Trang chủ » Bài viết số 5 lớp 8 đề 1: Giới thiệu về một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt hay nhất

Bài viết số 5 lớp 8 đề 1: Giới thiệu về một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt hay nhất

Bài làm 1
Suốt quãng đời cắp sách đến trường, người học sinh luôn bầu bạn với sách, vở, bút, thước… và coi đó là những vật dụng không thể thiếu được. Trong số những dụng cụ học tập ấy thì tôi yêu quý nhất là cây bút bi, một vật đã gắn bó với tôi nhiều năm và chắc trong tương lai sẽ còn hữu ích với tôi lắm!
Hồi còn ở cấp một, tôi dùng bút máy viết mực và chữ tôi khá đẹp, nhưng khi vào cấp hai thì nó lại gây cho tôi khá nhiều phiền toái. Tôi phải vừa viết vừa nghe Thầy, cô giảng bài với tốc độ khá nhanh nên bút máy không thể đáp ứng được yêu cầu này. Chữ viết lộn xộn và lem luốc rất khó coi! Lúc ấy thì Ba mua tặng tôi một chiếc bút bi với lời khuyên: “con hãy thử xài loại bút này xem sao, hy vọng nó có ích với con”. Kể từ đó tôi luôn sử dụng loại bút này để rồi hôm nay có dịp nhìn lại, tìm hiểu đôi điều về nó.
 
Chiếc bút bi đầu tiên, được một nhà báo Hungary làm việc tại Anh tên Laszlo Biro giới thiệu vào năm 1938. điều khiến Ông nghĩ ra việc sáng chế ra loại bút này là vì những cây bút máy luôn gây cho Ông thất vọng, chúng thường xuyên làm rách, bẩn giấy tờ, phải bơm mực và hay hư hỏng… Vào ngày 15 tháng 6 năm 1938 ông Biro được nhận bằng sáng chế Anh quốc. Từ khi bút bi được ra đời nó đã được cải tiến nhiều để phù hợp với người dùng và đã trở nên thông dụng khắp thế giới. Tuy có khác nhau về kiểu dáng như chúng đều có cấu tạo chung giống nhau. Bút bi có ruột là một ống mực đặc, đầu ống được gắn với một viên bi nhỏ có đường kính khoảng từ 0,7 đến 1 milimet, được coi như là ngòi bút. Khi ta viết mực được in lên giấy là nhờ chuyển động lăn của viên bi này và loại mực dùng cho bút khô rất nhanh.
 
Con người thường ít nghĩ đến những gì quen thuộc, thân hữu bên mình. Họ cố công tính toán xem trung bình một đời người đi được bao nhiêu km hay một người có thể nhịn thở tối đa bao nhiêu phút nhưng chắc chưa có thống kê nào về số lượng bút họ dùng trong đời! Một cây bút cũng giống như cơ thể con người vậy, ruột bút là phần bên trong cơ thể, đầu bi chính là trái tim và mực chứa trong bút được ví như máu, giúp nuôi sống cơ thể. Còn vỏ bút giống như đầu, mình, tứ chi vậy… chúng phải cứng cáp thì bút mới bền, hoạt động tốt cũng như tạo cho người sử dụng cảm giác thoải mái. Màu sắc và hình dáng bên ngoài giống như quần áo, làm tăng thêm vẽ đẹp cho bút. Các chi tiết của bút dù quan trọng hay thứ yếu đều góp phần tạo nên một cây bút. Như một kiếp tằm rút ruột nhả tơ, âm thầm giúp ích cho đời để rồi khi cạn mực, chúng bị vứt bỏ một cách lạnh lùng. Mấy ai nhớ đến công lao của chúng!
 
Bước vào năm học mới, các nhà sản xuất bút bi như Bến Nghé, Đông Á, Thiên Long, Hán Sơn… đã lần lượt cho ra đời hàng loạt mẫu mã từ đơn giản cho đến cầu kỳ như bút bấm, bút xoay, bút hai màu, ba màu… đủ chủng loại khác nhau nhằm đáp ứng như cầu người sử dụng. Các cậu nam sinh thì chỉ cần giắt bút lên túi áo đến trường nhưng nhiều bạn gái lại thích “trang điểm” cho bút các hình vẽ, hình dáng xinh xắn lên thân hay đầu bút còn được đính thêm con thú nhỏ ngộ nghĩnh… Thế là những chiếc bút bi lại theo chân trò nhỏ đến trường, giúp các cô, cậu lưu giữ những thông tin, kiến thức vô giá được thầy cô truyền đạt lại với cả tấm lòng!
 
Có cây bút vẻ ngoài mộc mạc, đơn giản song cũng có cây được mạ vàng sáng loáng. Nhìn bút, người ta biết được “đẳng cấp” của nhau, nhưng nhìn vào nét chữ người ta mới đoán được tính cách hay đánh giá được trình độ của nhau. “Một chiếc áo cà sa không làm nên ông thầy tu”, một cây bút tuy tốt, đắt tiền đến cỡ nào cũng chỉ là vật để trang trí nếu vào tay kẻ đầu rỗng mà thôi! Bút là vật vô tri, nên nó không tự làm nên những câu chữ có ý nghĩa nhưng nếu trong tay người chủ chuyên cần, hiếu học nó sẽ cho ra đời những bài văn hay, những trang viết đẹp. Để trở thành người chủ “tài hoa” của những cây bút, người học sinh cần rèn luyện cho mình thói quen vở sạch, chữ đẹp và luôn trau dồi kiến thức học tập… hãy biến chúng thành một người bạn thân thiết, một cánh tay đắc lực trong việc học tập bạn nhé!
 
Cùng với sách, vở… bút bi là dụng cụ học tập quan trọng của người học sinh, vì vậy chúng ta cần phải bảo quản bút cho tốt. dùng xong phải đậy nắp ngay để tránh bút rơi làm hư đầu bi, bộ phận quan trọng nhất của bút. Đặc biệt là luôn để bút ở tư thế nằm ngang giúp mực luôn lưu thông đều, không bị tắc. Một số loại bút bi có thể thay ruột khi hết mực và mình xin mách các bạn một mẹo nhỏ là nếu để bút bi lâu ngày không xài bị khô mực thì đừng vội vứt bỏ mà chỉ cần lấy ruột bút ngâm trong nước nóng độ 15 phút… cây bút của bạn có thể được phục hồi đấy!
 
Có thể nói rằng bút bi là một trong những phát minh quan trọng của con người. Ngày nay cứ 1 giây lại có 57 cây bút bi được bán ra trên thế giới, chứng tỏ tầm ảnh hưởng quan trọng của nó. Khoa học tiến bộ, nhiều công cụ ghi chép tinh vi hơn, chính xác hơn lần lượt xuất hiện nhưng bút bi vẫn được nhiều người sử dụng bởi nó rẽ và tiện lợi. Cầm cây bút bi trên tay, nắn nót từng chữ viết cho người thân yêu, chúng ta mới gửi gắm được trong đó bao nhỉ.
 
Bài làm 2
 
"Mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Thật đúng vậy! Trên con đường bút nghiên thành tài mỗi người đều có hình ảnh về người thầy, bè bạn… Và với tôi đó còn là chiếc cặp sách như người bạn đồng hành không thể thiếu đối với tôi và mỗi người học trò. 
 
Về nguồn gốc của chiếc cặp sách dường như không ai biết rõ ràng. Ngay từ ngày xưa khi nên giáo dục đặt những bước đầu thì đã có yêu cầu về việc mang, cầm những đồ dùng như sách vở, bút cọ….nên ông cha ta đã thiết kế ra những chiếc túi vải thô sơ để chứa. Nhưng những chiếc cặp sách bằng vải thô xuất hiện như ngày nay thì xuất hiện vào năm 1988 do một người Mỹ thiết kế và đã được sử rộng phổ biến rộng rãi cho đến tận ngày nay. 
 
Chiếc cặp sách có cấu tạo rất đơn giản, bao gồm hai phần trong và phần ngoài. Bên ngoài cặp được cấu tạo từ các bộ phận rất đơn giản: quai cặp, khoá cặp, day đeo vai. Tuỳ từng loại mà có thêm cả nắp cặp, hay quai đeo nhiều kiểu. Bên trong cặp được thiết kế và bao gồm phức tạp hơn bên ngoài cặp. Tuỳ từng loại cặp mà có thiết kế khâc nhau. Những chiếc cặp dành cho học dinh tiểu học thì bên trong sẽ có khoảng từ 3-4 ngăn để đựng đồ dùng. Bên ngoài thường có nắp cặp được làm từ tấm nhựa mê ka có hình thù bắt mắt. Màu sắc đi kèm thường rất thu hút trẻ con: hồng, cam, đỏ với các hình thù hoạt hình : siêu nhân, công chúa, doremon…… Hai bên hông cũng có hai chiếc túi nhỏ để đựng nước hay vật dụng bé xinh. Day cặp là dây đeo lưng nhằm cho các em học sinh dễ dàng chạy nhảy nô nghịch. Đối với chiếc cặp cho học sinh trung học thì màu phổ biến là đen, thiết kế khá đơn giản. Ngăn đựng đồ có vẻ nhiều hơn, có sức chứa to và lớn hơn do nhu cầu mang đựng trong bậc cấp học cao lên. Dây đeo cặp được thiết kế đeo chéo vai, với hai bên được mắc ở bên hông cặp, rất tiện lợi di chuyển, mang cầm. 
 
Cặp sách học sinh thường được may từ những loại vải thô, rất cứng, chắc để tăng độ bền cho cặp. Xã hội phát triển hiện đại, nhu cầu về thẩm mĩ cũng ngày một tăng, vì vậy mà có những chiếc cặp sách khá đắt tiền bởi chúng được thiết kế đặt may một cách rất công phu, được gia công rất kĩ lưỡng với nguồn vải chất lượng. Thêm đó thiết kế màu sắc hình thù để bắt mắt cũng là một trong những cách thu hút khách của các nhà sản xuất.
 
Trên thị trường hiện nay, một chiếc cặp dành cho học sinh có giá tiền dao động từ 150-200 nghìn VNĐ. Tuỳ từng loại với mẫu mã khác nhau, nơi sản xuất khác nhau, chất liệu khác nhau mà có giá cả chênh lệch nhau nhiều hay ít. Tuy nhiên để có một chiếc cặp ưng ý theo ý muốn thì tốt nhất hãy mua loại bình dân trở lên.
 
Để giữ chiếc cặp của mình được sử dụng bền lâu thì chúng ta nên vệ sinh thường xuyên. Tránh vứt cặp lăn lóc, ném mạnh hay mang ra làm đồ để nô nghịch. Cần biết tránh để rách, mục chỉ hay để bẩn. Các cụ thường nói " Của bền tại người" vù vậy ta phải biết tự ý thức về đồ dùng học tập của mình.
Chiếc cặp học sinh giờ đây không chỉ đơn thuần là đồ dùng học tập đơn thuần chứa đựng mà nó còn là người bạn đồng hành thân thiết trên con đường học tập của mỗi người học sinh. Hãy biết trân trọng chiếc cặp như là nâng ý thức của mình trên bước đường học tập.
 
Bài làm 3
 
Chiếc phích nước có lẽ là một đồ dùng quen thuộc có thể tìm thấy trong bất kì gia đình nào. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu rõ về vật dụng luôn gắn bó với ta trong cuộc sống hằng ngày này.
 
Phích nước hay còn gọi là bình thủy, là một vật dùng để đựng nước sôi hoặc nước ấm. Phích nước được phát minh bởi một nhà vật lí người Anh năm 1892. Ông đã cải tiến từ thùng nhiệt lượng kế của Newton và từ đó chúng ta có chiếc phích nước ngày nay.
 
Phích nước gồm có hai phần chính là ruột và vỏ. Vỏ phích hình trụ, chiều cao và kích thước khá phong phú, đa dạng, tùy vào nhu cầu của người sử dụng. Vỏ có thể làm bằng nhựa hoặc kim loại, thường được trang trí thêm hoa văn trên thân phích. Đi kèm với vỏ phích là nắp phích. Nút phích có hai loại, loại nút có ren tương ứng với phích nhựa và nút gỗ tương ứng với phích kim loại. Nút phích giúp nước bên trong không truyền nhiệt ra ngoài và không bị trào. Nắp phích bảo vệ nút phích, ngăn cho trẻ em không làm đổ nước và còn có thể dùng làm cốc uống nước. Ngoài ra còn có quai phích ở bên trên giúp cho việc di chuyển dễ dàng hơn, quai cầm ở dưới thì tiện cho việc rót nước. Đế phích hình tròn, nằm ở dưới cùng, là bộ phận giữ cho phích đứng vững và bảo vệ ruột phích. Hiện nay, công nghiệp phát triển, người ta ưa chuộng vỏ phích làm bằng nhựa vì vừa rẻ lại bền. Phần ruột phích làm từ thủy tinh tráng bạc, có tác dụng giữ nhiệt. Môi trường chân không giữa hai lớp thủy tinh giúp nước có thể giữ nhiệt ở mức tối đa nhất. Trong 6 tiếng đồng hồ, nước từ 100 độ C còn giữ được 70 độ C.
 
Chiếc phích nước rất hữu ích để ta giữ nước sôi khỏi nguội. Nước giữ trong phích thường dùng để pha trà, pha cà phê hoặc pha mì ăn liền. Sáng sớm, các cụ già dùng nước nóng pha trà, vừa thưởng thức vừa trò chuyện. Khách đến nhà thì đã có sẵn nước trong phích, không phải đốt than thổi lò để đun. Với những người bận rộn, nước sôi lúc nào cũng sẵn sàng trong phích để pha mì, phở. Thế mới thấy chiếc phích nước tiện dụng đến mức nào.
 
Khi sử dụng phích nước, lúc mở nắp rót nước vào và dùng xong ta nên đập ngay nắp lại để tránh bốc hơi nhiệt. Muốn phích giữ được nước nóng lâu hơn, ta không nên rót đầy mà chừa lại một khoảng trống giữa nước sôi và nắp phích để cách nhiệt. Nếu rót đầy nước sôi, nhiệt sẽ dễ truyền ra vỏ phích. Khi mới mua phích về, ta chỉ nên rót nước từ 50- 60 độ C, rót ngay nước sôi sẽ dễ làm vỡ phích. Ruột phích là bộ phận quan trọng nhất nên khi mua ta cần chú ý xem xét kĩ, tháo đáy phích kiểm tra xem núm thủy ngân có còn nguyên vẹn không. Nếu ruột phích bị hỏng, ta chỉ cần thay cái mới là lại có thể tiếp tục sử dụng.
 
Để phích được lâu bền, trước lần sử dụng đầu tiên, ta cần tráng rửa sạch phích. Lúc rót nước thì nên rót từ từ để ruột thích nghi với nhiệt độ cao. Ngoài ra, ta có thể đóng thêm một chiếc khung gỗ để bảo vệ phích. Nên đặt phích ở nơi cao, khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh xa tầm tay trẻ em vì nước sôi có thể gây bỏng. Chiếc phích có giá thành khá rẻ, chỉ tầm vài chục ta đã có ngay một cái. Loại phích thông dụng và nổi tiếng nhất hiện nay là phích Rạng Đông.
 
Hiện nay có nhiều loại bình nhiệt dùng để giữ nước ấm nhưng phích vẫn sẽ mãi là một vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Hiểu rõ công dụng của chiếc phích, hi vọng các bạn sẽ cố gắng giữ gìn và bảo vệ để phích được lâu bền.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top