Bố cục:
– Đoạn 1 (từ đầu … trọng vọng): Giới thiệu vị Thái y lệnh Phạm Bân.
– Đoạn 2 (tiếp … mong mỏi): Phạm Bân kháng lệnh để cứu người nguy cấp trước.
– Đoạn 3 (còn lại): Hạnh phúc chân chính của lương y họ Phạm.
Tóm tắt:
Ông Phạm Bân có nghề y gia truyền, giữ chức Thái y lệnh, phụng sự vua Trần Anh Vương. Ông thường đem tiền bạc mua thuốc tốt và tích trữ thóc gạo giúp đỡ người nghèo. Một hôm có người dân đến xin ông chữa bệnh gấp cho người nhà đang nguy kịch. Đúng lúc đó sứ giả đến triệu ông vào cung vua chữa bệnh cho một quí nhân bị sốt. Thấy không gấp, ông đã đi chữa bệnh cho người dân trước, sau đó đến tỏ lòng thành với vua. Khi hiểu ý ông, vua từ quở trách chuyển sang khen ngợi ông.
Đọc hiểu văn bản
Câu 1 (trang 164 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Những chi tiết nói về Thái y lệnh họ Phạm:
– Lấy tiền mình mua thuốc, mua gạo giúp đỡ người nghèo.
– Năm đói kém, dựng thêm nhà cho kẻ khốn cùng, đói khát, bệnh tật.
– Ưu tiên cứu người nguy cấp trước không sợ kháng lệnh vua.
a. – Vị Thái y lệnh là người không chỉ có tài chữa bệnh mà còn có lòng thương yêu, quyết tâm cứu sống người bệnh tới mức không sợ quyền uy, không sợ mang vạ.
– Điều cảm phục nhất ở vị danh y này là ông dám từ chối vào cung để đi khám chữa cho người bệnh nặng trước. Điều đó thể hiện tài y đức cao của ông.
b. “Ngài đáp: Tôi có mắc tội … tôi xin chịu tội”: Đây là lời của vị Thái y cho thấy tinh thần chịu trách nhiệm của mình trước uy quyền, chấp nhận đặt tính mạng mình dưới tính mạng người dân đang nguy kịch.
Câu 2 (trang 165 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Thái độ của Trần Anh Vương từ quở trách đến mừng rỡ, khen ngợi. Trần Anh Vương là một vị vua anh minh, nhân từ, sáng suốt và rộng lượng.
Câu 3 (trang 165 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Bài học cho những người làm nghề y hôm nay và mai sau: Một thầy thuốc giỏi không chỉ cần chữ tài mà quan trọng hơn là phải có đức, có lòng thương người và không vì quyền uy mà bỏ mặc người bệnh.
Câu 4* (trang 165 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
So sánh nội dung y đức ở Thầy thuốc giỏi cốt ở tấm lòng và văn bản về Tuệ Tĩnh:
– Đặt người nguy kịch, bệnh nặng lên trước.
– Cứu người không mong trả ơn.
– Không sợ uy quyền.
– Mâu thuẫn và tình huống truyện Thầy thuốc giỏi cốt ở tấm lòng căng thẳng, gay gắt hơn.
Luyện tập
Câu 1 (trang 165 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
– Một bậc lương y chân chính theo mong mỏi của Trần Anh Vương phải giỏi cả về nghề nghiệp cả về lòng nhân đức, thương xót đám con đỏ.
– So sánh với lời thề Hi-pô-cờ-rát, đều đề cao chữ “tâm”, thể hiện tấm lòng của người thầy thuốc với người nghèo khổ, riêng sự mong mỏi của Trần Anh Vương còn có yêu cầu về tay nghề người thầy thuốc phải giỏi.
Câu 2 (trang 165 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Nhan đề có từ “cốt nhất” hay và sâu sắc hơn vì nhấn mạnh tầm quan trọng của lương y và đức độ người thầy thuốc.