Trang chủ » Suy nghĩ về vai trò của sách đối với cuộc sống của chúng ta lớp 9 hay nhất

Suy nghĩ về vai trò của sách đối với cuộc sống của chúng ta lớp 9 hay nhất

Bài làm 1
 
Sách có từ bao giờ? Có lẽ sách chỉ ra đời khi con người có nhu cầu ghi lại những gì mà người ta nhận thức về thế giới xung quanh, nhằm lưu giữ và truyền lại cho hậu thế.
 
Ta được biết, ban đầu sách có nguồn gốc là những chiếc mai rùa, xương thú có ghi chữ viết, sau đó là thẻ tre, da động vật. Chỉ đến khi nền công nghiệp giấy ra đời, công nghệ in phát triển, ta mới có những quyển sách được in giấy như bây giờ. Sự có mặt của sách trên thế gian này là như thế. Trước khi có sách, tri thức của nhân loại được tích lũy bàng con đường truyền khẩu. Những kinh nghiệm gieo trồng, cách đoán biết về thời tiết, những phát hiện về đời sống về vũ trụ, về giới tự nhiên… tất cả đều đã được lưu giữ trong những ca dao tục ngữ, thậm chí cả trong những truyện ngụ ngôn, cổ tích…, và được truyền miệng từ đời này sang đời khác.
 
Cùng với chữ viết, sách là phương tiện để con người ghi lại những nhận thức của mình về thế giới. Sự ghi lại ấy lại được chia thành những lĩnh vực khác nhau: khoa học, triết học, thơ ca… Mỗi lĩnh vực lại là một cuộc hành trình dài của con đường chiếm lĩnh và khám phá thế giới tự nhiên và tâm hồn con người. Các thế hệ nối tiếp nhau đã ghi lại những thành quả lao động, học thuật của mình. Vì thế, Chu Quang Tiềm cho rằng: sách là “kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại, cũng có thể nói đó là những cột mốc trên con đường tiến hóa học thuật của nhân loại". (Bàn về đọc sách)
 
Cũng với ý nghĩa này, sách đã trở thành chiếc cầu nối vững chắc giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Con người các thế hệ tiếp nối nhau, trong hành trình tìm hiểu, chiếm lĩnh thế giới, vừa tiếp thu những thành quả nhận thức của các thế hệ cha anh, vừa không ngừng làm dày thêm kho tàng tri thức nhân loại bằng những phát hiện của mình, làm cho sách ngày càng trở thành tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ. Chúng ta, những người đọc thế hệ sau, có thể nhìn thấy qua sách hình ảnh con đường mà xã hội loài người đi dến tương lai.
 
Bên cạnh vai trò là phương tiện tri thức nhân loại, sách còn là phương tiện để con người tìm hiểu về thế giới quanh mình. Đối với mỗi cá nhân, sách luôn mở ra những chân trời mới (chữ dùng của Lê-nin). Những tư tưởng khoa học, những phát hiện, những dự đoán, những đánh giá… của thế hệ trước là những gợi ý quý giá để con người tiếp tục khát vọng chinh phục vũ trụ của mình.
 
Tuy nhiên, cũng có khi, sách với tất cả những kết tinh quý giá của tinh thần nhân loại, lại chỉ là đối tượng thưởng lãm của con người. Cũng giống như một bức tranh, một tia nắng hay một bài thơ, sách mang lại cho con người cảm giác thư thái, bình yên. Trong những thú vui tao nhã của nhà Nho, không thể không kể đến thú vui đọc sách. Nguyễn Trãi – nhà Nho, nhà tư tưởng thế kỉ XV đã từng có câu thơ rằng: “Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn. Khách tục không ai bén mảng gần”. Đây là một cách để tạo ra một không gian đầy thú vị cho thú đọc sách, ngâm thơ của minh.
 
Ngày nay, cùng với sách, các phương tiện thông tin ngày càng trở nên đa dạng. Văn hóa đọc hình thành từ khi có sách, đến nay không còn giữ nguyên ý nghĩa là đọc trong sách mà mở rộng thêm: đọc trong báo, đọc trên mạng… Sách tồn tại trong cuộc sống không chỉ là sách được bán ở hiệu sách mà sách được đưa lên mạng… Dù dưới hình thức nào, đối với con người, nhu cầu tìm hiểu thế giới tự nhiên và thế giới con người không bao giờ vơi cạn. Vì thế, sách mãi mãi vẫn giữ vai trò quan trọng của mình trong đời sống nhân loại, là phương tiện giúp con người nhận thức về thế giới và khám phá thế giới.
 
Chừng nào con người vẫn còn nhu cầu nhận thức về thế giới và thưởng thức vẻ đẹp của trí tuệ, chừng nào loài người còn biết đề cao văn hóa, và các giá trị tinh thần, thì chừng ấy sách vẫn còn là một công cụ hữu hiệu và vô giá trong công cuộc khai hóa nền văn minh.
 
Bài làm 2
 
Sách quả là một sản phẩm tinh thần kì diệu lớn lao trong nhũng điều kì diệu. Loài người phải đánh đổi bằng biết bao mồ hôi công sức mới tôi luyện được những cuốn sách quý giá để phục vụ chính cuộc sống của nhân loại, có được một cuốn sách quý trong tay như có được một người bạn tri âm. Không chỉ đến ngày nay nhân loại mới thấy được vai trò của sách mà từ thuở xa xưa, mỗi dân tộc đã có một hình thức văn tự riêng ghi trên mai rùa, xương thú, da cừu, đồng đá, gỗ… cũng được con người coi là những sách quý. Bởi đó là sự kết tinh, hội tụ của nhưng hiểu biết, kinh nghiệm mà thế hệ trước lưu truyền cho các thế hệ sau.
 
Ở nước ta, trải qua hàng nghìn năm nô lệ, bọn thực dân đã dùng nhiều thủ đoạn dã man để nhằm tiêu huỷ đời sống tinh thần của nhân dân ta. Trong đó thủ đoạn “đốt sách chôn nho" là tiêu biểu hơn cả. Song thật đáng tự hào biết bao khi người dân ta bằng mọi cách đã bảo vệ và lưu giữ được những cuốn sách quý dù chỉ bằng tre, bằng da thú… bởi vậy, những cuốn sách như "Đại Việt sử lược”, "Đại Việt sử kí toàn thư”… đã "vượt lên trên tất cả bờ cõi và giới hạn" sống mãi với thời gian. Đến tận ngày nay, chúng ta đọc lại những cuốn sách đó thì như được sống cùng thời kì lịch sử hào hùng thuở xa xưa đó. Chẳng thế mà Ngô Sĩ Liên đã khẳng định: "Ngày xưa, sách (sử) làm tin là điều lớn của đất nước, để ghi chép quốc thống lúc chia lúc hợp, để tỏ rõ trị hoá khi thịnh khi suy. Ấy là muốn treo gương răn cho đời sau, há chi chép về dĩ vãng. Ắt là thiện ác phải làm rõ ràng trong khen chê thì người sau mới biết ý khuyên răn, ắt là bút mực phải phục vụ nhiều cho tâm chí thì trước thuật mới gọi là xem được, không thể làm cẩu thả, há đâu nói dễ dàng”.
 
Xã hội loài người ngày càng thay da đổi thịt, do đó chữ viết và kĩ nghệ in cũng phát triển. Hơn thế nữa trình độ học vấn ngày càng nâng cao, nhu cầu về đời sống tinh thần được chú trọng. Vì vậy sách trở thành phương tiện tối ưu để nâng cao hiểu biết, đáp ứng đời sống tinh thần của nhân loại. Sách là vật gối đầu giường của con người. Mỗi khi mở một cuốn sách ra thì con người như lạc vào một thế giới bao la, vô tận của thiên nhiên, lịch sử và con người như được du hành trên vũ trụ. Nhân loại có thể tìm thấy cả một chân trời tri thức thông qua sách như: khoa học, giáo dục, chính trị, văn hoá, y học… Sách đem đến cho nhân loại biết bao điều kì thú, hấp dẫn. Sách là hành trang cần thiết không thể thiểu để con ngươi sống tốt, sống thực sự có ý nghĩa. Đồng thời sách còn góp phần đặc biệt quan trong để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ. Nghề phát hành sách cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho xã hội. Chỉ có thể nhận thức đúng vai trò của sách trong đời sống thì chúng ta mới trân trọng những quyển sách giống như sự trân trọng của nhân vặt ông giáo trong tác phẩm "Lão Hạc" của Nam Cao. Ông giáo dù bị gánh nặng cơm áo ghì sát đất cũng nhất định không chịu bán những cuốn sách. Đến cùng đường ông giáo phải bán đi những quyển sách quý trong sự dằn vặt đau đớn. Thế mới biết sách có tầm quan trọng như thế nào đối với con người. Hãy nâng niu trân trọng những cuốn sách như chính sự sống của mình vậy!
 
Thử hỏi xã hội loài người làm sao có thể mở rộng tầm hiểu biết nếu không có những cuốn sách? Chỉ có thể qua sách vở con người mới được thoả sức tìm tòi, nghiên cứu và phát minh ra những cái vĩ đại như tên lửa hạt nhân, tàu vũ trụ…. Sách vở đem đến cho con người vốn hiểu biết vô tận. Đó không chỉ là những hiểu biết của hiện tại hay tương lai mà đáng quý hơn cả còn là những hiểu biết trong quá khứ. Những sự kiện xảy ra cách đây hàng mấy ngàn năm, tưởng chừng bị thời gian băng hoại, xoá nhòa, vùi lấp, nhưng trái lại nhờ những dòng chữ, những trang sách mà cả một kho kiến thức được hiển hiện, lung linh toả sáng, thu hút sự tìm tòi phát hiện của con người. Mỗi trang sách mở ra là một trang đời với biết bao ý nghĩa sâu xa làm rung động bao trái tim độc giả.
 
Vai trò của sách ngày càng được nâng lên ở tầm vĩ mô bởi chỉ có chữ viết trên những trang sách mới có thể lưu giữ được tất cả những tinh hoa được chắt lọc từ cuộc sống nhân loại. Từ những vấn đề lớn lao như nguồn gốc vạn vật trong vũ trụ, nguồn gốc loài người, những phát minh vĩ đại trong khoa học tự nhiên… cho đến diện mạo tinh thần của thế giới hay của từng dân tộc đều được lưu lại trong sách vở. Cho nên, sách được đánh giá là kho tàng kiến thức phong phú và quý giá nhất của nhân loại.
 
Thật đáng quý biết bao khi sách không chỉ mang đến cho con người nguồn tri thức vô tận mà còn là phương tiện giao lưu rất hữu ích giữa các dân tộc trên thế giới. Qua sách mà các tác phẩm nỗi tiếng cũng như tên tuổi của các tác giả nổi tiếng ở khắp nơi trên thế giới đều được đông đảo độc giả trên toàn thế giới đón nhận một cách nồng nhiệt. Ngày nay chúng ta biết đến L.Tônxtôi với “Chiến tranh và hoà bình", biết đến M.Sôlôkhôp với "Song Đông êm đềm" hay biết đến sử thi Hi Lạp… cũng nhờ có sách. Những cuốn sách ấy mở ra cho nhân loại một chân trời mới, giúp chúng ta hình dung ra sự phong phú, độc đáo của tất cả các lĩnh vực trên thế giới. Ẩn đằng sau mỗi hàng chữ của mỗi trang sách có biết bao điều kì diệu làm mê hoặc lòng người.
 
Trong điều kiện sống hiện nay, không phải ai cũng đủ điều kiện để thực hiện những chuyến du lịch vòng quanh thế giới. Do đó chúng ta cần tận dụng khả năng và sự đáp ứng tuyệt vời của sách. Những trang giấy mỏng manh kia đủ sức đưa bạn vượt trùng dương đến với những xứ sở kì lạ của những kim tự tháp Ai Cập cổ xưa, những đền đài kiến trúc lộng lẫy ở châu Âu, Vạn Lí Trường Thành hùng vĩ ở Trung Quốc và những cảnh quan tuyệt vời mà tạo hoá ban tặng cho con người. Nào mời các bạn cùng tôi đi vào vũ trụ bao la chứa bao điều bí ẩn hay ngụp lặn dưới lòng đại dương qua những trang sách để tìm thấy cái nôi của sự sống. Chắc chăn bạn và tôi sẽ có những ấn tượng sâu sắc chẳng thể nào quên. Tôi tin rằng sách sẽ chắp đôi cánh khổng lồ cho trí tưởng tượng của nhân loại bay cao bay xa.
 
Sách còn là chiếc cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của nhân loại nói chung và của từng dân tộc nói riêng. Nhờ sách mà chúng ta hiểu được lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của tổ tiên, hiểu được nguyên nhân nào đem lại sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược của một dân tộc nhỏ bé như dân tộc ta. Có thể nói, mọi tinh hoa của đời sống vật chất, đời sống tinh thần của dân tộc Việt đều được phản ánh trong từng trang sách. Từ những hiểu biết do sách đem lại, chúng ta thêm tự hào và có ý thức sống sao cho xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của ông cha ta.
 
Trong điều kiện xã hội loài người phát triển, các phương tiện truyền thông hiện đại như đài, ti vi, internet,..rất phát triển. Song sách vẫn là phương tiện truyền thông phổ biến và cần thiết đối với nhân loại. Đặc biệt đối với lứa tuổi thanh niên Việt Nam hiện nay thì những cuốn sách như: "Mãi mãi tuổi 20", "Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm"… trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Tôi chắc hẳn bất cứ ai khi đọc những trang sách ấy cũng đều phải nghẹn ngào xúc động. Để rồi từ đó trong mỗi người chúng ta đều phải sống có trách nhiệm với mình và với xã hội. Như vậy sách còn có vai trò hoàn thiện nhân cách con người và đưa con người đạt tới đỉnh cao của cái chân – thiện – mĩ. Có thể nói vai trò to lớn của sách đối với đời sống nhân loại thì bất cứ một phương tiện nào cũng không thể thay thế được. Tất cả những lợi ích do sách đem lại là sự thật hiển nhiên mà ai cũng phải công nhận. Sách góp phần quan trọng vào cuộc sống con người trong hiện tại và tương lai.
 
Chúng ta cần khai thác và phát huy triệt để vai trò của sách. Tuy nhiên, chúng ta cần tỉnh táo, sáng suốt để nhận biết và loại bỏ lập tức những cuốn sách mang tính chất đồi trụy do một số phần tử xấu nào đó tạo ra. Cần tránh xa những cuốn sách xấu chứa đựng nội dung độc hại, làm suy thoái đạo đức khiến nhận thức của người đọc trở nên sai lầm lệch lạc. Bời vậy, vấn đề đặt ra đối với độc giả trong muôn ngàn loại sách là chúng ta phải biết lựa chọn những cuốn sách tốt có giá trị nội dung và nghệ thuật. Chúng ta cần phải tự nghiêm khắc đối với mình trong việc tiếp nhận sách. Đó là tiếp nhận sách một cách có chọn lọc.
 
Sách là hành trang không thể thiếu đối với mỗi con người. Đọc sách vừa là một công việc cần thiết suốt cuộc đời của mỗi chúng ta, vừa là một thú vui lành mạnh. Sách là giá trị tinh thần không thể thiếu trong đời sống nhân loại. Có được một cuốn sách tốt là ta có thêm một người bạn tốt. Tất cả mọi người trên thế giới hãy tự lựa chọn cho mình những người bạn đồng hành thật tin cậy để cùng nhau tiếp bước đến một tương lai rạng ngời.
 
Bài làm 3
 
Ngày nay, cả nhân loại đang trên đường hướng đến một xã hội học tập. Vì vậy, sách trở thành một phương tiện quan trọng để con người đến với tri thức. Càng ngày sách càng cho chúng ta thấy tầm quan trọng của mình với đời sống nhân loại.
 
Con người lưu lại vào sách những suy nghĩ tâm tư, tình cảm của mình về những vấn đề trong cuộc sống: khoa học, nghệ thuật, đời sống,… Sách được phân loại chảng những theo thể loại, lĩnh vực mà còn theo độ tuổi, sở thích của từng đối tượng. Sách được in với nhiều thứ tiếng, nhiều ngôn ngữ khác nhau và có thể mang đến bất kì đâu trên thế giới.
 
Sách có một vai trò rất quan trọng đối với việc mở rộng hiểu biết của con người và từ đó góp phần phát triển thế giới. Sách lưu giữ những thông tin, những giá trị vật chất và tinh thần của nhân loại. Như vậy, sách chứa đựng toàn bộ những giá trị nhân loại trong quá khứ cũng như trong hiện tại, để các thế hệ sau tiếp nối và phát triển. Những phát minh của người Ai Cập, Hi Lạp cổ đại,… những phát minh của các nhà bác học lỗi lạc,… tất cả được lưu lại trong những mảnh da, những mai rùa hay những trang giấy trắng… đều đã trở thành tài sản vô giá của nhân loại.
 
Sách không chỉ dùng để luu trữ những giá trị đời sống mà sách còn cung cấp tri thức cho con người. Nhà văn M. Gorki đã nói: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Nhờ có sách mà con người thật sự người hơn. Sách cho ta những tri thức cần thiết trong học tập, trong công việc và trong đời sống. Ông cha ta từng dạy: “Một kho vàng không bằng một nang sách”, sách không chỉ là một kho kiến thức vô tận mà còn là của kho vô tận. Sách đã trở nên vô giá với nhân loại. Những phát minh của Ê-đi-sơn, Niu-tơn,… nhờ được lưu giữ lại trong sách mà thế hệ sau có thể hiểu được những gì cha ông đâ làm được từ đó kế thừa và tiếp tục phát triển những lĩnh vực khác.
 
Bên cạnh đó, sách còn giúp con người giao lưu với thế giới bên ngoài. Khi viết sách, người viết đã gửi gắm những kinh nghiệm, tâm tư, tình cảm,… của mình vào những trang giấy. Một quyển sách dù mỏng hay dày đều chất chứa bao nỗi lòng của tác giả. Không chỉ thế, khi đọc sách người đọc cũng bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Đó chính là những vui, buồn, hờn giận hay căm ghét, bực bội… mà cảm xúc của ta hướng đến khi đọc những câu chuyện, những trang thơ.
 
Đặc biệt, sách còn có tác dụng lớn đối với việc giáo dục. Đó là giáo dục tình cảm, đạo đức, giáo dục ý thức thẩm mĩ,… Sách văn chương cho ta những tình cảm yêu thương con người, cho ta những kiến thức về thẩm mĩ,… như những bài ca dao, những tác phẩm văn học (“Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm,…). Sách đời sống lại cho ta những bài học đạo đức giá trị như câu chuyện “Cô bé bán diêm”, “Chiếc lá cuối cùng” của O. Hen-ri,..
 
Khi đọc sách, chúng ta cần chú ý lựa chọn loại sách phù hợp với bản thân. Đó là sự phù hợp về lứa tuổi, về nhu cầu phát triển, thẩm mĩ. Trong quá trình đọc, cần có sự chuyên tâm và tập trung để đạt hiệu quả lớn nhất. Sách giữ một vai trò quan trọng trong đời sống nhân loại. Nhờ có sách nhân loại mới tiến lên, xã hội mới phát triển. Với biết bao ích lợi từ việc đọc sách, mỗi người chúng ta đặc biệt là những người trẻ tuổi cần biết chăm chỉ, chuyên tâm vào việc đọc sách.  

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top