Câu 1
Phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ nhiếp ảnh đầy thơ mộng.
– Chưa bao giờ, suốt một đời cầm máy ảnh, anh được thấy một cảnh “đắt” trời cho như vậy: “Trước mặt tôi là bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ… khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Đó là hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ. Cái hạnh phúc của khám phá và sáng tạo của sự cảm nhận cái đẹp diệu kì tột độ.
Câu 2
Phát hiện thứ hai của người nghệ sĩ nhiếp ảnh đầy nghịch lí. Anh đã chứng kiến từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như trong mơ ấy bước ra một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi và cam chịu, một lão đàn ông thô kệch, dữ dằn, độc ác, coi việc đánh vợ như một phương cách để giải tỏa những uất ức, khổ đau. Sự thật cuộc sống làm người nghệ sĩ bất ngờ, day dứt và ám ảnh khôn cùng.
Câu 3
Câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở toà án huyện là câu chuyện về sự thật cuộc đời. Chỉ qua những lời giãi bày thật tình của người mẹ đáng thương đó mới thấy nguồn gốc mọi sự chịu đựng, hy sinh của bà là tình thương vô bờ với những đứa con. Trong khổ đau triền miên, người đàn bà ấy vẫn chắt lọc được những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi. Qua câu chuyện của người đàn bà càng thấy rõ: không thể dễ dãi, đơn giản trong việc nhìn nhận mọi sự việc, hiện tượng của cuộc sống.
Câu 4
– Người đàn bà vùng biển là một nhân vật vô danh, không tên. Đó là một người đàn bà trạc ngoài bốn mươi, thô kệch, rỗ mặt, lúc nào cũng xuất hiện với “khuôn mặt mệt mỏi”, người đàn bà ấy gợi về một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ. Thầm lặng chịu đựng mọi đớn đau, khi bị chồng đánh, người mẹ hi sinh vì những đứa con.
– Cuộc sống đói nghèo, vất vả, quẩn quanh với những lo toan, cực nhọc đã biến “anh con trai cục tính nhưng hiền lành” xưa kia thành một người chồng vũ phu, một lão đàn ông độc ác. Cứ khi nào thấy khổ quá là lão đánh vợ, đánh như để giải toả uất ức, để trút cho sạch nỗi tức tối, buồn phiền.
– Chị thằng Phác, một cô bé yếu ớt mà can đảm, đã phải vật lộn để tước con dao trên tay thằng em trai, không làm một việc trái với luân thường đạo lý. Còn thằng Phác lại thương mẹ theo kiểu một đứa con còn nhỏ, theo cái cách một đứa con trai vùng biển. Hình ảnh thằng Phác vẫn khiến người ta cảm động bởi tình thương mẹ dạt dào.
– Phùng vốn là một người lính chiến từng vào sinh ra tử, anh căm ghét mọi sự áp bức, bất công, sẵn sàng làm tất cả vì điều thiện, lẽ công bằng. Anh thực sự xúc động, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tinh khôi của thuyền biển bình minh. Một người nhạy cảm như anh tránh sao khỏi nỗi tức giận khi phát hiện ra là đằng sau cảnh đẹp chiếc thuyền ngoài xa là sự bạo hành của cái xấu, cái ác.
Câu 5
Với Phùng, việc chứng kiến lão đàn ông đánh vợ tạo ra những bước ngoặt trong tư tưởng, tình cảm, trong cuộc đời con người. Tình huống đó được lặp lại một lần nữa, Phùng không chỉ chứng kiến người đàn bà nhẫn nhục chịu đựng mà còn thấy được thái độ, hành động của chị em thằng Phác trước sự hung bạo của cha với mẹ. Từ đó đến cuối truyện, Phùng đã có cách nhìn đời khác hẳn.
Câu 6
– Người kể chuyện ở đây là nhân vật Phùng, hay nói đúng hơn, đó là sự hoá thân của tác giả vào nhân vật Phùng. Việc chọn người kể chuyện như thế đã tạo ra một điểm nhìn trần thuật sắc sảo, tăng cường khả năng khám phá đời sống của tình huống truyện, lời kể chuyện trở nên khách quan, chân thật, giàu sức thuyết phục.
– Ngôn ngữ các nhân vật ở đây vừa sinh động vừa phù hợp với đặc điểm tính cách của từng người. Việc sử dụng ngôn ngữ rất linh hoạt, sáng tạo như thế đã góp phần khắc sâu thêm chủ đề- tư tưởng của truyện ngắn.
Luyện tập: Nhân vật nào trong truyện để lại cho anh (chị) ấn tượng sâu sắc nhất? Vì sao?
Dàn bài:
a. Nhân vật Phác
– Nguyễn Minh Châu xây dựng hình tượng 1 người dám cầm dao đe dọa bố mình, hay đánh lại bố mình vì không chấp nhận được hành vi vũ phu của bố đánh mẹ, vì bênh vực người mẹ đầy lòng hy sinh vì con
– Phác – chất phác thẳng thắn là người con hiểu biết, giàu tình cảm tuy lòng cậu đầy vết xước bầm dập trong trái tim. Lòng thằng bé vẫn hết mực yêu thương mẹ và bố của mình nhưngg nó cũng rất rạch ròi, cương quyết với hành động sai trái của bố khi đối xử tàn bạo với người mẹ của nó.
b. Nhân vật Phùng: Nhân vật Phung là kiểu nhân vật tiêu biểu trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu: kiểu nhân vật nhận thức. Qua những sự việc xảy ra trong truyện, nhân vật dần nhận ra được điều gì đó thật sâu sắc, khác hẳn với những gì anh ta nghĩ lúc đầu.
– Phùng – một trái tim nghệ sĩ thăng hoa trước cái đẹp
– Phùng – một trái tim nghệ sĩ trước cuộc đời.