Trang chủ » Soạn bài Vũ trung tùy bút – Phạm Đình Hổ

Soạn bài Vũ trung tùy bút – Phạm Đình Hổ

Bình luận về Việc thi cử được Phạm Đình Hổ nói đến trong Vũ trung tuỳ bút.
 
 
Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) là một danh sĩ lỗi lạc Bắc Hà, học vấn uyên bác, tuy chỉ có bằng tú tài nhưng đã được vua Minh Mệnh triều Nguyễn cử giữ chức Tế tửu Quốc tử giám.
 
   Ông để lại nhiều công trình khảo cứu về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, địa lí, v.v… Tác phẩm văn chương nổi tiếng nhất là cuốn "Vũ trung tuỳ bút" gồm 88 mẩu chuyện nhỏ về gia đình, bản thân, bạn bè, và một số hiện tượng, con người trong xã hội nước ta từ cuối thời Lê – Trịnh đến đời Tây Sơn và những năm đầu đời Nguyễn.
 
   Tác giả có một lôi viết ngắn gọn đầy ấn tượng về sự việc và con người, nêu lên những nhận xét sâu sắc, tinh tế với bao cảm xúc, thể hiện một ngòi bút tài hoa, một tấm lòng mang nặng tình người và tình đời.
 
   "Vũ trung tuỳ bút" là một tác phẩm có giá trị văn học đặc sắc. "Việc thi cử" là một trong 88 mẩu chuyện nhỏ rút trong "Vũ trung tuỳ bút". Qua trang tuỳ bút này, tác giả nêu lên một số thể thức về việc thi cử đời Lê để kén chọn nhân tài, phê phán và châm biếm những tệ trạng bi hài về khoa cử trong chế độ phong kiến thời suy thoái.
 
   Trước hết, tác giả cho biết, đời Lê, năm Thuận Thiên lấy thể văn sách luận để thi học trò, nên đã "kén chọn được nhiều người hiền tài lắm". Ông ca ngợi những bài văn đình đối của Võ Duệ, Lương Thế Vinh là "lối văn sâu rộng, không phải những kẻ sĩ nông nổi đời sau có thể bắt chước được".
 
   Nhưng từ đời Trung hưng (thời Lê – Trịnh) trở về sau (1533 – 1788) phép thi "càng thiên lệch mãi đi". Các quan ra đề thi hương thi hội, trong những đầu bài văn sách "chỉ ra những câu hiểm hóc để làm cho khó". Quan soạn đề thi bài văn chế sách đinh đối do quan đồng tiến sĩ phụng soạn. Vì quan soạn đề thi chỉ đỗ "cuối hàm tam giáp", vì "không muốn cho ai hơn mình" nên cách ra đề "rất hiểm hóc". Nhiều kì thi không lấy được đủ tam khôi; có khi chỉ lấy được đến nhị giáp, hoặc tam giáp mà thôi. Thi cử (nhất là thi hội) là để kén chọn hiền tài cho quốc gia, thế mà quan ra đề thi có nhân cách kém cỏi, tâm lí hẹp hòi như thế thì làm sao phát huy được đạo học! Trước hiện tượng ấy, tác giả "Vũ trung tuỳ bút" đau buồn phê phán và châm biếm: "Ôi cái tệ khoa cử đến thế là cùng”. Văn vận với thế đạo càng ngày càng kém. Thực đáng than thay.
 
 
 
   Tiếp theo, tác giả còn cho biết thời Lê Trung hưng ngoài các kì thi Hương, thi Hội còn đặt ra khoa Đông các. Thí sinh là quan tam phẩm trở xuống, từng đỗ Đình nguyên, Hội nguyên, Hương, nguyên hoặc đã đỗ đầu khoa có ngự đề tuyển cử. Khoa Đông các là "một khoa đặc cách", thể hiện "ân điển cho người thi đỗ có phần rộng rãi hơn chế khoa tiến sĩ".
 
   Phạm Đình Hổ dùng những lời tốt đẹp nhất ca ngợi Phạm Khiêm Ích đỗ khoa Đông các về vinh quy vì thương hại người hàng tổng bần cùng nên đã miễn cho không bắt chịu phí tổn làm nhà tư thất bằng gỗ lim, ba gian, lợp ngói cho mình nữa. Vì thế, lúc ông mất được dân làng cúng tế mãi. Tác giả nói lên thật thấm thía sự chiêm nghiệm về lẽ đời và tình người: "Xem thế, mới biết cái ơn di ái ở người ta thì người ta vẫn nhớ mãi không quên".
 
   Chúng ta đã từng được học bài "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia", được biết vua Lê Thánh Tông biệt đãi các tiến sĩ như thế nào. Ở đây, tác giả "Vũ trung tuỳ bút" cũng cho biết: "Triều Lê đãi học trò rất hậu, nào là trâm, hốt, hoa bào, du nhai, tứ yến, lại phong cho cha mẹ, ấm cho con cháu, vinh quy áo gấm về làng, rất vinh dự". Ông phê phán các việc "đổ vào đầu dân" như làm nhà tư thất, bắt dân hàng tổng đến phục dịch lễ vinh quy của quan tân khoa,… thì "dân hàng tổng chịu làm sao được!". Ông nêu lên bao hiện tượng bi hài về các ông nghè bà nghè. Có kẻ phải "xoay xở đi vay mượn" để mở yến tiệc khao mừng. Có kẻ "chỉ dòm lấy con gái nhà giàu mà bỏ vợ tao khang". Có kẻ "luồn lỏi đi vay lãi mà kí liều văn khế". Ông nặng lời chỉ trích các sự việc xấu xa ấy và cho rằng đã "tích tệ từ lâu", ông nhắc lại câu nói từ miệng thế để mỉa mai: "Ông nghè đeo nợ, bà nghè mua chồng”. Ông chỉ ra nguyên nhân tất yếu về tệ nạn quan lại tham nhũng, về sự thối nát của chế độ phong kiến thời Lê mạt: "Thói quen ấy tích tệ từ lâu, nên đã có cái tiếng ông nghè đeo nợ, bà nghè mua chồng; như thế mà mong người ra làm quan giữ liêm khiết, không trái phép làm càn, thì sao được".
 
   Tục ngữ có câu: "Trăm năm bia đá thì mòn – Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Tác giả nêu lên một số sự việc điển hình, một số nhân vật điển hình để lại tiếng dơ trong bia miệng thiên hạ.
 
   Chuyện Phạm Tiến đỗ khoa Đinh Sửu (1757) bị "triều nghị bắt lỗi ông nghè, đình việc cất nhắc" vì lúc vinh quy "ả nhà giàu cứ tranh đi trước bà vợ cả" nên bị bà vợ cả kiện vào trong triều.
 
   Võ Tôn Diễm, Nguyễn Bá Tôn đỗ khoa Nhâm Thìn (1772) cũng chỉ vì chuyện lấy thêm vợ lẽ thuộc dòng dõi cao môn lệnh tộc mà xảy ra bao chuyện bi hài, thương tâm. Vợ cả, vợ lẽ của Võ Tôn Diễm "không chịu nhường nhau, mới phân rẽ ra ở làm hai nhà". Vợ cả Nguyễn Bá Tôn "tức giận quá thành chứng điên” vì không đánh đổ được người vợ lẽ!
 
   Nguyễn Quốc Ngạn đỗ đại khoa năm Ất Mùi (1775) được bà vợ ông huyện thừa Võ Độ người Yên Thái "lấy làm hâm mộ" đem ái nữ gả cho với điều kiện "cho vay mượn giúp đỡ, "bao nhiêu tiền phí tổn lúc vinh quy đều do bà tân phu nhân bỏ ra cả". Thói đời, lòng tham vô đáy nên được voi đòi tiên. Bà tân phu nhân mưu tính với mẹ đi vay giật được tám trăm quan tiền, "chạy chọt đút lót trong nội phủ. Quan chính phủ mới phụng chỉ bổ cho Nguyễn công chức Đốc đồng xứ Sơn Nam". Sau hơn hai trăm năm, chúng ta mới hiểu rõ chuyện mua quan bán tước, chuyện chạy chức chạy quyền vô cùng nhem nhuốc trong xã hội xưa nay! Thói đời đã tham thì tham, cuộc "buôn quan" của bà tân phu nhân bị một vố cực đau "mất cả chì lẫn chài". Câu chuyện được tác giả “Vũ trung tùy bút” kể lại thật có nhiều "dư vị" chua cay, đáng làm bài học cho những kẻ hám danh lợi trong cuộc đời:
 
   Ở phủ đường vừa mới xướng danh xong, thì Nguyễn công phải bệnh chết. Không được bao lâu bà huyện thừa cũng mất, gia kế một ngày một kém. Sau khi nhà Lê mất rồi, bà nghè vẫn còn mắc nợ mãi".
 
   Cái bi kịch của hai mẹ con bà tân phu nhân được Phạm Đình Hổ nhắc đến không phải là chuyện hi hữu xưa nay. Người đã được đọc Phạm Đình Hổ nên ngẫm lại cho kĩ; người chưa được đọc nên mách nhau tìm đọc để biết về sự chạy chức chạy quyền một tệ nạn vô cùng thối nát trong xã hội mà đến nay vẫn còn nọc độc!
 
   Đọc "Việc thi cử", ta biết được một vài nét về tổ chức các khoa thi, đề thi trong thi Hương, thi Hội dưới thời Lê. Ta thấy được những điều hay cũng như làm được bao tệ lậu về khoa cử. Cách viết của Phạm Đình Hổ vừa cụ thể, vừa khái quát. Qua những sự việc điển hình, con người điển hình thời Lê mạt, ông chỉ chấm phá một vài dòng hoặc khen, hoặc chê thật sâu sắc, thật đích đáng, làm cho người đọc nhớ mãi.
 
   Việc thi cử vẫn còn nhiều ý nghĩa thời sự đối với chúng ta khi cả xã hội đang phải tuyên chiến với những tiêu cực trong ngành giáo dục của nước nhà.
 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top