I. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
Câu 1. Khi bọn tay sai xông vào, tình thế chị Dậu rất thảm thương:
– Chị mới vừa rón rén bưng bát cháo cho chồng và đang hồi hộp “chờ xem chồng chị có ăn ngon miệng không”.
– Anh Dậu vừa “run rẩy cất bát cháo anh mới kề vào đến miệng” thì hai tên tay sai đã “sầm sập tiến vào” trong tay đầy những “roi song, tay thước và dây thừng” chúng là hiện hình của tai họa.
Câu 2: Phân tích nhân vật cai lệ:
a, Là một tên tay sai chuyên nghiệp rất thạo nghề làm tay sai:
+ Là cai, cầm đầu đám lính lệ ở huyện đường (loại lính chuyên làm tay sai hầu hạ chống quan nha chứ không phải lính chiến đấu).
+ Hắn là tiêu biểu nhất của hạng tay sai, công cụ đắc lực của cái trật tự xã hội ấy.
– Tên cai lệ được phái về làng Đông Xá để giúp lí trưởng làng này đốc thuế. Hắn rất mẫn cán, thường lăm lăm cầm roi song theo gã người nhà lí trưởng vào những nhà có người thiếu thuế để quát nạt, chửi bới, đánh trói.
+ Trong kì sưu thuế giống như một cuộc săn thú này, cai lệ là một con chó săn nòi hung dữ, rất được việc! Dường như toàn bộ ý thức của hắn lúc này chỉ là ra tay trừng trị kẻ thiếu thuế:
b) Trong cái đám đông tay sai của quan phủ, lí trưởng, cai lệ chỉ là một nhân vật “chạy cờ”, một gã tay sai mạt hạng, vô danh. Nhưng bộ mặt hung dữ, đểu cáng của hắn vẫn có một giá trị tiêu biểu riêng; hắn là một thứ “Thiên lôi”, một cái búa sắt trong tay bọn thống trị, tức là tiêu biểu cho chức năng đàn áp của cái chế độ tàn bạo ăn thịt người
Câu 3: Phân tích diễn biến tâm lí của chị Dậu:
+ Anh Dậu ốm yếu quá khiếp đảng “lăn đùng ra không nói được câu gì”.
+ Chị Dậu đã phải một mình đứng ra đối phó với chúng để bảo vệ chồng.
+ Ban đầu, chị “cố thiết tha” van xin bọn chúng. Trong tình thế của chị lúc ấy chỉ có cách van xin.
+ Nhưng khi tên cai lệ đáp lại những lời van xin thống thiết lễ phép của chị Dậu bằng “trợn ngược hai mắt” quát, thét, bằng những quả bịch vào ngực chị Dậu và cứ chồm đến anh Dậu, thì chỉ đến lúc ấy, “hình như tức quá không thể chịu được, chị Dậu liều mạng cự lại”. Sự “liều mạng cự lại” của chị Dậu cũng có hai bước, mức độ khác nhau. Thoạt tiên chị “cự lại” bằng lí:
+ “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!” Kì thực, chị Dậu đâu biết đến luật pháp cụ thể, chị chỉ nói cái lí tự nhiên, cái nguyên tắc đạo lí tối thiểu của con người. Tư thế của chị Dậu lúc này khác hẳn trước: không phải là một kẻ bề dưới cúi đầu van xin, mà là tư thế người ngang hàng, đanh thép cảnh cáo kẻ ác. Nhưng khi tên cai lệ hung dữ như chó sói ấy quay lại “tát vào mặt chị đánh bốp, rồi hắn cứ nhảu vào cạnh anh Dậu”, thì chị Dậu đã bật dậy với sức mạnh ghê ghớm bất ngờ.
– Chị Dậu “nghiến hai hàm răng” (biểu hiện của sự nổi giận cao độ, không nén nổi) và ném ra lời thách thức quyết liệt, dữ dội:
“Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!”. Không còn đấu lí nữa, chị quyết ra tay đấu lực với bọn ác ôn này. Chị Dậu đã ra tay với sức mạnh của sự căm thù, phẫn nộ: “Túm ngay cổ” tên cai lệ, “ấn dúi ra cửa” làm cho “hắn ngã chỏng queo”.
Câu 4:
Quy luật “Có áp bức có đấu tranh”. Hành động của chị Dậu xuất phát từ một quy luật: “Con giun xét lắm cũng quằn”. Vì vậy đặt nhan đề Tức nước vỡ bờ cho đoạn trích là thỏa đáng vì đoạn trích nêu những diễn biến phù hợp với cái cảnh tức nước vỡ bờ.
Câu 5. Nhận xét: “Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với tên cai lệ một đoạn tuyệt khéo”
– “Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với tên cai lệ là một đoạn tuyệt khéo vì sự phát triển rất phù hợp với logic và tính cách nhân vật.
Tình thế đặt chị Dậu trước sự lựa chọn: hoặc là để yên cho chúng giày xéo, hoặc đứng lên chống lại chúng. Một cách tự phát của diễn biến, chị đã vùng dậy một cách quyết liệt.
– Lúc đầu, làm sự nhịn nhục của kẻ dưới, chị “cố thiết tha” van xin.
– Trước sự đểu giả và tàn bạo của cai lệ, chị liều mạng cự lại “tức quá không thể chịu được”.
+ Không còn van xin, chị đấu lí: “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ”. Cách xưng hô cho thấy chị không còn “nằm yên” trong tư cách kẻ dưới mà ngang hàng.
+ Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem. Chị Dậu đã chuyển sang một tư thế khác: bà – mày. Đó là tư thế của kẻ bề trên. Sự căm giận, khinh bị kẻ thù đã lên tới tột độ. Trong màn đấu lực, chị đã thắng.
Câu 6:
Ý kiến của nhà văn Nguyễn Tuân hoàn toàn đúng vì qua đoạn trích cho chúng ta thấy sự bất công vô lí của nạn sưu thuế trong xã hội phong kiến: Người đã chết rồi vẫn phải nộp thuế thân.
Nguyễn Tuân muốn khẳng định quy luật có áp bức, có đấu tranh; áp bức càng mạnh thì đấu tranh càng dữ dội. Họ vùng lên để đòi lại công bằng cho cuộc sống của mình.