Trang chủ » Nghị luận xã hội về hiện tượng hút thuốc lá của học sinh hiện nay lớp 8 hiện nay

Nghị luận xã hội về hiện tượng hút thuốc lá của học sinh hiện nay lớp 8 hiện nay

Bài làm 1
 
Hút thuốc lá tưởng chừng như đã được cảnh báo với rất nhiều những hậu quá sau đó nhưng vẫn có rất nhiều người không từ bỏ thói quen xấu này. Một thực trạng đáng buồn hơn nữa là tình trạng hút thuốc lá hiện nay đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh.
 
Hiện nay, không quá khó khăn để chúng ta có thể bắt gặp những bạn trẻ phì phèo điếu thuốc lá ở vỉa hè, các quán game hay thậm chí là những góc khuất của các trường học. Có những bạn còn rất trẻ, chỉ khoảng học sinh cấp 2, cấp 3 cũng đã tập tành hút thuốc. Thậm chí, có những bạn chỉ mới là học sinh cấp 3 thôi cũng đã trở thành con nghiện thuốc lá, đi đâu cũng có sẵn bao thuốc ở trong cặp. Có những bạn vì sợ sệt nên hút len lút, vụng trộm. Nhưng cũng có những bạn thì nghênh ngang cầm điếu thuốc đi khắc nơi. Thực trạng hút thuốc lá ở lứa tuổi học sinh đang thực sự ở con số đáng báo động.
 
Các bạn trẻ ở tuổi học sinh vẫn còn những non nớt trong tư duy và nhận thức của bản thân. Họ đang bị lầm tưởng hay ngộ nhận việc hút thuốc lá là biểu hiện của sự trưởng thành, chính chắn. Hay nói đúng hơn, các bạn đang có tâm lý muốn học làm người lớn, muốn thể hiện cái tôi cá nhân của mình cho mọi người thấy. Họ muốn thể hiện “bản lĩnh người lớn”, muốn ra oai với các bạn đồng trang lứa. Hay đó cũng có thể là các bạn trẻ gặp quá nhiều những áp lực từ nhiều phía, bị bế tắc nên tìm phương thức giải tỏa bằng cách hút thuốc lá… Bên cạnh đó, rất nhiều bạn trẻ cũng bị những chi phối bởi những tác động khách quan bên ngoài. Ví dụ như các bạn bị những nhóm bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo tập hút thuốc cho đúng là “đàn anh, đàn chị”. Hay ngay trong cuộc sống, trong gia đình có những người nghiện thuốc lá, làm cho các bạn trẻ học theo những tấm gương đó. Một trong những nguyên nhân không thể không nhắc tới chính là sự thiếu quan tâm, sự giáo dục còn lỏng lẻo của gia đình và nhà trường.
 
Tuy nhiên, những hành động thiếu suy nghĩ ấy của các bạn lại đem lại những hậu quả khôn lường. Ảnh hưởng đầu tiên ảnh hưởng trực tiếp tới các bạn chính là sự suy giảm về sức khỏe. Chúng ta đều biết trong thuốc lá có chứa những chất có hại cho tim, phổi, họng và rất nhiều cơ quan khác trong cơ thể của con người. Khói thuốc lá xâm nhập dần vào cơ thể, làm giảm chức năng và hủy hoại các bộ phận của cơ thể. Rất nhiều những căn bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư cũng từ việc hút thuốc lá mà ra. Thuốc là giống như một loại thuốc độc đang ngày một bào mòn sức khỏe của con người. Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của cá nhân người hút thuốc mà nó còn ảnh hưởng tới cả những người xung quanh khi tiếp xúc với khói thuốc. Khói thuốc hít phải thậm chí còn độc hại đến sức khỏe nhiều hơn cả người hút thuốc. Hơn nữa, việc hút thuốc và mùi khói thuốc còn gây ra sự khó chịu cũng như ảnh hưởng tới môi trường sống xung quanh. Hút thuốc lá sẽ tạo ra thói quen xấu cũng như tạo những tấm gương không tốt cho những người xung quanh. Đặc biệt, với những bạn ở lứa tuổi thanh thiếu niên, việc hút thuốc lá sẽ khiến cho mọi người có đánh giá và cái nhìn không tốt về bạn, ảnh hưởng tới các mối quan hệ cũng như tương lai sau này.
 
Chính vì những điều đó, chúng ta cần có những biện pháp kịp thời để hạn chế tối đa tình trạng này xảy ra ở giới trẻ. Gia đình và nhà trường cần có cách giáo dục, nâng cao nhận thức cũng như có cách xử lý phù hợp cho con em mình về việc hút thuốc lá. Mỗi người hãy là một tấm gương tốt, nói không với thuốc lá để trẻ học theo. Cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhân thức của toàn dân về tác hại của thuốc lá bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức phong trào tập huấn, truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng…
 
Hút thuốc lá cũng chính là hủy hoại tương lai của bạn. Hãy tập cho mình lối sống lành mạnh, vui vẻ để thuốc lá không ăn mòn đi sức khỏe và tương lai chính mình.
 
Bài làm 2
 
“Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe”, câu slogan này dường như đã quá quen thuộc để sử dụng cho việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá. Vậy nhưng, tình hình hút thuốc trong xã hội vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm thiểu, đặc biệt hơn, nó đã lên đến tình trạng báo động không vì không chỉ ở người lớn mà cả trong giới trẻ, thanh thiếu niên, những cá nhân vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. 
 
Những người hút thuốc lá, họ cũng hiểu phần nào về những mối nguy hại mà thuốc lá gây ra cho sức khỏe, nhưng dường như sự nhận thức đó còn quá mơ hồ, thực chất họ đều không hiểu rõ, tận tường về những mối nguy cơ sức khỏe mà thuốc lá có thể gây ra.
 
Thực tế, khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc hóa học trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư…  Đó là axton có trong chất tẩy trong thuốc sơn móng tay, amoniac có trong chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh, DDT/Dieldrin có trong thuốc trừ sâu, phoóc-môn và CO có trong khí thải ô tô, toluene từ dung môi công nghiệp, methanol formaldehyde là chất để ướp xác chết… Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra gây bệnh tim mạch, đột quỵ và nhiều căn bệnh khác, bao gồm nhiều dạng ung thư khác.
 
Không khó để nhìn thấy và bắt gặp tình trạng thanh thiếu niên, học sinh hút thuốc. Trong các quán nét, trong các quán cốc, trong giờ nghỉ giải lao giữa giờ thật  không khó để bắt gặp cảnh học sinh nam tụm năm tụm ba phì phèo hút thuốc. Đi trên đường cũng có, không chỉ ở các nơi công cộng, mà ngay tại nhà, các thah thiếu niên, học sinh nhỏ tuổi cũng vô tư, vô lo hút thuốc.
Các em cứ hút thuốc với ý nghĩ coi đó là một thu vui tiêu khiển vô hại, để khẳng định bản thân, để học đòi, để chứng tỏ sự trưởng thành, để thỏa sức tò mò. Nhưng các em đâu biết rằng tương lai của các em đang mờ tan dần theo tàn khói thuốc. Đốt thuốc, hút thuốc, cũng chính là đốt tương lai, hút đi sức khoẻ của các em. Trẻ em hút thuốc sớm sẽ học kém hơn. Bệnh thường thấy rõ nhất là viêm đường hô hấp mãn tính hay người ta còn gọi là gây khó thở trường kỳ tắt nghẽn đường hô hấp không phục hồi được.    
 
Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng hút thuốc lá ở học sinh ngày càng tăng cao là do môi trường sống. Các em thường bị bạn bè lôi kéo,  ảnh hưởng bởi tâm lý, hoàn cảnh gia đình… tò mò muốn biết xem hút thuốc lá cảm giác sẽ như thế nào.
 
Các em rất dễ dàng mua được thuốc lá tại bất cứ nơi nào có bán. Sự quản lý lỏng lẻo của gia đình và nhà trường, không để ý kịp thời và cũng chưa đưa ra biện pháp mạnh để ngăn chặn. Cơ chế của pháp luật chưa rõ ràng khi chưa có quy định về độ tuổi bao nhiêu mới được mua thuốc lá và người bán có trách nhiệm từ chối việc bán thuốc cho đối tượng là học sinh.
 
Để hạn chế tình trạng học sinh hút thuốc lá, các cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cần đưa nội dung tuyên truyền phòng chống hút thuốc lá vào trường phổ thông và xem đây là công tác trọng tâm. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh hút thuốc lá.Thông qua các tiết sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ, sinh hoạt lớp, giáo viên cần đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh hiểu được những tác hại và cách bỏ thuốc lá, cung cấp cho các em các kỹ năng từ chối hút thuốc lá và ý thức “nói không với thuốc lá”. 
 
Nhà trường cũng cần đa dạng hóa các hoạt động ngoại khóa, vui chơi nhằm hướng học sinh đến những hoạt động ý nghĩa. Theo đó, các đơn vị trường học cần bổ sung tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc, học tập và nơi công cộng vào tiêu chuẩn đánh giá thi đua của cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên. Vì vậy, các đơn vị trường học cần chú trọng thực hiện các giải pháp để ngăn chặn và có hình thức xử lý phù hợp nhằm tránh tình trạng học sinh cũng như giáo viên hút thuốc lá, hướng tới mục tiêu xây dựng các cơ sở giáo dục không khói thuốc.
 
Các gia đình cũng cần kết hợp chặt chẽ với nhà trường để ngăn chặn tình trạng con em mình hút thuốc lá như để ý đến các biểu hiện hút thuốc của con, người lớn làm gương không hút thuốc và nhất là tránh tình trạng tạo điều kiện cho con em có tiền hút thuốc. Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi bán thuốc cho vị thành niên nói chung và học sinh nói riêng theo quy định.
 
Trẻ em là tương lai của gia đình và cũng là tương lai của đất nướ. Việc hút thuốc lá gây hại và có ảnh hưởng xấu đến tương lai của các em rất nhiều. Gia đình, nhà trường cùng các tổ chức xã hội hãy cùng chung tay góp sức hướng những điều tốt đẹp nhất đến với các em, để các em có thể nhận thức được và tránh xa thuốc lá.
 
Bài làm 3
 
“Trời, hút thuốc chứ có làm gì bậy đâu mà sợ? Nhiều người hút chứ đâu phải mình tui ?’’. Một trong những học sinh mà tôi gặp tại quán cà phê trong một khu cư xá vừa phì phèo thuốc vừa “phán’’ như thế. Học sinh này và bốn cậu bạn khác mới ra khỏi cộng trường đã vèo ngay đến đây để làm cử cà phê chiều. Chỉ trong vòng hơn một tiếng, năm “ống khói tàu’’ này đã đốt liên tục đến hơn một gói. MỘt trong số những em cười khẩy : “Uống cà phê mà không hút thuốc thì mất vị hết’’.
 
Quan sát các bàn khác, tôi bắt gặp ít gương mặt non choẹt cũng đang rít thuốc đẩy vẻ chuyên nghiệp. Khói thuốc bay mù mịt khắp không gian quán vốn đã chẳng rộng rãi thoáng mát gì. Thế nhưng những anh chàng này vẫn điềm nhiên như thể việc mình làm chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới dù thấy rõ ràng vài bạn gái ngồi bàn đấy nãy giờ đưa tay che mũi.
 
Khác hẳn với những bạn gái này, một cô bạn gái khác mới học lớp 11 mà tôi thường gặp tại quán cà phê chẳng những không hề dị ứng mà còn thở khói điệu nghệ chẳng kém gì mấy cậu con trai trong quán. Nhóm bạn của cô gái cũng có vài nàng dù không hút thường xuyên những tối vào vô “sàn’’ (vũ trường) cũng lập lòe đóm thuốc trên môi cho thêm phần sành điệu.
 
Không chỉ “lộng hành’’ người giờ học, nhiều “ông khối tàu’’ còn lén lút “nhả khói’’ ngay trong trường. Cô Định Thị Mĩ Hạnh (Trợ lí thanh niên trường Trần Khai Nguyên) cho biết : “Mặc dù trường nào cũng có nội quy cấm học sinh hút thuốc nhưng tại nhiều trường hiện tượng này vẫn ngày càng tăng’’. Cũng có cậu chơi liều hút ngay trên sân trường, nhưng đa số đều tìm chỗ kín đáo để hút lén lút. Nhà vệ sinh vẫn được xem là “điểm hẹn lí tưởng’’ của các “ống khói tàu’’ học trò dù các thầy cô giám thị thường xuyên kiếm tra gắt gao. Một học sinh cho biết : “Kiểm tra vậy thôi chứ khó bắt tại trận được lắm!’’.
 
Lí do hút thuốc của các cô cậu học trò quanh đi quẩn lại cũng chỉ có bấy nhiêu : thích chứng tỏ mình, tò mò, bị bạn bè lôi kéo. Đơn giản vì lứa tuổi của chúng ta vẫn chưa chín chắn, dễ dàng bị tác động. Thế nhưng, nhiều bậc phụ huynh chẳng những không kịp thời uốn nắng con em mình mà còn tiếp tay làm gương xấu trong việc hút thuốc. Cũng em học sinh trên phát biểu một câu xanh rờn : “Ba tui cũng biết tui hút thuốc nhưng đâu có la tui được vì ổng cũng nghiện thuốc lá mà !’’.
 
Điều đáng nói nhất là lâu nay đã có luật cấm bán thuốc lá cho khách hàng dưới 18 tuổi nhưng hầu như học sinh nào cũng có thể mua thuốc dễ dàng nư mua kẹo. Các xe thuốc lá đầy rẫy khắp thành phố, thậm chí còn “bao vây’’ trước nhiều cổng trường. Người bán hàng chẳng màng quan tâm “thượng đế’’ của mình bao nhiêu tuổi mà chỉ cần có tiền là có thuốc.
 
Y học đã chứng minh rằng thuốc lá chứa đến 4000 hóa chất, trong đó có 43 chất gây ung thư. Nó chính là một “tử thần thầm lặng’’ dẫn đến nhiều căn bệnh như ung thư phổi, nhồi máu cơ tim… Và không người hút thuốc chủ động mà cả những người hút thuốc thụ động (hít phải khói thuốc) cũng có nguy cơ tương tự. Tuy nhiên, nói theo lời cô Mĩ Hạnh là : “Nhiều em vẫn chưa hiểu được tác hại của thuốc lá do công tác tuyên truyền chưa mạnh mẽ”.
 
Chính vì thế, để tuyên truyền với thuốc lá, thời gian gần đây đã có nhiều hoạt động như Tuần lễ quốc gia không hút thuốc là (cuối tháng 5), Trung tâm Công tác Xã hội Thanh niên (Thành đoàn Tp. Hồ Chí Minh) vừa triển khai dự án “Ngăn ngừa hành vi hút thuốc lá ở trẻ vị thành niên” ở lớp 10 trường cấp II cấp II và Trung tâm giáo dục thường xuyên. Mục tiêu của dự án là 100% học sinh của các trường này hiểu rõ về tác hại của thuốc lá, không sử dụng các chất gây nghiện và thuốc lá, thành lập câu lạc bộ “Tuổi trẻ năng động’’ tại mỗi trường và thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt tuyên truyền. Đặc biệt, sẽ có nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức để giúp học sinh có cuộc sống lành mạnh và tránh xa “tử thần thầm lặng’’ này.
 
Cả xã hội đang tuyên chiến với thuốc lá. Lẽ nào bạn lại đứng ngoài và tiếp tục tự đốt cháy cuộc đời mình.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top