Câu 1: Trình bày hoạt động bước đầu của Lê-nin trong phong trào công nhân Nga
Trả lời:
Mùa thu 1895. Lê-nin thống nhất các nhóm mácxít ở Xanh Pê-téc-bua thành một tổ chức chính trị, lấy tên là Liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân. Đó là mầm mống của Đảng mácxít cách mạng.
Năm 1898, tại Min-xcơ, Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga tuyên bố thành lập nhưng không hoạt động được vì ngay sau đó các thành viên đều bị bắt.
Do tham gia hoạt động cách mạng chống chế độ Nga hoàng, Lê-nin bị bắt và bị đày đi Xi-bia. Năm 1900, hết hạn đày, ông cùng các đồng chí của mình xuất bản báo Tia lửa nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác trong phong trào công nhân Nga. Năm 1903, Đại hội Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga được triệu tập ở Luân Đôn dưới sự chủ trì của Lê-nin để bàn về cương lĩnh và điều lệ của Đảng.
Tại Đại hội, đa số đại biểu tán thành đường lối cách mạng của Lê-nin nên gọi là phái Bônsêvích, còn thiểu số theo khuynh hướng cơ hội, chống lại Lê-nin nên gọi là phái Mensêvích.
Trong thời gian này, Lê-nin viết nhiều tác phẩm quan trọng nhằm phê phán sâu sắc những quan điểm của chủ nghĩa cơ hội, đồng thời khẳng định vai trò của giai cấp công nhân và Đảng tiên phong của lực lượng này ; nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc đấu tranh chính trị trong sự nghiệp giải phóng người lao động.
Câu 2: Nêu tính chất và ý nghĩa lịch sử của cách mạng 1905 – 1907 ở Nga
Trả lời:
Cách mạng 1905 – 1907 là cuộc cách mạng dân chủ tư sản đầu tiên do giai cấp vô sản lãnh đạo trong thời kì đế quốc chủ nghĩa. Tuy thất bại những ý nghĩa của cách mạng thật lớn lao. Cách mạng đã phát động các giai cấp bị bóc lột và các đàn tộc bị áp bức trong đế quốc Nga đứng lên đấu tranh, làm lung lay chế độ Nga hoàng. Cuộc cách mạng Nga đã dấy lên một cao trào đấu tranh của giai cấp vô sản trong các nước đế quốc và thúc đẩy sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông vào đầu thế kỉ XX.
Câu 3: Vai trò của Lê-nin đối với phong trào công nhân Nga cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX
Trả lời:
– Tham gia phong trào công nhân và thành lập chính đảng vô sản :
+ Lê-nin sinh ra trong một gia đình nhà giáo tiến bộ, giác ngộ cách mạng sớm và tham gia hoạt động từ khi còn ở trường trung học. Năm 1893, Lê-nin tới Xanh Pê-téc-bua và trở thành người đứng đầu một nhóm mácxít ở đây.
+ Năm 1895, Lê-nin thống nhất các nhóm mácxít ở Xanh Pê-téc-bua thành một tổ chức chính trị, lấy tên là Liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân. Đó là mầm mống của Đảng mácxít cách mạng.
+ Năm 1898, Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga tuyên bố thành lập.
+ Năm 1903, Đại hội đảng công nhân xã hội dân chủ Nga được triệu tập ở Luân Đôn dưới sự chủ trì của Lê-nin để bàn về cương lĩnh và điều lệ Đảng.
– Đấu tranh bảo vệ học thuyết Mác :
+ Năm 1900, Lê-nin cùng các đồng chí của mình xuất bản báo “Tia lửa” nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác trong phong trào công nhân Nga.
+ Lê-nin viết nhiều tác phẩm quan trọng nhằm phê phán sâu sắc những quan điểm của chủ nghĩa cơ hội, đồng thời khẳng định vai trò của giai cấp công nhân và Đảng tiên phong của lực lượng này ; nhấn mạnh tầm quan trọng của đấu tranh chính trị trong sự nghiệp giải phóng người lao động.