Bài 59.1 trang 121 Sách bài tập (SBT) Vật lí 9
Ta nhận biết trực tiếp được một vật có nhiệt khi vật đó có khả năng nào?
A. Làm tăng thể tích vật khác.
B. Làm nóng một vật khác.
C. Sinh ra lực đẩy làm vật khác chuyển động.
D. Nổi được trên mặt nước
Trả lời:
Chọn B. Làm nóng một vật khác.
Bài 59.2 trang 121 Sách bài tập (SBT) Vật lí 9
Trong các dụng cụ tiêu thụ điện năng, điện năng được biến đổi thành dạng năng lượng nào để có thể sử dụng trực tiếp? Cho ví dụ.
Trả lời:
Điện năng biến đổi thành nhiệt năng. Ví dụ như bàn là, nồi cơm điện…
Bài 59.3 trang 121 Sách bài tập (SBT) Vật lí 9
Trong chu trình biến đổi của nước biển (từ nước thành hơi, thành mưa trên nguồn, thành nước chảy trên suối, sông về biển) có kèm theo sự biến đổi của năng lượng từ dạng nào sang dạng nào?
Trả lời:
Quang năng của ánh sáng mặt trời biến đổi thành nhiệt năng làm nước nóng; nước nóng bốc hơi thành mây bay lên cao có thế năng giọt mưa từ đám mây rơi xuống thì thế năng chuyến thành động năng; nước từ trên núi cao chảy xuống suối, sông ra biển thì thế năng của nước biển thành động năng.
Bài 59.4 trang 121 Sách bài tập (SBT) Vật lí 9
Con người muốn hoạt động (đi lại, giữ ấm cơ thể…) cần phải có năng lượng. Năng lượng đó do đâu mà có và đã được biến đổi từ dạng nào sang dạng nào?
Trả lời:
Thức ăn vào cơ thể xảy ra các phản ứng hóa học, hóa năng biến thành nhiệt năng làm nóng cơ thể, hóa năng thành cơ năng làm các cơ bắp hoạt động.
Bài 59.5, 59.6, 59.7, 59.8, 59.8 trang 121 Sách bài tập (SBT) Vật lí 9
59.5 Nhìn bằng mắt thường ta thấy vật có cơ năng có biểu hiện gì?
A. Đứng yên.
B. Chuyển động.
C. Phát sáng.
D. Đổi màu.
59.6 Bằng các giác quan, căn cứ vào đâu mà ta nhận biết được là một vật có nhiệt năng?
A. Có thể kéo, đẩy các vật khác.
B. Có thể làm biến dạng các vật khác.
C. Có thể làm thay đổi nhiệt độ các vật khác.
D. Có thể làm thay đổi màu sắc các vật khác.
59.7 Trong nồi cơm điện, năng lượng nào đã được biến đổi thành nhiệt năng?
A. Cơ năng.
B. Điện năng.
C. Hóa năng.
D. Quang năng.
59.8 Trong nồi nước đang sôi bốc hơi, năng lượng được biến đổi từ dạng nào sang dạng nào?
A. Động năng thành thế năng.
B. Nhiệt năng thành cơ năng.
C. Nhiệt năng thành hóa năng.
D. Hóa năng thành cơ năng.
59.9 Hiện tượng nào dưới đây đi kèm theo sự biến đổi từ cơ năng thành điện năng?
A. Núm đinamô quay, đèn bật sáng.
B. Tốc độ của vật tăng, giảm.
C. Vật đổi màu khi bị cọ xát.
D. Vật nóng lên khi bị cọ xát.
Trả lời:
59.5. B 59.6. C 59.7. B 59.8. B 59.9. A