Trả lời câu hỏi bài sự hút nước và muối khoáng của rễ
Bài 1: (trang 37 SGK Sinh 6)
Nêu vai trò của nước và muối khoáng đối với cây.
Đáp án và hướng dẫn giải bài 1:
* Nước: nước rất cần cho các hoạt động sống của cây. Cây thiếu nước các quá trình trao đổi chất có thể bị ngừng trệ và cây chết. Nhu cầu nước của cây luôn luôn thay đổi tùy thuộc vào các loài cây, các thời kì phát triển của cây và điều kiện sống (nhất là thời tiết).
* Muối khoáng: muối khoáng cũng rất cần cho sự sinh trưởng và phát triển của cây. Cây cần nhiều loại muối khoáng khác nhau (muối đạm, muối lân, muối kali). Nhu cầu muối khoáng của cây cũng thay đổi tùy thuộc vào các loài cây và các thời kì phát triển của cây. Ví dụ: cây lấy quả lấy hạt (lúa, ngô, cà chua…) cần nhiều phôtpho và nitơ, cây trồng lấy thân lá (các loại rau, đay, gai..) cần nhiều đạm và cây trồng lấy củ (khoai lang, củ cải, cà rốt…) thì cần nhiều kali…
Bài 2: (trang 37 SGK Sinh 6)
Có thể làm những thí nghiệm nào để chứng minh cây cần nước và muối khoáng?
Đáp án và hướng dẫn giải bài 2:
Bố trí thí nghiệm làm thí nghiệm chứng minh cây cần nước.
Trồng 2 cây cái vào 2 chậu đất A và B (như nhau) và tưới nước đều tới khi 2 cây bén rễ (tươi tốt như nhau). Rồi sau đó hàng ngày chỉ tưới nước cho cây ở chậu A, không tưới nước cho cây ở chậu B. Kết quả, cây chậu A vẫn sinh trưởng phát triển bình thường, còn cây chậu B còi cọc, phát triển không bình thường. Như vậy, nước có vai trò rất quan trọng đối với sự sống của cây.
* Làm thí nghiệm chứng minh cây cần muối khoáng. Trồng 2 cây như nhau vào 2 chậu, chậu A có đủ các loại muối khoáng: đạm, lân, kali, nhưng chậu B lại thiếu muối đạm. Hàng ngày chăm sóc và tưới nước như nhau cho 2 câv ở 2 chậu. Kết quả theo dõi sau 2 tuần: cây ở chậu A phát triển (xanh tốt) bình thường, còn cây ở chậu B kém phát triển (vàng xấu). Điều đó chứng tỏ muối khoáng có vai trò quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển của cây.
Bài 3: (trang 37 SGK Sinh 6)
Theo em những giai đoạn nào cây cần nước và muối khoáng?
Đáp án và hướng dẫn giải bài 3:
Cây cần nhiều nước và muối khoáng vào thời kì sinh trưởng mạnh như khi đâm chồi, nảy lộc, đẻ nhánh (ở lúa), chuẩn bị ra hoa (làm đòng ở lúa). Bởi vì vào thời kì này cây cần tích lũy vật chất và năng lượng cho sự tăng khối lượng và chất lượng của các bộ phận trong cây.
Bài 1: (trang 39 SGK Sinh 6)
Bộ phận nào của rễ có chức năng chủ yếu hấp thụ nước và muối khoáng?
Đáp án và hướng dẫn giải bài 1:
- Nước và muối khoáng hòa tan trong đất được lông hút hấp thụ, chuyển qua vỏ tới mạch gỗ.
- Rễ mang các lông hút có chức năng hút nước và muối khoáng hòa tan trong đất.
Bài 2: (trang 39 SGK Sinh 6)
Chỉ trên tranh vẽ con đường hấp thụ nước và muối khoáng hoà tan từ đất vào cây?
Đáp án và hướng dẫn giải bài 2:
Các em quan sát kĩ hình 11.2 trang 37 SGK để mô tả: con đường hấp thụ nước và muối khoáng hòa tan từ đất vào cây.
Bài 3: (trang 39 SGK Sinh 6)
Vì sao bộ rễ cây thường ăn sâu, lan rộng, số lượng rễ con còn nhiều?
Đáp án và hướng dẫn giải bài 3:
Bộ rễ là cơ quan thu nhận chất dinh dưỡng (nước và muối khoáng) cho cây. Cho nên khi cây càng lớn nhu cầu nước và muối khoáng càng nhiều thì bộ rễ cây phải phát triển để hút đủ nước và muối khoáng phục vụ hoạt động sống của cây.
Mặt khác, khi cây càng lớn thì bộ rễ càng phải ăn sâu, lan rộng mới giữ cây đứng vững.