Trang chủ » Trả lời câu hỏi: Bài 33. Hoàn thành cách mạng tư sản ở châu Âu và Mĩ giữa thế kỉ XIX

Trả lời câu hỏi: Bài 33. Hoàn thành cách mạng tư sản ở châu Âu và Mĩ giữa thế kỉ XIX

Câu 1: Hãy trình bày những nét lớn về tình hình nước Đức giữa thế kỉ XIX

Trả lời:

+ Giữa thế kỉ XIX, Đức từ một nước nông nghiệp đã trở thành nước công nghiệp. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa bị kìm hãm bởi tình trạng chia cắt thành nhiều vương quốc. Vấn đề thống nhất đất nước đặt ra vô cùng cấp thiết.
+ Bộ phận quý tộc quân phiệt Phổ, đặc biệt là Bi-xmác, được sự ủng hộ của giai cấp tư sản đã thông qua chiến tranh để thống nhất đất nước :Chiến tranh với Đan Mạch năm 1864.
Chiến tranh với Áo năm 1866.
Chiến tranh với Pháp năm 1871.
+ Đầu năm 1871, Đức hoàn thành việc thống nhất đất nước, thành lập Đế chế Đức.
+ Tháng 4 -1871, Hiến pháp mới được ban hành, nước Đức là một liên banq gồm 22 bang và 3 thành phố tự do. Vai trò của quý tộc quân phiệt Phố được củng cố.
– Việc thống nhất nước Đức mang tính chất là một cuộc cách mạng tư sản, tạo điều kiện cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ ở Đức.

Câu 2: Dựa vào lược đồ, trình bày diễn biến chính của quá trình thống nhất Đức

Trả lời:

Vấn đề thống nhất đất nước ngày càng trở thành yêu cầu cấp thiết.
Bộ phận quý tộc quân phiệt Phổ đại diện là Bi-xmác, được sự ủng hộ của giai cấp tư sản đã dùng vũ lực để thống nhất đất nước bằng ba cuộc chiến tranh với các nước láng giềng : chống Đan Mạch (1864), chống Áo (1866) và chống Pháp (1870 – 1871). Do thắng lợi, năm 1867, Liên bang Bắc Đức ra đời, bao gồm 18 quốc gia ở Bắc Đức và 3 thành phố tự do. Hiến pháp Đức được thông qua, thừa nhận quyền lực tối cao thuộc về vua Phổ và hạn chế vai trò của Quốc hội.
Với sự thất bại của Pháp trong cuộc chiến tranh Pháp — Phổ (1870 – 1871), Bi-xmác đã gạt được ảnh hưởng của Pháp, thu phục các bang miền Nam, hoàn thành việc thống nhất đất nước.
Ngày 18 – 1 – 1871, lễ thành lập Đế chế Đức được tổ chức tại Cung điện Véc-xai (Pháp). Vua Phổ Vin-hem I chính thức lên ngôi Hoàng đế. Bi-xmác trở thành Thủ tướng nước Đức. Tháng 4-1871, Hiến pháp mới được ban hành, quy định nước Đức là một liên bang gồm 22 bang và 3 thành phố tự do, củng cố vai trò của quý tộc quân phiệt Phổ.
Như vậy, việc thống nhất nước Đức mang tính chất một cuộc cách mạng tư sản, tạo điều kiện cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ ở Đức.

Câu 3: Kết hợp lược đồ, hãy trình bày diễn biến chính quá trình thống nhất I-ta-li-a

Trả lời:

Giai cấp tư sản ở các vương quốc trên bán đảo I-ta-li-a đều muốn dựa vào Pi-ê-môn-tê để loại bỏ thế lực của Áo, thực hiện việc thống nhất I-ta-li-a. Bá tước Ca-vua – Thủ tướng Pi-ê-môn-tê, chủ trương dùng chiến tranh để thành lập nước I-ta-li-a thống nhất dưới sự lãnh đạo của Vương triều Xa-voa.
Tháng 4 – 1859, Ca-vua liên minh với Pháp tiến hành chiến tranh với Áo. Trong khi chiến sự đang diễn ra, quần chúng ở các vương quốc thuộc miền Trung I-ta-li-a đã nổi dậy khởi nghĩa. Bọn phong kiến thống trị ở đây phải chạy sang Áo. Liên quân Pi-ê-môn-tê – Pháp, được sự hỗ trợ của đoàn quân tình nguyện Ga-ri-ban-đi, đã đẩy quân Áo vào tình thế vô cùng khó khăn. Tháng 3 – 1860, các vương quốc trên sáp nhập vào Pi-ê-môn-tê.
Tháng 4 – 1860, phong trào khởi nghĩa của nhân dân ở đảo Xi-xi-li-a (miền Nam I-ta-li-a) bùng nổ đòi lật đổ chính quyền tay sai đế quốc Áo và thống nhất đất nước. Ga-ri-ban-đi đem quân xuống giúp nhân dân Nam I-ta-li-a. Đội quân “Áo đỏ” hơn 1000 người do Ga-ri-ban-đi chỉ huy đã rời Giê-nô-va, vượt biển đổ bộ lên đảo Xi-xi-li-a.
Chỉ trong một thời gian ngắn, khoảng 4000 nông dân xin gia nhập đội quân “Áo đỏ” đã tiến vào thủ đô Na-pô-li, giải phóng toàn bộ miền Nam l-ta-li-a. Một chính quyền mới được thành lập do Ga-ri-ban-đi làm Chấp chính, những chính sách dân chủ được ban hành : chia đất công cho nông dân, những đặc quyền phong kiến bị bãi bỏ…
Sau đó, miền Nam I-ta-li-a được sáp nhập vào Pi-ê-môn-tê (10-1860), thành lập Vương quốc I-ta-li-a. Vua Pi-ê-môn-tê là Em-ma-nu-en II được tôn làm Quốc vương, Bá tước Ca-vua làm Thủ tướng.

Cuộc đấu tranh thống nhất I-ta-li-a mang tính chất một cuộc cách mạng tư sản, lật đổ sự thống trị của đế quốc Áo và các thế lực phong kiến bảo thủ I-ta-li-a, tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản phát triển.

Câu 4: Cách mạng công nghiệp đem lại những hệ quả gì ?

Trả lời:

– Cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi bộ mặt của các nước tư bản : nhiều trung tâm công nghiệp mới và thành thị đông dân xuất hiện. Sản xuất bằng máy đã nâng cao năng suất lao động và ngày càng xã hội hoá quá trình lao động của chủ nghĩa tư bản.
– Cách mạng công nghiệp cũng góp phần thúc đẩy những chuyển biến mạnh mẽ trong các ngành kinh tế khác, đặc biệt là nông nghiệp và giao thông vận tải. Nhu cầu công nghiệp hoá khiến nông nghiệp nhanh chóng chuyển sang phương thức chuyên canh hoặc thâm canh, đồng thời quá trình cơ giới hoá nông nghiệp góp phần giải phóng nông dân, bổ sung lực lượng lao động cho thành phố.
– Hai giai cấp cơ bản của xã hội được hình thành – tư sản công nghiệp và vô sản công nghiệp. Sự tăng cường bóc lột công nhân của giai cấp tư sản làm cho mâu thuẫn trong xã hội tư bản và cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản không ngừng tăng lên.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top