Bài làm 1
Cuộc sống luôn được gieo trồng từ những điều nhỏ bé. Niềm vui hôm nay nảy mầm từ câu chuyện vui ngày hôm qua, tri thức hiện tại được gieo trồng từ quá trình học tập trong quá khứ, tri thức ấy lại là nguồn gốc của hạnh phúc. Cứ thế, học tập là hạt mầm xanh tươi trong cuộc sống mỗi người. Nhắc tới quá trình học tập của các em học sinh, trong buổi lễ khai giảng năm học 2015 – 2016 tại trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, thầy giáo Văn Như Cương từng dặn dò: Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là những vùng biển gần bờ mà thôi.
Học tập là quá trình tìm hiểu, khám phá, chiếm lĩnh những chân trời tri thức. Tri thức ấy không chỉ là những kiến thức khoa học kĩ thuật mà còn là những tri thức văn hóa xã hội đã tồn tại hàng nghìn năm trên những quốc gia khác nhau, là tri thức để con người có thể chung sống cùng nhau trong hòa bình, tiến bộ, văn minh. Với kho tàng tri thức kì vĩ và không ngừng tăng lên theo cấp số nhân của loài người, biển học quả thực là mênh mông. Việc học không chỉ trong mười hai năm đèn sách mà còn kéo dài cả cuộc đời, việc học có thể liên tục hoặc gián đoạn tùy cá nhân, tùy hoàn cảnh. Tuy nhiên, điều mà việc học hướng tới chính là phục vụ cuộc sống, giúp con người thành đạt, hạnh phúc, được là mình và khẳng định chính mình. Cũng như UNESCO đã khẳng định về mục đích của việc học: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình. Như vậy, gieo trồng học tập để thu hoạch kiến thức chỉ là mục đích gần nhất của việc học, quan trọng hơn là dùng những kiến thức ấy để áp dụng vào cuộc sống thực tiễn để lao động, sản xuất, cống hiến hiệu quả. Những tri thức ấy cũng cần được áp dụng trong đối nhân xử thế mỗi ngày để con người có thể “chung sống” với nhau trong yêu thương, đùm bọc. Có làm được ba điều ấy ta mới có thể khẳng định bản thân mình giữa hơn bảy tỉ người trên hành tinh.
Trong quá trình học tập ấy, “sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là những vùng biển gần bờ”. “Vùng biển gần bờ” là vùng biển gần với đất liền, an toàn hơn và cũng nghèo nàn tài nguyên hơn so với những vùng biển xa bờ. Tri thức sách vở cũng vậy, đó chỉ là một phần nhỏ bé và dễ nhận ra trong biển tri thức giàu có, trù phú và không phải lúc nào cũng dễ nhận ra. Nếu chỉ quẩn quanh trong vùng biển gần bờ sẽ không thể thấy hết được vẻ đẹp bao la của biển cả mênh mông, không thể lĩnh hội nhiều kiến thức không có trong sách vở, những bài học của cuộc đời phức tạp và biết bao nhiêu cơ hội ẩn chứa phía xa. Muốn thấu hiểu cuộc sống, vươn đến đỉnh cao chúng ta phải đi xa để nhìn rộng hơn. Kiến thức không chỉ nằm im ngay ngắn trên trang sách mà nó vô cùng sống động, linh hoạt, biến hóa và giàu có trong cuộc sống thực tế. Bởi vậy, học cần được hiểu theo nghĩa rộng và bám sát với thực tế cuộc sống.
Lời dặn dò của thầy giáo Văn Như Cương – một người thầy mẫu mực, nhiều tuổi đời và nhiều tuổi nghề là một ý kiến xác đáng và sâu sắc. Thầy đã khẳng định việc học tập tại nhà trường là quan trọng nhưng chưa đủ, nhằm hướng học sinh thấu hiểu học tập là quá trình dài lâu và xa rộng mà không có ranh giới hạn hẹp nào.
Quá trình học trong sách vở ở trường là quan trọng. Trường học cho ta kiến thức nền tảng, tạo điều kiện cho chúng ta trong quá trình nâng cao kiến thức sau này. Đồng thời, quá trình học tập tại trường cũng rèn luyện cho học sinh những kĩ năng cơ bản, đặc biệt là kĩ năng tự học để khi bước chân ra khỏi cổng trường, quá trình ấy không bị đứt đoạn mà ngày càng được mở rộng cả chiều sâu lẫn bề rộng. Hơn thế nữa, thời gian học tập dưới mái trường là khoảng thời gian đẹp nhất của mỗi người. Ở đó có một xã hội thu nhỏ, với những quan hệ bạn bè và rắc rối rất riêng, là nơi để chúng ta cùng nhau học tập, cùng nhau rèn luyện kĩ năng ứng xử, thực hành, vận dụng và cùng nhau trưởng thành.
Quá trình quan trọng nhưng chưa đủ, “những vùng biển xa bờ”, những kiến thức thực tế nằm ngoài trang sách, những bài học đối nhân xử thế… ngoài kia sẽ đem lại cho ta những công cụ và kinh nghiệm quý giá để sống tốt. Sẽ không còn những bài kiểm tra có chấm điểm và xếp hạng, không còn học tập vì điểm cao, vì danh hiệu. Học ở những “vùng biển xa bờ” để trở thành người có ích, để hiểu rõ hơn về mình và về thế giới xung quanh.
Tuy nhiên, việc học ở “những vùng biển xa” cần được định hướng và tạo điều kiện từ trong gia đình và nhà trường. Người Do Thái đã dạy con bằng “tình yêu đống lửa”, là sự nhen nhóm, khích lệ con tự tìm hiểu, khám phá những chân trời mới chứ không theo đuổi sự an toàn, bao bọc, đưa con đến tận chân trời ấy để con ngắm nhìn. Mỗi bậc cha mẹ Do Thái không tự nguyện cũng không biến mình thành quản gia cho con, họ giữ vai trò là những quân sư tốt để trí tuệ của con không phải là trí tuệ chết mà là trí tuệ được ứng dụng, được sống với khả năng, năng lực của chính mình.
“Học gói gọn trong nhà trường” là quan niệm hết sức cũ kĩ, sai lầm. “Chỉ những người đứng trên bục giảng mới là thầy cô” cũng là quan niệm thật hạn hẹp. Để có thể vươn ra vùng biển tri thức xa xôi “những dòng nước lớn”, với “những luồng cá khổng lồ”, “những rặng san hô kì vĩ” của tri thức, chúng ta hãy tự trang bị cho mình một lí tưởng đúng đắn làm “la bàn”, một ý chí làm sức mạnh và một tinh thần ham học hỏi cái mới làm cơn gió cảm hứng ra khơi… Niềm hứng thú chân thành đối với cái mới và những điều tốt đẹp sẽ giúp đánh tan suy nghĩ học tập chỉ để cầm trong tay một tấm bằng tốt nghiệp hay thái độ cầm chừng, mặc cả với việc học hỏi… Ngoài trường lớp, một cuốn sách giản dị có thể giúp ta học hỏi thêm những kiến thức mới; một bác lao công hàng ngày vẫn đi qua khu phố có thể dạy ta bài học về sự hi sinh thầm lặng; cha mẹ có thể dạy ta cách tổ chức cuộc sống sinh hoạt sao cho suôn sẻ ấm áp; người bạn hàng xóm có thể dạy ta cách kết nối với những người xung quanh; một tình huống rủi ro nào đó có thể dạy ta cách xử lí trong lần sau sao cho hiệu quả hơn; thiên nhiên dạy cho ta về sự quan sát… Bất kì ai, bất kì vật gì cũng có thể trở thành người thầy trong đời ta và cho ta hoa trái ngọt ngào của tri thức, kĩ năng và trải nghiệm.
Biển học rộng lớn, bao la với nguồn tri thức vô tận. Giống như ai đó từng nói, cuộc đời vốn là những nấc thang không có điểm dừng và học tập là một cuốn sách không có trang cuối, quan niệm về việc học cần được thay đổi và mở rộng hơn trong cả học sinh, gia đình và toàn xã hội. Nếu chỉ đọc sách mà không có khả năng ứng dụng thì trí tuệ chỉ là trí tuệ chết. Thay đổi nhận thức về việc học nhưng cũng cần biến nó thành hành động và nỗ lực mỗi ngày để chiếm lĩnh tri thức trên lớp, trong sách vở và mở rộng chúng không ngừng… Rèn luyện kĩ năng vận dụng, kĩ năng tự học, kĩ năng ứng xử… để mỗi chúng ta tiếp tục sự học mãi mãi chứ không an tâm dừng lại khi đã có tấm lòng.
Cuộc đời với những biến thiên không ngừng sẽ đưa chúng ta vào những con đường không biết trước. Con đường ấy có thể đứng với lựa chọn, sở thích, ý nguyện của chúng ta nhưng cũng có thể hoàn toàn lạ lẫm. Khi đó, những điều đã học theo nghĩa rộng, ở cả những vùng biển gần và vùng biển xa sẽ là hành trang giúp ta vững vàng bước tới.
Dương Đại Thành
Lớp 11 Anh – THPT chuyên Lê Quý Đôn – TP. Vũng Tàu
Bài làm 2
V Lê – nin từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học “Học, học nữa, học mãi”. Việc học là một quá trình gian nan, vất vả nhưng học ở đây không chỉ là học ở trường học, trong sách vở mà còn mở rộng ở ngoài cuộc sống rộng khắp. Bàn về vấn đề này, PGS. TS Văn Như Cương từng nói “Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là những vùng biển gần bờ mà thôi”. Đây là một nhận định vô cùng sắc sảo và đúng đắn về sự nghiệp học hành của mỗi người.
Thầy Văn Như Cương đã ví sự nghiệp học hành là mênh mông bất tận như đại dương bao la. Trong đó, việc học tập từ sách vở là rất quan trọng. Việc học trong sách vở, học tại trường cung cấp cho ta những kiến thức cơ bản về các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, dạy ta cách tư duy, hiểu biết ở những lĩnh vực chung. Thông qua sách vở, ta có thể nắm bắt được lịch sử của nhân loại, biết được cấu tạo và sự tiến hóa của loài người, nắm được cách tư duy, tính toán trong những lĩnh vực quan trọng… Nhà trường là nơi giáo dục con người đến 20 năm đầu đời. Từ đây các bạn có thể học hỏi được rất nhiều điều, khám phá, sáng tạo được nhiều điều. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một phần kiến thức nhỏ nhoi trong đại dương tri thức mênh mông. Đó mới chỉ là phạm trù kiến thức vô cùng nhỏ bé, hạn hẹp trong đại dương mênh mông rộng lớn. Các bạn vẫn chưa nắm bắt được những tri thức, hiểu biết bất tận ngoài xã hội. Điều đó các bạn sẽ không thể chỉ học trong sách vở mà còn học ngoài cuộc sống, xã hội.
Mỗi khi tiếp xúc với mọi người, chúng ta lại học thêm được nhiều điều trong cách giao tiếp ứng xử, đối nhân xử thế. Khi ra trường đi làm, ta được học nhiều điều trong công tác, làm việc, học được nhiều điều trong cách làm việc, triển khai, sắp xếp công việc. Tục ngữ có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, càng ra bên ngoài, càng đi nhiều, tiếp xúc nhiều thì ta lại càng học hỏi thêm được nhiều điều. Bác Hồ cũng từng nhận định về việc học là “Học ở trường học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân”. Như vậy, việc học là rộng khắp, ngay đến cả những danh nhân, những vị lãnh tụ vĩ đại, những con người tài hoa cũng đều phải vất vả, cật lực tìm hiểu nguồn kiến thức, tri thức trong nhân loại, trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ chứ không phải gò bó trong khuôn khổ sách vở.
Mỗi bạn học sinh cần hiểu và nắm bắt được vai trò và tầm quan trọng của việc học. Không nên cứng nhắc, định nghĩa chỉ cần theo học theo đúng chương trình học ở trường là xong. Nếu các bạn chỉ muốn đối phó với việc học mục đích là để ra được trường, có bằng cấp, đối mặt với bố mẹ thầy cô thì điều đó chỉ khiến các bạn nảy sinh tâm lí chống đối, thái độ học tập vô cùng gượng ép, khô khan không hiệu quả. Các bạn cần ý thức được những gì học trong sách vở chỉ là một phần của cuộc sống nhưng nó đóng một vai trò rất quan trọng. Từ đây, các bạn phải vươn ra những biển trời rộng lớn, chủ động và tích cực học tập từ con người, từ những sự vật, hiện tượng đời sống, từ cuộc sống hàng ngày để trưởng thành về nhân cách và nâng cao tầm hiểu biết của mình.