Trang chủ » Soạn văn lớp 10. Tuần 23. Viết bài làm số 5: Văn thuyết minh

Soạn văn lớp 10. Tuần 23. Viết bài làm số 5: Văn thuyết minh

Tập làm văn số 5 lớp 10 bài 1: Thuyết minh về tấm gương học tốt của lớp em

Trong cuộc sống quanh ta có rất nhiều tấm gương sáng vươn lên bằng ý chí và nghị lực, họ vượt khó để chiến thắng hoàn cảnh, chiến thắng số phận. Ngày nay không có ít những tấm gương sáng của tuổi thiếu niên nghèo mà hiếu học. Có những người còn được ca ngợi trên báo chí được cả nước biết đến nhưng trong đó vẫn có những người âm thầm vượt lên với cuộc sống đói nghèo để nuôi dưỡng được và thực hiện những ước mơ khát vọng cháy bỏng của mình. Sau đây là một tấm gương sáng học sinh nghèo luôn học giỏi trong nhiều năm, cái tên đó là: Trần Bình Gấm, cô bé bán khoai đậu ba trường đại học.

Chắc mọi nguời vẫn nhớ vì cách đây sáu năm báo chí viết nhiều về chị. Chị Gấm là một cô con gái lớn trong một gia đình nghèo, ba chị đi đạp xích lô. Mẹ chị đi bán khoai để có thêm thu nhập cho gia đình. Cuộc sống mỗi ngày chỉ kiếm đươc mấy chục nghìn đồng, số tiền ít ỏi ấy dùng cho sáu người. Vì gia đình không có nhà riêng nên phải sống ở nhà bà ngoại ven kênh. Dưới chị là mấy em nhỏ. Thương ba mẹ làm vất vả, các em còn nhỏ thơ nên chị Gấm đã một mình lo toan công việc gia đình.

Nửa ngày chị Gấm đi học, nửa ngày còn lại chị đi bán vé số để tăng thu nhập cho gia đình. Có những ngày gặp mưa, vé số bán hoài không hết, chị cố gắng vào quán cà phê năn nỉ khách mua dùm. Tấm thân gầy guộc ấy run rẩy lẩy bẩy vì lạnh trong những ngày mưa mà không oán trách một câu gì. Nhìn cô gái gầy guộc, xanh xao, mắt bị cận thị nặng không ai có thể đoán ra được đó là người có ý chí nghị lực phi thường, vươn lên trước số phận nghiệt ngã.

Rồi một ngày bất ngờ xảy ra đối với gia đình chị, ba chị ra đi vì lao lực, chị vô cùng đau khổ. Gánh nặng gia đình đổ hết lên đôi vai nhỏ bé của mẹ chị. Nhưng chị vẫn không lùi bước. Hôm nào cũng san sẻ gánh nặng đó cho đôi vai của mẹ nhẹ bớt sự lo toan. Chị luôn tìm cách để giúp đỡ cho mẹ đỡ vất vả. Tan học, chị về nhà ngay rồi đi bán khắp các con hẻm. Khách mua khoai rất đông và phần lớn toàn lao động nghèo quanh khu ga xe lửa. Có điều rất lạ là dù nghèo khổ như vậy mà chị Gấm vẫn học giỏi, nhất là những môn tự nhiên.

Rồi một ngày cái tin chị Gấm thi đậu liền ba trường đại học đã khiến cho cả xóm nghèo chấn động. Rất nhiều niềm xúc động, sự khâm phục của mọi người đối với chị. Người trong xóm luôn đem chị ra làm tấm gương cho con cháu họ. Cuối cùng chị chọn vào trường đại học y để thỏa mãn ước trở thành bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo. Hiện giờ chị đã tốt nghiệp đại học trở thành bác sĩ chuyên khoa não. Cuộc sống của cô gái đấy nghị lực đó đã được cải thiện và đầy đủ hơn.

Đó là môt tấm gương sáng vượt khó trong muôn vàn tấm gương về học tập, nhìn vào đó ta thấy chị Gấm đã kiên trì vươt lên hoàn cảnh, bất chấp số phận nghiệt ngã, không ngừng cố gắng học tập để đưa gia đình qua khỏi cảnh nghèo khổ, cực nhọc.

Thuyết minh về tấm gương học tốt của lớp em mẫu 2

Có những con người được may mắn sống trong một gia đình giàu có, với điều kiện tốt, họ học tốt là điều đương nhiên. Những con người sống trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng có ý chí vươn lên học tập tốt với là những con người đáng ca ngợi và tự hào. Tấm gương đó không ai xa lạ, chính là bạn Lan, học cùng lớp với tôi.

Lan là một cô con gái lớn trong một gia đình nghèo có tới 5 chị em. Mẹ Lan là người ốm yếu bệnh tật, người trụ cột trong gia đình là cha cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn một ngày để nuôi sống cả gia đình.

Là chị lớn trong gia đình nên Lan cũng phải lo toan mọi việc trong gia đình. Tan trường về nhà, Lan dọn dẹp mọi việc cho cha mẹ rồi đi bán vé số để tăng thu nhập cho gia đình.

Cuộc sống của gia đình Lan vốn dĩ đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn. Vào một ngày giá rét, ba của Lan đã đột ngột ra đi, gánh nặng gia đình đổ hết lên đôi vai nhỏ bé của mẹ quanh năm đau yếu. Khó khăn là thế nhưng Lan không hề quỵ ngã trước sự nghiệt ngã của số phận. Tan học, Lan đào khoai về luộc và đi bán khắp các con hẻm. Khách mua khoai rất đông và phần lớn toàn lao động nghèo quanh khu ga xe lửa. Vừa học, vừa lao động kiếm sống nhưng Lan học rất giỏi, có thể xếp vào hàng nhất nhì của lớp. Cuộc sống của Lan luôn gắn liền với nỗi lo cơm áo gạo tiền, vậy mà không hề ảnh hưởng tới kết quả học tập của bạn. Từ lớp 6 cho tới tận bây giờ bạn luôn là học sinh xuất sắc nhất của lớp tôi.

Tôi đã tự hỏi lòng mình, tai sao trong hoàn cảnh thiếu thốn như vậy, mà Lan vẫn làm được điều phi thường. Phải chăng ông trời đã cho bạn một trí tuệ hơn người, hay nhờ ý chí nghị lực phi thường mà bạn được kết quả học tập như vậy.

Đó là môt tấm gương sáng vượt khó trong muôn vàn tấm gương về học tập, chúng ta phải biết trân trọng và noi theo những tấm gương đó, phải kiên trì vươt lên hoàn cảnh, bất chấp số phận nghiệt ngã, không ngừng cố gắng học tập để đưa gia đình qua khỏi cảnh nghèo khổ, cực nhọc.

Thuyết minh về tấm gương học tốt mà em từng biết số 3

Nước Việt ta trải qua hàng nghìn năm đấu tranh giữ nước và dựng nước, chính điều đó đã hun đúc cho dân tộc ta ý chí bất khuất, kiên cường, dám đương đầu với khó khăn và không bao giờ đầu hàng trước số phận. Trong cuộc sống đời thường không đó để bắt gặp những tấm gương vượt khó, một trong số đó có Nguyễn Nhật Minh – một bạn học sinh của trường THPT Phạm Văn Đồng, có hoàn cảnh gia đình nhiều éo le nhưng luôn nỗ lực, phấn đấu hết mình trong học tập.

Minh sinh ra và lớn lên ở Đăk Nông – một tỉnh của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo khó, quanh năm chật vật lo cái ăn cái mặc. Minh là con trai lớn trong nhà, đằng sau là ba đứa em đang còn thơ dại, sớm thấu hiểu được sự vất vả của cha mẹ, sau mỗi giờ học bạn đỡ đần công việc nhà và chiều chiều lại lên nương rẫy cùng cha. Những khi vắng việc đồng áng, bạn đạp xe khắp các xã làm thuê cho người ta với hy vọng kiếm ít tiền đỡ đần cho gia đình. Sau một ngày dài mệt mỏi, tối là thời gian Minh vùi đầu vào bài vở, niềm tin nhỏ nhoi về một ngày mai tươi sáng hơn luôn tràn ngập trong suy nghĩ của cậu nam sinh ngày ấy.

Những tưởng cuộc sống dẫu có khăn nhưng vẫn còn gia đình là chỗ dựa, thì biến cố lớn lại xảy đến. Ngày Minh bước vào lớp mười hai cũng là lúc bố Minh bỏ đi theo người phụ nữ khác, mẹ Minh vì quá đau khổ, túng quẫn trước cảnh nhà éo le cũng bỏ nhà đi biệt xứ để lại những đứa con đang còn thơ dại. Bốn anh em dọn về dưới vòng tay cưu mang của bà nội, bà đã gần bảy mươi, tuổi già sức yếu, hàng ngày tiền sinh hoạt chỉ dựa vào tiệm tạp hoá nhỏ ven đường. Cuộc sống khó khăn chồng chất khó khăn, bao nhiêu gánh nặng dồn lên đôi vai của cậu con trai đang đứng trước bước ngoặt cuộc đời.

Sau biến cố, Minh trầm lặng hơn nhưng trong đôi mắt cậu bạn ấy luôn chứa đựng đầy sự quyết tâm, nỗ lực vượt qua những thử thách cuộc đời. Mọi nơi trong trường đều trở thành góc học tập lý tưởng, bất kể là ghế đá hay gốc cây phượng tôi vẫn thường xuyên bắt gặp dáng vẻ cao gầy của chàng trai ấy đang say sưa học bài. Minh yêu thích và học rất giỏi môn Toán với những xấp bài tập dày cộm, chi chít nét chữ và con số. Nhận thức được sự thiếu thốn của mình không làm Minh tự ti hay chùn bước, cậu biết mình luôn phải cố gắng, nỗ lực gấp đôi bạn bè. Trong khi lũ bạn chiều chiều được đi luyện thi ở các trung tâm lớn nhỏ, được bố mẹ chăm sóc bảo ban thì Minh phải đi làm thuê lo cho các em đỡ đần bà nội, đêm đến chẳng cần nghỉ ngơi Minh lại thức thâu đêm nghiên cứu từng tài liệu mượn của bạn bè, thời gian không còn nhiều đây chính là thời khắc cuối thời học sinh mở ra một trang mới cho cuộc đời mỗi con người. Trong mỗi giờ ra chơi, bạn ấy vẫn ngồi đấy mặc cho bạn bè vui chơi, chăm chú xem lại từng bài giảng của thầy cô. Ba năm liền kết quả học tập luôn đứng đầu lớp và là thành viên trong đội tuyển học sinh giỏi của trường, Minh đã đem về cho mình nhiều giải thưởng của tỉnh cũng như khu vực, đặc biệt là huy chương vàng Toán học cấp khu vực các tỉnh Tây Nguyên. Chúng tôi ai cũng nhìn bạn ấy với ánh mắt ngưỡng mộ, thán phục, thầy cô cũng thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình Minh nên luôn giúp đỡ, bảo ban tận tình. Vất vả là thế, nhưng chưa một lần tôi thấy Minh vắng mặt trong lớp học, bất kể là mưa bão hay ốm đau bệnh nặng bạn cũng vượt con đường hàng chục cây số từ xã lên thị trấn để học đều đặn hàng ngày.

Trời không phụ lòng người, năm ấy Minh thi đỗ vào đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh ngành công nghệ thông tin với số điểm hai mươi bảy, cũng là thủ khoa của trường cấp ba. Cái tên Nguyễn Nhật Minh năm ấy nổi tiếng khắp vùng, là niềm tự hào của trường, của xã, đặc biệt là những giọt nước mắt hạnh phúc của người bà đã rơi xuống. Rời quê lên Sài Gòn phồn hoa, tấp nập, nỗi lo cơm áo gạo tiền lại dai dẳng bám theo, may mắn thay biết được hoàn cảnh khó khăn và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cậu học trò nghèo, tỉnh đã quyết định trao cho Minh học bổng hỗ trợ suốt bốn năm đại học. Vậy là giờ đây, Minh có thể yên tâm học tập xây dựng một tương lai tươi sáng, mai này có thể phụng dưỡng bà nội, lo cho các em ăn học.

Cuộc sống vốn là những khó khăn, thử thách, con đường tới thành công thì không bao giờ trải đầy hoa hồng. Muốn trở thành một người thành đạt, có địa vị, tạo ra những giá trị cho xã hội thì ta phải biết dấn thân, hy sinh công sức và nỗ lực hết mình cho mục tiêu ấy, đừng bao giờ bỏ cuộc hay đầu hàng trước số phận nghiệt ngã, hãy học tập và làm theo những tấm gương người tốt, giàu nghị lực quanh ta.

Bài văn mẫu lớp 10 số 5 đề 2: Thuyết minh về một món ăn đặc sản

Bài văn mẫu số 5 lớp 10 số 1 – Thuyết minh về nem chua Thanh Hóa

Nem chua Thanh Hóa là món ăn nổi tiếng, là niềm tự hào của người dân nơi đây. Món này được chế biến hết sức kỳ công, qua nhiều công đoạn kỹ lưỡng, từ khâu chọn nguyên liệu cho tới khi đóng gói sản phẩm…

Thịt để làm nem phải là loại thịt nóng, nghĩa là khi heo vừa mới xẻ thịt thì người thợ làm nem phải thái, xay, chế biến ngay, không để lâu. Bởi nếu thịt nguội, nem sẽ không có độ bóng cũng như sự kết dính trong quá trình lên men.Ngày trước khi chưa có máy xay thịt, người thợ phải giã thịt bằng tay trên những cối đá lớn. Theo kinh nghiệm của những gia đình làm nem truyền thống, thì thịt giã cối đá sẽ có độ giòn, quánh, dính hơn là thịt xay máy.

Bì lợn cũng phải chọn rất kỹ, heo lấy bì phải là heo cạo chín, nghĩa là làm bằng nước sôi. Có như thế lông mới sạch và khi chế biến sẽ đỡ tốn thời gian. Để có những sợi bì trong, ngon, người thợ phải cạo thật sạch tất cả những phần mỡ còn sót lại trên bì, cho tới khi lớp bì mỏng, trắng tinh, trong suốt thì được. Bì càng làm kỹ bao nhiêu thì khi thái chỉ, bì càng giòn và dai bấy nhiêu.

Khi nguyên liệu chính là thịt và bì đã xong, người thợ sẽ trộn hai hỗn hợp này lại với nhau cùng các loại gia vị muối, bột ngọt, đường, nêm thêm chút nước mắm cho thơm. Sau đó mang hỗn hợp thịt trên ra đóng gói. Mỗi một chiếc nem được người gói cho kèm thêm chút tỏi, lá đinh lăng, ớt, những phụ gia này có tác dụng làm cho hương vị nem trở nên ngon hơn, hấp dẫn hơn và cũng là để cân bằng giữa lạnh (nem chua) với nóng (lá đinh lăng, ớt). Lá chuối gói nem phải là lá chuối ngự vừa xanh vừa dầy, bởi trong quá trình vận chuyển và lưu giữ nem vẫn tiếp tục lên men.

Để bảo quản được dài ngày, người thợ thường bọc giấy bóng thêm bên trong nem. Thông thường nem gói sau 3 ngày là chín, có thể dùng được. Bóc lớp lá chuối màu xanh ở ngoài, đã thấy lộ ra màu hồng của thịt, màu trắng của sợi bì, màu đỏ của ớt.

Khi thưởng thức sẽ gặp vị chua thanh của thịt, dai giòn của sợi bì, cay của ớt, thơm của tỏi, chát ngọt của đinh lăng … một hương vị rất riêng mà không phải nem chua nơi nào cũng có như nem chua xứ Thanh. Nem Thanh có vị lạ rất khác với nem chua Hà Nội hay nem lụi ở Huế, lại càng khác xa với nem rán hay nem tai. Nó vừa chua, vừa cay lại có cả vị mặn mà của gia vị, có vị ngọt của thịt làm ta không thể không ăn tiếp vài cái nữa.

Nem chua Thanh Hoá vừa ngon, vừa rẻ nhưng có điều rất lạ và hay là có thể làm đồ nhắm, cũng có khi ăn với cơm. Tiện hơn cả là ở đâu ta cũng có thể nhấm nháp hương vị hấp dẫn của nó. Nghĩ đến nem chua quê mình đầu lưỡi tôi lại cay cay, ngọt ngọt. Khó mà tả được cảm giác sung sướng khi được ăn một vài miếng nem chua ở quê hương mình trong lúc đang ở nơi xa xôi.

Ai đi qua xứ Thanh cũng phải nếm thử hương vị lạ của những chiếc nem xinh xắn. Người dân xứ Thanh vào Nam ra Bắc, dù bận trăm công nghìn việc, dù mang vác nặng nề cũng cố đem vài chục chiếc để cho người nhà hoặc biếu người thân. Ngày lễ Tết hoặc cưới xin, nem chua trở thành món ngon không thể thiếu. Kèm với những cặp bánh chưng xanh, những chiếc giò ngày Tết là những xâu nem chua làm từ chất liệu quê hương mời khách đến chơi nhà.

Nếu có dịp dừng chân nơi miền đất này, mời bạn hãy thưởng thức nem chua xứ Thanh.Vị chua chua, ngọt ngọt đậm đà gia vị tạo nên hương thơm khó quên của món nem chua Thanh Hóa.Nem chua Thanh Hóa nổi tiếng xưa nay khắp một dải đất dài từ Nam ra Bắc. Người Thanh Hóa tự hào với bạn bè nơi nơi vì có một thứ quà không phải nơi nào cũng cứ học là làm được, mà nó được truyền kinh nghiệm từ đời này sang đời khác qua nhiều năm nay.

Thuyết minh về một món ăn đặc sản mẫu 2: Thuyết minh về bún tôm Hải Phòng

Người Hải Phòng còn làm hài lòng du khách với những món ăn đặc sản của biển và nhiều cuộc khám phá đầy ấn tượng trên vùng đất được tạo hóa và con người của nhiều thế hệ vun đắp nên.

Bún tôm Hải Phòng

Từ lâu món bún tôm của miền biển này đã trở thành một đặc sản, hấp dẫn thực khách không chỉ bởi hương vị mà còn ở nguyên liệu và bí quyết độc đáo riêng.

Nguyên liệu chính làm nên sức hấp dẫn cho món ăn này chính là những con tôm biển còn tươi nguyên được đưa lên từ Hải Phòng. Sau đó, chúng được bóc bỏ vỏ, xào cùng một chút hành khô cho thật săn. Cùng với tôm là những miếng chả cá vàng ươm, vài miếng chả lá lốt, thêm ít dọc mùng, thì là, rắc thêm một chút hành răm thái nhỏ và mấy lát cà chua. Bát bún tôm càng thêm đậm đà bởi vị ngọt, ngậy đặc trưng của nước dùng hàng bún, cùng với vị thơm của tôm, của rau và các loại gia vị. Thực khách yêu thích món bún tôm Hải Phòng đã ăn một lần là nhớ mãi đến hương vị ngọt lừ của món ăn độc đáo ấy.

Từng sợi bún trắng mềm hoà quyện vào màu đỏ của tôm, cà chua, màu xanh của hành, của dọc mùng và màu vàng của chả cá tạo nên một bức tranh sống động nhiều màu sắc.

Trong khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngậy của nước dùng, vị thơm của tôm, của chả cá và đặc biệt là mùi hăng hăng không thể thiếu của vài miếng chả lá lốt. Nhưng đặc biệt hơn cả là hương vị của nước me chua thay thế hoàn toàn cho dấm và chanh vốn là những gia vị mà chúng ta đã quá quen thuộc. Món bún ăn kèm với một ít rau sống và thêm vào vài miếng ớt khi ăn. Tất cả làm nên một tô bún tôm thật đặc biệt và hấp dẫn.

Về Hải Phòng ăn bánh đa cua

Không biết từ bao giờ, món ăn dân dã, rẻ tiền ấy lại gắn liền với mảnh đất này. Chỉ biết rằng, bất cứ ai đã đến thăm Hải Phòng đều ít nhất một lần nếm thử và bị vị ngon của nó cuốn hút.

Thành phố Hải Phòng với những con đường rợp bóng phượng vĩ, với những hè phố rộng, từ lâu đã trở thành địa điểm kinh doanh lý tưởng của những món ngon đậm chất bình dân, bánh đa cua cũng ở những nơi như thế. Đi trên bất cứ con phố nào, bạn đều có thể bắt gặp một vài chiếc bàn, chiếc ghế được kê ngay ngắn bên hè phố, gần đó là cái bảng nhỏ với vài chữ không cần nắn nót “Bánh đa cua”… Người dân Hải Phòng rất tự hào về đặc sản của đất mình, nhưng không phải ai trong số họ cũng biết rằng, tại một ngôi làng nhỏ cách trung tâm thành phố không xa, những mẻ bánh đa vừa ngon, vừa giòn, vừa dai, vừa quánh vẫn hàng ngày, hàng giờ được ra lò từ những đôi bàn tay khéo léo, cần cù, yêu lao động…

Tập làm văn số 5 lớp 10 mẫu 3: Thuyết minh về một món ăn đặc sản – Phở

Đặc sản Hà Nội có nhiều, Hà Nội là địa điểm nổi tiếng với ẩm thực hấp dẫn, không chỉ đối với du khách nước ngoài mà còn lôi cuốn người Việt Nam. Nhưng nhắc đến món ăn Hà Nội là người ta nhắc đầu tiên đến phở. Phở như một thứ đại diện mang tính bản sắc, đặc thù của món ăn Hà Nội. Lý do thật đơn giản phở Hà Nội khác hẳn các nơi khác, nó không thể trộn lẫn với bất cứ một thứ phở nơi nào, cho dù ở đó người ta đã cố tình trương lên cái biển Phở Hà Nội.

Không biết, phở Hà Nội có tự bao giờ, chỉ biết rằng, phở đã đi vào trang viết của rất nhiều nhà văn như: Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Băng Sơn hay Vũ Bằng,… Phở, dưới những ngòi bút ấy, gần như chẳng còn ai có thể tả hay hơn nữa, và cũng chẳng cần ai phải tốn công mà viết thêm về Phở nữa vì nó đã quá đủ đầy, đã quá nổi tiếng rồi.

Và cũng không biết từ bao giờ phở đã trở thành món ngon nổi tiếng và khi thưởng thức phở ở Hà Nội người ta mới thấy được hương vị truyền thống. Phở Hà Nội là một món ăn đặc biệt của người Hà Nội đã có từ rất lâu.

Thạch Lam trong Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường viết: Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon”. Phở ngon phải là phở “cổ điển”, nấu bằng thịt bò, “nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả”, “rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một ít cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ”. Vào thời những năm 1940, phở đã rất phổ biến ở Hà Nội: “Đó là thứ quà ăn suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa và ăn phở tối….

Nguyễn Tuân, nhà văn của “Vang bóng một thời” đã có một tùy bút xuất sắc về phở. Ông cho phở có một “tâm hồn”, phở là “một miếng ăn kỳ diệu của tất cả người Việt Nam chân chính”. Cố đạo diễn điện ảnh Phạm Văn Khoa lúc sinh thời kể rằng, có lần ông cùng Nguyễn Tuân đang ăn phở, một người yêu thích nhận ra nhà văn bước lại chào nhưng Nguyễn Tuân vẫn vục đầu vào ăn. Người kia chắc chắn mình không nhầm đã kiên trì chờ đợi. Hết tô phở Nguyễn Tuân mới ngẩng mặt lên bảo “Tôi đang thưởng thức nên không trả lời, anh thứ lỗi”. Nhà văn không dùng chữ ăn mà dùng chữ thưởng thức.

Phở được dùng riêng như là một món quà sáng hoặc trưa và tối, không ăn cùng các món ăn khác. Nước dùng của phở được làm từ nước ninh của xương bò: xương cục, xương ống và xương vè. Thịt dùng cho món phở có thể là bò, hoặc gà. Bánh phở phải mỏng và dai mềm, gia vị của phở là hành lá, hạt tiêu, giấm ớt, lát chanh thái. Phở luôn phải ăn nóng mới ngon, người Hà Nội còn ăn kèm với những miếng quẩy nhỏ. Tuy nhiên, để có được những bát phở ngon còn tùy thuộc vào kinh nghiệm và bí quyết truyền thống của nghề nấu phở.

Trong món phở Hà Nội công đoạn chế biến nước dùng, còn gọi nước lèo, là công đoạn quan trọng nhất. Nước dùng của phở truyền thống là phải được ninh từ xương ống của bò cùng với một số gia vị. Xương phải được rửa sạch, cạo sạch hết thịt bám vào xương cho vào nồi đun với nước lạnh. Nước luộc xương lần đầu phải đổ đi để nước dùng khỏi bị nhiễm mùi hôi của xương bò, nước luộc lần sau mới dùng làm nước lèo. Gừng và củ hành đã nướng đồng thời cũng được cho vào. Lửa đun được bật lớn để nước sôi lên, khi nước đã sôi thì phải giảm bớt lửa và bắt đầu vớt bọt. Khi đã vớt hết bọt, cho thêm một ít nước lạnh và lại đợi nước tiếp tục sôi tiếp để vớt bọt…Cứ làm như vậy liên tục cho đến khi nước trong và không còn cặn trong bọt nữa. Sau đó, cho một ít gia vị vào và điều chỉnh độ lửa sao cho nồi nước chỉ sôi lăn tăn để giữ cho nước khỏi bị đục và chất ngọt từ xương có đủ thời gian để tan vào nước lèo.

Có thể nói, Phở Hà Nội có cái ngọt chân chất của xương bò, cái thơm của thịt vừa chín đến độ để vẫn dẻo mà lại không dai. Màu nước phở trong, bánh phở mỏng và mềm. Chỉ nhìn bát phở thôi cũng đủ thấy cái chất sành điệu, kỹ càng trong ăn uống của người Hà Nội. Một nhúm bánh phở đã trần qua nước nóng mềm mại dàn đều trong bát, bên trên là những lát thịt thái mỏng như lụa điểm mấy ngọn hành hoa xanh nõn, mấy cọng rau thơm xinh xắn, mấy nhát gừng màu vàng chanh thái mướt như tơ, lại thêm mấy lát ớt thái mỏng vừa đỏ sậm vừa màu hoa hiên.

Tất cả màu sắc đó như một bức hoạ lập thể hơi bạo màu nhưng đẹp mắt cứ dậy lên hương vị, quyện với hơi nước phở bỏng rẫy, bốc lên nghi ngút, đánh thức tất thảy khả năng vị giác, khứu giác của người ăn, khiến ta có cảm giác đang được hưởng cái tinh tế của đất trời và con người hợp lại. Chỉ húp một tý nước thôi đã thấy tỉnh người. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cái cay dịu của gừng, cái cay nồng của ớt, cái thơm nhè nhẹ của rau thơm, cái thơm của thịt bò tươi mềm. Tất cả cứ ngọt lừ đi, ngọt một cách hiền lành, êm nhẹ mà chân thật, tuyệt kỹ hài hoà.

Ta có thể thưởng thức nhiều hương vị phở tại Hà Nội.

Có ba món phở chính:

Phở nước: Cho bánh phở, thịt, rau thơm và gia vị vào một cái bát ô tô rồi chan ngập nước dùng nóng lên.

Phở xào: Xào bánh phở cùng thịt và rau thơm.

Phở áp chảo: Xào bánh phở trong mỡ nóng tới khi bánh phở trở lên nâu giòn, rồi thêm gia vị.

Trong ba loại phở trên thì phở nước là phổ biến hơn cả. Phở nước gồm có: Phở Bò, phở Gà, phở Tim gan. Tuy nhiên, người sành điệu chỉ ăn phở chuộng nhất phở Bò, thứ đến là phở gà và không chấp nhận những loại phở khác.

Đối với du khách nước ngoài thì phở được coi là món ngon hấp dẫn và lạ miệng bởi sự tinh túy. Để thưởng thức phở ngon thì cần phải để phở trong bát sứ chứ không phải là bát thủy tinh hay bát nhựa. Bát đựng phở không được quá to hay quá nhỏ. Nếu bát quá nhỏ, nước dùng sẽ chóng nguội và không có đủ chỗ để thịt, rau thơm và gia vị. Nếu bát to quá thì chưa ăn hết một bát bạn đã thấy chán vì phở chỉ là một món ăn nhẹ hoặc món ăn thêm.

Khi ăn phở, một tay cầm đũa còn tay kia cầm thìa. Dùng đũa tre là thích hợp nhất vì nó giản dị và không bị trơn khi gắp bánh phở. Bàn ăn phở cần hơi thấp so với bình thường để nước dùng không vương vào quần áo bạn khi cúi xuống gắp sợi bánh phở lên ăn.

Trông bạn sẽ rất kỳ cục nếu bạn uống bia hoặc trà đá khi ăn phở. Tuy nhiên, bạn nhấm nháp một chén cuốc lủi để bát phở thêm ngon thì có thể chấp nhận được. Nhưng thường thì không dùng đồ uống hoặc các đồ ăn khác khi ăn phở, ăn như vậy mới càng thấy phở ngon.

Nếu có cơ hội đến với Hà Nội thì bạn nên thưởng thức hương vị phở đặc trưng này nhé! Phở Hà Nội là như thế, đó là cái ngon của tất thảy những chất liệu đời thường Việt Nam nhưng đã được bàn tay tài hoa của người Hà Nội làm thành tác phẩm!

Bài văn mẫu lớp 10 số 5 đề 3: Thuyết minh về di tích lịch sử

Bài văn mẫu 1 – Thuyết minh về Văn Miếu Quốc Tử Giám

Điều hướng bài viết

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top