Trang chủ » Nghị luận xã hội về tính trung thực lớp 9 hay nhất

Nghị luận xã hội về tính trung thực lớp 9 hay nhất

Bài làm 1
 
Trong xã hội, con người cần hoàn thiện nhân cách của mình với những đức tính tốt đẹp. Đức tính trung thực là một trong những đức tính đáng quý mà mọi người cần phải có, nhất là thế hệ trẻ để trở thành người công dân tốt.
 
Thế nào là đức tính trung thực? Trung thực là thật thà, ngay thẳng, không gian dối. Người có đức tính trung thực là người luôn nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật, ngay thẳng, thật thà. Với các bạn học sinh, biểu hiện rõ trong các cuộc thi là không gian lận quay cố, chép bài, xem bài của bạn…Trong xã hội, người trung thực là người ngay thẳng, không nói sai sự thật, không tham lam của người khác. Trong kinh doanh, người ngay thẳng không sản xuất hàng kém chất lượng, không kinh doanh những mặt hàng bất hợp pháp làm tổn  hại đến người tiêu dùng. Trái với trung thực là sự gian dối, không thật thà..
 
Tính trung thực là đức tính rất cần đối với chúng ta, người có tính trung thực sẽ dần hoàn thiện nhân cách, biết tự đánh giá bản thân một cách đúng đắn để biết cố gắng vươn lên nên dễ thành công trong cuộc sống, có vốn tri thức để làm giàu chân chính. Và nếu không may mắc sai lầm, họ sẽ dễ dàng sửa chữa để hoàn thiện bản thân mình hơn, người trung thực sẽ được mọi người yêu mến và tôn trọng, góp phần làm cho xã hội trong sạch, văn minh, tốt đẹp, khiến cả đất nước ngày càng đi lên và phát triển đến tầm cao.
 
Ngược lại nếu không trung thực thì sẽ trở thành thiếu trung thực và sai trái, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho bản thân mà còn cho xã hội. Biểu hiện rõ nhất trong giới học sinh hiện nay là gian lận trong thi cử, học tập, ảnh hưởng xấu tới kết quả học tập đến ý nghĩa của việc dạy và học khiến dư luận xôn xao. Trong kinh doanh việc thiếu trung thực trong việc báo cáo chất lượng sản phẩm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí đe dọa đến tính mạng của họ như: các loại sữa chứa chất độc hại, các loại hoa quả nhiễm hóa chất quá tiêu chuẩn cho phép. Điều đó cần phải phê phán và lên án.
 
Chúng ta cần làm gì để rèn luyện tính trung thực? Sự rèn luyện là một quá trình lâu dài, biểu hiện từ việc nhỏ nhất mà hàng ngày ta đang làm đến những việc lớn lao sau này, khi nói chuyện với bất cứ ai cũng không được lươn lẹo, dối trá.Trong công việc, cách ứng xử  với mọi người cần ngay thẳng, thật thà nếu sai thì biết thừa nhận lỗi lầm và sửa lỗi. Trong học tập phải trung thực không quay cóp bài, gian dối điểm. Bên cạnh việc hoàn thiện mình, chúng ta cần lên án những hành vi thiếu trung thực của người khác, tính cực đẩy lùi những tiêu cực do thiếu trung thực gây ra, biết noi theo những tấm gương đạo đức cao cả.
 
Trung thực là đức tính rất cần thiết cho mỗi chúng ta, chúng ta phải luôn rèn luyện mỗi ngày tính trung thực để hoàn thiện mình hơn, để trở thành những người công dân có ích cho xã hội.
 
Bài làm 2
 
Nếu tiến hành một cuộc khảo sát ngẫu nhiên với hàng ngàn người và hỏi liệu họ có phải là người trung thực hay không, đa phần sẽ trả lời: “Tại sao không chứ? Tất nhiên tôi là người trung thực”. Sự thật thì ai cũng tưởng mình là người trung thực. Bạn hỏi một tên lừa đảo, hắn cũng sẽ bảo rằng hắn trung thực. Hắn còn giải thích: “Tôi nói cho người ta biết rằng tôi sắp ăn cắp của họ. Và đó là sự trung thực của tôi”. Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng một số người vẫn nghĩ như vậy. Con người có những quan điểm khác nhau về tính trung thực.
 
Câu nói ưa thích của người bình thường là: “Vâng, tôi trung thực, nhưng …”. Hãy nhớ rằng từ “nhưng” luôn chứa đựng những lời nói dối đang được nung nấu và che đậy. Sự trung thực chân chính không thể bị che đậy, cũng không thể bị lu mờ. Không có “nếu”, “và”, “nhưng mà”,… nào cả. Sự thật là sự thật. Do nhiều người đánh mất khả năng cảm nhận sự thiếu trung thực nên họ khó nhận biết khi nào họ thiếu nó.
 
Chúng tôi đã thiết lập một bộ quy tắc riêng bao gồm những điều trung thực và những điều không trung thực. Khi phải đối mặt với một tình huống, chúng ta thường trốn tránh sự thật bằng một “điều khoản ngoại lệ” sẵn có mà chúng ta hay dùng một cách hào phóng: “Tôi trung thực, nhưng thế lại là một vấn đề khác”. Đó chỉ là một trong số hàng triệu lời biện hộ mà người ta thường sử dụng.
 
Khi tôi còn học ở Học viện Quân sự West Point, quy tắc danh dự luôn được tôn trọng: nếu bạn nói dối, gian lận, ăn cắp hoặc dung túng cho bất cứ người nào làm điều đó, hội đồng kỷ luật sẽ đuổi bạn ngay! Có thể bạn nói ra sự thật, nhưng bạn vẫn không phải là người trung thực.
 
Vì không muốn bị đuổi khỏi học viện nên tôi không nói dối, không gian lận và không ăn cắp, và thế là tôi nghĩ mình thật sự là người trung thực. Mãi sau này tôi mới nhận ra rằng tôi cần kiểm tra lại tính trung thực của bản thân. Có thể bạn nói ra sự thật, nhưng bạn vẫn không phải là người trung thực. Sự trung thực không phải là khắc phục thành công một vài sự cố. Trung thực chính là lối sống, là bản chất con người bạn, chứ không đơn thuần là thỉnh thoảng mới thực hiện đôi lần. Chiến binh nhân từ lúc nào cũng thể hiện sự trung thực, ngay cả khi quanh họ không có ai hoặc trong tình huống họ có thể đánh đổi bằng mạng sống của mình.
 
Bài làm 3
 
Cuối năm lớp 9, trước ngày thi tốt nghiệp cô giáo yêu cầu chúng tôi làm một bài văn nghị luận về lòng trung thực thi cử. Nghe xong đề Văn, cả lớp hầu như tên nào cũng cười sung sướng và vỗ tay ầm ĩ. Đứa cười đề quá dễ, đứa thì phấn khởi vì đề ăn lạ và thoải sức sáng tạo. Riêng với tôi, đề dễ hay khó không quan trong mà điều quan trọng là đề văn ấy có sẵn trong mớ tài liệu tham khảo dầy cộp mà tôi mang theo hay không.
 
Chỉ một lúc sau, cả lớp trở nên yên ắng. Tôi liếc nhìn xung quanh, người đang vò đầu bứt tai tìm ý tứ, có bạn đã viết say sưa… Liếc mắt nhìn cô, tôi thấy cô đang tập trung vào tập bài kiểm tra của lớp khác. Tôi biết thời cơ hành động đã đến. Thật may cho tôi, một đề bài lạ như thế cũng có sẵn trong cuốn sách văn mẫu. Tôi hí hứng chép. Sau 20 phút âm thầm, tôi chép xong phần nửa phần thân bài. Liếc mắt nhìn cô, cô vẫn không mảy  may nghi ngờ hay chú ý đến tôi. Đã có lúc, tôi còn… tự hào với “trình” quay cóp của mình.
 
Tôi cứ vô cảm chép cho đến khi đọc tới một đoạn trong bài văn mẫu: “…thật xấu hổ thay những bạn học sinh lười biếng, đầu óc rỗng tuếc mà gian lận để đạt điểm cao…”. Cơ thể tôi như có một luồng điện chạy qua. Tay tôi bỗng nhiên cứng lại, dù cố viết nhưng nét chữ trở nên nguệch ngoạc. Thật khôi hài và mỉa mai làm sao, đôi tay tôi đang say sưa viết những lời châm biếm chính bản thân tôi.
 
Tôi buông bút, ngồi thẫn thờ cho đến khi tiếng trống hết giờ vang lên. Tôi gấp bài làm dở, bỏ vào ngăn bàn và nộp một tờ giấy trắng trống trơn. Bài kiểm tra ấy tôi nhận một điểm 0.
 
Đó là bài văn điểm kém nhất và… ít chữ nhất trong số những bài văn tôi đã viết. Nhưng với riêng tôi, nó đã thực hiện sứ mệnh riêng của mình, thức tỉnh tôi bằng giá trị của lòng trung thực. Đó là bài kiểm tra cuối cùng tôi quay cóp trong cuộc đời học sinh của mình.
 
Bài làm 4
 
Ai cũng biết rằng, người Việt Nam ta có rất nhiều phẩm chất tốt đẹp được lưu truyền qua nhiều thế hệ như: tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, đức tính trung thực và lòng tự trọng,… Chúng ta rất tự hào về những phẩm chất tốt đẹp mà chúng ta đang có. Trong cuộc sống hàng ngày, đức tính trung thực được thể hiện rõ nhất qua từng hành động của con người Việt Nam như câu tục ngữ: “Ăn ngay nói thẳng”.
 
  Trước hết, chúng ta phải hiểu thế nào là “đức tính trung thực”. Trung là hết lòng với đất nước, Thực là thật, sự thật. Trung thực có thể hiểu là ngay thẳng, thật thà, nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật. Người có đức tính trung thực là luôn luôn tôn trọng sự thật, chân lí, lẽ phải, không làm sai lệch sự thật. Đức tính trung thực của con người được thể hiện qua cách sống ngay thẳng, thật thà, dám nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm. Trong cuộc sống, đức tính trung thực được thể hiện rõ ràng nhất đó là thật thà, thẳng thắn nhận lỗi khi mình mắc lỗi, không báo cáo sai sự thật, không tham lam, gian dối lấy của người khác làm của mình. Trong học tập, thi cử, những biểu hiện của tính trung thực của mỗi học sinh cần được phát huy như không quay cóp, chép bài của bạn, không mang theo tài liệu và lật tài liệu trong lúc thi hoặc kiểm tra, không chạy điểm, không dùng bằng giả,…
 
  Có thể thấy, trung thực là đức tính cần thiết, quý báu của mỗi người. Nếu có tính trung thực, nhân cách của mỗi người sẽ dần được hoàn thiện. Bản thân mỗi người sẽ được người khác kính trọng, yêu mến. Điều quan trọng hơn cả là bản thân người có tính trung thực sẽ tự gây dựng cho mình một hình ảnh, một chữ “tín” trong lòng mỗi người bạn và mọi người trong xã hội. Nhờ có tính trung thực trong học tập, chúng ta sẽ có được những kiến thức thực do chính ta học tập chứ không do học vẹt, học máy móc hoặc qua loa, đối phó. Tính trung thực còn giúp cho chúng ta có cái nhìn, đánh giá đúng năng lực của mỗi người. Học sinh có tính trung thực thì thầy cô giáo mới đánh giá đúng năng lực của mỗi học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng, và nâng cao kiến thức. Nếu học sinh có những việc làm không thể hiện tính trung thực của mình, đừng vội nản lòng, các bạn vẫn có thể sửa những lỗi sai của mình để trở thành người tốt, góp phần làm cho xã hội trong sạch, văn minh và ngày càng phát triển.
 
  Không chỉ trong học tập, mà trong kinh doanh, nếu có tính trung thực, doanh nghiệp sẽ có được uy tín và lòng tin ở khách hàng, kinh doanh đạt hiệu quả cao. phần làm cho xã hội trong sạch, văn minh và ngày càng phát triển. Có nhiều người sẽ cho rằng: Trung thực là đức tính tốt nhưng có làm được hay không thì tuỳ và cũng chẳng có hậu quả gì đáng kể. Nhưng thật ra sự thiếu trung thực sẽ gây ra những hậu quả xấu. Bởi trong cuộc sống, điều quan trọng nhất của mỗi người là chữ “tín”. Nếu đánh mất nó đồng nghĩa với đánh mất niềm tin và sự tôn trọng của mọi người đối với mình. Nếu trong kinh doanh làm ăn sẽ mất đi những người đối tác làm ăn. Nếu trong học tập mà không trung thực thì thầy cô, bạn bè không còn tin ở mình nữa. Trong làm việc, nếu số liệu báo cáo thiếu trung thực sẽ gây thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế đất nước. Trong kinh doanh, chất lượng sản phẩm không trung thực sẽ ảnh hưởng không tốt đến người tiêu dùng, thậm chí gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đe doạ tính mạng con người. Trong học tập, đặc biệt là trong các kì thi sự thiếu trung thực luôn xảy ra. Sự gian lận trong thi cử vẫn còn phổ biến. Điều đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả thực chất việc dạy của thầy cô giáo và học của học sinh, gây dư luận xấu trong xã hội. Do đó, thiếu trung thực trở thành căn bệnh lây lan nhanh, làm xuống cấp đạo đức xã hội.
 
  Mỗi người cần phải có những hành động, việc làm cụ thể của riêng mình nhằm giúp đất nước ta không còn những hành vi thể hiện sự thiếu trung thực nữa. Đối với mỗi người, cần xây dựng ý thức trung thực trong từng việc nhỏ, việc lớn. Đặc biệt, đối với mỗi học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường việc tu dưỡng, rèn luyện đức tính thật thà là rất cần thiết. Để động viên những tấm gương người tốt, việc tốt nhà trường cần biểu dương một số tấm gương tiêu biểu về đức tính trung thực để học sinh noi theo đồng thời khuyến khích, động viên học sinh tham gia vào gìn giữ và phát huy những đức tính tốt đẹp của người Việt Nam. Cùng với việc biểu dương những tấm gương tốt về tính trung thực chúng ta cũng cần lên án sự dối trá và từng bước đẩy lùi những tiêu cực do thiếu trung thực gây nên tuỳ theo khả năng của mỗi người.
 
  Trung thực là đức tính rất cần thiết trong cuộc sống. Trong thời đại hiện nay, nhất là khi chúng ta đang trong thời kì hội nhập với nền kinh tế tri thức toàn cầu thì đức tính trung thực lại càng cần thiết hơn bao giờ hết vì sống trung thực giúp chúng ta nâng cao phẩm giá, làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội và sẽ được mọi người tin yêu, kính trọng. Vì vậy, mỗi người cần xác định đúng tư tưởng để có một tương lai tốt đẹp. Là một học sinh, em sẽ cố gắng phát huy đức tính trung thực của học sinh để góp phần hoàn thiện nhân cách bản thân và nhận được sự tin yêu của thầy cô, bạn bè, không ngừng học tập tốt Năm điều Bác Hồ dạy “…Khiêm tốn, thật thà, dùng cảm”.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top