Câu 1: Nêu một vài thành tựu tiêu biểu thời dựng nước.
Trả lời:
Vào khoảng thế kỉ VII TCN, sau hàng chục vạn năm sinh sống và mở rộng vùng cư trú, các tộc người Việt cổ trên đất Bắc Việt Nam đã hợp nhất lại, dựng nên quốc gia đầu tiên : Văn Lang và sau đó là Âu Lạc. Một nền văn minh lúa nước hình thành với nhiều thành tựu văn hoá đặc sắc.
Đầu thế kỉ II TCN, Âu Lạc rơi vào ách đô hộ của các triều đại phương Bắc và phải trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc trong đấu tranh kiên cường để tự giải phóng và gìn giữ nền văn hoá của tổ tiên.
Trong khoảng những thế kỉ đầu Công nguyên, ở Nam Trung Bộ ngày nay, quốc gia Lâm Ấp – Cham-pa ra đời và phát triển ; ở vùng Tây Nam Bộ, quốc gia Phù Nam hình thành. Tuy nhiên, trong lúc Cham-pa phát triển dưới chế độ quân chủ với một nền văn minh độc đáo, mang nặng ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ thì vào thế kỉ VI, quốc gia Phù Nam suy sụp.
Câu 2: Nhà nước phong kiến Đại Việt được hoàn chỉnh vào thời nào ? Vẽ sơ đồ nhà nước đó
Trả lời:
Đầu thế kỉ X, người Việt lật đổ được chế độ đô hộ của nhà Đường, giành lại quyền tự chủ, độc lập. Năm 968, quốc hiệu Đại Cồ Việt được xác định. Tiến thêm một bước, năm 1054, quốc hiệu được đổi thành Đại Việt và chính thức trở thành tên nước từ đó cho đến cuối thế kỉ XVIII.
Nhà nước quân chủ ra đời, từng bước được sửa đổi và đến cuối thế kỉ XV thì hoàn chỉnh từ triều đình trung ương đóng ở Thăng Long (kinh đô của đất nước)- đến các địa phương. Xã là đơn vị hành chính cơ sở.
Câu 3: Nêu tên và sự nghiệp một số anh hùng dân tộc trong sự nghiệp giữ nước.
Trả lời:
Trần Nhân Tông: Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông, nguyên là vị vua thứ ba của triều Trần, tên húy là Khâm, sinh ngày 11/11/1258, là trưởng nam của vua Trần Thánh Tông. Sử cũ chép rằng, khi mới cất tiếng khóc chào đời, thái tử Trần Khâm đã lộ rõ tướng là người phi phàm, nói theo lời của sách Đại Việt sử ký toàn thư, “tinh anh thánh nhân, thuần tuý đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng”.
Lên ngôi năm 21 tuổi, Trần Nhân Tông đã cùng vua cha cầm quân hai lần đánh thắng kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất thời đó (vào năm 1285 và 1288) và có nhiều đóng góp trong việc mở mang và củng cố bờ cõi về phía Tây và phía Nam. Ông là người không bao giờ chủ quan với vốn kiến thức thu lượm được trong cuộc đời không ít biến cố và thử thách và cho tới hơi thở cuối cùng vẫn tràn trề ham muốn thế thiên hành đạo để tôn vinh cái thiện và lòng nhân.
Năm 1293, sau khi xã tắc hai phen chồn ngựa đá, non sông một thuở vững âu vàng, Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con và lui về đất cũ Thiên Trường, dành thời gian chủ yếu để chuyên chú nghiên cứu đạo Phật. Tháng 8/1299, Trần Nhân Tông xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh ở ngọn Tử Tiêu, pháp hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, tự là Trúc Lâm Đại Sĩ.
Trần Nhân Tông đã có những đóng góp xuất sắc vào lịch sử chống ngoại xâm, xây dựng đất nước, phát triển tư tưởng Phật giáo dân tộc và là một trong những tác giả đi đầu trong việc sáng tác thơ phú bằng chữ Hán và chữ Nôm. Với tầm vóc danh nhân văn hóa, hình ảnh Trần Nhân Tông đã tỏa sáng trên tư cách một vị hoàng đế sáng suốt, vị thuỷ tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và để lại những áng thi ca thấm đậm lẽ đạo tình đời. Trần Nhân Tông đã về cõi tây phương cực lạc năm 1308, nghiệm sinh đúng nửa thế kỷ trên cõi đời.