Trang chủ » Qua truyện ngắn Làng, em có nghĩ gì về những chuyển biến trong tình cảm của người nông dân việt nam thời kháng chiến chống Pháp lớp 9 hay nhất

Qua truyện ngắn Làng, em có nghĩ gì về những chuyển biến trong tình cảm của người nông dân việt nam thời kháng chiến chống Pháp lớp 9 hay nhất

Bài làm 1
 
Kim Lân là một nhà văn có sở trường viết truyện ngắn với đề tài về người nông dân. Truyện ngắn “Làng” được sáng tác năm 1948 trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Truyện viết về những chuyển biến mới trong tình cảm người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Tiêu biểu là nhân vật ông Hai- người nông dân yêu làng, yêu nước.
 
Đọc truyện ngắn “Làng” người đọc rất ấn tượng về người nông dân có bản chất hiền lành, chất phác, cần cù, chăm chỉ. Họ yêu lang quê của mình bằng tình yêu mãnh liệt. Và rồi họ đã phải rời làng đẻ đi tản cư. Ví dụ như ông Hai khi phải rời làng xa nơi chôn rau cắt rốn của mình ông rất nhớ làng. Nỗi nhớ làng cũng thật đặc biệt thể hiện bằng lời khen “ ngôi nhà san sát sầm uất như tỉnh”. Lời nói thẻ hiện lòng kiêu hãnh, tự hào khoe cả làng ông kháng chiến. Ông đã từng khoe “ cái sinh phần của viên tổng đốc” nhưng rồi ánh sáng cách mạng đã soi rọi cuộc đời tăm tối để họ nhận ra đâu là kẻ thù của mình. Những người nông dân như ông Hai đã sẵn sàng cầm sung đánh giặc bảo vệ làng quê họ đã chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến. Tình yêu làng yêu nước không chỉ thể hiện bằng lời nói mà còn bằng hành động. Thói quen của ông Hai là đến phòng thông tin niềm vui sướng khi nghe được tin chiến thắng của quân ta dù có nhỏ nhưng với suy nghĩ “tích tiểu thành đại làm gì mà thằng Tây chả bước sớm”. Những suy nghĩ ấy của người nông dân về kẻ thù khi còn rất đơn giản nhưng nó cũng thể hiện niềm tin nhất định thành công của cách mạng nhất định điều đó đã chứng tỏ trong họ đã có sự chuyển biến mới trong nhận thức về tư tưởng, tình cảm.
 
Tình huống truyện bất ngờ được đẩy lên cao trào khi để nhân vật bộc lộ rõ một chuỗi diễn biến trong tâm lí. Tin lang chợ Dầu theo Tây giồng như “ một gáo nước lạnh” làm tắt ngấm ngọn lửa yêu làng bấy lâu trong lòng ông Hai. Tin đến đột ngột bất ngờ khiến cho ông choáng váng “ tưởng như không thở được” tưởng như tai nghe nhầm. Nhưng rồi nghe rõ tên người tên làng khiến cho ông Hai xấu hổ. Câu nói “ Hà, nắng gớm, về nào!” là cái cớ để ông lảng tránh mọi người ra về. Ngòi bút của nhà văn hướng tới miêu tả hình ảnh của ông Hai đi trên đường với dáng vẻ đi nhanh, mặt cúi gằm vì trong lòng thấy xấu hổ, nhục nhã. Những giọt nước mắt đã rơi xuống khi nhìn thấy con với ý nghĩ: “ Chúng nó cũng bị người ta rẻ rung, hắt hủi đấy ư?”, “Ai người ta chứa. ai người ta buôn bán mấy.” dòng ngôn ngữ độc thoại nội tâm kết hợp với câu hỏi tu từ diễn tả nỗi lo lắng của ông Hai cho con, cho những người dân làng chợ Dầu. Và rồi bao nỗi lo lắng tủi nhục cũng biến thành cơn giận dữ tiếng chửi đổng nhằm vào lũ Việt gian. Hai chữ Việt gian đã trở thành vết nhơ, vết nhục khó gột rửa trong lòng ông Hai mà khiến mọi người đều căm ghét. Chính trong lúc đau đớn ấy ông Hai hướng về những người đang ở lại làng với niềm tin chắc chắn “ họ quyết tâm một sống một chết với giặc” nhưng rồi cái tin làng chợ Dầu theo Tây lại làm cho ông nghi ngờ “ Không có lửa làm sao có khói”. Ông từng có ý định về làng nhưng lại không về “Làng thì yêu thật đấy nhưng làng theo Tây thì phải thù”. Là một người đã từng yêu làng đến cháy bỏng mãnh liệt mà giờ đây phải nói câu thù làng chắc hẳn trong lòng ông vô cùng đau đớn. Ngòi bút nhà văn tập trung miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật, khắc họa một cách sinh động chân dung nhân vật ông Hai nỗi xấu hổ, tủi nhục, đau đớn, lo lắng, tức giận khi nghe được tin làng theo Tây.
 
Cuộc trò chuyện với con. Câu hỏi “ Con có muốn về làng chợ Dầu không? Con ủng hộ ai?” Và người cha ấy nhận được câu trả lời “Con có muốn về làng. Con ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm.” Đoạn đối thoại tuy ngắn các câu hỏi và câu trả lời đều xoay quanh làng chợ Dầu. Có thể nói rằng cuộc trò chuyện chỉ là cái cớ để ông Hai giãi bày nỗi lòng mình mặc dù nói thù làng nhưng trong lòng ông vẫn rất nhớ và muốn quay lại làng. Cho dù đã có lúc tình yêu ấy có bị thay đổi nhưng lòng tin vào cụ Hồ vẫn bền chặt thiêng liêng chưa bao giờ thay đổi. Đó chính là sự chuyển biến mới trong nhận thức tư tưởng, tình cảm của người nông dân thời kì đầu kháng chiến chống Pháp.
 
Và rồi niềm tin của ông Hai trở thành hiện thực khi ông nhận được tin làng cải chính. Lòng kiêu hãnh của ông trở lại thói quen khoe tin làng không theo Tây khoe cả nhà bị Tây đốt. Trong lời khoe ấy vẻ đẹp nhân vật ông Hai nhận ra lòng tự trọng coi danh dự của làng quê hơn tài sản của mình. Ngoài nhân vật ông Hai trong truyện còn nói tới bà Hai, bà chủ nhà cũng chia sẻ nỗi buồn và niềm vui ấy khi làng chợ Dầu được cải chính. Câu nói của bà chủ nhà “Ông bà cứ ở lại đay tự nhiên ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu” dù rất bình thường nhưng thể hiện vẻ đẹp của tình yêu thương, biết sẻ chia giúp đỡ lẫn nhau “Lá lành đùm lá rách”.
 
Đoạn trích không chỉ thành công về nội dung mà còn thành công về nghệ thuật. Xây dựng cốt truyện tập trung vào sự việc người dân đi tản cư. Tạo tình huống truyện bất ngờ, đặc sắc. Miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật thông qua các hình thức ngôn ngữ đối thoại, độc thoại nội tâm. Lời văn đậm chất khẩu ngữ của người dân Bắc Bộ. Đoạn trích đã viết về những chuyển biến mới trong tình cảm người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân Pháp tiêu biểu là nhân vật ông Hai. So với Lão Hạc của Nam Cao hay chị Dậu của Ngô Tất Tố thì người dân của Kim Lân vừa mang nét đẹp truyền thống vừa mang vẻ hiện đại họ sẵn sàng cầm sung để bảo vệ quê hương đất nước. Họ có những chuyển biến mới trong nhận thức về tư tưởng và tình cảm khi có ánh sáng cách mạng. Với nhà văn Kim Lân người đã từng sống và gắn bó am hiểu đời sống tâm lí của người nông dân để rồi nhà văn nhìn thấy ẩn sâu vẻ đẹp bình dị chất phác ấy của họ là tình yêu làng, yêu nước. Họ là đội quân chủ lực của cuộc kháng chiến chính điều đó đã làm nên thành công cho tác phẩm, cho nhà văn mà các nhà văn cùng thời chưa làm được.
 
Truyện ngắn khép lại nhưng tinh thần của nhân vật ông Hai, của người nông dân thì để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó quên. Hiểu về họ ta càng thêm yêu quý và khâm phục họ hơn. Nhìn lại người nông dân trong thời đại ngày hôm nay họ vẫn phát huy truyền thống yêu làng, yêu nước xây dựng quê hương để trở thành làng quê đẹp, nông thôn mới.
 
Bài làm 2
 
Việt Nam ta xưa kia là một nước nghèo, nông nghiệp lạc hậu nhưng trên mảnh đất ấy lại nuôi dưỡng những người nông dân hiền hậu và chất phác.
 
Nước ta trải qua bao thời kì: phong kiến, kháng chiến chống Thực dân Pháp, chống Đế Quốc Mỹ đầy khó khăn và gian khổ mà tầng lớp phải chịu đựng nhiều nhất đó chính là người nông dân. Cái đói, cái nghèo làm họ trở nên hèn mọn hơn nhưng không vì thế mà tâm hồn họ mất đi thiện lương. Tình cảm của họ vẫn vẹn nguyên như viên ngọc sáng giữa khoảng trời đầy u tối. Chí Phèo trong Truyện ngắn Chí Phèo của tác giả Nam Cao, hắn là một “ con quỷ của làng Vũ Đại” , đâm thuê chém mướn, rạch mặt ăn vạ, làm tay sai cho tên lí trưởng nhưng chúng ta đâu biết hắn cũng có một tâm hồn thiện lương ẩn sâu trong con quỷ tàn ác và hung bạo. Nam Cao đã thành công trong việc đi tìm “Con Người” bên trong con người, tìm ra lòng trắc ẩn của Chí, hắn cũng từng là một người lương thiện, mong muốn một cuộc sống bình an chồng cầy vợ cấy như bao người nhưng cái bất công của xã hội phong kiến đã vùi dập lương tri của hắn biến hắn thành con quỷ. Nhưng sau cùng hắn vẫn tìm đến cái chết để được là chính mình, trong tâm thức chúng ta vẫn vang mãi câu nói của y : “ ai cho tao làm người lương thiện”.
 
Những biến chuyển tình cảm sâu trong nội tâm người nông dân tuy không có rõ rệt như hình thái bên ngoài nhưng có lẽ chính những gì diễn ra trong tâm hồn là thứ chi phối hành động bên ngoài. Đến với người nông dân trong tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao, Lão Hạc rất nghèo, vợ mất sớm mình ông nuôi con trai, con trai lão lại quẫn chí không cưới được vợ bỏ đi phụ đồn điền cao su, ông cũng bị cái nghèo cái đói đè bẹp những khát vọng trong tâm hồn, nhưng ông không vì thế mà bị tha hoá về nhân phẩm ,sau cùng ông vẫn dùng cái chết để giải thoát cho mình bằng cách đau đớn nhất. 
 
Tuy những người nông dân họ có số phận cam chịu nhưng theo quy luật: đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. Điều đó thể hiện rõ nhất ở Chị Dậu trong tác phẩm Tức nước vỡ bờ của Ngô Tất. Chị Dậu là hình tượng người đàn bà lực điền được Ngô Tất Tố xây dựng rất công phu và sắc sảo. Chị bị sưu thuế đè nặng trên đôi vai, chị phải cứu chồng và cứu cả gia đình khỏi sự bất công của giai cấp thống trị. Chị chiến thắng tên Cai lệ bằng chính sức lực của mình, thoạt đầu sự nhường nhịn của chị càng làm cho sự tàn bạo và hung hăng của những tên đại diện cho tầng lớp thống trị tăng lên. Như vậy, trong tâm hồn của người nông dân đã có những biến chuyển, họ không còn cam chịu, đã biết vươn lên nhưng có lẽ đó chỉ là một cá nhân , chưa có sự đoàn kết đấu tranh của cả tập thể. Sự đấu tranh lan rộng hơn trong tác phẩm Làng của Kim Lân, người nông dân không chỉ đấu tranh vì quyền lợi mà họ còn đấu tranh vì tình yêu nước, vì làng, vì xóm của mình. Ông Hai có một niềm tin mãnh liệt với làng, với người hàng xóm của mình, và lúc ông nghe tin kháng chiến thắng lợi, niềm vui ấy đến với người nông dân đã trở thành động lực để họ sống, và bảo vệ đất nước của mình. Họ không còn cam chịu như trước, họ có suy nghĩ riêng, tình cảm riêng. Trong tình cảm của những người nông dân hiền hậu có những biến chuyển tốt đẹp hơn và mang tình thời đại.
 
Những chuyển biến trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thể hiện rất rõ nét qua từng thời kì đã cho thấy họ là những người chất phác, hiền lành và không ngừng cố gắng thay đổi bản thân để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
 
Bài làm 3
 
Ông Hai cũng như bao người nông dân quê từ xưa luôn gắn bó với làng quê của mình.Ông yêu quí và tự hào về làng Chợ Dầu và hay khoe về nó một cách nhiệt tình, hào hứng. Ở nơi tản cư ông luôn nhớ về làng, theo dõi tin tức kháng chiến và hỏi thăm về Chợ Dầu .
 
Tình yêu làng của ông càng được bộc lộ một cách sâu sắc và cảm động trong hoàn cảnh thử thách. Kim Lân đã đặt nhân vật vào tình huống gay gắt để bộc lộ chiều sâu tình cảm của nhân vật. Đó là tin làng chợ Dầu lập tề theo giặc. Từ phòng thông tin ra, đang phấn chấn, náo nức vì những tin vui của kháng chiến thì gặp những người tản cư,nghe nhắc đến tên làng, ông Hai quay phắt lại, lắp bắp hỏi, hy vọng được nghe những tin tốt lành, nào ngờ biết tin dữ: “Cả làng Việt gian theo Tây ”. Tin bất ngờ ấy vừa lọt vào tai đã khiến ông bàng hoàng, đau đớn : “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại,da mặt tê rân rân ,ông lão lặng đi tưởng như đến không thở được, một lúc lâu ông mới rặn è è nuốt một cái gì vướng ở cổ. Ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi ”nhằm hy vọng điều vừa nghe không phải là sự thật. Trước lời khẳng định chắc chắn của những người tản cư,ông tìm cách lảng về. Tiếng chửi văng vẳng của người đàn bà cho con bú khiến ông tê tái :“cha mẹ tiên sư nhà chúng nó, đói khổ ăn cắp ăn trộm bắt được người ta còn thương, cái giống Việt gian bán nước thì cứ cho mỗi đứa một nhát”.
 
Về đến nhà ông chán chường “nằm vật ra giường”, nhìn đàn con nước mắt ông cứ giàn ra “ chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?”. Ông căm thù những kẻ theo Tây, phản bội làng, ông nắm chặt hai tay lại mà rít lên: “chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này ”. Niềm tin, nỗi ngờ giằng xé trong ông. Ông kiểm điểm lại từng người trong óc, thấy họ đều có tinh thần cả “có đời nào lại cam tâm làm cái điều nhục nhã ấy ”. Ông đau xót nghĩ đến cảnh “người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước”.Suốt mấy ngày liền ông chẳng dám đi đâu,“chỉ ở nhà nghe ngóng binh tình”, lúc nào cũng nơm nớp tưởng người ta đang để ý, đang bàn tán đến cái chuyện làng mình. Nỗi ám ảnh, day dứt, nặng nề biến thành sự sợ hãi thường xuyên trong ông. Ông đau đớn, tủi hổ như chính ông là người có lỗi…
 
Tình thế của ông càng trở nên bế tắc, tuyệt vọng khi bà chủ nhà có ý đuổi gia đình ông với lý do không chứa người của làng Việt gian. Trong lúc tưởng tuyệt đường sinh sống ấy,ông thoáng có ý nghĩ quay về làng nhưng rồi lại gạt phắt ngay bởi “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ là “cam chịu quay trở lại làm nô lệ cho thằng Tây”.
 
Tình yêu làng lúc này đã lớn rộng thành tình yêu nước bởi dẫu tình yêu, niềm tin và tự hào về làng Dầu có bị lung lay nhưng niềm tin và Cụ Hồ và cuộc kháng chiến không hề phai nhạt. Ông Hai đã lựa chọn một cách đau đớn và dứt khoát: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù!”. Dù đã xác định thế nhưng ông vẫn không thể dứt bỏ tình cảm của mình đối với quê hương. Bởì thế mà ông càng xót xa,đau đớn…
 
Trong tâm trạng bị dồn nén và bế tắc ấy, ông chỉ còn biết tìm niềm an ủi trong lời tâm sự với đứa con trai nhỏ. Nói với con mà thực ra là đang trút nỗi lòng mình. Ông hỏi con những điều đã biết trước câu trả lời:“Thế nhà con ở đâu?”, “thế con ủng hộ ai ?”. Lời đứa con vang lên trong ông thiêng liêng mà giản dị:“Nhà ta ở làng Chợ Dầu”,“ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm !”. Những điều ấy ông đã biết, vẫn muốn cùng con khắc cốt ghi tâm. Ông mong “anh em đồng chí biết cho bố con ông, tấm lòng bố con ông là như thế đấy,có bao giờ dám đơn sai,chết thì chết có bao giờ dám đơn sai ”. Những suy nghĩ của ông như những lời nguyện thề son sắt. Ông xúc động, nước mắt “chảy ròng ròng trên hai má”. Tấm lòng của ông với làng,với nước thật sâu nặng,thiêng liêng. Dẫu cả làng Việt gian thì ông vẫn một lòng trung thành với kháng chiến,với Cụ Hồ .
 
May thay, tin đồn thất thiệt về làng Chợ Dầu được cải chính. Ông Hai sung sướng như được sống lại. Ông đóng khăn áo chỉnh tề đi với người báo tin và khi trở về “cái mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui rạng rỡ hẳn lên ”. Ông mua cho con bánh rán đường rồi vội vã,lật đật đi khoe với mọi người. Đến đâu cũng chỉ mấy câu“Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ !Đốt sạch !Đốt nhẵn ! Ông chủ tịch làng tôi vừa mới lên trên này cải chính. Cải chính cái tin làng chợ Dầu chúng tôi Việt gian theo Tây ấy mà. Láo!Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả.” “Ông cứ múa tay lên mà khoe với mọi người”. Ông khoe nhà mình bị đốt sạch, đốt nhẵn như là minh chứng khẳng định làng ông không theo giặc. Mất hết cả cơ nghiệp mà ông không hề buồn tiếc, thậm chí còn rất sung sướng,hạnh phúc. Bởi lẽ,trong sự cháy rụi ngôi nhà của riêng ông là sự hồi sinh về danh dự của làng chợ Dầu anh dũng kháng chiến. Đó là một niềm vui kỳ lạ,thể hiện một cách đau xót và cảm động tình yêu làng, yêu nước, tinh thần hy sinh vì cách mạng của người dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược.
 
Cách miêu tả chân thực, sinh động, ngôn ngữ đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm đa dạng, tự nhiên như cuộc sống cùng với những mâu thuẫn căng thẳng, dồn đẩy, bức bối đã góp phần không nhỏ tạo nên thành công của câu chuyện, đồng thời còn thể hiện sự am hiểu và gắn bó sâu sắc của nhà văn với người nông dân và công cuộc kháng chiến của đất nước.
 
Qua nhân vật ông Hai ta hiểu thêm về vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược: Yêu làng, yêu nước và gắn bó với kháng chiến. Có lẽ vì thế mà tác phẩm “Làng ” xứng đáng là một trong những truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top