Bài làm 1
“Lá rụng về cội, sông chảy về nguồn” – mỗi con người từ khi sinh ra đã có một gia đình làm nền tảng, một quê hương yêu thương và một đất nước để tự hào. Những con người ấy khi lớn lên đều muốn hiểu biết về gia đình, tổ tiên nhưng cội nguồn của mỗi con người đâu chỉ là đấng bậc sinh thành, đâu chỉ là tổ tiên của một dòng họ, đó còn là cội nguồn dân tộc, Tổ quốc. Bởi vậy, bộ môn Lịch sử có vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục quốc dân và có ý nghĩa sâu sắc đối với cuộc đời của mỗi công dân. Lịch sử, hai tiếng thiêng liêng ấy chẳng biết từ bao giờ lại bị gán ghép thêm chữ “phụ” khi đây được coi là môn học phụ trong chương trình.
Học sinh học Lịch sử một cách qua loa, phụ huynh không quan tâm đến một môn không thi Đại học, tâm lí ấy vẽ ra một thực trạng đáng buồn trong dạy và học lịch sử nói riêng, trong hành trình tìm về cội nguồn nói chung của toàn dân tộc. Qua các kì thì trung học phổ thông quốc gia, số lượng học sinh lựa chọn thi Lịch sử quá ít mà điểm liệt thì lại quá nhiều. Trong hơn một nghìn thí sinh đăng kí dự thi tại cụm thi Bạc Liêu, chỉ có gần bốn trăm điểm trên năm và mười điểm liệt; cụm thi Tây Ninh chỉ có hơn ba trăm điểm trên năm và bốn mươi bảy điểm liệt. Báo chí 2016 đã đánh giá kết quả thi môn Lịch sử là “bết bát nhất”. Nhìn lại chặng đường chuẩn bị cho kì thi quan trọng này, chúng ta cũng không ít lần đọc được những bài báo kiểu như “hội đồng thi nghỉ sớm vì không có thí sinh” hay “43 người phục vụ 1 thí sinh” viết về một sự kiện cụ thể, cả tỉnh Quảng Ninh chỉ có duy nhất một thí sinh dự thi môn Lịch sử.
Bước qua cánh cửa trường học, thực trạng ấy cũng không khả quan hơn khi chúng ta có thể thuộc vanh vách sử Tàu, từng đời vua từ nhà Hán sang nhà Thanh, có thể kể thông thạo về cuộc đời Võ Tắc Thiên, về diễn biến Tam quốc diễn nghĩa… nhưng lại hay nhầm Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai người khác nhau, không rõ vị vua đầu tiên và mơ hồ về vị cua cuối cùng của sử Việt… Nhiều người thông qua dã sử Trung Quốc mà biết lịch sử, biết cả sự phát triển chữ viết, biết trang phục nhà Hán yểu điệu thướt tha, trang phục nhà Thanh gọn gàng, khuôn khổ mà không nhớ rằng một nghìn năm đô hộ cũng không đồng hóa được dân tộc ta, từ chữ Hán phồn thể được tinh thần dân tộc quật cường tạo nên chữ Nôm, từ những lễ Tết chỉ có thể trùng tháng trùng ngày nhưng khác biệt về ý nghĩa và phong tục.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng môn Lịch sử bị xem nhẹ và lịch sử dân tộc cũng không được giới trẻ quan tâm xứng đáng. Trước hết, đó là do sách giáo khoa và tư liệu lịch sử khô khan, ít sử liệu, thiếu trực quan sinh động. Chương trình học cũ kĩ cùng cách dạy, cách học thiếu cảm hứng đã biến một môn học quan trọng thành môn phụ, một chủ đề hấp dẫn và ý nghĩa trở nên đơn điệu. Thêm vào đó, những cánh tay đắc lực của lịch sử như điện ảnh, sách truyện, các hoạt động văn hóa lịch sử thì ở nước ta chưa phát huy được vai trò hỗ trợ ấy.
Phim lịch sử Việt Nam chưa thu hút được người xem và sử liệu còn nặng nề chữ nghĩa, thiếu những câu chuyện cụ thể, những hoạt động có sức lan tỏa lớn. Đề kiểm tra Lịch sử nặng “trình bày”, “nêu”, “tái hiện” mà chưa chú ý đến những câu hỏi khai thác suy nghĩ, cảm nhận và tư duy phản biện của người học. Bên cạnh đó, tư duy thực dụng phục vụ cho thi cử, cho nghề nghiệp trong tương lai của đông đảo xã hội nhiều khi lấn át hoàn toàn mục đích học Lịch sử để hiểu nước mình, hiểu dân mình, hiểu nguồn cội. Đặc biệt, người học chưa có tinh thần tự học. Chúng ta đã thấy rất nhiều kế hoạch vui chơi, thăm thú đây đó trong các chuyến du lịch vào kì nghỉ hè, nghỉ lễ mà các bảo tàng lịch sử lại vắng bóng người xem, đặc biệt là thiếu bóng người trẻ.
Ngoài các giờ học sử trên trường, hầu như chúng ta không có bất kì một hành động nào khác để tìm hiểu về lịch sử mà ngay cả trong những giờ học sử, chúng ta cũng không tập trung chú ý. Lịch sử từ đó đã không được nhìn nhận đúng đắn với vai trò và sứ mệnh cao cả của mình. Lịch sử không chỉ là những cuộc chiến tranh gìn giữ đất nước mà còn là quá trình hình thành, dựng xây. Không chỉ là đấu tranh chống giặc ngoại xâm mà lịch sử còn là quá trình hình thành các giá trị văn hóa, các thế hệ nối tiếp nhau. Bởi thế, lịch sử là ngọn nguồn của tình yêu dân tộc. Không có tình yêu lịch sử nước nhà thì tình yêu với Tổ quốc, với những mất mát hi sinh của thế hệ cha anh đi trước đã giảm đi một nửa bởi thiếu hiểu biết; lòng tự hào với những thành tựu của nền văn minh lúa nước, chiếc nôi của loài người cũng không được trọn vẹn.
Chỉ khi biết lịch sử, hiểu những thành quả hôm nay chúng ta được hưởng đã phải đánh đổi bằng máu xương của cha ông, chúng ta mới có được ý chí kiên cường dựng xây đất nước, nối tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc. Lịch sử không phải cái có thể định hình, cũng không thể kết thúc, mỗi thế hệ sẽ cùng nhau chung tay, góp sức viết nên lịch sử quê hương. Lịch sử là chiếc cầu nối gắn kết giữa thế hệ chúng ta với thế hệ trước, là con đường giúp ta truyền lại cho thế hệ mai sau. Sứ mệnh gắn kết đó không gì có thể thay thế.
Bởi thế, hơn lúc nào hết, ngay trong khi chiếc đèn báo động về thực trạng dạy và học lịch sử đang rung hồi chung cảnh tỉnh, chúng ta cần có những biện phát chấn hưng lịch sử, mà quan trọng là bồi đắp tình yêu lịch sử cho người trẻ. PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế – Chủ nhiệm Khoa Lịch sử – Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) từng nói: “Không thể bắt buộc các bạn trẻ yêu lịch sử. Mà phải làm cho các bạn trẻ biết lịch sử. Có biết sử thì mới yêu được sử. Tuy nhiên, với cách giáo dục hiện nay thì hiểu biết về lịch sử của các bạn trẻ lại quá ít…” Vậy thì giải pháp đầu tiên là phải thay đổi cách giáo dục.
Dạy sử trước hết là giáo dục không áp đặt. Giống như cách nhiều nước đã làm và thành công, sách giáo khoa của nước ta cần thay đổi, chỉ đưa vào đó những sự kiện lịch sử để học sinh tiếp nhận một cách tự nhiên mà không có hàng loạt phân tích mang tính gò ép. Cùng với sự kiện là những câu chuyện có tính chất minh họa, vừa tạo hứng thú, vừa dẫn dắt người học đến những kết luận cần thiết. Có như thế, người học mới phát huy được hết trí tuệ của mình trong việc học sử và bồi đắp tình yêu với bộ môn này.
Các phương tiện truyền thông cũng nên chú trọng sứ mệnh truyền bá của mình. Lịch sử chúng ta học là những gì đã qua nên tư duy trực quan sinh động hầu như được sử dụng. Chính những thước phim, những bộ truyện tranh sẽ là tài liệu trực quan đáng giá trong dạy và học lịch sử nói riêng, trong tìm hiểu lịch sử nói chung. Đó cũng phải là những bộ phim, truyện hay có sức lan truyền và được giới thiệu quảng bá chứ không thể như bộ phim ca ngợi về đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến thắng Điện Biên Phủ tiêu tốn 21 tỉ đồng lại chỉ được nhiều người biết đến khi công bố hủy chiếu vì ế.
Hay như phim Lý Công Uẩn – Đường tới Thành Thăng Long ngay khi tung trailer đã vấp phải sự phản đối của khán giả và không thể công chiếu vì đoàn phim đã Trung Quốc hóa. Chúng ta làm phim về lịch sử dân tộc, cho dân tộc nên điều quan trọng nhất chính là gìn giữ đúng văn hóa dân tộc. Mỗi người chúng ta cũng cần nhìn nhận lại vai trò của lịch sử. Để mỗi bậc phụ huynh quan tâm hơn đến vấn đề học lịch sử của con và mỗi người trẻ học sử với tinh thần tự giác, tự nguyện và yêu thích. Trước hết, người học cần cảm thấy hiểu và biết lịch sử cũng là một cách nâng cao hiểu biết của mình.
Việc không biết lịch sử dân tộc còn đáng xấu hổ hơn việc không thuộc định lí Ta-let, Pi-ta-go gấp vạn lần. Tổng thống Pháp Mitterrand đã từng cho rằng, những người không hiểu lịch sử dân tộc chỉ là những kẻ mồ côi. Quả thực thế, lịch sử là cội nguồn, một con người sẽ ra sao nếu quên đi nguồn cội của mình và tình yêu quê hương đất nước sẽ được bồi đắp từ đâu nếu không từ lịch sử với bao đau thương, mất mát, hi sinh mà vẫn chói ngời rạng rỡ… Không vì những cuốn sách chưa hay, không vì những công dân chưa thiết tha với quá khứ dân tộc, cũng không vì bị lạnh nhạt trong những kì thi mà lịch sử nước ta bớt đi những thăng trầm dữ dội, những bài học cao cả, những đỉnh cao kiêu hãnh hay những câu chuyện sâu sắc của mình.
Ta không thể sống trong trận thủy chiến oanh liệt trên sông Bạch Đằng vào thế kỉ X; không thể tận mắt chứng kiến cảnh “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” (Bình ngô đại cáo – Nguyễn Trãi) khi kẻ thù giày xéo quê hương; ta cũng không thể nín thở trước những giờ phút quyết định lịch sử của những vị tướng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; không thể nhìn thấy giọt nước mắt Bác Hồ rơi nơi góc bể chân trời khi đất nước oằn mình chịu đòn roi xâm lược… Chúng ta không quay lại được những ngày tháng đầu tiên nền văn minh lúa nước gieo xuống những đồng ruộng Việt Nam; không thấy cảnh những chiếc bánh chưng đầu tiên thành hình, không được nghe những thanh âm đầu tiên của tiếng Việt…
Nhưng chúng ta đừng bao giờ tự đẩy mình ra khỏi ngọn nguồn cảm hứng lịch sử tuyệt vời của dân tộc, bởi lẽ chính chúng ta cũng đang viết sử của thời đại này và rằng chúng ta chẳng bao giờ lại là những “kẻ mồ côi” trên đất nước của mình. Lịch sử không gì hơn chính là những tiếng đồng vọng. Đó là “tiếng vọng của quá khứ đến tương lai và phản chiếu tương lai trên quá khứ”. Là tiếng nói mà mỗi người cần nghe, cần hiểu và biết yêu thương để trở thành những người con hướng về nguồn cội, giữ gìn và phát huy những bài học từ lịch sử như Bác từng nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời. Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.
Bài làm 2
Bác Hồ từng nói “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Quả đúng như vậy lịch sử có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi người, mỗi thế hệ. Tuy nhiên có một thực tế đang buồn về môn Lịch sử trong các trường học. Cả học sinh và thầy cô giáo đều coi nhẹ bộ môn phụ này, và việc lơ là môn Lịch sử. Đây là điều đáng buồn của giáo dục Việt Nam ngày nay.
Lịch sử là môn học tái hiện lại lịch sử của Việt Nam và cả lịch sử thế giới để học sinh có thể nắm rõ ràng và khái quát nhất cội nguồn dân tộc, quá trình hình thành và phát triển của đất nước, sự hi sinh kiên cường bất khuất, mồ hôi và nước mắt của cha ông ta trong những cuộc kháng chiên. Lịch sử sẽ giúp cho các em học sinh hiểu rõ hơn về những gì mình đang được hưởng thụ bây giờ là do đâu, vì đâu mà có. Không phải tự nhiên, không phải vô tình, đó là cả một quá trình cố gắng không ngừng nghỉ. Đáng nhẽ ra lịch sử phải được học sinh hăng say tìm hiểu, vì mỗi sự kiện lịch sử đều rất thu hút. Nhưng ngược lại, học sinh thờ ơ với môn học này. Trong các kỳ thi Lịch sử khiến các em cảm thấy khó nhằn, không nuốt nổi. Là vì sao?
Trong cơ chế giáo dục, Lịch sử chưa bao giờ được xem là một môn chính như Toán, Văn, Anh. Thậm chí nó còn không bằng những môn như Hóa, Vật lý…Đáng buồn các em xem nhẹ những bài học trong sách giáo khoa, không hứng thú với nó khiến cho việc các em ngày càng hiểu lơ mơ lịch sử Việt Nam.
Môn lịch sử trong các trường học giống như “cái bóng” dật dờ, không được coi trong, hoặc khi nhắc đến thì các em bảo “đó là môn lý thuyết, có gì kiểm tra thì làm phao, học làm gì cho mệt người” .Thật là đáng buồn khi chính các em không hiểu được gốc gác của mình, của đất nước thì mai sau các em sẽ xây dựng đất nước từ đâu, xây dựng như thế nào? Môn học Lịch sử đúc rút rất nhiều bài học kinh nghiệm xương máu quý báu. Nếu không học thì có lẽ chúng ta sẽ dẫm phải vết xe đổ của quá khứ mà không biết. Đơn giản chúng ta không chịu học và tìm tòi lịch sử.
Hơn hết các bậc phụ huynh hiện nay luôn có xu hướng ép buộc và định hướng cho con mình theo học khối A, B, D, còn khối C thì mọi người chỉ chặc lưỡi rằng sau này khó xin việc, học làm gì, toàn nói suông. Chính tư tưởng và áp lực đó là một phần khiến cho bộ môn lịch sử càng ngày càng bị xem nhẹ, thậm chí coi thường.
Lịch sử là một bộ môn lý thuyết, không ai phủ định điều này nhưng chúng ta có biết khi nắm vững lịch sử sẽ có ích lợi gì hay không. Chúng ta sẽ tự hào về quốc gia mình đang sống, sẽ có kiến thức khi người khác hỏi về quá khứ, sẽ hiểu và trân trọng những gì cha ông ta đã gây dựng và hơn hết sẽ có ý thức để trở thành một người công dân tốt hơn. Đây là điều mà không phải ai cũng có thể nhận ra, vì họ đã không xem môn lịch sử là môn học chính.
Bởi vì không coi trọng nên trong các kì thi tốt nghiệp những năm qua, môn Lịch sử luôn là môn gây cản trở, gây khó khăn cho các em. Thậm chí con điểm 0 ở bộ môn này xuất hiện ngày càng nhiều, vì đơn giản các em không chịu học.
Có một điều đáng buồn hơn nữa, rất nhiều bạn thích tìm hiểu lịch sử của các nước khác như Trung Quốc, Hi Lạp, còn lịch sử Việt Nam thì không. Điều này thực sự bất công đối với kiến thức lịch sử nước nhà.
Tại các trường học, phương pháp dạy môn lịch sử còn chưa có tính sáng tạo, theo kiểu rập khuôn, giáo viên đọc và học sinh chép. Lịch sử là môn học thú vị khi cách dạy của giáo viên có sức hút. Các thầy cô giáo có thể tổ chức những giờ học ngoại khóa để các em học sinh đến các di tích lịch sử tìm hiểu nguồn gốc, hiệu quả sẽ rất tốt. Thầy cô giáo phải là những người yêu lịch sử, có cái nhìn mới mẻ về môn Lịch sử để truyền tải các em có chọn lọc, tinh túy nhất.
Bởi vậy Lịch sử đối với cả giáo viên và học sinh cần được nâng cao và đổi mới hơn nữa để tất cả chúng ta cùng có ý thức coi trọng Lịch sử. Để xứng đáng là một người công dân tốt và có ích cho xã hội. Để không phải xấu hổ khi lịch sử nước nhà mà không biết một điều gì.
Bài làm 3
Victor Huygo từng nói: “Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai lên quá khứ.” Lịch sử của một đất nước tái hiện toàn bộ chặng đường phát triển gian nan cũng đầy huy hoàng của cả dân tộc. Và môn lịch sử chính là phương tiện cho việc tìm hiểu lịch sử dân tộc của thế hệ sau đối với quá khứ của chính đất nước mình. Quan trọng là vậy nhưng liệu trong thực tế, môn lịch sử có được đối xử xứng tầm?
Từ cấp tiếu học cho tới bậc đại học, môn Lịch sử không bao giờ thiếu trong chương trình học. Đây là môn học mang lại tri thức cũng như tái hiện lại toàn bộ đất nước từ thời khai thiên lập địa cho tới ngày đất nước toàn vẹn, hai miền thống nhất cùng xây dựng xã hội chủ nghĩa. Không những đề cập tới riêng lịch sử đất nước, môn học này còn đem đến những kiến thức tổng quan về lịch sử thế giới như những trận chiến tranh thế giới cam go hay nguồn gốc hình thành nên chủ nghĩa tư bản. Từ những thông tin bên ngoài đất nước, học sinh có cái nhìn bao quát và toàn diện, xâu chuỗi được các vấn đề liên quan đến hoàn cảnh thế giới tác động tới lịch sử đất nước. Môn Lịch sử giúp cho các thế hệ con em sau này hiểu và biết được, để được nền hòa bình như ngày nay, dân tộc ta đã phải oằn mình lên chống đỡ bao nhiêu cuộc chiến tàn khốc, từ đó thêm yêu và trân trọng nền hòa binh như ngày nay.
Về mặt lý thuyết, môn Lịch sử là môn học lí thú, được học sinh quan tâm và yêu mến, chủ động tìm hiểu. Nhưng trên thực tế, đây lại là môn học khiến đại đa số học sinh lẫn sinh viên ngao ngán và chán học. Sự thờ ơ của học sinh đối với Lịch sử đang ở mức báo động. Hồ Chủ Tịch từng nói: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Vậy nhưng hầu hết học sinh, sinh viên có hiểu biết rất mơ hồ về lịch sử của chính đất nước mình. Đau đớn hơn, nhiều người có thể đọc vanh vách từng triều đại của Trung Quốc nhưng lại không thể nhớ được chiến thắng đế quốc Nguyên-Mông hung hãn của dân tộc ta diễn ra trong thời nào. Trong một phóng sự ngắn gần đây, khi một số em học sinh được hỏi về Quang Trung đã không ngần ngại khi khẳng định Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em, hoặc Hai Bà Trưng gồm Bà Trưng và Bà Triệu. Điều này phản ánh sự hời hợt trong việc học môn Lịch sử ngay cả khi các em vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Có một luật bất thành văn trong các nhà trường: Lịch sử là môn phụ, học để hoàn thiện chương trình học; còn môn chính cần dành nhiều thời gian và công sức là Toán, Lí, Hóa, Văn và Anh. Cũng chính vì vậy, thời lượng cho môn học cũng bị rút ngắn đi và tỷ lệ học sinh yêu thích hay dành thời gian nhất định để nghiên cứu môn học ngày càng giảm. Dù là phân môn chính thức nhưng từ việc học cho tới kiểm tra kiến thức lịch sử vẫn còn rất hình thức. Trông bên ngoài thì có vẻ môn Lịch sử được quan tâm nhưng thực chất như nào thì ai cũng tự hiểu với nhau.
Biểu hiện dễ nhận thấy nhất cũng như đã được ghi nhận về tình trạng học môn Lịch sử chính là kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016 vừa qua. Theo thông tin thống kế tỷ lệ đăng ký môn thi của học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội mà báo Vnexpress đã đăng tải, “có 51.290 thí sinh đăng ký hai môn Ngữ Văn, Toán; 50.310 thí sinh chọn thi môn Ngoại ngữ; 26.270 em thi Vật lý; 19.830 em đăng ký môn Hoá; 15.720 em thi Địa lý; 6.050 thí sinh chọn môn Sinh; Lịch sử chỉ 4.410 em đăng ký thi. Trước đó, nhiều lãnh đạo trường Trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội cũng cho biết, qua khảo sát học sinh đăng ký môn thi trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2016, có rất ít em lựa chọn môn Lịch sử. Ở Trung học phổ thông Ứng Hoà A có 9 học sinh, Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa) có khoảng 70 em, Trung học phổ thông Ba Vì có 60 trong số 520 học sinh…” Kết quả khảo sát này đã gióng lên hổi chuông báo động đến các ban ngành trong lĩnh vực giáo dục cũng như toàn hệ thống giáo dục của nước ta.
Nhiều nghiên cứu, tọa đàm được thực hiện nhằm cải thiện tình trạng này nhưng đều không có kết quả khả quan. Các cấp, các ban ngành và các nhà sử học cứ tổ chức tọa đàm, còn học sinh thì cứ vẫn thờ ơ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học sinh chán học sử. Đầu tiên cần khẳng định, trang sử của dân tộc ta hào hùng và bi tráng không thua kém gì lịch sử nước bạn. Nhưng có một thực tế, những gì được dạy cho học sinh chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Lịch sử có rất nhiều vấn đề về chính trị, xã hội cũng như trong hàng ngàn hàng vạn trận đánh, dân tộc ta không thể 100% thắng trận. Bởi nếu chỉ có thắng trận như trong sách Lịch sử thì sao lại có những hiện thực đau đớn mà văn học phản ánh. Ta chỉ chú tâm vào việc thay đổi phương pháp dạy và học nhưng lại không hề xem lại nội dung phản ánh trên trang sách Lịch sử. Bác Hồ có nói: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân tộc ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn bè ta. Đồng thời viết để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết về cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn, nêu cái hay, cái tốt thì có chừng mực, chớ có phóng đại. Có thế nào, nói thế ấy.” Áp dụng vào việc biên soạn nội dung của môn Lịch sử, liệu chúng ta đã có cái nhìn thẳng thắn và sòng phẳng với lịch sử khi tô lên lịch sử một màu hồng của những chiến thắng? Đọc sách lịch sử từ Sách giáo khoa Lịch sử 6,7… cho tới cuốn Lịch sử Việt Nam đại cương đang được giảng dạy trong các trường đại học, có trang nào viết về dân ta chết bao nhiêu người trong chiến dịch này hay ta từng thất bại trong chiến dịch kia? Bản thân lịch sử vốn đã hay, đã cuốn hút, và bản chất của nó là những điều đã xảy ra, là bài học để hiện tại soi chiếu vào quá khứ. Thay vì đổi mới đủ thứ, cái cần thiết chính là đổi mới nội dung trong trang sách Lịch sử.
Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận lối mòn trong giảng dạy môn học này ở trong các trường học. Học sinh chủ yếu chỉ được tiếp xúc với tranh ảnh, slide trình chiếu hay nghe thụ động. Tại sao không thay những tiết học nhàm chán trên lớp về cách mạng tháng Tám bằng một buổi đi thực tế tại bảo tàng Hồ Chí Minh – nơi lưu giữ những từ liệu, tài liệu sống động hơn rất nhiều?. Lối học thụ động cũng là nguyên nhân gây nên sự chán chường trong học Sử đối với học sinh, sinh viên. Tiết học nào cũng ngồi nghe cô giảng sẽ không thể hứng thú bằng việc để người học tự nghiên cứu ở nhà, sau đó lên lớp tiến hành thuyết trình, thảo luận cũng như phản biện các quan điểm khác nhau của từng nhóm.
Quan niệm chỉ tập trung vào môn thi chuyển cấp, thi đại học, những môn khác không cần quan tâm cũng nên xóa bỏ. Mỗi môn học mang đến một kiến thức riêng, đặc thù, giúp cho hệ thống tri thức của mỗi người được toàn diện. Vậy nên số tiết học môn Lịch sử trong phân phối chương trình cần có sự phân chia đồng đều với các môn khác để giáo viên có thể có thêm những hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh, tăng hứng thú giảng dạy cũng như học tập.
Bản thân em cũng như các bạn khác đang là học sinh trên ghế nhà trường tự nhận thấy mình chưa hoàn toàn tập trung và có cách nhìn nhận đúng đắn về môn học. Em tự thấy mình cần siêng năng và chủ động hơn trong việc tìm hiểu lịch sử đất nước. Đó không chỉ là nhiệm vụ của học sinh mà còn là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của một công dân đối với đất nước, đối với sự hy sinh của cha ông. Học thật tốt môn lịch sử cũng chính là sự thể hiện niềm tự hào dân tộc, trân trọng cống hiến của người đi trước và có được những bài học cho việc xây dựng đất nước trong tương lai.
Bài làm 4
Trong xã hội hiện đại con người cần phải có những kiến thức về khoa học đời sống, những môn cần thiết để có thể hòa nhập với thế giới như ngoại ngữ, công nghệ… còn những môn khoa học mang tính chất hoài niệm, để tìm hiểu về nguồn gốc, ông bà, tổ tiên ta ngày xưa dường như đang bị xem nhẹ đi rất nhiều. Khiến cho việc học môn Lịch sử dần dần không được ưa chuộng nữa,
Trong thực tế cuộc sống thì ngay từ khi còn nhỏ học tiểu học mỗi chúng ta đều được học lịch sử. Chúng ta học lịch sử thông qua những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích, truyện dân gian. Rồi lớn hơn là những câu chuyện về thời kỳ dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng. Môn lịch sử luôn được nhà trường và bộ giáo dục coi trọng đưa vào chương trình học của các em rất sớm.
Môn lịch sử cũng là môn học có thể cho các em nhiều kiến thức bổ ích, giúp các em có cái nhìn bao quát, toàn diện hơn về xã hội đất nước mình từ xưa tới nay. Để các em có thể tự tin khi đi ra nước ngoài sánh vai cùng các nước khác nhưng vẫn tự hào về giá trị truyền thống của dân tộc mình.
Đúng như câu nói của Bác Hồ đã viết để dặn dò các bạn học sinh rằng:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
Điều này cho thấy ngay từ xa xưa Bác Hồ đã nhận thấy sự quan trọng của việc học lịch sử dân tộc trong giáo dục con người, lớp trẻ thời hiện đại.
Tuy nhiên, trong vài chục năm gần đây dường như việc học lịch sử đang dần bị xem nhẹ trong thế hệ trẻ. Bởi khi đất nước ta bước vào giai đoạn công nghiệp hóa hiện đại hóa, thì ai ai cũng muốn mình có điều kiện hội nhập, tìm được những công việc làm phù hợp với mức thu nhập cao.
Chính vì vậy, những ngành kinh tế được ưa chuộng hơn, những ngành xã hội như Văn Sử Đại bị giảm sút giá trị của mình. Đặc biệt là môn lịch sử, bởi các em sợ học giỏi môn này thì cũng không kiếm được việc làm tốt, mức thu nhập cũng không nhiều cho công sức công hiến của mình.
Bên cạnh đó, do cách truyền đạt môn lịch sử trong nhà trường Việt Nam còn khá cứng nhắc khiến cho các em học sinh cảm thấy môn này khô khan, khó nhớ những diễn biến sự kiện. Chính vì vậy, làm cho các em không cảm thấy môn học thật sự hấp dẫn, không có hứng thú theo đuổi ngành học này.
Nhiều bạn học sinh nước ta có thể thuộc rất nhiều điển tích, nhân vật lịch sử của đất nước Trung Quốc, nhưng lại không nhớ được tên các vị vua của nước mình.
Sự thật thì cũng không thể trách các em học sinh, các bạn trẻ vô tâm được vì trong thực tế nền văn hóa, phim ảnh Trung Quốc họ đầu tư rất nhiều tâm huyết, kinh phí để sản xuất ra những bộ phim lịch sử, phim dã sử vô cùng hấp dẫn khiến người xem thu hút và nhớ lâu.
Còn Việt Nam chúng ta tuy trong lịch sử chúng ta có rất nhiều anh hùng, nhiều chiến công hiển hách trong việc dựng nước và giữ nước nhưng do chúng ta chưa thể đầu tư để sản xuất nhiều phim ảnh hay cho người xem, bạn đọc hiểu được lịch sử của nước nhà, nên các bạn chỉ biết tới lịch sử Trung Quốc mà thôi.
Trong việc giảng dạy môn lịch sử trên lớp, việc dạy theo lối mòn đọc chép, khiến cho các bạn học sinh không hấp thu được những cái hay cái đẹp, tinh hoa văn hóa của dân tộc mình, mà chỉ lắng nghe một cách thụ động miễn cưỡng khiến các bạn cảm thấy không hấp dẫn. Môn lịch sử là môn học dài, khó nhớ khiến cho các bạn học sinh càng ngại học lịch sử hơn nữa.
Trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, có những cụm thi mà số lượng thí sinh đăng ký thi môn lịch sử chỉ có duy nhất một em. Điều này thật đáng buồn cho thực trạng dạy và học môn lịch sử.
Một môn học cao quý, có giá trị đặc biệt với sự phát triển của đất nước dân tộc nhưng lại bị thế hệ trẻ, bị các bạn học sinh lãng quên, không tha thiết học tới vậy thì chua xót biết bao.
Nhiều phụ huynh học sinh cũng khuyên con em mình nên tập trung vào những môn thi về mảng khoa học tự nhiên, những môn ngoại ngữ còn mấy môn xã hội như lịch sử thì không cần phải đầu tư nhiều bởi có ít ngành học, lại khó tìm kiếm cơ hội việc làm.
Chính vì vậy các bạn học sinh có tâm lý chỉ học cho qua là được không muốn đi sâu tìm tòi khám phá môn lịch sử, tạo tâm lý học trước quên sau học vẹt là chính.
Là một học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường các bạn nên biết cách bảo vệ lại giá trị truyền thống của cha ông. Giữ gìn và học tập tốt môn lịch sử để thấy được những truyền thống hào hùng, tốt đẹp của ông cha ta ngày xưa.
Để hiểu được rằng để có một đất nước giàu mạnh xinh đẹp như ngày hôm nay chúng ta phải biết ơn những lớp người đi trước họ đã hy sinh thân mình để bảo vệ đất nước dân tộc mình.