồng của hoa đào. Dưới ánh nắng sớm, nụ và hoa như sáng hơn. Người đi ngắm cảnh, người chọn mua hoa cười nói râm ran, áo quần đủ kiểu, đủ màu. Khuôn mặt ai nấy cũng hồng nào rạng rỡ như bông đào nở.
Tết đến, mọi nhà đều thích có một nhành đào. Nhành đào thắm tươi sẽ đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người.
Bài làm 3:
Hôm nay là 29 Tết, em được bố mẹ cho đi chơi chợ hoa. Em thật ngạc nhiên khi đứng trước một khu chợ toàn là hoa đào, hoa mai. Hai sắc hồng, vàng hòa với nhau tạo nên một không gian thật lộng lẫy. Em cảm tưởng như mình đang bị lạc vào xứ sở của mùa xuân.Ngày Tết ở miền Bắc thì không thể thiếu được hoa đào. Em đã giúp bố họn được một cành đào thật đẹp để trang trí cho ngôi nhà trong dịp xuân này.
Cành đào được bố đặt giữa gian nhà. Những người thợ trồng cây cảnh đã tạo cho cành đào hình dáng giống như mọt con rồng bay lên bầu trời. Vỏ cây đào màu nâu sậm như sắc màu của đất đai màu mỡ, màu của mình Tổ Quốc. Từ một cành chính tỏa ra rất nhiều nhánh nhỏ cùng ở thế vươn lên. Nếu như mỗi nụ đào là một ngọn đèn nhỏ thì cành đào ấy giống như một chiếc đèn lồng lớn, thắp sáng gian nhà em.
Lá đào xanh mướt mát, hình dáng giống con thuyền tí xíu bồng bềnh trên dòng sông hoa. Hoa đào nhìn đẹp lắm. Mỗi bông hoa có nhiều lớp cánh mỏng, mịn màng, xếp trồng lên nhau. Nhụy hoa nho nhỏ, xinh xinh màu vàng tươi. Cây đào còn đẹp hơn khi được em khoác cho một tấm áo sặc sỡ sắc màu. Miền Nam có mai và bánh Tét, còn miền Bắc có đào và bánh chưng. Thế là mỗi miền lại có một hương vị riêng để đón Tết.
Mai, đào năm nay lại nở, mảnh đất Việt ta chợt bừng sáng lên bởi hai sắc hồng và vàng.Thế là một năm mới lại đến. Nhưng người con làm xa nhà cũng đã đoàn tụ bên mâm cỗ để cùng nhau đón Xuân về.
Bài làm 4:
Đã thành truyền thống, mỗi dịp Tết đến xuân về, mọi gia đình Việt Nam đều sắm cho mình một cành đào để trưng. Hoa đào là biểu tượng cho sự ấm cúng, hạnh phúc, an lành. Cây đào từ lâu đã trở thành thành viên không thể thiếu trong gia đình tôi vào mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Cây đào nhà tôi trồng là đào phai Nhật Tân. Bố nói “để chọn được cành hoa ưng ý, thì phải lên thẳng những vườn hoa Nhật Tân”. Tôi vẫn còn nhớ năm đầu tiên bố mua đào về bố đã kể cho chị em tôi nghe về truyền thuyết hoa đào làm chúng tôi càng thêm yêu và quý trọng loài hoa này hơn. Truyện kể rằng: có một cây hoa đào đã mọc từ rất lâu trên vùng núi cao phía bắc. Trên cây đào bỗng xuất hiện hai vị thần tài giỏi có nhiệm vụ bảo vệ và che chở cho dân làng trong vùng. Do đó, ma quỷ rất sợ hai vị thần này và sợ luôn cả hoa đào. Cứ thấy cành đào là chúng bỏ chạy thật xa. Hằng năm, gần đến Tết, hai vị thần này lại phải lên trời gặp Ngọc Hoàng; do không có người bảo vệ nên dân trong làng rủ nhau lên rừng chặt đào mang về cắm trong nhà để phòng ma quỷ. Có lẽ từ đó mà hoa đào trở thành vật mang lại sức khỏe, niềm vui cho gia đình, tượng trưng cho mừa xuân, cho ngày Tết. Và không biết tự bao giờ tôi bỗng thấy lòng mình náo nức mỗi khi nhìn thấy cây đào, những bông hoa đào nở bừng lên như một ngọn đèn hồng rực rỡ thắp sáng cả phòng khách.
Bố thường trồng cây vào một chậu sứ to màu gạch, trên nền chậu có khắc các họa tiết tinh tế. Cây đào cao gần 2m, tán cây tròn, xòe rộng. Gốc cây màu nâu thẫm xù xì, vững chắc. Khi bố mang về thì nó đã được các cô chú trồng vườn tạo kiểu dáng từ trước trông độc đáo đến lạ. Các cành màu nâu được uốn cong rất đẹp. Theo dọc những cành đào là rất nhiều lá nhỏ xanh mơn mởn, mà người ta vẫn gọi là lá lộc. Lúc đầu, cây rất ít hoa nhưng lại nhiều nụ chúm chím xinh xinh, rồi dần dần càng nở rộ. Vào chính giữa Tết, khi thời tiết đẹp, hoa đào như những cô thiếu nữ duyên dáng khoe những bộ áo cánh màu hồng phai dịu dàng, thanh thoát ẩn hiện bên những chiếc lá lộc xanh. Những cánh hoa được xếp thành từng lớp chồng lên nhau. Chính giữa những bông hoa nhỏ xinh lộ ra nhị hoa màu vàng tươi lấm tấm như rắc phấn. Hương hoa đào không nồng nàn như các loài hoa khác nhưng tôi vẫn cảm nhận được mùi hương dịu nhẹ man mác của nó. Thấy hoa đào mỗi ngày đua nhau khoe sắc, mẹ bảo “đó là lộc đầu năm, may mắn sẽ đến với cả nhà ta trong dịp năm mới này”. Gia đình tôi ai cũng rất vui vì có cây đào trong ngày Tết. Mẹ đưa tôi đi mua rất nhiều đồ trang trí xinh xắn, những bao lì xì ngộ nghĩnh về tô điểm cho cành đào thêm đẹp. Mỗi khi quây quần bên mâm cơm gia đình, cả nhà tôi lại ngắm nghía, xuýt xoa trước vẻ đẹp của cây hoa. Bố thường trêu: “Nhà mình cũng biết chơi đào đấy nhỉ, nó đẹp thế kia mà”. Cả nhà tôi lại cười ầm lên trong sự vui vẻ đón chào năm mới.
Chơi đào không chỉ là sở thích của riêng nhà tôi mà còn là một thú vui cho mọi nhà, đặc biệt là các cụ già và các nghệ nhân yêu thích cái đẹp giản dị của hoa đào. Đâu đó trong những bức vẽ của các họa sĩ, những câu đối của ông đồ cũng ẩn hiện bằng hình ảnh, bằng câu chữ một cành đào tươi tắn, dịu dàng của ngày Tết ấm áp tình yêu thương.
Hoa đào thắm đỏ
Hoa mai dát vàng
Thoắt mùa xuân sang
Thi nhau nở rộ.
Mong rằng thú chơi đào sẽ được lưu giữ mãi như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam.
Vui mừng biết mấy là vào ngày Tết, những đứa trẻ lại thấy mình lớn hơn, được thêm một tuổi. Nhưng tôi yêu Tết còn bởi tết có cái đẹp của sắc đào. Không chỉ đẹp, hoa đào còn mang lại không khí ấm cúng, quây quần, vui vẻ trong mỗi gia đình. Cùng bánh chưng xanh, câu đối đỏ, cành đào đã trở thành biểu tượng quen thuộc của Tết Việt, để mỗi người con xa quê, khi lắng lòng nhớ tới quê hương, lại thấy lấp lánh sắc đào hồng tươi.