TÌM HIỂU PHÉP LẬP LUẬN PHÂN TÍCH VÀ TỔNG HỢP
Đọc văn bản Trang phục và trả lời câu hỏi:
a) Trước khi kết luận thế nào là trang phục đẹp, bài viết đã nêu lên một vài hiện tượng ăn mặc không đẹp (mặc quần áo chỉnh tề mà đi chân đất hoặc đi giày có bít tất đầy đủ nhưng phanh hết cúc áo, lộ cả da thịt ra trước mắt mọi người). Đây là cách vào bài theo lối phản đề: từ hiện tượng ăn mặc không đẹp tác giả nêu lên thế nào là ăn mặc đẹp.
Tác giả đã dùng phép lập luận phân tích khi trình bày hai quy tắc ngầm khi ăn mặc mọi người phải tuân theo cho phù hợp với văn hóa xã hội: quy tắc: “Ăn cho mình, mặc cho người”, quy tắc: “Y phục xứng kì đức”. Dùng một hoặc hai đoạn để trình bày mỗi quy tắc. Tác giả nêu ra các cách ăn mặc không phù hợp với hoàn cảnh để chứng minh cho quy tắc: “Ăn cho mình, mặc cho người” (đi đám cưới không thể mặc lôi thôi, lếch thếch, mặt nhọ nhem, chân tay lấm bùn; ở trong hang sâu một mình cô gái không cần mặc váy xòe, váy ngắn, tô mắt xanh, môi đỏ,…).
Bài viết dùng nhiều lí lẽ để bàn luận cái đẹp của ăn mặc phù hợp hay không phù hợp hoàn cảnh chung và riêng, chứng minh cho quy tác “Y phục xứng kì đức"
b) Sau khi đã nêu một số biểu hiện của “những quy tắc ngầm” về trang phục; bài viết đã dùng phép lập luận tổng hợp để chốt lại vấn đề, rút ra kết luận (thế mới biết trang phục hợp văn hóa, hợp đạo đức, hợp môi trường mới là trang phục đẹp). Lập luận tổng hợp thường đặt ở vị trí cuối bài, ở phần kết luận của một phần hoậc toàn bộ văn bản.
LUYỆN TẬP
1. Tác giả đã phân tích như thế nào để làm sáng tỏ luận điểm: "Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn"? (Gợi ý: Chú ý thứ tự khi phân tích: Học vấn là của nhân loại ⟶ Học vấn của nhân loại do sách lưu truyền lại -> Sách là kho tàng quý báu -> Nếu chúng ta… Nếu xóa bỏ… làm kẻ lạc hậu.
Trả lời:
Để làm sáng tỏ luận điểm: “Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách rốt cuộc là một con đường quan trọng của học vấn”, tác giả đã phân tích như sau:
– Nêu ra luận điểm cơ bản Làm tiền đế cho lập luận. Học vấn là của nhân loại. Sách là nơi ghi chép và lưu truyền học vấn, kho báu di sản tinh thần của nhân loại.
– Đưa ra giả thiết: Muốn tiến lên phía trước phải đọc sách để chiêm lĩnh thành tựu nhân loại đã đạt trong quá khứ (Câu bắt đầu bằng từ Nếu…).
– Đưa ra giả thiết: Không đọc sách là xóa bỏ thành tựu nhân loại đã đạt được trong quá khứ, sẽ lùi điểm xuất phát hàng nghìn năm (Câu bắt đầu bằng từ Nếu…)
Từ luận điểm cơ bản làm tiền đề cho lập luận và hai giả thiết, tác giả đi đến kết luận: cần đọc sách, đọc sách là sự chuẩn bị để đi trên con đường học vấn. Kết luận này được trình bày trong đoạn tiếp đó.
2. Tác giả đã phân tích những lí do phải chọn sách để đọc như thế nào?
Trả lời:
Tác giả đã phân tích những lí do phải chọn sách để đọc như sau:
– Sách nhiều khiến người ta không chuyên sâu, chọn sách mà đọc kĩ, vừa đọc vừa nghiền ngẫm mới có tác dụng.
– Sách nhiều dễ bị lạc hướng. Chọn sách quan trọng, cơ bản để đọc, không cần đọc nhiều.
3. Tác giả đã phân tích tầm quan trọng của cách đọc sách như thế nào?
Trả lời:
Tác giả đã phân tích tầm quan trọng của cách đọc sách như sau:
– Đọc sách không cần nhiều.
– Quan trọng nhất là chọn cho tinh, đọc cho kĩ.
– Đọc 10 quyển sách không quan trọng bằng đọc kĩ một quyển sách quan trọng.
– Đọc ít mà kĩ sẽ tạo thành nếp suy nghĩ sâu xa, tích lũy dần dần tri thức.
– Đọc sách không phải để trang trí bộ mặt như kẻ trọc phú khoe của. Đó là cách đọc sách tự lừa dối mình, thể hiện phẩm chất tầm thường thấp kém.
– Phải đọc cả hai loại sách: sách thưởng thức và sách chuyên môn. Không nên coi thường sách thường thức vì nó tạo nên nền văn hóa rộng cho chuyên môn sâu. Có như thế, mới có tri thức vững.
4. Qua đó, em hiểu phân tích có vai trò như thế nào trong lập luận.
Trả lời:
Qua đó, em hiểu phân tích có vai trò trình bày các khía cạnh khác nhau của một vấn đề, một sự vật. Chẳng hạn, bàn về đọc sách là bàn về tầm quan trọng của việc đọc sách với việc tích lũy học vân, là bàn về việc chọn lựa sách để đọc trong tình trạng sách quá nhiều, là bàn về cách đọc sách như thế nào cho có hiệu quả thiết thực. Từ đó người đọc sẽ hiểu được cặn kẽ nội dung của vấn đề, của sự vật.