Bài 1: (trang 104 SGK Sinh 8)
Hãy giải thích vì sao nói thực chất quá trình trao đổi chất là sự chuyển hóa vật chất và năng lượng?
Đáp án và hướng dẫn giải bài 1:
Chuyển hóa vật chất và năng lượng ở tế bào bao gồm quá trình tổng hợp các sản phẩm đặc trưng cho tế bào của cơ thể, tiến hành song song với quá trình dị hóa để giải phóng năng lượng cung cấp cho các hoạt động sống.
Trao đổi chất và chuyển hóa vật chất và năng lượng liên quan chặt chẽ với nhau.
Bài 2: (trang 104 SGK Sinh 8)
Vì sao nói chuyển hóa vật chất và năng lượng là đặc trưng cơ bản của sự sống?
Đáp án và hướng dẫn giải bài 2:
Mọi hoạt động sống của cơ thể đều cần năng lượng, năng lượng được giải phóng từ quá trình chuyển hóa. Nếu không có chuyển hóa thì không có hoạt động sống.
Bài 3: (trang 104 SGK Sinh 8)
Hãy nêu sự khác biệt giữa đồng hóa và tiêu hóa, giữa dị hóa với bài tiết?
Đáp án và hướng dẫn giải bài 3:
Sự khác nhau giữa đồng hóa với tiêu hóa và dị hóa với bài tiết là:
Đồng hóa: – Tổng hợp chất đặc trưng – Tích lũy năng lượng ở các liên kết hóa học | Tiêu hóa: Lấy thức ăn biến đổi thành chất dinh dưỡng hấp thụ vào máu. |
Dị hóa: – Phân giải chất đặc trưng thành chất đơn giản – Bẻ gãy liên kết hóa học giải phóng năng lượng. | Bài tiết: Thải các sản phẩm phân hủy và sản phẩm thừa ra môi trường ngoài như phân, nước tiểu, mồ hôi, CO2. |
Xảy ra ở tế bào | Xảy ra ở các cơ quan |
Bài 4*: (trang 104 SGK Sinh 8)
Giải thích mối quan hệ qua lại giữa đồng hóa và dị hóa?
Đáp án và hướng dẫn giải bài 4:
Sự chuyển hóa vật chất và năng lượng ở tế bào bao gồm hai quá trình mâu thuẫn, đối nghịch nhau là đồng hóa và dị hóa.
Đồng hóa là quá trình biến đổi chất dinh dưỡng do môi trường trong cung cấp thành sản phẩm đặc trưng của tế bào. Đó chính là sự tổng hợp chất của tế bào. Trong quá trình đó, năng lượng được tích lũy dưới dạng các liên kết hóa học của vật chất trong tế bào.
Dị hóa là quá trình phân giải các chất được tích lũy trong tế bào để giải phóng năng lượng cung cấp cho các hoạt động sống của tế bào. Sự dị hóa tạo ra các sản phẩm phân hủy và khí CO2.
Đồng hóa và dị hóa tuy trái ngược nhau song gắn bó chặt chẽ với nhau.