Câu 1:
– Hoàn cảnh của An-đrây Xô-cô-lốp sau khi kết thúc chiến tranh và trước khi gặp bé Va-ni-a đầy những đắng cay, bất hạnh: vợ và hai con gái của anh đã bị bọn phát xít giết hại. Ngôi nhà êm ấm xưa kia giờ đây chỉ còn là một hố bom. An-đrây Xô-cô-lốp đã chịu đựng những mất mát ghê gớm.
– Hoàn cảnh và số phận của An-đrây Xô-cô-lốp đã thể hiện sinh động những nỗi đau đớn, bi kịch của con người trong chiến tranh.
Câu 2:
– Sức mạnh của tình yêu thương thật là kì diệu. Nó sưởi ấm hai trái tim cô đơn lạnh giá và đem lại cho cả hai niềm vui sống.
– Điểm nhìn của tác giả cũng hoàn toàn trùng khớp với điểm nhìn của nhân vật An-đrây Xô-cô-lốp.
Câu 3:
Trong cuộc sống còn đầy những khó khăn thời hậu chiến An-đrây Xô-cô-lốp đã vượt lên nỗi đau và sự cô đơn của chính mình với một tinh thần trách nhiệm cao cả và một nghị lực phi thường. Anh vẫn phải lo kiếm kế sinh nhai.
– Anh lại phải ra đi. Thế là hai bố con lại thất thểu dắt nhau tìm đến một nơi khác để kiếm sống.
– May mà An-đrây Xô-cô-lốp còn có chỗ dựa quan trọng là tình bạn, là tấm lòng của hai người bạn chiến đấu cùng đơn vị trước đây.
– An-đrây Xô-cô-lốp đã khóc trong giấc chiêm bao. Anh đã kiên cường nuốt thầm nước mắt để cho bé Va-ni-a không phải khóc.
Câu 4:
– Người kể chuyện – nhà văn :
+ Thể hiện lòng khâm phục, sự quý mến với bản lĩnh kiên cường, lòng nhân hậu của con người Xô viết.
+ Tin tưởng vào một thế hệ tương lai qua hình ảnh chú bé Va-ni-a.
+ Tin vào sức mạnh tiềm ẩn và những cống hiến thầm lặng mà to lớn của thế hệ những An-đrây Xô-cô-lốp nói riêng và Con người Nga nói chung trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
– Đoạn cuối là lời nhắc nhở, kêu gọi sự quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội đối với mỗi số phận cá nhân bất hạnh.
Câu 5:
Với Sô-lô-khốp: trong cuộc sống, mỗi người có thể sẽ có những số phận khác nhau, họ có thể gặp nhiều nỗi đau, bất hạnh, mất mát. Nhưng vẫn không đánh mất hi vọng vào niềm tin, niềm hạnh phúc con người. Ông tin tưởng, con người biết dựa vào nhau, chia sẻ, đùm bọc, yêu thương nhau sẽ tạo nên hạnh phúc.
Luyện tập
Câu 1:
– Sô-lô-khốp đã miêu tả chiến tranh trong bộ mặt thật của nó, trong “đau khổ, chết chóc, máu me” (Lời L.Tôn-Xtôi), thể hiện một cách nhìn mới, cách mô tả mới hiện thực cuộc sống sau chiến tranh.
– Nhân vật trong tác phẩm là những con người bình thường, thậm chí nhỏ bé với tất cả các quan hệ phức tạp đa dạng tiêu biểu cho số phận con người trong chiến tranh. Hoàn cảnh đau khổ ghê gớm của Xô-cô-lốp đã làm nổi bật tâm hồn nhân hậu và tính cách kiên cường của anh. Đó là những con người bình thường mà vĩ đại, hình ảnhcủa nhân dân Nga.
– Truyện cũng có một đoạn trữ tình ngoại đề ở phần cuối bày tỏ sự đồng cảm, lòng tin tưởng và sự khâm phục của tác giả đối với một tính cách Nga kiên cường và nhân hậu. Nhà văn tin tưởng vào một thế hệ tương lai qua hình ảnh chú bé Va-ni-a. Đó cũng là lời nhắc nhở, kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội đối với mỗi số phận cá nhân sau chiến tranh. Cách kể chuyện này tạo ra một phương thức miêu tả lịch sử mới: Lịch sử trong mối quan hệ mật thiết với số phận cá nhân.
Câu 2:
Hai cha con dừng lại cuộc hành trình, sống ở một ngôi làng nhỏ. Người dân ở đó tuy nghèo khổ vì tất cả đều đang xây dựng lại mọi thứ từ những đổ vỡ của chiến tranh nhưng họ lại đầy ắp tình yêu thương và tinh thần lạc quan. Ngày ngày Xô-cô-lốp đi vỡ đất trồng cầy, Va-ni-a tới trường với bạn bè… Cả hai sống hạnh phúc, vui vẻ. Những vết thương buốt nhót ngày xưa dần nguôi ngoai và tạm ngủ yên trong kí ức của họ.