Trang chủ » Nghị luận câu tục ngữ: Đi cho biết đó biết đây Ở nhà với mẹ, biết ngày nào khôn lớp 8 hay nhất

Nghị luận câu tục ngữ: Đi cho biết đó biết đây Ở nhà với mẹ, biết ngày nào khôn lớp 8 hay nhất

Bài làm 1
 
Triết lí sống của nhân dân thật sâu sắc. Câu tục ngữ sau đây là một ví dụ:
 
"Đi cho biết đó biết đây.
Ở nhà với mẹ, biết ngày nào khôn”.
 
Câu tục ngữ được diễn đạt dưới hình thức thơ lục bát; các chữ: đi, biết, khôn là linh hồn, là ý tưởng kết tinh triết lí đó.
 
Đi để làm gì? "Đi cho biết đó biết đây”, đi ra ngoài là để "biết” để mở rộng tầm mắt đó, đây, để thấy được nhiều cái tốt đẹp của mọi miền quê, mọi xứ sở, mọi chân trời xa xôi, để học hỏi những điều hay, điều mới lạ của thiên hạ. Đi để biết cái văn minh, tiến bộ của xứ người, để học hỏi cách làm ăn, đặng làm cho trí tuệ, tâm hồn, cuộc sống của mình trở nên phong phú, giàu có.
 
"Đi cho biết đó biết đây” là để tự cởi trói, thoát ly cuộc sống chật hẹp, quẩn quanh ru rú nơi xó bếp, trong luỹ tre làng, “chỉ biết ở nhà với mẹ”, không dám đi đâu xa, khác nào "Gà cồ ăn quẩn cối xay”, thì “biết ngày nào mới khôn”
 
Sống bảo thủ, sống chật hẹp, sống tù túng mãi như thế thì làm sao có thể theo kịp thiên hạ, khó mà làm nên sự nghiệp gì to tát, làm cho dân giàu nước mạnh.
 
Câu tục ngữ đối lập giữa "đi” với "ở nhà với mẹ” giữa "biết” với "ngày nào khôn”, qua đó nêu lên bài học về sống năng động, cách học tập mở mang tầm mắt để làm người, để xây dựng sự nghiệp; đồng thời phê phán tư tưởng bảo thủ, lối sống chật hẹp, quẩn quanh của những kẻ tầm thường.
 
"Đi cho biết đố biết đây” để thấy được cái hay, cái tốt đẹp của mọi miền quê gần, xa, để biết giang sơn gấm vóc, nước ta giàu tài nguyên, rừng vàng biển bạc, đồng bào ta cần cù, nhân ái, giàu lồng yêu nước.
 
Có đi mới biết: "Đường vô xứ Huế quanh quanh — Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”, mới hay, mới rõ: "Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh – Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm”, v.v… để nâng cao lòng tự hào dàn tộc.
 
Nếu chỉ quẩn quanh xó bếp "ở nhà với mẹ” thì làm sao có thể phát triển tài năng, đua tranh với đời, thoá chí nam nhi: "Làm trai cho đáng nên trai – Phú xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng”.
 
Với tuổi trẻ "Đi cho biết đó biết đây”, để trang trải món nợ tang bồng như Nguyền Công Trứ đã nói:
 
"Vùng trời đất dọc ngang ngang dọc,
Nợ tang bồng vay giả, giả vay
Chí làm trai nam bắc đông tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”.
(Chí anh hùng) 
 
Đất nước ta đang trên đà đổi mới và phát triển. Thế kỉ 21 là thế kỉ tri thức. Phong trào đi du học sang các nước Âu – Mỹ đã cổ vũ hàng nghìn, hàng vạn thanh niên ưu tú lcn đường. Đi để học hỏi khoa học kĩ thuật, phát triển trí tuệ tài năng để trở về phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước như giáo sư, tiến sĩ Ngô Bảo Châu.
 
Trước khi đi ra bốn bể năm châu, ai cũng vậy, phải chuẩn bị vốn ngoại ngữ, nêu cao ý chí tự lập tự cường, bản lĩnh dân tộc, chứ không đi để trở thành kẻ mất gốc!
 
Câu tục ngữ: "Đi cho biết đó biết đây. Ớ nhà với mẹ biết ngày nào khôn” đã nêu lên cho mỗi chúng ta bài học về cách sống, cách học tập để phát triển tài năng. Ta càng hiểu rõ xã hội rộng lớn là trường học vô cùng quan trọng đối với mọi người, nhất là đối với thế hệ trẻ Việt Nam chúng ta hãy chuẩn bị hành trang và chí khí trước lúc bước vào đời, sẵn sàng đi tới mọi chân trời mơ ước với niềm tin và khát vọng.
 
Câu tục ngữ trên nhắc nhở mọi người hãy xoá bỏ tư tưởng tự cao, tự đai, tự ru ngủ mình, tự cho mình là "nhất thiên hạ". Câu tục ngữ sau đây chắc nhiều người trong chúng ta đều nhớ: ''nhà nhất mẹ nhì con – Ra đường còn lắm kẻ giòn hơn ta"
 
Bài làm 2
 
Với câu ca dao này, ông cha ta khuyên dạy chúng ta rằng, muốn nên người, muốn hiếu biết nhiều, có kiến thức rộng, am hiểu sự đời, phải đi nhiều, phải đi đây đi đó để thu lượm, học hỏi những tri thức của cuộc sống để nâng cao, mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết của bản thân mình. Cũng cùng nội dung này , tục ngữ có câu ngắn gọn hơn : “Đi một ngày đàng học một sàng khôn .” Sau đậy , chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ .
Câu tục ngữ trên có nghĩa là gì ? Câu tục ngữ này có từ ngữ tương đối dễ hiểu chỉ có từ “sàng khôn ” và từ “ngày đàng”. Ngày đàng vừacó ý nghĩa không gian vừa có ý nghĩa thời gian. Ngày đàng là từ biến âm của đường , cách dùng thời gian để đo đường đi . Còn sàng khôn là dụng cụ bằng tre , nứa dùng để sàng , sấy gạo. ” Vậy, học một sàng khôn là học được nhau cái hay, cái tốt của thiên hạ để cho mình khôn lớn hơn, hiểu biết về cuộc sống xã hội. Câu tục ngữ này khuyên bảo người đời cần phảihọc ngoài xã hội , chứ không chỉ học ở trong trường, và do đó càng hiểu biết, khôn lớn trong cuộc sống.Đó là thông điệp của cha ông gửi lại cho đời sau.
 
Trong thực tế , nhiều người đã áp dụng câu tục ngữ và thành công trên đường đời . Hồi xưa , nhân dân ta không có cơ hội ra nước ngoài mà chỉ ở một chỗ để làm việc nên họ không có nhiều kinh nghiệm , những kĩ thuật tiên tiến của các nước khác . Ngày nay , một số nơi đã thay đổi , họ thu hoạch được sản lượng tốt nhiều hơn là do họ học được những phương pháp trồng trọt tốt của nước ngoài . Sách vở không phải là đầy đủ những kiến thức ta cần . Có những cái mà chỉ có tận mắt chứng kiến , tận tai nghe ngóng thì mới có như câu “Trăm nghe không bằng mắt thấy” . Đi thực tế giúp ta hiểu thấu đáo cuộc đời hơn . Không những nó giúp ta trau dồi kiến thức mà còn giúp ta biết cách làm người tốt . Nó giúp ta biết cách đối nhân xử thế , biết cái nào phải cái nào trái để áp dụng vào đời sống . Bác Hồ đã lên tàu sang các nước khác để tìm đường cứu nước . Bác đã học được nhiều chiến thuật , chiến lược hay để tìm đường lối thích hợp chống giặc .
 
Làm sao để thực hiện đúng câu : “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” ?Người ta vẫn thường nói : “ Học phải đi đôi với hành .” Vì thế , chúng ta phải áp dụng kiến thức vào thực tiễn . Chúng ta phải học cách làm việc để thực hiện mục đích của mình . Chúng ta có đi đâu chăng nữa mà sử dụng phương pháp : “ cưỡi ngựa xem hoa” thì cũng như không đi . Vậy làm sao để khắc phục khuyết điểm đó ? Khi đi , chúng ta phải quan sát kĩ , hỏi mọi người để thấm thía ý nghĩa của cái mình thấy . Sau đó , chúng ta ghi nhớ trong đầu , ghi chép vào sổ tay rồi tìm cách ứng dụng vào thực tế .
 
Tóm lại , câu tục ngữ trên là một chân lí cho những ai khao khát học hỏi , muốn khám phá những điều mình chưa biết . Xã hội ngày càng phát triển , khoa học kĩ thuật ngày càng cải tiến , bức phá trên nền kinh tế hiện đại hóa này . Vì thế , chúng ta cần đi khắp nơi học hỏi những diều hay , lẽ phải để không bị tụt hậu với thế giới . Nhiều học sinh , sinh viên đang rất cố gắng để được đi du học ở nước ngoài . Đó là những gương điển hình cho câu tục ngữ này . Những người đó sẽ thành công trong tương lai , thực hiện lời mong muốn của Bác Hồ : “ Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không ? Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cừơng quốc năm châu được hay không, chính nhờ một phần lớn ở công họ tập của các em. .”
 
Bài làm 3
 
Tục ngữ xưa có câu Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Cha ông ta đúc kết từ kinh nghiệm bản thân lưu giữ và truyền lại trong đó: con người không chỉ học tập trong sách vờ nhà trường mà còn phải học tập từ thực tế,  từ bên ngoài xã hội. Ước mơ, khát khao được mở rộng tầm mắt cũng gửi gắm cả trorg đó. Nhưng có bạn lại đưa ra ý kiến: nếu không có ý thức học tập thì chắc gì đã có sàng khôn nào. Như vậy là bạn đó chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của câu tục ngữ.
 
Học tập là nghĩa vụ, cũng là quyền lợi của mỗi người. Ngày nay đến trường ta tiếp thu kiến thức từ thầy cô, bạn bè, sách vở. Rồi ta còn tiếp nhận thông tin từ nhiều kênh: báo chí, truyền hình… nhưng như thế vẫn chưa đủ. Thế giới bao la, cuộc sống xã hội rất phức tạp, mỗi người dù thông minh tới đâu hiểu biết cũng chỉ có hạn. Cuộc đời, xã hội là môi trường học tập hữu ích để ta nâng cao sự hiểu biết, mở rộng tầm nhận thức, phát huy trí thông minh của mình. Vì thế, lời khuyên răn dạy bảo từ câu tục ngữ hoàn toàn đúng đắn, sâu sắc. Đi ở đây có nghĩa là đi đây, đi đó, cũng có nghĩa là tham gia vào các hoạt động xã hội. Sàng khôn là tri thức, sự hiểu biết, là những điều hay, điều mới lạ ta tiếp thu được – kết quả của việc đi. Chịu khó mỗi ngày đi xa hơn, nhiều hơn thì sang khôn ta nhận được ngày càng lớn càng đầy. Câu tục ngữ là bài học về cách sống, tinh thần ham học hỏi, ham hiểu biết. Chỉ có mõi trường xã hội phong phú đa dạng và sự ham hiểu biết mới giúp ta hoàn thiện nhân cách bản thân.
 
Chúng ta đừng vội nghĩ rằng chắc gì đã có sàng khôn nếu chưa thử đi. Hãy cứ đi, đi xa, đi nhiều và đến một lúc nào đó, dù ta không có ý định học thì vẫn cứ học được và khôn ra. Cùng nội dung với câu tục ngữ, người xưa có câu ca dao rất chí lí, chí tình:
 
Đi cho biết đó biết đây
 
 Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.
 
Con người nếu cứ suốt ngày suốt năm chỉ chôn chân nơi bốn bức tường hạn hẹp thì sẽ trở nên lạc hậu và thiển cận biết bao. Những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử, những vùng đất hoang sơ cần sự khám phá, đặt chân của con người, có câu tai nghe không bằng mắt thấy. Kiến thức, thông tin ta thu được từ sách vở, thầy cô, báo chí … chưa phải là tất cả. Nếu được nghe trực tiếp, được chứng kiến tận mắt thực tế cuộc sống, ta sẽ thấy cuộc sống còn bao điều hay, mới lạ ta chưa biết tới. Hãy nhớ lại những buổi tham quan mà nhà trường vẫn tạo điều kiện tổ chức hàng năm cho chúng ta hay ta đi cùng gia đình. Ta có dịp chứng kiến vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, những điều được ngợi ca trong mỗi bài học và so sánh với những điều được dạy bảo ở trường lớp. Đến mỗi vùng miền khác nhau, ta lại hiểu thêm được nếp sống, cách sinh hoạt, phong tục tập quán của đồng bào nơi đó. Dù chỉ là đi chơi dã ngoại nhưng ta thu lượm được bao điều bổ ích, thú vị một cách rất tự nhiên.
 
Gần gũi hơn, ta hãy thả bộ trên con đường từ nhà tới trường- Mỗi ngày có biết bao điều, bao sự việc khiến ta phải suy nghĩ. Một cậu bé dắt tay một cụ già qua đường, một cô bé nhịn bữa sáng để giúp đỡ người ăn xin… dạy ta vé lòng vị tha, nhân ái. Song, xã hội không chỉ toàn điều tốt đẹp mà rất phức tạp, tốt xấu đan xen. Bên cạnh những hành vi cử chỉ tốt đẹp, ta còn chứng kiến nhiều điều ngang trái bất công. Song tất cả những điều đó đều là những bài học về kinh nghiệm cuộc sống, đối nhân xử thế cho ta. Tiếp xúc với thực tế ta biết nhiều thứ mà trong sách vở chưa có dịp nhắc tới mà ta cần phải học tập. Xã hội chính là môi trường lớn, vừa là nguồn cung cấp tri thức, vốn sống trực tiếp, vừa là nơi để ta thực nghiệm.
 
Ngày nay, khi cái mới xuất hiện từng giờ, từng phút, đất nước có nhu cầu hội nhập với thế giới thì đi để học khôn càng trở nên cần thiết, nhất là đối với giới trẻ. Vì thế, những năm gần đây, việc du học nước ngoài không còn là chuyện xa lạ với thanh niên Việt Nam. Vốn sống gián tiếp được cung cấp từ sách vở nhà trường không thể phục vụ cho cuộc sống chúng ta sau này. Xã hội càng phát triển, con người càng cần phải đi nhiều hơn, tiếp thu nhiều sàng khôn hơn nếu không muốn bản thân và đất nước bị tụt hậu.
 
Chúng ta là những học sinh, là những người còn rất trẻ, cơ hội đi đây đi đó để học lấy cái khôn là rất nhiều và thuận lợi hơn ông bà ta trước đây. Vì thế, chúng ta cần phải tận dụng sức trẻ, thời cơ, điều kiện để không ngừng mở rộng tầm nhìn, sự hiểu biết. Chỉ biết sống khép kín, tự thỏa mãn với bản thân, chính là tự tách mình ra khỏi nhịp sống sôi động hiện nay, tự đào thải mình khỏi xã hội.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top