Bài làm 1
"Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm
Tóc bà trắng, màu trắng như mây
Cháu yêu bà, cháu nắm bàn tay
Khi cháu vâng lời cháu biết bà vui. "
Mỗi lần nghe tụi trẻ con hàng xóm hát bài này tôi lại không khỏi chạnh lòng khi nhớ về người bà đã khuất của tôi.
Hồi còn sống, bà cưng tôi nhất bởi tôi là đứa cháu đầu tiên của bà. Đi đâu bà cũng dắt tôi theo. Tôi dính bà còn hơn cả dính mẹ.
Không giống như trong bài hát thiếu nhi quen thuộc, bà nội tôi là một người rất hiện đại. Bà thường được khen là trẻ hơn so với tuổi rất nhiều. Nét trẻ trung của bà hiện ra ngay từ mái tóc ngắn, uốn nhẹ ôm lấy gương mặt tròn, nhỏ nhắn. Tôi đoán, chắc hẳn hồi còn trẻ bà phải là một cô gái rất xinh đẹp, dịu dàng nhưng có cá tính. Ở bà có một nét gì đó rất cuốn hút mà hết thảy mọi người khi tiếp xúc đều nhận ra.
Bà là một ngưòi vui vẻ và rất hay nói chuyện. Thông thường, ở độ tuổi lục tuần con người ta thường trở nên điềm đạm và trầm mặc. Nhưng bà tôi lại khác hẳn. Bà rất thích trò truyện với các ông, các bà trong hội hưu trí, hay chơi đùa cùng con cháu. Với khả năng giao tiếp vả thái độ thân thiện, bà rất được mọi người tán thưởng trong các câu chuyện hàng ngày. Bởi thế không khi nào tôi thấy bà ngớt khách khứa đến chơi.
Tôi thích nhất là lúc bà cười. Những lúc đó đôi mắt bà rất sáng vả rất có hồn. Đặc biệt khi đó những nếp nhăn trên trán, trên khuôn mặt bà xô lại trông giống như những chiếc cầu vồng. Bé Mưa – em trai tôi – cũng rất thích những nếp nhăn đó. Mỗi khi được bà ôm vào lòng cưng nựng, bé Mưa thường đưa cánh tay nhỏ xíu của em lên mân mê chúng như là một cử chỉ của sự yêu thương. Bà tỏ ra rất thích thú khi biết trên khuôn mặt mình có cầu vồng. Bà vui vì điều đó.
Tuy đã ở vào cái tuổi có thể coi là quá nửa đời người nhưng bà vẫn rất khỏe mạnh và tràn đầy sức sống. Và có lẽ cũng chỉ ở tuổi này bà mới đang được sống quãng đời đẹp nhất, hưởng những ngày an nhàn bên con bên cháu.
Tận hưởng những ngày an nhàn này, bà thoải mái làm những điều mình thích. Mỗi sáng bà cùng với mấy bà hàng xóm ra sân khu tập thể tập dưỡng sinh, tập múa quạt. Bà tập dẻo lắm cơ. Trong tay bà, chiếc quạt lượn theo những vòng tròn mềm mại, trông tựa như những cánh bướm đang ngả mình trong gió. Những động tác bà làm trông như được thể hiện bởi những nghệ sĩ múa chuyên nghiệp mà tôi thường thấy trên tivi. Quả thực, bà tôi vẫn còn dẻo dai lắm. Tập dưỡng sinh chỉ là một trong số những hoạt động mà bà tham gia. Ngoài ra, bà còn tập khiêu vũ, tập văn nghệ cho tổ dân phố… Tôi thường thấy bà hào hứng hẳn lên vào mỗi tối thứ bảy và chủ nhật. Bởi đó là những ngày bà tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ khiêu vũ của phường. Các bạn không thể tưởng tượng được đâu nhé! Bà nhảy đẹp hết ý luôn! Đặc biệt là điệu Van. Tôi phải nhờ bà tập cho suốt đấy!
Hiện đại khi tham gia các hoạt động thể dục thể thao nhưng bà lại mang đầy nét truyền thống trong các hoạt động xã hội. Chính bà là người dạy tôi cách nấu nướng và chăm sóc cho bản thân. Bà thường bảo tôi phải chú ý đến hình thức của mình. Theo bà việc trang điểm là rất quan trọng. Đối với bà trang điểm không phải là tô mày kẻ mắt, trưng diện quần áo trang sức sao cho nổi bật mà chỉ đơn giản là sự chuẩn bị chu đáo cho bản thân trước khi hoà nhập vào các hoạt động xã hội. Chăm sóc cho bản thân cũng chính là cách ta thể hiện sự tôn trọng mình và tôn trọng người khác. Đó là câu bà vẫn thường hay nói với tôi.
Đã thành thông lệ, mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi thường được bà xoa lưng và kể cho nghe những câu chuyện cổ tích. Nào là chuyện cô Tấm chui ra từ quả thị, nào là Thạch Sanh bắn đại bàng tinh cứu công chúa, nào là chú Cuội ngồi gốc cây đa Giọng kể dịu dàng cùng hương hoa nhài thoang thoảng từ người bà đã đưa tôi vào giấc ngủ trong suốt những năm bé thơ. Có lẽ bởi thói quen này nên khi bà không còn, một thời gian dài tôi rất khó ngủ.
Bà là tấm gương, là hình mẫu trong trái tim tôi. Đến tận bây giờ, hình bóng bà vẫn còn in đậm trong trái tim tôi.
"Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm
Tóc bà trắng, màu trắng như mây… "
Bài làm 2
Không hiểu sao mỗi khi nhắc đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, tôi lại nghĩ ngay đến mẹ. Hình ảnh mẹ tôi mỗi sáng đội chiếc nón lá đi chợ đã khắc sâu trong tâm trí tôi tự thuở nào.
Tôi không biết phải bắt đầu tả mẹ từ đâu. Có lẽ là khuôn mặt. Mẹ tôi không xấu nhưng cũng chẳng đẹp, nói chung là không có nét gì nổi bật. Bây giờ mẹ tôi đã già nên khuôn mặt có nếp nhăn. Nhìn hình của mẹ lúc còn trẻ, tôi bỗng giật mình. Mẹ thay đổi nhiều quá! Không phải thời gian đã làm thay đổi mẹ tôi đâu. Mà chính sự cực nhọc đã khiến mẹ gầy mòn. Nhìn vào đôi mắt của mẹ, tôi thấy sự mệt mỏi đằng sau đôi mắt ấy, và cảm nhận rằng mẹ có nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui.
Tôi còn nhớ hồi lớp 3 có thi tập đọc. Có 4 đề và tôi bốc trúng đề "Đôi bàn tay của mẹ". Tôi không nhớ mình được bao nhiêu điểm, chỉ nhớ rằng tôi đã đọc bằng cả tấm lòng. "Em yêu nhất là đôi bàn tay mẹ, những ngón tay gầy gầy xương xương". Khi tôi cầm tay mẹ, có cảm giác như cầm một khúc gỗ. Tay mẹ thô quá, cứng quá, dường như chỉ có da bọc xương. Và tay mẹ cũng không hề ấm áp chút nào, lúc nào cũng mát rười rượi. Bởi vậy mà tôi rất thích khi mẹ đặt tay lên trán lúc tôi bị nóng sốt. Bàn tay của mẹ lúc nào cũng mạnh mẽ. Bất cứ thứ gì tôi không mở được chỉ cần đưa mẹ là mở được ngay. Những lúc đó mẹ hay cười, chọc tôi sao yếu quá.
Tôi cao 1m60, một chiều cao trung bình nhưng khi đứng với mẹ, tôi vẫn cao hơn mẹ một chút. Thế mà chưa bao giờ tôi thấy mẹ thấp cả. Trong mắt tôi, mẹ lúc nào cũng là người hoàn hảo nhất.
Có một hôm đi học về, thấy mẹ đang nằm ngủ. Tôi lặng lẽ tới gần và ngồi xuống. Tôi cứ nhìn mẹ chăm chú suốt 15 phút cho đến khi mẹ thức dậy và nhìn tôi mỉm cười. Cô giáo tôi từng bảo "Các em thử nhìn gương mặt cha mẹ mình lúc ngủ, sẽ thấy được nỗi nhọc nhằn trên khuôn mặt họ". Tôi nhìn mẹ nhưng chỉ có một cảm giác duy nhất: đó là sự yên bình.
Khi nhìn đôi chân của mẹ, tôi cảm thấy xót xa vô cùng. Có quá nhiều vết nứt, và vết nứt nào cũng sâu, sâu lắm. Tôi chưa từng thấy ai bị nứt chân sâu như vậy, dù là quảng cáo trên tivi. Bước chân của mẹ cũng thật là nặng nhọc. Vì thế mà đôi dép của mẹ rất mau mòn. Phần gót của đôi dép cao su mòn gần sát đất và dép trái mòn hơn dép phải chứng tỏ khi đi mẹ đặt trọng tâm về phía sau và nghiêng về bên trái. Hễ có người gọi thì lúc nào mẹ cũng hối hả chạy ra, có lúc còn xém bị vấp ngã. Người ta nói những người đi nhanh và bước chân nặng nhọc thì sống không được sung sướng. Có lẽ là vậy nhỉ.
Ngay chỗ xương vai của mẹ có 2 cái hốc thật sâu. Và da của mẹ thì bủng beo, không săn chắc như người khác. Thương mẹ quá.
Mẹ tôi bị viêm xoan. Đó là do ngày xưa mẹ hít bụi than quá nhiều. Bây giờ, căn bệnh này cứ hành mẹ tôi mãi. Mẹ hay bị nhức đầu, còn sổ mũi là chuyện như cơm bữa. Thế nhưng không ngày nào mẹ tôi nghỉ ngơi. Trong khi tôi hễ bệnh một chút là chẳng làm gì cả, chỉ nằm đó để mẹ chăm sóc.
Mẹ dành tình thương cho ai cần nó nhất. Lúc nhỏ, tôi bé nhất nên mẹ quan tâm chăm sóc tôi nhiều nhất. Nhưng giờ lớn rồi, anh chị tôi đều đã đi làm thì mẹ thương chị nhất. Đơn giản vì chị tôi làm việc rất cực khổ nhưng lương lại thấp và mẹ nghĩ rằng cần bù đắp cho chị bằng tình thương của mẹ. Có những việc không cần phải nói ra nhưng ta cũng hiểu, phải không nào?
Những chuyện về mẹ có kể hoài cũng không hết. Nếu được quay ngược thời gian thì bài tập làm văn "Hãy tả mẹ của em" chắc chắn tôi sẽ viết khác.
Bài làm 3
Anh Chương là anh họ của tôi. Anh là người tôi vô cùng quý mến và kính trọng.
Anh có dáng người tầm thước, da hơi ngăm ngăm đen, mái tóc đen, dài mượt mà trông như lãng tử. Vì thích chơi thể thao, đặc biệt là bóng đá nên anh có thân hình dày dặn và rắn chắc. Các bắp tay, bắp chân cứng và khoẻ. Giọng nói của anh to và vang. Mọi người thường bảo chưa thấy người đâu mà đã nghe thấy tiếng. Tính tình anh vui vẻ và dễ hoà đồng. Vì vậy nên anh có rất nhiều bạn. Thỉnh thoảng các anh các chị vẫn thường kéo đến nhà anh chơi rất đông vui.
Anh Chương rất thích đọc truyện tranh. Hàng ngày sau mỗi giờ học, anh thường dành một hai tiếng ngồi đọc truyện. Thỉnh thoảng đến đoạn khôi hài anh thường cười rõ to và vui vẻ kể lại cho tôi nghe. Những lúc như vậy trông anh y hệt một đứa trẻ con.
Thích đọc truyện, chơi bóng là vậy nhưng anh học rất giỏi, ở trôn lớp, anh luôn là người đứng đầu, là Đoàn viên gương mẫu. Còn ở nhà anh là người con ngoan ngoãn và “đảm đang”. Mọi việc trong nhà anh đều biết làm. Từ sửa chữa bàn ghế đến nấu cơm giặt giũ anh đều làm rất chuyên nghiệp. Các món ăn anh nấu không chỉ ngon mà còn rất đẹp mắt. Nếu sau này anh theo nghề đầu bếp thì chắc chắn anh sẽ thành công.
Ai cũng vậy, “lắm tài thì nhiều tật”. Anh Chương cũng không ngoại lệ. Việc gì anh cũng biết làm và làm rất tốt nhưng chỉ riêng khả năng ca hát của anh thì dở vô cùng. Mẹ anh bảo vì anh đang vỡ giọng nên tiếng mới ồm như con vịt cồ. Thế nên chẳng bao giờ anh góp mặt trong các chương trình karaoke tại gia cả.
Tôi rất yêu quý anh Chương. Sau này lớn lên tôi nhất định sẽ ngoan và học giỏi như anh để bố mẹ vui lòng.
Bài làm 4
Chị gái chỉ ra đời trước tôi đúng năm phút nhưng sở thích và tính cách rất khác tôi.
Vì là chị em sinh đôi nên ngoại hình tôi và chị giống y chang nhau. Khuôn mặt bầu bĩnh, tròn trịa giống mẹ. Đôi mắt to, nâu nhạt ẩn dưới hàng lông mi dài cong vút. Cái miệng nhỏ xinh. Cái má phúng phính, thỉnh thoảng lại hồng lên trong nắng. Mái tóc hai chị em tôi đều đen và mượt. Nhưng trong khi tôi cắt tóc tém kiểu Mỹ Linh thì chị tôi lại để dài, buông nhẹ ra phía sau lưng, về hình dáng có lẽ tôi mập hơn chị khoảng một cân, còn chị lại cao hơn tôi khoảng 5 cm.
Đúng là “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Là hai chị em sinh cùng một trứng nhưng tôi và chị có tính cách trái ngược nhau. Trong khi tôi nghịch ngợm, ưa mạo hiểm khám phá thì chị tôi lại hiền lành, dịu dàng và nhu mì. Tôi chỉ thực sự im lặng khi ngủ, còn chị thì nói rất ít, sống nội tâm. Bởi tôi quá khác chị – hay chị quá khác tôi – nên chúng tôi chưa bao giờ thân thiết như hai chị em đúng nghĩa. Tôi nghĩ chị không thích mình, không hiểu mình nên rất buồn. Càng buồn tôi lại càng quậy. Chị cứ thầm lặng đi sau dọn dẹp bãi chiến trường mà tôi bầy ra, không hề mắng nhiếc tôi nửa lời.
Nhưng rồi một sự việc xảy ra đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Hồi đó tôi nằng nặc muốn tham gia câu lạc bộ bóng đá của trường nhưng bố mẹ tôi thì nhất quyết phản đối. Hai người muốn tôi học đàn, học hát như những bé gái khác, như chị tôi. Tôi rất buồn khóc suốt cả một đêm. Sáng hôm sau thức dậy, tôi thấy bên gối một mảnh giấy nhỏ màu hồng gập đôi. Bên trong ghi dòng chữ mực màu xanh nắn nót: “Chị thực sự ngưỡng mộ cách sống sôi nổi của em, đừng buồn nữa! Chị yêu em!”. Tôi thực sự ngạc nhiên và hạnh phúc khi đọc những dòng này. Lần đầu tiên tôi nhận ra rằng chị đích thực là chị của tôi
Sau này, chính chị đã cùng tôi thuyết phục bố mẹ để tôi được chơi đá bóng và tôi cũng không ngần ngại cùng chị học hát, học thêu.
Càng ngày tôi càng thấy khâm phục chị tôi và không còn nghỉ đến chuyện chị chỉ ra đời trước tôi năm phút. Tuy có nhiều điểm khác nhau nhưng tôi cũng rất muốn nói với người chị của mình là “em yêu chị!”.