Bài làm 1
Ông lấy bút danh O Hen-ri có lẽ để kỉ niệm một người bạn tốt đã giúp đỡ ông nhiều trong thời kì này. Sau khi ông mất, Hội Nghệ thuật và Khoa học ở Mỹ đã lập một giải thưởng mang tên O Hen-ri được tặng cho các truyện ngắn hay hàng năm.
"Chiếc lá cuối cùng" là "bức thông điệp màu xanh" tác giả gửi đến người đọc ca ngợi tình bạn thủy chung cao quý, nhắn nhủ mọi người hãy yêu thương con người, hãy biết hi sinh vì sự sống của con người. Xiu và Bơ-men là hai nhân vật bổ sung cho nhau nhằm làm nổi bật tình cảm cao đẹp trên. Hai họa sĩ nghèo này khác nhau về tuổi tác nhưng lại có chung một mối lo lắng: làm sao cứu sống được Giôn-xi khỏi bàn tay lạnh giá của thần chết. Xiu đã phải làm việc rất nhiều, không tiếc sức mình để kiếm tiền mua thuốc, mời bác sĩ, mua thức ăn… để chăm sóc bạn từng li từng tí, từ việc nấu cháo xúp tới việc dỗ dành bạn ăn bằng được. Xiu đúng là một người bạn thủy chung, gian nan hoạn nạn bao giờ cũng có nhau. Nhưng chỉ như vậy cũng chưa thể cứu được Giôn-xi, cô bị viêm phổi nặng đồng thời lại trong tâm trạng tuyệt vọng, tin rằng mình không thể sống được khi chiếc lá cuối cùng của cái cây kia bên cửa sổ rụng xuống.
Chữa bệnh viêm phổi, y học có thể làm được, nhưng chữa tâm trạng tuyệt vọng, bác sĩ cũng bó tay. Bằng sự nhạy cảm của một người giàu lòng nhân ái, cụ Bơ-men đã nhận ra chiếc chìa khóa mở cánh cửa đưa Giôn-xi trở lại với cuộc sống. Bằng tài năng, cụ đã vẽ lên bức kiệt tác của mình – cũng chính là bức tranh cuối cùng – để mang lại cho Giôn-xi niềm tin yêu vào cuộc sống. Cả hai con người ấy, Xiu và Bơ-men tượng trưng cho lòng nhân đạo cao cả, cho tình yêu thương giữa những con người với nhau. Nhưng thông qua bức vẽ cuối cùng gắn liền với sự hi sinh thầm lặng của Bơ-men. tác giả còn muốn nói tới một vấn đề nữa: mục đích của nghệ thuật, ý nghĩa cao quý của nghệ thuật. Suốt bốn mươi năm lao động, cụ Bơ-men luôn thất bại, chưa bao giờ ngọn bút của cụ chạm tới tà áo của làng nghệ thuật. Nhưng đến phút cuối cùng, khi không định làm nghệ thuật. Nhưng vì nục đích giành lại sự sống cho một người, cụ đã hoàn thành kiệt tác của mình trong một hoàn cảnh khác thường: đêm đông, gió lạnh, tuyết rơi, một mình với chiếc đèn bão trên một chiếc thang chênh vênh. Tác phẩm của cụ trở nên bất tử vì nó hiện hình trong sự sống của một con người và biết đâu, sự sống của một tài năng.
Cốt truyện của "Chiếc lá cuối cùng" thật đơn giản. Câu chuyện sống được không chỉ vì ý nghĩa nhân đạo sâu sắc của nó, mà còn vì ngòi bút dựng truyện, khắc hoạ nhân vật đầy tài năng của tác giả về mặt kết cấu, ông đã sử dụng thành công thủ pháp đảo lộn tình thế hai lần một cách đột ngột, bất ngờ để hấp dẫn người đọc. Trong truyện, lần thứ nhất là khi Giôn-xi đi đến trạng thái tuyệt vọng, buông thả mọi ý chí, phó mặc cho thần chết đưa lưỡi hái ra cắt đứt đời mình. Cô đã đoán chắc với Xiu "Khi lìa cành thì chắc chắn em cũng lìa đời". Cô diễn tả tâm trạng của mình trong sự tuyệt vọng "chờ đợi làm em chán lắm rồi, nghĩ ngợi cũng làm em chán lắm rồi. Em muốn buông tay khỏi tất cá những thứ em còn đang nắm và lướt xuống lướt xuống, hệt như một trong những chiếc lá mệt mỏi đáng thương đó". Người đọc cảm thấy nghẹt thở tưởng như vô phương cứu chữa trước một con người không còn một tơ vương nào vào cuộc sống. Nhưng kì diệu thay, chiếc lá cuối cùng không rụng. Nó còn đó mãi mãi như sự bất tử của cuộc đời. Rồi Giôn-xi bắt đầu bình phục.
Lần đảo lộn tình thế thứ hai tiếp liền sau khi Giôn-xi bình phục. Ở đoạn trên, ông già Bơ-men xuất hiện thoáng qua rồi mất hút, người đọc bị hấp dẫn bởi cuộc đấu tranh giành sự sống trong Giôn-xi cũng đã quên mất ông. Chính lúc ấy, lời kể của Xiu làm cho cả Giôn-xi và người đọc sống lại một sự kiện bi tráng. Chiếc lá cuối cùng thật đã rụng. Còn lại mãi mãi trên tường là chiếc lá của tình thương yêu, là lòng yêu mến cuộc sống cháy bỏng của người họa sĩ già. Sự bất ngờ này đưa Bơ-men thành nhân vật quan trọng nhất thể hiện sâu đậm chủ đề của câu chuyện.
"Chiếc lá cuối cùng" là truyện ngắn vế những con người bình thường, những việc bình thường nhưng lại khó quên vì ánh sáng nhân đạo tỏa mãi không thôi của tác phẩm. Mãi mãi người đọc sẽ nhớ tới cụ Bơ-men có hình dáng như một người thợ mỏ khắc khổ nhưng lại có tấm lòng và hành động của một vị thánh thần. Mãi mãi người đọc sẽ nhớ tới bức thông điệp màu xanh kêu gọi sự yêu thương giữa con người với con người, kêu gọi nghệ thuật hướng về con người.
Bài làm 2
O Henry là một nhà văn người Mỹ đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng gây được tiếng vang cho cả thế giới. Những tác phẩm của ông đều chứa đựng tình cảm nhân văn, nhân đạo vô cùng sâu sắc, có những tình tiết bất ngờ lôi cuốn người đọc. Cho con người những giá trị sống sâu sắc.
Truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” là một tác phẩm hay thể hiện sự nhân văn, triết lý sống sâu xa của tác giả khi muốn nêu lên sự nhân văn của nghệ thuật, sự hy sinh của những người nghệ sĩ nghèo để làm nên những tác phẩm để đời gây được tiếng vang lớn, có ý nghĩa hơn cả cái đẹp đó là tính hướng thiện, tính ý nghĩa nhân văn cao cả.
Truyện ngắn kể về những người họa sĩ nghèo ở cùng một khu nhà trọ tồi tàn, trong đó có cụ Bơ Men một ông họa sĩ già luôn muốn tạo ra những tác phẩm để đời có giá trị nghệ thuật, nhưng cuộc đời ông lại bị trói buộc trong một mớ bòng bong của cuộc sống mưu sinh thường nhật. Ông thường xuyên phải làm người mẫu cho lớp họa sĩ trẻ kiếm vài đô la để mua bánh mì và trả tiền thuê nhà trọ.
Cuộc sống mưu sinh vất vả khiến cho ông ngày càng bị đẩy xa khỏi ước mơ nghệ thuật chân chính của mình, ước mơ về một tác phẩm để đời một kiệt tác vang danh tạo nên tên tuổi của ông ngay cả sau khi ông đã chết.
Trong khi nhà trọ ông sống có hai cô họa sĩ trẻ tên là Giôn xi và Xiu hai cô gái còn rất trẻ có nhiều hoài bão lớn lao. Nhưng không may Giôn xi bị nhiễm phong hàn, viêm phổi cấp, khiến cho cuộc sống của cô trở nên khó khăn. Mỗi ngày cô đều cảm thấy cái chết đang đến rất gần mình. Giôn xi thường ngồi đếm những chiếc lá trên cây ngoài khung cửa và tưởng tượng khi nào chiếc lá cuối cùng trên cây rơi rụng xuống thì cũng là lúc cho từ bỏ cuộc sống này.
Một cô gái trẻ nhưng lại không có ý chí không có ham muốn sống Giôn xi tự buông bỏ số phận cuộc sống của mình theo những chiếc lá ngoài ô cửa, khiến cho Xiu cô bạn cùng phòng nhiều lần cảm thấy tức giận, nhưng khuyên nhủ mãi không thay đổi được bạn mình nên Xiu đành cam chịu. Cô đem câu chuyện của Giôn xi kể cho ông họa sĩ già Bơ men nghe.
Mùa đông năm đó là một mùa đông vô cùng lạnh lẽo, tuyết rơi trắng đường những cơn bão tuyết làm cho con người dường như lạnh cóng cả thân thể lẫn tâm hồn, nên những chiếc lá mong manh dường như cũng sẽ rụng nhanh hơn, khiến cho Giôn xi buồn lắm vì mỗi ngày nhìn qua ô cửa thấy số lá trên cây càng ngày càng ít đi, thưa thớt dần.
Rồi một tối Giôn xi nhìn ra cửa sổ chỉ thấy trên cây chỉ còn một chiếc lá duy nhất. Giôn xi trằn trọc không ngủ được lo sợ chỉ qua đêm nay thôi là chiếc lá cuối cùng kia cũng rụng nốt và cuộc đời cô cũng chấm hết tại đây. Tối đó, Giôn xi và Xiu nói chuyện với nhau rất nhiều, những cơn ho hen làm cho Giôn xi tức ngực khó thở, giấc ngủ đến với cô rất muộn màng, mãi tới quá nửa đêm cô mới chợp mắt được một chút.
Sáng hôm sau Giôn xi tỉnh dậy muộn hơn thường lệ khi những tia nắng ánh sáng mặt trời đã lên cao, Giôn xi tỉnh dậy việc đầu tiên là cô mở cửa sổ nhìn ra cái cây xem chiếc lá cuối cùng đã rụng chưa. Nhưng thật may mắn nó vẫn ở đó, Giôn xi reo lên sung sướng gọi Xiu và khoe “Nó vẫn còn ở đó”
Việc chiếc lá cuối cùng không bị rụng xuống làm cho Giôn xi có thêm động lực để sống tiếp. Cô bắt đầu hy vọng vào điều kỳ diệu rằng biết đâu cô sẽ khỏi bệnh, sẽ khỏe mạnh trở lại…
Hết mùa đông, tới mùa xuân thời tiết ấm áp hơn Giôn xi đã khỏi bệnh cô đi học trở lại và tiếp tục sự nghiệp nghệ thuật của mình. Khi Giôn xi ra ngoài để đến gần chiếc lá diệu kỳ kia. Một chiếc lá sống sót qua mùa đông bão tuyết lạnh giá, với sức sống kiên cường đã truyền ý chí sống cho Giôn xi. Nhưng khi lại gần Giôn xi vô cùng ngạc nhiên khi đó chỉ là một bức tranh hình một cái cây, trên cái cây là hình một chiếc lá.
Giôn xi vô cùng kinh ngạc, cuối cùng cô biết được tác giả vẽ bức tranh đó chính là cụ Bơ men người họa sĩ già đã thức suốt đêm dưới mưa tuyết mùa đông để vẽ lên bức tranh đó tặng cho Giôn xi, sau khi hoàn thành bức tranh ông cụ đã qua đời vì nhiễm lạnh, viêm phổi nặng.
Kiệt tác “Chiếc lá cuối cùng” của cụ Bơ men có ý nghĩa nhân văn vô cùng to lớn. Một cuộc đời cụ cống hiến cho nghệ thuật chỉ ước mơ có một kiệt tác để đời. Cụ chết đi khi vẽ bức tranh cuối cùng của đời mình, bức tranh có ý nghĩa to lớn đã cứu sống một người trẻ như Giôn xi, truyền cho cô ngọn lửa của niềm tin.
Kiệt tác chiếc lá cuối cùng có nghĩa to lớn là một chi tiết đắt giá giàu tính nhân văn, tính nghệ thuật sâu sắc tạo nên sự thành công cho tác phẩm của O Henry.
Bài làm 3
Ơ Henry là một nhà văn nổi tiếng người Mỹ. Những tác phẩm của ông nổi tiếng là dí dỏm, dễ hiểu, nhưng cũng giảu tình cảm và luôn đưa vào những tình tiết bất ngờ một cách khéo léo. Truyện ngắn “ Chiếc lá cuối cùng” là một trong những truyện ngắn hay nhất của ông. Truyện có bối cảnh trong một khu nhà trọ ở thành phố New York- Mỹ, nói về những người nghệ sỹ nghèo. Truyện để lại trong lòng người đọc ấn tượng vô cùng sâu sắc, đặc biệt là hình ảnh “chiếc lá cuối cùng”, kiệt tác cuối đời của cụ Bơ men.
Nội dung chính truyện xoay quanh cuộc sống của nữ họa sĩ trẻ Giôn xi cùng hai người bạn là Xiu và người họa sĩ già Bơ men. Giônxi mắc một căn bệnh hiểm nghèo, trong khi cuộc sống của cả ba người đều chật vật, khó khăn trong một khu nhà trọ tồi tàn. Xung quanh khu trọ, những chiếc lá trên những dây thường xuân đang ngày một rơi rụng dần, và Giôn xi cho rằng, khi chiếc lá cuôí cùng kia rụng xuống thì cũng là lúc cô rời khỏi cõi đời này. Sự trớ trêu ở đây khi một cô gái còn quá trẻ, nhưng lại có ý nghĩ buông xuôi với cuộc sống.
Cụ Bơ men sống cùng với Giôn xi đã quá già rồi. Cả cuộc đời cụ sống và cống hiến cho nghệ thuật, chỉ có ước mong duy nhất là có một kiệt tác để đời.Vậy mà dường như đó lại là một ước mơ xa vời đối với cụ. Cụ nhìn cô gái trẻ Giôn xi mà vô cùng thương xót, một cô gái trẻ nhưng lại tuyệt vọng chờ đón cái chết. Có lẽ cụ thương cho những kiếp người giống như cụ, thật nhỏ bé trong cái xã hội to lớn không một nơi bấu víu thế này. Và cụ đã làm nên kiệt tác “ chiếc lá cuối cùng”, để giúp Giôn xi có thêm hy vọng sống. Kiệt tác đó dường như có ý nghĩa như một khởi đầu mới với Giôn xi, nhưng đồng thời cũng khép lại cuộc sống của một người khác, chính là cụ Bơ men.
Kiệt tác “ chiếc lá cuối cùng” có ý nghĩa rất lớn, như một điểm nhấn, một chi tiết đắt giá tạo nên sự thành công của tác phẩm. Hình ảnh vừa mang tính nghệ thuật, lại giàu giá trị nhân văn sâu sắc. Về tính nghệ thuật, đây thực sự là một kiệt tác của hội họa, một bức tranh với những nét vẽ sống động như thật, đến nỗi Giôn xi tưởng rằng đó là chiếc lá cuối cùng còn xót lại trên những dây thường xuân. Đây có thể nói là điểm nhấn nghệ thuật của cả tác phẩm, thể hiện sự tài hoa, tinh tế của nhà văn Ơ Henry khi đã khéo léo đưa vào hình ảnh “ chiếc lá cuối cùng”, như là thứ giúp gỡ bỏ những lo âu, tuyệt vọng của Giôn xi, giúp cô lấy lại niềm tin vào cuộc sống.
Vậy nhưng bức tranh được vẽ vào một đêm mưa gió, khi mà chiếc lá thường xuân cuối cùng đã rụng. Cụ già Bơ men đã đội mưa gió để vẽ lên bức tường chiếc lá cuối cùng, như vẽ nên sinh mệnh mới cho Giôn xi. Hành động của cụ khiến người đọc cảm thấy xúc động nghẹn ngào. Cụ đã đánh đổi cả mạng sống của mình, để mang lại cuộc sống mới, hy vọng mới cho cô gái trẻ. Một hành động cao đẹp, đầy tính nhân văn. Đồng thời, đây cũng là tâm nguyện suốt cuộc đời của cụ đã được hoàn thành.
Có thể nói, kiệt tác “ chiếc lá cuối cùng” của cụ Bơ men chính là hình ảnh đậm chất nghệ thuật, mang giá trị nhân văn sâu sắc. Hình ảnh “ chiếc lá cuối cùng” sẽ còn đọng lại mãi trong trái tim người đọc, với những cảm xúc khó có thể quên về tình người, tình yêu thương giữa những nghệ sĩ nghèo trong hoàn cảnh khó khăn.