Trang chủ » Trả lời câu hỏi: Bài 32. Bệnh truyền nhiễm và miễn dịch

Trả lời câu hỏi: Bài 32. Bệnh truyền nhiễm và miễn dịch

Bài 1: Thế nào là bệnh truyền nhiễm? Vi sinh vật gây bệnh có thể lan truyền theo các con đường nào?

Lời giải:

Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây từ cá thể này sang cá thể khác.

Tùy theo tác nhân gây bệnh mà có thể lan truyền theo các con đường khác nhau, có thể lan truyền theo các con đường:

  • Lây qua đường tiêu hóa: qua thức ăn, nước uống,…
  • Lây qua đường hô hấp: vi sinh vật gây bệnh lơ lửng trong không khí, đi vào cơ thể qua hô hấp.
  • Lây qua đường sinh dục: quan hệ tình dục không an toàn.
  • Qua các vết xước ở da, niêm mạc: vi sinh vật gây bệnh thông qua các vết xước để vào cơ thể.

Bài 2: Thế nào là miễn dịch đặc hiệu, miễn dịch không đặc hiệu?

Lời giải:

Miễn dịch không đặc hiệu:

  • Là miễn dịch tự nhiên mang tính bẩm sinh, không đòi hỏi phải tiếp xúc trực tiếp với kháng nguyên.
  • Bao gồm các hàng rào bảo vệ các cơ quan:
    • Da, niêm mạc: ngăn không cho vi sinh vật xâm nhập.
    • Dịch vị: dịch dạ dày có pH axit phá hủy vi sinh vật mẫn cảm với axit, dịch mật phá hủy lớp vỏ lipit kép của vi sinh vật.
    • Hệ thống lông, lông nhung lót đường hô hấp: cản trở vi sinh vật thâm nhập
    • Đại thực bào, bạch cầu trung tính: bắt tất cả vật thể lạ xâm nhập cơ thể.

Miễn dịch đặc hiệu:

  • Là miễn dịch xảy ra khi có kháng nguyên xâm nhập.
  • Gồm 2 loại: miễn dịch thể dịch và miễn dịch tế bào.

Bài 3: Hãy phân biệt miễn dịch thể dịch và miễn dịch tế bào.

Lời giải:

Phân biệt miễn dịch thể dịch và miễn dịch tế bào:

* Miễn dịch thể dịch:

  • Là miễn dịch sản xuất ra kháng thể, kháng thể nằm trong dịch cơ thể.
  • Kháng nguyên là chất lạ, thường là prôtêin có khả năng kích thích cơ thể tạo đáp ứng miễn dịch.
  • Kháng thể là prôtêin được sản xuất ra để đáp lại sự xâm nhập của kháng nguyên lạ.
  • Kháng nguyên phản ứng đặc hiệu với kháng thể khớp với nhau như khóa với chìa. Kháng nguyên chỉ phản ứng với loại kháng thể mà nó kích thích tạo thành.

* Miễn dịch tế bào:

  • Là miễn dịch có sự tham gia của các tế bào T độc .
  • Tế bào T độc phát hiện tế bào bị nhiễm virut và tiêm chất độc làm chết tế bào nhiễm, khiến virut không thể nhân lên.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top