Giải bài tập Lịch sử lớp 8 trang 120 SGK: – Nêu những nét cơ bản của tình hình Việt Nam sau năm 1867.
Trả lời:
– Thực dân Pháp củng cố bộ máy cai trị của chúng ở Nam Kì, đẩy mạnh cướp đoạt ruộng đất, bóc lột nhân dân Nam Kì, mở trường đào tạo tay sai…Chuẩn bị cho việc đánh chiếm Bắc Kì.
– Trong khi đó, triều đình Huế ngày càng bi đát, kinh tế khó khăn, thiên tai mất mùa, tài chính thiếu hụt, chính sách bế quan tỏa cảng vẫn được duy trì.
– Khởi nghĩa của nhân dân nổ ra ở nhiều nơi.
=> Tình hình đó tạo điều kiện cho Pháp thực hiện mưu đồ mở rộng chiếm đóng Bắc Kì.
Giải bài tập Lịch sử lớp 8 trang 120 SGK: – Thực dân Pháp đã tiến hành kế hoạch đánh chiếm Bắc Kì như thế nào?
Trả lời:
– Cuối năm 1872, chúng cho lái buôn Đuy-buy gây rối ở Hà Nội, nhằm tạo cơ hội cho Pháp can thiệp sâu vào vấn đề Bắc Kì.
– Lấy cớ giải quyết vụ Đuy-buy, Gác-ni-ê đưa hơn 200 quân Pháp ra Bắc. Nhưng thực chất, đây là việc làm nằm trong kế hoạch đánh chiếm Bắc Kì của thực dân Pháp.
– Sau đó, Pháp cho quân đánh thành Hà Nội 20-11-1873. Sau khi chiếm được thành, chúng cho quân đánh chiếm các tình Hưng Yên, Phủ Lý, Hải Dương, Ninh Bình và Nam Định.
Giải bài tập Lịch sử lớp 8 trang 120 SGK: – Tại sao quân triều đình ở Hà Nội đông mà vẫn không thắng được giặc?
Trả lời:
Quân triều đình đông nhưng trang bị vũ khí thô sơ, triều đình không tổ chức cho nhân dân kháng chiến. Vì vậy, cuộc chiến đấu do Nguyễn Tri Phương chỉ huy không bảo vệ được thành vì diễn ra đơn lẻ không có sự hỗ trợ của các nơi.
Giải bài tập Lịch sử lớp 8 trang 121 SGK: – Trình bày diễn biến của trận Cầu Giấy năm 1873.
Trả lời:
– Thấy lực lượng của địch ở Hà Nội yếu, quân ta khép chặt vòng vây nên ngày 21-12-1873, quân Pháp buộc phải phá vòng vây đánh ra Cầu Giấy.
– Chớp thời cơ, quân cờ đen của Lưu Vĩnh Phúcvà Hoàng Tá Viên phục kích, giết tại trận viên chỉ huy Gác-ni-ê cùng nhiều sĩ quan và binh lính địch.
Giải bài tập Lịch sử lớp 8 trang 121 SGK: – Tại sao triều đình Huế kí Hiệp ước Giáp Tuất (1874)?
Trả lời:
Hiệp ước 1874 là một sự tính toán thiếu cẩn thận của triều đình Huế, xuất phát từ ý thức bảo vệ quyền lợi của giai cấp và dòng họ, triều đình Huế trượt dài trên con đường đi đến đầu hàng hoàn toàn thực dân Pháp. Chủ quyền dân tộc bị xâm phạm nhiều hơn, tạo điều kiện để Pháp thực hiện âm mưu xâm lược tiếp theo.
Giải bài tập Lịch sử lớp 8 trang 120 SGK: – Thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ hai như thế nào?
Trả lời:
– Năm 1882, quân Pháp do Ri-vi-e chỉ huy đổ bộ đánh thành Hà Nội. Chúng đòi quân ta nộp khí giới và gia thành không điều kiện, không được ta trả lời, Pháp nổ súng tấn công.
– Quân ta chống cự quyết liệt nhưng cuối cùng thành Hà Nội vẫn bị rơi vào tay giặc.
– Quân Pháp nhanh chóng đi đánh chiếm Hòn Gai, Nam Định và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Giải bài tập Lịch sử lớp 8 trang 123 SGK: – Nhân dân Bắc Kì đã phối hợp với quân đội triều đình để kháng chiến chống Pháp như thế nào?
Trả lời:
– Nhân dân tự tay đốt nhà, tạo thành bức tường lửa chặn giặc, họ tổ chức thành đội ngũ để tham gia bảo vệ thành.
– Việc Tổng đốc Hoàng Diệu hi sinh với thành Hà Nội đã nêu cao tinh thần yêu nước bất khuất cho nhân dân.
– Sau khi thành mất, cuộc chiến đấu trong lòng địch diễn ra rất quyết liệt.
– Quân dân ở các địa phương sôi nổi chống giặc: Dựng rào cản, cắm kè trên sông, làm hầm chông, cạm bẫy để cản giặc.
Giải bài tập Lịch sử lớp 8 trang 123 SGK: – Tại sao thực dân Pháp không nhượng bộ triều đình Huế sau khi Ri-vi-ê bị giết tại trận Cầu Giấy năm 1883?
Trả lời:
– Chiến thắng Cầu Giấy lần hai càng làm cho quân Pháp thêm hoang mang, dao động. Chúng toan bỏ chạy nhưng triều đình Huế lại chủ trương thương lượng với Pháp, hi vọng chờ chiến thắng này mà địch sẽ rút quân.
– Nhân cơ hội vua Tựu Đức chết, triều đình Huế đang lục đục, thực dân Pháp có thêm viện binh đã đem quân tấn công thẳng vào Thuận An – cửa ngõ kinh thành Huế.
Giải bài tập Lịch sử lớp 8 trang 124 SGK: – Thái độ của nhân dân ta khi triều đình Huế kí các hiệp ước đầu hàng thực dân Pháp như thế nào?
Trả lời:
Nhân dân vẫn tiếp tục đấu tranh chống Pháp và chống triều đình.
Bài 1 (trang 124 sgk Lịch sử 8): Lập bảng nêu nội dung chủ yếu của các hiệp ước 1883 và 1884.
Lời giải:
Hiệp ước 1883 | Hiệp ước 1884 |
– Bắc Kì và Trung Kì phải đặt dưới sự bảo hộ của Pháp, cắt tỉnh Bình Thuận ra khỏi Trung Kì, nhập vào Nam Kì thuộc Pháp. – Triều đình Huế được cai quản Trung Kì nhưng phải thông qua Khâm sứ Pháp ở Huế. Ba tỉnh Thanh –Nghệ-Tĩnh được sáp nhập vào Bắc Kì. – Công sứ Pháp ở Bắc Kì kiểm soát mọi công việc của quan lại triều đình, nắm quyền trị an và nội vụ. – Mọi việc giao thiệp với nước ngoài của triều đình Huế đều do Pháp nắm, kể cả việc giao thiệp với Trung Quốc. | Hiệp ước 1884 có nội dung cơ bản giống với Hiệp ước 1883, chỉ sửa đổi về ranh giới khu vực Trung Kì như trả lại các tỉnh Bình Thuận và Thanh-Nghệ-Tĩnh cho Trung K |
Bài 2 (trang 124 sgk Lịch sử 8): Tại sao nói từ năm 1858 đến năm 1884 là quá trình triều đình Huế đi từ đầu hàng từng bước đến đầu hàng toàn bộ trước quân xâm lược?
Lời giải:
Từ năm 1858 đến năm 1884 là quá trình triều đình Huế đi từ đầu hàng từng bước đến đầu hàng toàn bộ trước quân xâm lược:
Dựa vào nội dung các hiệp ước mà triều đình kí với Pháp:
– Hiệp ước Nhâm Tuất 1862: Thừa nhận sự cai quản của Pháp ở 3 tỉnh Nam Bộ (Gia Định. Định Tường, Biên Hoà) và đảo côn Lôn; mở 3 cửa biển cho Pháp vào buôn bán…
– Hiệp ước Giáp Tuất 1874: Thừa nhận 6 tỉnh Nam Kì hoàn toàn thuộc Pháp…
– Hiệp ước Hác-măng 1883: Triều đình Huế chính thức thừa nhận nền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kì và Trung Kì…; mọi việc giao thiệp với nước ngoài (kể cả với Trung Quốc) đều do Pháp nắm.
– Hiệp ước Pa-tơ-nốt 1884: Triều đình thừa nhận sự bảo hộ của nước Pháp…
Như vậy, qua những hiệp ước trên, ta thấy quá trình của triều đình Huế từ chỗ cắt từng bộ phận lãnh thổ rồi đi đến thừa nhận nền thống trị của Pháp trên toàn bộ lãnh thổ nước ta (các điều khoản, điều kiện này càng nặng nề hơn, tính chất thỏa hiệp, đầu hàng ngày một nghiêm trọng hơn).