Trang chủ » Phân tích cảm nhận bài thơ Sang Thu của Hữu Thỉnh lớp 9 hay nhất

Phân tích cảm nhận bài thơ Sang Thu của Hữu Thỉnh lớp 9 hay nhất

Bài làm 1
 
Mùa thu là một trong những đề tài được nhiều thi nhân viết đến. Tuy nhiên, mỗi bài thơ thu lại có những nét độc đáo và thi vị riêng. “Sang thu” của Hữu Thỉnh cũng là một bài thơ thu như thế. Bài thơ đã phác họa thành công sự chuyển mùa tinh tế của đất trời và của lòng người lúc sang thu.
 
Mở đầu bài thơ, người đọc đã có thể nhận ra ngay cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh khi tiết trời sang thu:
 
Bỗng nhận ra hương ổi 
 
Phả vào trong gió se
 
Từ “bỗng” thể hiện sự đột ngột, bất chợt trong cảm nhận. Ở đây đó chính là bất chợt nhận ra đất trời đã chớm sang thu. Cái hay và tinh tế nữa đó là, tác giả nhận thấy mùa thu không phải vì bầu trời cao xanh hơn hay hoa cúc nở vàng như trong các bài thơ ta thường thấy mà ở đây là vì “hương ổi phả vào trong gió se”. Sự tinh tế của tác giả chính là ở việc không tả mà chỉ gợi. Hương ổi thơm lừng trong gió se gợi cho người đọc màu vàng ươm của những trái ổi nơi vườn quê trong một buổi chiều cuối hạ, đầu thu.  Và vì có gió thu “se” lạnh nên hương ổi mới thêm nồng nàn, phả vào đất trời và hồn người để cho tác giả “bỗng” phát hiện ra thu đã về.
 
Không chỉ có “hương ổi” trong “gió se”, nhà thơ còn nhận thấy:
 
Sương chùng chình qua ngõ
 
Hình như thu đã về
 
Với cách nhân hóa, từ láy “chùng chình” gợi tả sự chậm rãi, nhẹ nhàng của màn sương giống như một nàng Thu yêu kiều đang bước tới. Sương bay qua ngõ, giăng mắc vào những giậu rào, trên những cành cây khô đầu ngõ cuối thôn. Thế nhưng, dù đã cảm nhận được mùa thu qua ba giác quan khứu giác (hương ổi – vị giác, gió se – xúc giác, sương chùng chình – thị giác) nhưng tác giả vẫn chưa hết sững sờ, vẫn chưa dám tin là thu đã về nên mới mơ hồ: “Hình như thu đã về”.  “Hình như” là chưa chắc chắn, không chắn chắn nhưng kì thực là tác giả đã tự khẳng định rằng: mùa thu về thật rồi.
 
Thu về, không gian bức tranh màu thu được mở rộng ở chiều cao, độ rộng của bầu trời với hình ảnh cánh chim bay và đám mây trôi, ở chiều dài con sông qua khổ thơ thứ hai:
 
Sông được lúc dềnh dàng
 
Chim bắt đầu vội vã
 
Có đám mây mùa hạ
 
Vắt nửa mình sang thu
 
Dòng sông giờ đây không còn chảy cuồn cuộn, dữ dội và gấp gáp như những ngày mưa lũ mùa hạ trước kia nữa. Thay vào đó, con sông êm ả lưỡng lờ trôi như thể đang trầm tư, suy ngẫm. Trong khi đó, tương phản với sông “duềnh dàng”, tư lự là sự vội vã của chim. Khi tiết trời chuyển lạnh cũng là lúc các loài chim chuẩn bị di cư về phương Nam tránh rét khi mùa đông sắp tới. Chúng “vội vã” vì mùa thu tới báo hiệu một mùa đông lạnh giá cũng sắp đến gần. Và các loài chim mới chỉ “bắt đầu vội vã” thôi, chứ chưa phải là đang vội vã, tức là mới chỉ là “sang thu” thôi chứ chưa hẳn là đã thu. Chình vì thế mà đám mây mùa hạ hãy còn, mới “vắt nửa mình sang thu”. Hình ảnh này gợi tả đám mây như một chiếc khăn voan đang được mùa hạ trao cho mùa thu, nó vẫn là của mùa hạ đấy, nhưng đã “nửa mình” sang thu rồi. Phải rất nhạy cảm và tinh tế thì Hữu Thỉnh mới thấy được, mới sáng tạo được một hình ảnh thơ đẹp như thế!
 
Nếu như cái hay ở khổ đầu tiên những ẩn ý gợi thu về, cái đẹp ở khổ thơ thứ hai là những hình ảnh thơ mùa thu tinh tế thì khổ thư ba lại nổi bật lên nhờ ý nghĩa triết lí về mùa thu trong đó. Lúc này, mùa thu không còn được cảm nhận trực tiếp nữa mà qua trải nghiệm, bằng sự suy ngẫm của nhà thơ:
 
Vẫn còn bao nhiêu nắng
 
Đã vơi dần cơn mưa
 
Sấm cũng bớt bất ngờ
 
Trên hàng cây đứng tuổi
 
“Sang thu” nhưng vẫn có “nắng”, có “mưa”, có “sấm” như mùa hạ, nhưng tất cả đều vơi bớt, lắng đọng hơn. Nắng nhạt dần, mưa bớt đi, sấm cũng không còn rền vang khiến hàng cây phải giật mình đột ngột. Đó là quy luật tự nhiên. Nhưng Hữu Thỉnh không chỉ viết một bài thơ tả cảnh “sang thu” bình thường, mà trong đó còn ẩn chưa một triệt lý sâu xa hơn thế. “Sấm” không chỉ là giông bão, mà còn là những khó khăn, trở ngại của cuộc đời. Còn “hàng cây đứng tuổi” kia cũng chính là hình ảnh của những con người đã trải qua những gian lao, giông tố ấy. Qua bão táp, nắng mưa của cuộc đời sẽ tôi rèn ý chí cho ta, ta cũng vì đó mà trưởng thành hơn, giữ được điềm tĩnh hơn trước sóng gió của cuộc đời.
 
Bằng cảm nhận tinh tế và nghệ thuật ẩn dụ, nhân hóa tài tình cùng với cách dùng từ hết sức tự nhiên và chân thật, Hữu Thỉnh đã khắc họa nên một bức tranh đặc sắc về thời điểm đất trời giao mùa ở một vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ.Với bài thơ “Sang thu”, Hữu Thỉnh đã góp thêm một nét thu duyên dáng mang dấu ấn riêng của mình vào những chùm thơ thu của thơ ca Việt Nam.
 
Bài làm 2
 
Một năm có bốn mùa xuân – hạ – thu – đông. Mỗi mùa đều có những nét đẹp riêng. Nếu mùa xuân rực rỡ với những loài hoa đua nhau khoe sắc, với chồi non lộc biếc thì mùa thu cũng đẹp đẽ khiêm nhường bởi những điều bình dị nhất. Mùa thu bước vào trang thơ thật đẹp, nhẹ nhàng mà tinh tế. “Sang thu” của Hữu Thỉnh là một trong những bài thơ hay viết về những ngày chớm thu dịu dàng như thế.
 
Mở đầu bài thơ, Hữu Thỉnh đưa người đọc đến với những ngày mùa thu đầu tiên của một miền quê yên bình:
 
“Bỗng nhận ra hương ổi
 
Phả vào trong gió se
 
Sương chùng chình qua ngõ
 
Hình như thu đã về”
 
Mùa thu bước vào thơ Hữu Thỉnh thật đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ tín hiệu đầu tiên để ông nhận biêt mùa thu không phải lá vàng, lá khô mà lại là “hương ổi”, một hương vị ngọt ngào của loại quả mùa thu. Cụm từ “bỗng nhận ra” cho người đọc cảm giác một sự bất ngờ, một sự tình cờ chứ không hề có chủ ý. Hương vị, mùi thơm của trái ổi ngọt đang lan tỏa vào trong làn “gió se”. “Gió se” cũng là một đặc trưng khi mùa thu về, không còn cái nắng gắt oi ả mùa hè nữa, mà thay vào đó là một làn gió se se lạnh, một chút hanh heo. Động từ “phả” cho thấy mùi hương của trái ổi lúc sang thu cứ như đang vấn vương, đang lan tỏa khắp không gian, quấn quít tới mọi nơi. Không chỉ cảm nhận được hương ổi, gió se, nhà thơ còn cảm nhận được làn “sương” đang “chùng chình qua ngõ”. Những làn sương lạnh đầu mùa thu qua con mắt của nhà thơ thật đẹp, chính từ “chùng chình” đã tạo nên nết đẹp đó. Người đọc cảm giác được một làn sương trắng mờ mờ ảo ảo cứ ê ấp, nhẹ nhàng, từ từ, mềm mại bay qua ngõ nhỏ. Dường như thu đến bất ngờ quá khiến nhà thơ phải ngẩn ngơ, chưa dám khẳng định mà chỉ nói “hình như thu đã về”. “Hình như” bởi một lẽ những ngày chớm thu đến bất chợt, khiến nhà thơ cũng phải từ từ để cảm nhận được hương ổi, gió, sương mai.
 
Thu đến bất ngờ như vậy đấy, những dấu hiệu ban đầu của mùa thu đến khiến thi nhân cũng bất ngờ. Ông bắt đầu lắng lại để nhìn ngắm mọi thứ xung quanh:
 
“Sông được lúc dềnh dàng
 
Chim bắt đầu vội vã
 
Có đám mây mùa hạ
 
Vắt nửa mình sang thu”
 
Ồ, vậy là thu đã về thật rồi. Người thi sĩ bắt đầu say sưa với cảnh sắc xung quanh. Ông nhận ra con sông trở nên chảy chậm rãi, từ từ, lãng đãng còn những cánh chim trời thì vội vã hơn. Hình ảnh dòng sông ở bên dưới còn trên bầu trời là những cánh chim như vẽ nên một bức tranh bình yên đến lạ. Những “đám mây mùa hạ” bước vào trang thơ của Hữu Thỉnh mới sinh động làm sao. Chia tay cái nắng mùa hè oi ả, dường như đất trời vẫn đang quyến luyến chưa muốn bước sang thu, để cho “đám mây mùa hạ” “vắt nửa mình sang thu”. Nhà thơ sử dụng biện pháp nhân hóa khiến cho những đám mây trên trời kia cũng như có hồn người, cũng tiếc nuối, vấn vương chưa muốn rời. Cho nên mây chỉ vắt nửa mình sang thu thôi, còn nửa mình kia vẫn giữ lại cho mùa hạ cũ.
 
Mùa thu về, cảnh vật đổi thay từ những điều nhỏ bé, thân quen, bình dị trong nắng, trong mưa:
 
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
 
Đã vơi dần cơn mưa
 
Sấm cũng bớt bất ngờ
 
Trên hàng cây đứng tuổi”
 
Bước sang mùa thu, không còn nắng gắt như mùa hạ cũ nữa, nhưng vẫn còn “bao nhiêu nắng”. Cái nắng nhẹ hơn, thân thiện hơn. Nếu mùa hạ có những cơn mưa rào bất chợt, mưa giông nặng hạt và kéo dài bao ngày, thì mưa mùa thu đã “vơi dần”. Nếu cơn mưa mùa hạ với tiếng sấm sét to như giận dữ khiến chúng ta phải giật mình thon thót thì tiếng sấm mùa thu lại ít và thưa hơn. Hình ảnh sấm “bớt bất ngờ” “trên hàng cây đứng tuổi” đưa người đọc đến với nhiều liên tưởng. Dường như hàng cây đứng tuổi cũng là hình ảnh ẩn dụ cho một con người khi đã về già, trải qua bao biến cố cũng trở nên thâm trầm hơn trước những sóng gió, vững vàng hơn trong giông bão.
 
Chỉ với một bài thơ ngắn “sang thu”, Hữu Thỉnh đã đưa người đọc đến với những ngày chớm thu của một làng quê yên bình. Mùa thu hiện lên trên trang thơ của ông với những cảnh sắc thiên nhiên thay đổi một cách bình dị, giản đơn nhưng vẫn rất thân thương, ngọt ngào, để lại trong trái tim người đọc những tình cảm tốt đẹp.
 
Bài làm 3
 
“Thơ là thu của lòng người, thu là thơ của đất trời.” Mùa thu từ bao lâu nay đã trở thành suối nguồn vô tận, khơi nguồn cảm hứng cho thi ca nhạc họa. Những cảnh đẹp thiên nhiên tươi sáng, trời thu trong xanh, khí thu dịu mát, cảnh thu trong sáng đã làm mê luyến trái tim bao thi sĩ. Nhỏ nhẹ và khiêm nhường Hữu Thỉnh góp vào cho bản hào ca của đất trời một góc thiên nhiên “Sang thu” để cùng tôn vinh những mùa trái, mùa hương của đất trời, xứ sở.
 
Mở đầu bài thơ, trước hết nhà thơ Hữu Thỉnh đã gửi đến người đọc cảm nhận tinh tế của mình trước mùa thu trong không gian làng quê:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.”
 
 
 
Trong không gian quen thuộc của làng quê Bắc Bộ, nhà thơ bỗng tinh tế nhận ra mùi hương ổi chín. Đó là mùi vị ngọt ngào, nồng nàn thanh mát của quê hương, của những tâm hồn đã chắt chiu vun trồng nên hương ổi. Đó là hương vị quen thuộc, bình dị gợi nhắc đến mùa thu quê hương. Không phải là lá ngô đồng như trong thơ cảu Bích Khê, cũng không phải là hương cốm trong bài Đất Nước của Nguyễn Đình Thi, bằng cảm nhận và tình yêu quê tha thiết, hương ổi đã phả vào tâm hồn nhà thơ, đánh thức những cảm nhận riêng để ngỡ ngàng nhận ra mùa thu đã đặt chân xuống trần gian tuyệt diệu. Nhưng hương ổi mạnh mẽ, ngọt ngào phả vào trong gió se, càng làm quyện đọng vị ngọt và sánh mịn của hương ổi. Nhưng Hữu Thỉnh cũng cho ta những cảm nhận về đám mây khi thu chớm sang:
“ Sương chùng chình qua ngõ.”
 
Từ “chùng chình” diễn tả vẻ đẹp mộng mơ, duyên dáng và yêu kiều như nàng thiếu nữ đang e ấp duyên dáng bao quanh xóm làng. Cảnh vật không gian làng quê ngập chìm trong màn sương khói mờ ảo, giăng mắc như làm thiên nhiên thêm huyền ảo, lung linh hơn. Và trước hương ổi trong gió se, trước đám mây chùng chình kia, thi nhân của chúng ta ngỡ ngàng “Hình như thu đã về”. Từ “hình như” diễn tả tâm trạng bâng khuâng, man mác của nhà thơ, cũng như vẻ ngờ ngợ không dám tin rằng thu đã về đấy rồi. Đó là sự luyến tiếc của âm hồn thi nhân, vừa ngỡ ngàng với thu sang, vừa luyến tiếc khi hạ đã rời đi. Quả là một tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết.
 
Sang đến khổ thơ tiếp theo, là sự cảm nhận tinh tế của thiên nhiên mùa thu trong không gian đất trời. Sự tinh tế và tấm lòng khát khao giao cảm, muốn nắm bắt sự thay đổi của vạn vật đã được bộc lộ rõ:
“ Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.”
 
 
 
Dòng sông mùa thu không còn vẻ vội vàng, gấp gáp và chảy xiết như trong những ngày hạ, sông êm đềm, tĩnh lặng, yên ả uốn mình hiền hòa sau lũy tre xanh xanh của làn quê. Những cánh chim bắt đầu, cho thấy sự quan sát sát tinh của Hữu Thỉnh khi nhận ra sự chuyển dời của đàn chim tìm nơi trú ẩn cũng là dấu hiệu nhắc thu sang. Và đám mây kia chính là điểm nhấn cho nền trời, cho bức tranh thiên nhiên quyến rũ, xinh tươi ấy. Đám mây vắt nửa mình, dường như cũng đang chứa đựng sụ lưu luyến, bịn rịn. Đám mây giống như cây cầu nối liền giữa mùa hạ và mùa thu để ngân rung mãi lên một nhịp riêng của đất trời, nhịp giao thời, nhịp chuyển mùa. Thu sang trong bao nhiêu của thi ca muôn thuở, nay trở về trong những câu thơ ủa Hữu Thỉnh sao vẫn đắm đuối, si mê lòng người như thế. Vậy là mùa thu trong không gian làng quê được cảm nhận mới tinh tế và nên thơ làm sao. Chỉ có thể yêu thiên nhiên lắm, Hữu Thỉnh mới vẽ nên một bức tranh thật đẹp, thật duyên đến vậy.
 
Khổ thơ cuối là những chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về cuộc đời mỗi con người:
“Vẫn còn bao nhiêu nắng 
Đã vơi dần cơn mưa 
Sấm cũng bớt bất ngờ 
Trên hàng cây đứng tuổi”.
 
 
 
Bằng những chiêm nghiệm sâu sắc về nhân sinh Hữu thỉnh đã gửi đến chúng ta những thông điệp thật ý nghĩa. Hình ảnh “nắng, mưa, sấm” là biểu tượng cho những sóng gió, thăng trầm của cuộc đời mà con người đã trải qua, khi đã đi qua bao nhiêu nắng mưa, bao nhiêu giông tố, con người dường như cũng trở nên điềm đạm, bình tĩnh hơn trước những thử thách, trông gai của cuộc đời. Con người khi trưởng thành “hàng cây đứng tuổi” sẽ không còn những bồng bột, sôi nổi và sự liều lĩnh của tuổi tre mà sẽ lắng mình xuống để suy ngẫm và chiêm nghiệm, cũng sẽ không để những sóng gió cuộc đười quật ngã mỗi bước đi. Phải chăng đó cũng chính là thông điệp sâu sắc mã Hữu thỉnh gửi gắm. – vforum.vn
 
Với thể thơ năm chữ, cách ngắt nhịp linh hoạt, giọng điệu tự nhiên, nhẹ nhàng, ngôn ngữ hình ảnh trong sáng, tinh tế giàu sức gợi, sức biểu cảm, Hữu Thỉnh đã gửi đến người đọc một bức tranh thiên nhiên lúc sang thu thật sự đẹp, thật duyên, thật tinh tế của một tâm hồn yêu thiên nhiên, quê hương tha thiết. “Sang Thu” của Hữu Thỉnh đã góp vào bản hoà ca mùa thu của quê hương, đất nước một tiếng nói riêng, đầy thi vị, ám ảnh, xúc động.
Hải Yến – vforum.vn
 
Văn mẫu 2 cảm nhận về bài thơ “sang thu”
Nếu mùa xuân là mùa hội tụ của những bàn tay nghệ sĩ tài hoa thì mùa thu bước vào thơ ca cũng tự nhiên và gần gũi. Trước đây Nguyễn Khuyến nổi tiếng với ba bài thơ thu, sau này Xuân Diệu có “Đây mùa thu tới”. Nhỏ nhẹ, khiêm nhường Hữu Thỉnh cũng góp vào cho mùa thu đất nước một góc quê hương “Sang thu”
Với “Sang thu”, Hữu Thỉnh miêu tả bức tranh thu bằng những bước chuyển mình đầy tinh tế của vạn vật trước thời khắc giao mùa. Thời gian bao giờ cũng là quy luật và tất cả mọi thứ đều phải vận động theo quy luật ấy. Hình như các sự vật trong bài thơ cũng vậy, chuyển mình vào thu một cách đầy chủ động.
Bài thơ mở đầu bằng một phát hiện bất ngờ:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
“bỗng nhận ra hương ổi”- một trạng thái chưa hề được chuẩn bị, như là vô tình như là sửng sốt như là cơ duyên để từ đây nhà thơ có thể quan sát xuất hiện của mùa thu trong trời đất bằng tất cả giác quan và cũng chính từ góc nhìn này, hình ảnh của cả sự vật sang thu được nhà thơ đưa vào ống kính.
 
Mở đầu là một làn hương thật đặc biệt của mùa thu Việt Nam, hương ổi – phả vào gió buổi sớm. “Phả” – một động từ mang ý nghĩa chủ động tác động được dùng như một cách khẳng định sự xuất hiện của hơi thu trong không gian. Sự góp mặt của màn sương buổi sớm cùng với hương ổi làm con người chợt giật mình thảng thốt: Hình như thu đã về. Hai đặc điểm để cảm nhận mùa thu Hương ổi, làn sương không phải là những hình ảnh đã trở nên ước lệ nữa, mà là một chi tiết thật mới mẻ, bất ngờ. có lẽ, chỉ với Hữu Thỉnh làn hương ổi rất quen của Việt nam mà rất lạ với nhà thơ được đưa vào thơ một cách tự nhiên. Cũng từ đây, một loạt những hình ảnh quen mà lạ ấy sẽ xuất hiện để làm nên một bức tranh mùa thu đẹp đẽ và trong sáng vô vùng:
“Sóng được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Toàn là những sự vật được lựa chọn để miêu tả cảnh đất trời vào thu đang ở trạng thái “ngập ngừng” nhưng sự ngập ngừng đầy chủ động. “Sông được lúc, chim bắt đầu, đám mây, vắt nửa mình” với cách diễn đạt này hình ảnh của sự vật không chỉ hiện lên ở thời điểm hiện tại mà còn dẫn ngu đọc liên tưởng về quá khứ của chúng, một quá khứ chưa xa “quá khứ màu hạ” và chắc rằng, đó là một quá khứ đầy sôi nổi. Khiến cho đâu đó trong không gian dâng lên một niềm tiếc nuối:
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
Nắng – hình ảnh cụ thể của màu hạ – đang là hiện tại nhưng mưa màu hạ đã trở thành quá khứ. Trạng thái này của thời tiết lại một lần nữa như khẳng định sự ngập ngừng thì thời gian vẫn bước đi vô tình của nó, và hàng cây sẽ bớt bất ngờ nếu mọi ngày vẫn xanh là thế mà giờ đây đã trở thành “hàng cây đứng tuổi”. Hàng cây đứng tuổi – hình ảnh gợi lên ở người đọc nhiều liên tưởng về tuổi tác của con người. Thời gian trôi nhanh qua của, cuộc đời mỗi người là một chứng nhân nhìn mùa thu đi qua. Bởi thế, nuối tiếc vẫn mãi là cảm xúc của con người trước thời gian. Tâm trạng ấy đã được nhà thơ gửi vào cảnh vật, gửi vào trạng thái của thiên nhiên nhằm khắc họa thời khắc mà mọi vật đang chuyển mình sang thu. Điều này lí giải vì sao tát cả các sự vật được khắc họa bằng hành động từ trạng thái với sắc thía nghiêng chủ động. Phải chăng những sự vật đang “sang thu” chứ không phải “đây mùa thu tới” hay “mùa đã thu rồi”.
 
Xưa nay màu thu thường gắn liền hình ảnh chiếc lá vàng, ngõ đầy rụng,lá khô xào xạc và ta cứ ngỡ như chỉ những sự vật ấy mới là đặc điểm của mùa thu. Nhưng đến “sang thu” của Hữu Thỉnh, người đọc chợt nhận ra: Một làn hương ổi, một màn sương, một dòng song, một đám mây, một tia nắng những sự vật gần gũi thế cũng làm nên những đường nét rất riêng của mùa thu Việt Nam và điều này làm nên sức hấp dẫn cho bài thơ “Sang thu”
 
“Sang thu” của Hữu Thỉnh đã không chỉ mang đến cho người đọc những cảm nhận mới về màu thu quê hương mà còn làm sâu sắc hơn tình cảm quê hương trong trái tim mọi người. “Sang thu” chính là một tấm gương trong để người đọc có thể nhìn thấy ở đó hình ảnh quê hương xứ sở mình, hình ảnh của tâm hồn mình. Miêu tả mùa thu bằng những bước chuyển mình của vạn vật, Hữu Thỉnh đã khuấy động một cách nhìn riêng, một lối miêu tả riêng, thoát khỏi những ước lệ để khẳng định vị trí của riêng mình trên con đường sáng tạo nghệ thuật.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top