Trang chủ » Cảm nghĩ tả về cây tre Văn biểu cảm lớp 7

Cảm nghĩ tả về cây tre Văn biểu cảm lớp 7

Bài làm 1
 
“Tre xanh xanh tự bao giờ
 
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”
 
Không biết tự khi nào cây tre đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống con người Việt Nam. Cây tre không chỉ là loài cây thân thuộc của làng quê Việt Nam mà còn trở thành biểu tượng của cả dân tộc Việt Nam. Đồng thời cũng là một trong những loài cây mà em yêu nhất.
 
Không ai biết chính xác nguồn gốc của cây tre. Chỉ biết rằng năm này qua năm khác tre dần đi vào đời sống của con người Việt Nam, gắn bó cùng nhân dân ta từ những buổi đầu dựng nước và giữ nước, đến hôm nay đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử.
 
Cuộc đời một cây tre là quãng thời gian không dài mà vô cùng ý nghĩa. Khi còn ấu thơ, tre chỉ là một mầm măng yếu ớt, thân hình bé nhỏ với cái đầu nhọn hoắc vươn thẳng lên trời, bao bọc bên ngoài bởi nhiều lớp áo xếp lên, mong manh trước mưa gió của tự nhiên. Chẳng bao lâu sau, mầm non ấy đã trưởng thành, trở thành một cây tre. Thân tre gầy guộc hình ống, trống rỗng bên trong, khoác áo màu xanh lục và càng xuống gốc thì càng thấy màu xanh đậm dần. Mỗi lần có gió lớn thổi qua, thân tre khẳng khiu oằn mình theo gió, trông có vẻ mong manh mà thực ra kiên cường và hiên ngang vô cùng.
 
Lá tre màu xanh non mơn mởn, mảnh mai và mỏng manh với những hình gân song song trên lá như những chiếc thuyền nan tí hon.Chỉ một cơn gió thoảng qua cũng làm lá tre lìa cành, xoay tít rồi thả mình xuống dòng nước, bắt đầu cuộc sống một chiếc thuyền lá tre ngao sơn ngoạn thủy. Rễ tre thuộc dòng rễ chùm, nhỏ nhưng bện xoắn vào nhau, bám chặt lấy đất mẹ để giữ thân tre đứng vững trong mưa bão.
 
Tre sinh ra đã mang trong mình những bản lĩnh và cá tính như con người. Tre mọc thành cụm, thành khóm lớn, cành lá đan chặt vào nhau như những cánh tay ôm ấp, níu chặt lấy nhau tạo thành lũy dày kiên cố vững chãi, chống lại những khắc nghiệt của thiên nhiên. Tre kiên cường sinh sôi và nảy nở trên mọi loại đất khác nhau, kể cả ở những vùi đất sỏi đá vôi bạc màu. Dù ở đâu tre cũng mạnh mẽ vươn lên đón ánh mặt trời. Chính vì thế mà nhà thơ Nguyễn Duy từng cảm thán:
 
“Ở đâu tre cũng xanh tươi
 
Cho dù đất sởi đá vôi bạc màu”…
 
Không phải tự nhiên mà con người Việt Nam ai cũng yêu cũng quý loài cây này. Tre từ rất lâu rất lâu trước kia đã gắn bó khăng khít với con người Việt Nam. Trong lịch sử hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã đi qua bao thăng trầm, chiến thắng bao cuộc xâm lăng của giặc ngoại xâm. Mỗi một cuốc đấu tranh đều không thể thiếu vắng bóng hình cây tre.
 
Những năm tháng gian nan ấy, tre trở thành vũ khí đánh giặc. Cây tre trong truyền thuyết Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân, chông tre trên sông Bạch Đằng với chiến thắng của Ngô Quyền chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tre giăng thành lũy, đan tay vào nhau bảo vệ làng xóm khỏi bom đạn quân thù. Tre chính là anh hùng góp phần mang lại hòa bình cho dân tộc Việt Nam hôm nay.
 
Trở về với cuộc sống sinh hoạt thường nhật, tre cũng gắn bó sâu sắc với nhân dân ta. Ngày xưa, tre để dựng nhà dựng cửa che mưa chắn gió cho con người. Rất nhiều ngôi nhà tre xưa kia đến hôm nay vẫn còn lưu lại, minh chứng cho lịch sử đã qua. Tre vót thành đũa, dùng trong bữa cơm quen thuộc của chúng ta, không lo nhiễm những hóa chất độc hại như nhựa, vừa nhỏ gọn vừa an toàn. Từ thân tre, người ta vót mỏng đan những chiếc giỏ, chiếc rá, thúng,… là những vật dụng hết sức thân quen ở những làng quê Việt Nam. Ghế tre, bàn tre và nhiều vật dụng bằng tre khác nhận được tình cảm yêu mến từ rất nhiều người bởi giá thành phải chăng, mẫu mã đẹp mà thân thiện với thiên nhiên. Mỗi dịp xuân về, lạt tre còn dùng để buộc những cặp bánh chưng xanh. Đến một ngày tre khô héo nó vẫn hết mình cống hiến cho con người làm chất đốt, cháy lên ngọn lửa mạnh mẽ.
 
Tre già măng mọc, năm này qua năm khác, ngày này qua ngày khác, tre nối nhau qua từng thế hệ sinh sôi và phát triển, hiên ngang bất khuất. Đời đời kiếp kiếp gắn bó với cuộc sống con người, dần dần đi sâu vào tiềm thức của con người. Tre như một người chất phác, mộc mạc, hiên ngang và bền bỉ. Tre mang trong mình sức mạnh của sự bất khuất, anh dũng và kiên cường biểu tượng cho con người Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Bóng tre xanh xanh mãi chính là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.
 
“Mai sau, mai sau, mai sau
 
Đất xanh xanh mãi xanh màu tre xanh”…
 
Bài làm 2
 
“Tre xanh, xanh tự bao giờ
 
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh…”
 
Từ bao đời nay, cây tre đã có mặt ở khắp các nẻo đường đất nước và gắn bó thủy chung với dân tộc Việt Nam. Đặc biệt trong tâm thức người Việt, cây tre chiếm một vị trí sâu sắc và lâu bền hơn cả, nó được xem như là biểu tượng của người Việt đất Việt.
 
Tre có từ bao giờ cũng không ai biết nữa, nhưng từ thời Hùng Vương thứ Sáu đã đi vào truyền thuyết lịch sử chống giặc cứu nước. Tre tượng trưng cho người quân tử bởi thân hình gầy guộc thẳng đứng, cao vút, bất khuất vươn lên bầu trời cao. Ban đầu, tre chỉ là một mầm măng yếu ớt với cái thân hình bé nhỏ hình nón,trên đầu nhọn hoắc và khoác ngoài nhiều lớp áo xếp chồng lên nhau bao lấy tấm thân nhỏ bé. Theo thời gian nó vươn lên và trở thành một cây tre đích thực.Thân tre gầy guộc hình ống rỗng bên trong, màu xanh lục, đậm dần xuống gốc. Trên thân tre có rất nhiều rất nhiều gai nhọn như những chiếc kim nhọn hoắt đâm thẳng, tự tin ,vươn lên đầy sức sống. Lá của tre mỏng manh mang một màu xanh non mơn mởn với những hình gân song song trên lá. Rễ tre thuộc loại rễ chùm, gầy guộc và cằn cỗi nhưng bám rất chắc chắn vào đất giúp giữ tre không bị đổ trước những cơn gió dữ. Vào những ngày khô hạn nóng nực vô cùng tre đung đưa tạo gió. Đến thời kì mưa gió bão bùng, tre kết thành lũy dày kiên cố ra sức chống gió cản mưa. Tre kiên gan bền bỉ vững chãi trong mọi môi trường sống dù bùn lầy, khô hạn, đất sỏi đất vôi bạc màu tre cũng xanh tươi mượt mà “Ở đâu tre cũng xanh tươi – Cho dù đất sởi đá vôi bạc màu”.
 
Mỗi khi nhắc tới hình ảnh tre thì người ta lại nhớ đến nét đặc trưng của làng quê Việt Nam, đó là một vật mang tính linh thiêng, đã cùng người dân Việt Nam xông pha trận mạc, cùng người dân đánh giặc giữ nước, cùng người dân xây thành dựng lũy, góp phần vào công cuộc gây dựng và bảo vệ đất nước. Tre gợi nhớ những người nông dân hiền lành, chất phác, một nắng hai sương. Những con người ấy sinh ra trong đói khổ nhưng họ vẫn cố vượt lên số phận và làm chủ cuộc sống của mình. Tre Việt Nam còn gợi ra hình ảnh quen thuộc của những con người tính tình ngay thẳng, khảng khái. Tính cách của những con người Việt Nam cũng giống như những búp tre non, chỉ mới mọc nhưng đã thẳng tắp. Đó là những hình ảnh dù trải qua biết bao nhiêu thế hệ cũng không thể thay đổi được trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam.
 
Vốn gần gũi và thân thiết với dân tộc, cây tre luôn là ngưồn cảm hứng vô tận trong văn học, nghệ thuật. Từ những câu chuyện cổ tích ( Cây tre trăm đốt,…) đến các câu ca dao, tục ngữ đều có mặt của tre. Đã có không ít tác phẩm nổi tiếng viết về tre: “Cây tre Việt Nam” của Thép Mới,…Tre còn góp mặt trong những làn điệu dân ca, điệu múa sạp phổ biến hầu khắp cả nước. Nó còn là một trong những chất liệu khá quan trọng trong việc tạo ra các nhạc cụ dân tộc như: sáo, kèn,… Tre đi vào cuộc sống của mỗi người, đi sâu thẳm vào tâm hồn người Việt. Mỗi khi xa quê hương, lữ khách khó lòng quên được hình ảnh lũy tre làng thân thương, những nhịp cầu tre êm đềm. Hình ảnh của tre luôn gợi nhớ về một làng quê Việt nam mộc mạc, con người Việt Nam thanh cao, giản dị mà chí khí. 
 
Cho tới bây giờ thì hình ảnh cây tre vẫn giữ một vai trò quan trọng và mãi là một hình ảnh đặc trưng của người dân Việt Nam. Hình ảnh những khóm tre với những lũy tre làng quen thuộc luôn gợi về những câu chuyện xa xưa mà không ai không bồi hồi xúc động. Bây giờ và cả mai sau, những lũy tre xanh vẫn mãi trải dài và vút lên bầu trời xanh. 
 
Bài làm 3
 
"Tre xanh
 
xanh tự bao giờ
 
chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh?''
 
Cây đa, bến nước, sân đình,… luôn là những hình ảnh quen thuộc mỗi làng quê Việt Nam. Một trong những hình ảnh quen thuộc chốn làng quê thanh bình ấy là hình ảnh lũy tre xanh mát. Tre không chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp yên bình thôn quê mà còn mang cho mình nét đẹp của con người đất Việt.
 
Từ bao đời nay, cây tre đã có mặt hầu khắp các nẻo đường đất nước và gắn bó thủy chung với cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đặc biệt trong tâm thức người Việt, cây tre chiếm vị trí sâu sắc và lâu bền hơn cả được xem như là biểu tượng của người Việt đất Việt,… Họ nhà tre chia thành nhiều giống loài: nứa, vầu, trúc,… Tre có thân rể ngâm, sống lâu mọc ra những chồi gọi là măng. Thân rạ hóa mộc có thể cao đến 10 -18m, ít phân nhánh. Mỗi cây có khoảng 30 đốt,… Cả đời cây tre chỉ ra hoa một lần và vòng đời của nó sẽ khép lại khi tre “bật ra hoa”. Tre mọc thành từng khóm, sát lại với nhau, đoàn kết cùng nhau sinh tồn. Tre hiến dâng bóng mát cho đời và sẳn sàng hy sinh tất cả. Tre hiến dâng tất cả, từ măng tre ngọt bùi đến bẹ tre làm nón, từ thân tre cành lá đến gốc tre đều có thể sử dụng được.
 
Tre anh hùng bất khuất, tựa như người chiến sĩ, chiến đấu kiên cường. Tre đã gắn bó với bao thăng trầm của lịch sử nước nhà, góp phần công sức nhỏ bé củ mình dựng xây chiến thắng: “…Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre và đánh giặc…”. Và cũng không phải  ngẫu nhiên sự tích loại tre thân vàng được người Việt gắn với truyền thuyết về Thánh Gióng hình ảnh Thánh Gióng nhổ bụi tre đằng ngà đánh đuổi giặc Ân xâm lược đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng thần kỳ, đột biến của dân tộc ta đối với những kẻ thù xâm lược lớn mạnh.Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, các lũy tre xanh đã trở thành “pháo đài xanh” vững chắc chống quân xâm lược, chống thiên tai, đồng hóa. Tre thật sự trở thành chiến lũy và là sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán. Chính ngọn tầm vông góp phần rất lớn trong việc đánh đuổi quân xâm lược để giàng Độc lập Tự do cho Tổ Quốc. “ Tre giữ làng, giữ nước, giừ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín,…”
 
 Chẳng những thế tre còn khơi gợi lên biết bao tâm hồn người thi sĩ. Tre đi vào thơ ca, văn hoc. Từ lời ca, tiếng hát đến các ca dao, tục ngữ đều có mặt của tre. Đã có không ít tác phẩm nổi tiếng viết về tre: “Cây tre Việt Nam” của Thép Mới và bài thơ cùng tên của thi sỹ Nguyễn Duy,… Tre còn góp mặt trong những làn điệu dân ca, điệu múa sạp phổ biến hầu khắp cả nước. Và nó là một trong những chất liệu khá quan trọng trong việc tạo ra các nhạc khí dân tộc như: đàn tơ tưng, sáo, kèn,… Tre đi vào cuộc sống của mỗi người, đi sâu thẳm vào tâm hồn người Việt. Mỗi khi xa quê hương, lữ khách khó lòng quên được hình ảnh lũy tre làng thân thương, những nhịp cầu tre êm đềm… Hình ảnh của tre luôn gợi nhớ về một làng quê Việt nam mộc mạc, con người Việt Nam thanh cao, giản dị mà chí khí.
 
Có thể thấy rằng bản lĩnh bản sắc của người Việt và văn hóa Việt có những nét tương đồng với sức sống và vẻ đẹp của cây tre đất Việt. Tre không mọc riêng lẽ mà sống thành từng lũy tre, rặng tre. Đặc điểm cố kết này tượng trưng cho tính cộng đồng của người Việt. Tre có rễ ngấm sâu xuống lòng đất, sống lâu và sống ở mọi vùng đất. Chính vì thế tre được ví như là con người Việt Nam cần cù, siêng năng, bám đất bám làng: “Rễ sinh không ngại đất nghèo, Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”. Tre cùng người Việt Nam trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua bao cuộc chiến tranh giữ nước tre xứng đáng là hình ảnh biểu tượng cho tính kiên cường, bất khuất của người Việt Nam, là cái đẹp Việt Nam. Hơn thế nữa trong quá trình hội nhập quốc tế và hiện đại hóa thì tre ngày nay lại trở thành những sản phẩm văn hóa có giá trị thẩm mỹ cao được nhiều khách mước ngoài ưa thích, như những mặt hàng dùng để trang trí ở những nơi sang trọng: đèn chụp bằng tre, đĩa đan bằng tre.
 
Tre giản dị, đơn thuần tựa như con người đất Việt mộc mạc chất phác. Hình ảnh lũy tre xanh trước cổng làng, bến nước, giếng sâu,.. trẻ thành nét đẹp văn hóa mang đậm dấu ấn, tâm hồn con người Việt Nam. 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top