Bài làm 1
Cuộc sống không phải luôn mỉm cười với bất kỳ ai. Một danh nhân đã nói: “Không có số phận, chỉ có những quyết định của con người làm nên số phận mà thôi”. Thật vậy, trong cuộc sống có biết bao tấm gương vượt lên số phận như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, thương binh Nguyễn Trọng Hợp,… Họ đã vượt lên và chiến thắng số phận, khiến bao người phải cảm phục.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, có lẽ Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ bất hạnh nhất. Trên đường lên kinh ứng thí, nghe tin mẹ mất, ông chẳng màng mười năm đèn sách mà quay ngay về nhà để chịu tang mẹ. Cậu bé Nguyễn Đình Chiểu mất ba từ thuở bé, giờ đến tuổi trưởng thành mẹ lại ra đi. Do quá thương nhớ mẹ, Nguyễn Đình Chiểu đã khóc thật nhiều và sau khi trải qua một cơn bạo bệnh, đôi mắt ông trở nên mù lòa. Mẹ mất, gia cảnh sa sút. Thế là gia đình vốn có hôn ước với ông nay đã trở mặt, bội tín.
Cuộc đời ông rơi vào bế tắc với bao đau khổ, cùng cực. Đối với người khác, như vậy là quá đủ để chấm dứt cuộc đời hay sống buông thả, thờ ơ mặc dòng đời đẩy đưa. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu không như thế. Ông vẫn quay về quê nhà bốc thuốc chữa bệnh cho dân, lấy sức lấy tài của mình để mở lớp dạy học, đào tạo nhân tài cho đất nước. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, bằng lòng yêu nước nồng nàn, ông tích cực tham gia sáng tác những “vũ khí văn học” lợi hại để khích lệ tinh thần chiến đấu của nhân dân.
Thực dân Pháp đã nhiều lần mua chuộc Nguyễn Đình Chiểu bằng những hứa hẹn về việc chữa khỏi đôi mắt của ông và cho ông một cuộc sống giàu sang, sung sướng. Nhưng với ý chí kiên trung, bất khuất, ông đã không nghiêng mình trước những cám dỗ ấy. Thế nên, ông trở thành nhà thơ tiêu biểu của Nam Bộ và của cả nước ta thời bấy giờ. Với những nỗ lực của mình, Nguyễn Đình Chiểu đã chứng tỏ với mọi người rằng ông là người tàn chứ không phế.
Nguyễn Ngọc Ký, cái tên rất đỗi thân thuộc với nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam, đã trở thành biểu tượng của lòng quyết tâm và sự kiên trì. Cậu bé Ký bị bại liệt cả hai tay khi mới bốn tuổi. Đôi cánh tay ấy buông thõng như hai sợi dây đeo bên vai cậu. Không được may mắn như bao bạn khác, cậu bé chỉ dám đứng bên cửa sổ nghe lỏm cô giáo giảng bài. Cô giáo thương tình quá nên cho phép Ký vào lớp. Cậu bắt đầu những chuỗi ngày luyện tập gian khổ: luyện viết bằng chân. Có những lúc đôi chân co quắp lại, đau điếng vì bị chuột rút, những ngón chân sưng phồng lên nhưng vẫn phải kẹp chặt mẩu bút,… Tất cả những điều đó vẫn không làm cậu học trò nhỏ chùn bước. Cuối cùng, cậu đạt được giải Vở sạch chữ đẹp của trường, rồi của quận. Thật đáng nể! Nhờ chính đôi chân và lòng quyết tâm, cậu bé Ký năm xưa giờ đã vào được đại học và trở thành nhà giáo ưu tú. Không những thế, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký còn sáng tác những chín đầu sách văn học. Mỗi ngày sống và làm việc, thầy giáo Ký đã dùng đôi chân thay đôi tay với bao nhọc nhằn, gian khó, từng bước viết nên huyền thoại về cuộc đời mình.
Và còn nhiều nhiều nữa những tấm gương đẹp như thế. Họ bất hạnh vì bệnh tật, tai nạn hay bẩm sinh. Họ không có khả năng lao động chân tay hiệu quả như bao người khác. Không ít người trong số họ đã buông xuôi, tuyệt vọng. Quả thật, áp lực tâm lý đối với những người bị tật nguyền là rất lớn. Đó là những mặc cảm, tự ti về khiếm khuyết trên cơ thể mình, là những gánh nặng mà họ đem đến cho gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, những người vượt lên được số phận chỉ cho rằng những khiếm khuyết của mình khiến mình đặc biệt hơn những người khác nhưng không đáng kể. Bức tường mặc cảm không tài nào ngăn được họ hòa nhập với thế giới xung quanh như bao người bình thường khác. Họ phấn đấu, nỗ lực hết mình để chứng tỏ bản lĩnh bởi họ không muốn sống quỵ lụy, yếu đuối và phụ thuộc vào người khác. Từ gánh nặng của xã hội, họ gắng sức phấn đấu, trở thành những công dân có ích, xóa đi những khoảng cách, rào cản giữa người bình thường và người khuyết tật. Khó khăn đấy, vất vả đấy nhưng họ vẫn gắng hết mình chiến thắng số phận vì họ biết rằng: “Chúng ta chỉ thực sự thất bại khi chúng ta từ bỏ mọi cố gắng”. Những thành công mà họ đạt được không dễ dàng, mà ẩn chứa trong đó là bao mồ hôi, nước mắt, bao khó khăn, tủi cực,… Điều đó càng khiến chúng ta thêm khâm phục họ, những con người không chịu thua số phận.
Tấm gương sáng ngời của những mảnh đời bất hạnh đã giúp chúng ta soi lại chính mình. Cuộc sống đối với một số người là muôn vàn gian lao, thử thách. Ngược lại, đối với một số người khác, cuộc sống như tấm thảm nhung êm ái trải đầy hoa hồng. Chúng ta chính là những con người may mắn ấy. Chúng ta còn được sống giữa vòng tay ấm áp, yêu thương của gia đình. Hơn nữa, khác hẳn họ, chúng ta được sinh ra và lớn lên giữa thời bình, không thiếu thốn về kinh tế. Nhưng thật sự chúng ta đã biết quý trọng cuộc sống ấy chưa? Thật đáng tiếc nếu chúng ta sống quá an phận, tự để mình mờ nhạt và chìm vào quên lãng giữa cuộc sống xã hội hiện đại ngày nay. Có phải chúng ta vẫn học qua loa, đối phó mà không bận tâm rằng ngay lúc ấy có biết bao cô cậu bé đứng bên cửa sổ lớp học, thèm được nghe cô giáo giảng bài. Qua những tấm gương vượt qua số phận, chúng ta chợt cảm thấy mình quá bé nhỏ, tầm thường. Chúng ta học tập ở họ không chỉ ở lòng kiên trì, nhẫn nại, say mê học tập mà còn ở lối sống lạc quan, yêu đời.
Những tấm gương, những huyền thoại về những con người bất hạnh nhưng phi thường đã gieo trong tim ta niềm tin yêu cuộc sống. Lặng lẽ như nụ chồi từ bóng tối vươn ra ánh sáng, họ đã vượt lên chính mình để có một ngày mai tươi sáng hơn.
Bài làm 2
Ngày xưa, quan niệm về sự an bài của số phận khá phổ biến trong xã hội. Dân gian cho rằng số phận mỗi người đều do “thiên định”. Giàu sang hay nghèo đói, thành công hay thất bại… không phải do cá nhân quyết định. Thuyết “thiên mệnh” ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của mọi người, cho nên trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du sau khi kể chuyện về cuộc đời đầy sóng gió của Thúy Kiều, cũng đã phải kết luận bằng những câu thơ chua xót và cam chịu:
Cho hay muôn sự tại trời!
Trời kia đã bắt làm người có nhân.
Bắt phong trần phải phong trần.
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Tuy nhiên, bên cạnh quan điểm tiêu cực đó vẫn có những quan niệm tích cực, lành mạnh, phản ánh sức sống tiềm tàng của nhân dân lao động như: Đức năng thắng số, Có chí thì nên… Thực tế cho thấy không ít người bằng ý chí và nghị lực phi thường đã chiến thắng số phận bất hạnh, trở thành gương sáng phấn đấu cho mọi người học tập.
Người thầy giáo đầu tiên ở Việt Nam soạn bài, chấm bài, viết văn bằng chân, đó là thầy Nguyễn Ngọc Kí, một tấm gương nghị lực phi thường về ý chí mạnh mẽ vượt lên số phận bất hạnh để trở thành một Nhà giáo ưu tú.
Vào thập kỉ 60, 70 của thế kỉ XX, Nguyễn Ngọc Kí đã trở thành cái tên nổi tiếng ở miền Bắc. Gương sáng Nguyễn Ngọc Kí được đưa vào sách giáo khoa để dạy đạo đức cho học sinh. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, bản thân lại bị liệt cả hai tay sau một cơn sốt kéo dài từ lúc còn nhỏ tuổi, Nguyễn Ngọc Kí rơi vào hoàn cảnh thật đáng thương. Ngày ngày, thấy bạn bè cùng lứa tuổi tung tăng cắp sách tới trường, Kí thèm lắm. Thấy con ham học, năm Kí lên sáu tuổi, bố mẹ dẫn cậu đến trường. Cô giáo thương Kí lắm nhưng đành lắc đầu. Không được học ở trường, Kí tự học ở nhà. Niềm khao khát được biết chữ đã khiến Nguyễn Ngọc Kí nghĩ ra nhiều cách để tập viết. Thoạt đầu, cậu viết bằng miệng, nhưng không thành công. Một lần tình cờ nhìn thấy đàn gà bới đất bằng chân, Nguyễn Ngọc Kí lóe lên ý nghĩ là có thể dùng chân để viết. Sau đó, Nguyễn Ngọc Kí đã kiên trì tập viết bằng chân.
Cô giáo đến thăm, mang cho Kí vài viên phấn. Thấy Kí quyết tâm, cô vui lòng nhận Kí vào lớp. Từ đó, manh chiếu gắn liền với đời học sinh của Kí. Kết quả, Nguyễn Ngọc Kí không những viết thành thạo mà còn viết rất đẹp và trở thành học sinh giỏi trong nhiều năm liền, hai lần được Bác Hồ tặng huy hiệu. Hết cấp 1, cấp 2, cấp 3, năm 1966, Nguyễn Ngọc Kí được tuyển thẳng vào khoa Văn trường Đại học Tổng hợp. Tốt nghiệp, Nguyễn Ngọc Kí về làng làm giáo viên với nhiều sáng tạo đặc biệt. Không thể dùng phấn để viết bảng nên thầy Kí chuẩn bị nhiều câu hỏi, câu đố xung quanh ý nghĩa bài giảng; viết những ý chính và đặc điểm nổi bật của tác phẩm vào tấm bìa lớn rồi dùng chân kéo sợi dây buộc vào ròng rọc để giới thiệu bài giảng. Năm 1983, thầy đoạt giải nhất cuộc thi giáo viên giỏi Văn của tỉnh Nam Định. Từ năm 1993 đến nay, thầy tham gia giảng dạy tại Trường bồi dưỡng Giáo dục quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.
Lúc còn ít tuổi, Nguyễn Ngọc Kí hai lần vinh dự được Bác Hồ tặng thưởng Huy hiệu của Người và gần đây, thầy đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú vì những đóng góp đáng kể cho ngành Giáo dục. Rõ ràng, từ một cậu bé bất hạnh, Nguyễn Ngọc Kí đã không ngừng phấn đấu vươn lên để trở thành người hữu ích. Học tập gương sáng của Nguyễn Ngọc Kí, Hoa Xuân Tứ cụt cả hai tay, đã buộc bút vào vai viết chữ. Đỗ Trọng Khơi bị bại liệt nhưng vẫn quyết tâm trở thành nhà thơ. Anh Trần Văn Thước sau khi bị tai nạn lao động, liệt toàn thân vẫn không ngừng tự học để trở thành nhà văn…
Trong những năm gần đây, nhiều tấm gương vượt lên số phận đã được giới thiệu rộng rãi trên báo chí, trên truyền hình khiến nhiều người xúc động và khâm phục. Anh Trường Sơn, nạn nhân của chất độc màu da cam có thân hình dị dạng, chỉ cao không đầy một mét vẫn trở thành sinh viên của hai trường cao đẳng và đại học. Bạn Trần Thị Thương, một nạn nhân chất độc màu da cam có chiều cao 50cm, ngày ngày phải nhờ mẹ hoặc bạn bế đi học, vậy mà vẫn học rất giỏi và nung nấu ước mơ trở thành một chuyên gia vi tính. Chị Hướng Dương bị tai nạn giao thông, phải cưa cụt cả hai chân nhưng không gục ngã trước số phận rủi ro mà vẫn sống rất lạc quan, đem niềm vui đến cho những trẻ em khiếm thị bằng thư viện sách nói do chị sáng lập ra.
Chị Trịnh Tiểu Hương từ một đứa trẻ bụi đời không biết cha mẹ là ai, suốt tuổi thơ và tuổi thiếu nữ phải sống lay lắt nơi gầm cầu, hè phố, trôi dạt từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam, hết lên rừng lại xuống biển để kiếm sống qua ngày… Thấm thía nỗi khổ của trẻ em mồ côi, giờ đây, với trái tim đầy tình nhân ái, chị đã đem hết tâm nguyện của mình mở một cơ sở nuôi dạy hàng trăm trẻ em lang thang cơ nhỡ. Bằng tình thương và trách nhiệm của một người mẹ, chị lo cho các em được ăn mặc đầy đủ, được học chữ, học nghề. Các em yêu quý và kính trọng gọi chị là “mẹ Hương”. Chị coi đó là phần thưởng, là nguồn hạnh phúc lớn lao của đời mình. Mái ấm tình thương của chị giờ đây đã trở nên nổi tiếng, được nhiều tổ chức từ thiện trong và ngoài nước quan tâm giúp đỡ.
Xung quanh chúng ta còn rất nhiều, rất nhiều những tấm gương như thế. Chúng ta có thể học được những bài học thiết thực và bổ ích về ý chí, nghị lực, về khát vọng vươn lên mãnh liệt để chiến thắng số phận nghiệt ngã, chiến thắng hoàn cảnh khó khăn, khẳng định giá trị của bản thân trong xã hội. Đồng thời, những gương phấn đấu kiên cường, bền bỉ nhắc nhở chúng ta hãy suy ngẫm, soi chiếu lại mình và tự đặt ra câu hỏi: Mình đã sống ra sao? Đã làm gì có ích cho gia đình, cho mọi người? Những gương sáng ấy chứng minh hùng hồn cho câu nói nổi tiếng của nhà văn, nhà giáo Nguyễn Bá Học: Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi, e sông.
Bài làm 3
Cô Bùi Thị Kính-người phụ nữ độc thân tình nguyện phục vụ tại Cô nhi viện đưa chúng tôi thăm các phòng nuôi dưỡng 70 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi khi mới sinh, hoặc khi được mấy tháng, vài năm tuổi. Phần lớn trong số các em đều khuyết tật như bại liệt, thần kinh, khoèo chân, sứt môi, các di chứng của chất độc da cam, có em giờ chỉ sống “đời sống thực vật”. Không quản nắng mưa, đêm ngày, gần 30 tình nguyện viên Cô nhi viện tận tình chăm chút các em từng bữa ăn, giấc ngủ, cốc nước, viên thuốc. Tùy khả năng từng em, Cô nhi viện cho các em học văn hóa, học nghề để giúp các em hòa nhập cộng đồng sau này.
Lặng lẽ bên các nhà nguyện, mái nhà Cô nhi viện lúc nào cũng ríu rít tiếng trẻ vui đùa, ê a đánh vần học chữ; tiếng dệt chiếu, làm hoa rộn ràng. Ai đến Cô nhi viện cũng cảm nhận được sức sống toát ra từ những tâm hồn trẻ thơ trong trắng, từ ngọn lửa nghĩa tình tràn ngập. Thành lập từ năm 1852, qua bao thăng trầm thời gian, Cô nhi viện vẫn lặng lẽ âm thầm che chở cho những hài nhi bị vùi dập sau những lỗi lầm hay chuyện đời ngang trái của những bậc sinh thành. Từ 1993 đến nay, Cô nhi viện đã đón nhận 201 trẻ mồ côi bị bỏ rơi, đã có 23 em được nhận làm con nuôi, 8 em lớn lên đi học đại học, 9 em học THPT, 22 em học từ mẫu giáo đến THCS, 6 em đã trưởng thành và đi làm ở Hà Nội, Nam Định, TP Hồ Chí Minh… Nhiều em khi lớn vẫn tình nguyện ở lại phục vụ (nay đã trở thành cụ) như các cụ Phạm Thị Mây, Nguyễn Thị Nhan, giờ đã 70 tuổi, gắn bó với Cô nhi viện từ khi còn đỏ hỏn. Em Phạm Thị Vui ở Cô nhi viện hơn chục năm, hiện đang học trường THPT Xuân Trường, khi được hỏi em về ước mơ, em cười rất hồn nhiên và trả lời: Em sẽ học tiếp rồi về phục vụ tại Cô nhi viện, em sẽ là người mẹ, người chị của các em nhỏ có cảnh đời như em ngày xưa. Vui còn hào hứng khoe: Em mới được đi tham quan Thủ đô Hà Nội, phần thưởng dành cho học sinh tiên tiến và được phát một chiếc xe đạp để đi học, em rất quý chiếc xe ấy, các em nhỏ ở đây, kể cả những em bại liệt, ai cũng thích xe đạp anh ạ!
Năm 1993, Đức cha Giuse Phạm Ngọc Oanh được cử làm Giám đốc Cô nhi viện Thánh An, khi đó Cô nhi viện nhà cửa dột nát, xung quanh toàn ao, bụi rậm hoang dại, các em sống chủ yếu nhờ vào 50-80kg gạo trợ cấp hàng tháng. Đức cha đã cùng với những người thiện nguyện củng cố và phát triển Cô nhi viện ngày một khang trang, đời sống các em được bảo đảm dần. Song bao khó khăn trước mắt vẫn đang thách thức Ban giám đốc và đội ngũ anh chị em thiện nguyện nơi đây. Với các trẻ khuyết tật, nhất là các em não liệt thì đòi hỏi phải có nhiều người chăm sóc, phục vụ, Cô nhi viện hiện đang rất cần những tình nguyện viên, có thể phục vụ trọn đời hoặc một thời gian ngắn. Mỗi tháng Cô nhi viện cần chi khoảng 15 triệu đồng bảo đảm lương thực-thực phẩm, đó là chưa kể các khoản phụ khác thì việc chỉ trông chờ vào nguồn thu chính từ việc sản xuất lương thực-thực phẩm và làm các nghề phụ khó bảo đảm tốt được đời sống cho các em. Lo lắng nhất là việc chữa trị cho các em lúc ốm nặng và khám, chữa bệnh, giám định HIV và các bệnh truyền nhiễm. Do bị bỏ rơi khi còn quá nhỏ nên các em thường mắc bệnh viêm phổi và sức đề kháng rất yếu. Hiện nay, có em bé hơn 2 tuổi bị bệnh não ống thủy mà các bệnh viện và các bác sĩ hiện nay đều bó tay không có cách chữa.
Khi chiều xuống, những người cha, người mẹ lại trở về với tổ ấm gia đình quây quần bên đàn con thơ. Trong giây phút hạnh phúc ấy có bao người biết nơi Cô nhi viện Thánh An các cô nhi đang kết thúc một ngày khi tiếng chuông bắt đầu ngân vang trên tháp giáo đường. Trên con đường nhỏ lát gạch lổn nhổn dẫn vào Cô nhi viện, cô Bùi Thị Kính bùi ngùi: “Chúng tôi chỉ ước con đường nhỏ này sẽ được bê tông hóa, các em rồi sẽ có xe lăn, đàn học âm nhạc, máy trợ thính, có sách vở để đọc, để viết…”. Tâm huyết của người phụ nữ đã hy sinh trọn đời vì hạnh phúc của những trẻ thơ có cảnh đời bất hạnh giản dị và xúc động biết bao. Cô nhi viện Thánh An đang dự định xây dựng củng cố, xây mới các cơ sở hạ tầng; hoàn thiện trang thiết bị phục hồi chức năng, hồi sức cấp cứu; xây trường dạy trẻ khiếm thính, khiếm thị; xây nhà dưỡng lão cho những người nghèo khó không nơi nương tựa… Song, để biến những dự định trên thành hiện thực thì Cô nhi viện rất cần những trái tim từ thiện hảo tâm giúp đỡ..