(trang 65 sgk Lịch Sử 9): Phong trào đấu tranh của công nhân, viên chức, học sinh học nghề trong những năm 1926-1927 đã có những điểm mới nào?
Trả lời:
- Phong trào đã mang tính thống nhất trong toàn quốc, mang tính chính trị, vượt ra ngoài phạm vi một xưởng, bước đầu có sự liên kết nhiều ngành, nhiều địa phương.
- Các phong trào đã phát triển thành một làn sóng cách mạng dân tộc dân chủ khắp cả nước, trong đó giai cấp công nhân trở thành một lực lượng chính trị độc lập, tạo điều kiện cho các tổ chức cách mạng lần lượt ra đời.
(trang 65 sgk Lịch Sử 9): Tân Việt Cách mạng đảng đã phân hóa trong hoàn cảnh nào?
Trả lời:
- Tân Việt Cách mạng đảng tập hợp những trí thức trẻ và thanh niên tiểu tư sản yêu nước. Hạt nhân thành lập là nhóm sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương và tù chính trị ở Trung Kì đã thành lập Hội Phục Việt.
- Sau nhiều lần đổi tên, cuối cùng quyết định lấy tên là Tân Việt Cách mạng đảng (7-1928). Đây là một tổ chức yêu nước, lúc đầu chưa có lập trường giai cấp rõ rệt. Song nhờ sự hoạt động mạnh mẽ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, lí luận và tư tưởng của chủ nghĩa Mác Lê-nin có ảnh hưởng to lớn, lôi cuốn nhiều đảng viên tiến bộ đi theo. Vì vậy, nội bộ Tân Việt Cách mạng đảng đã diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai khuynh hướng tư tưởng vô sản và tư sản.
- Cuối cùng, khuynh hướng cách mạng theo quan điểm vô sản đã thắng thế, nhiều đảng viên của Tân Việt Cách mạng đảng đã chuyển sang Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho sự thành lập một chính đảng kiểu mới theo chủ nghĩa Mác Lê-nin.
(trang 67 sgk Lịch Sử 9): Khởi nghĩa Yên Bái thất bại nhanh chóng vì những nguyên nhân nào?
Trả lời:
- Thực dân Pháp còn mạnh, bản thân Việt Nam Quốc dân đảng còn non kém về nhiều mặt.
- Tổ chức chưa chặt chẽ, còn lỏng lẻo.
- Cuộc khởi nghĩa nổ ra chưa có sự chuẩn bị kĩ, còn bị động.
- Sự lãnh đạo của Đảng còn non kém, thiếu kinh nghiệm.
(trang 68 sgk Lịch Sử 9): Tại sao một số hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kì lại chủ động thành lập chi bộ cộng sản đầu tiền ở Việt Nam?
Trả lời:
- Họ nhận thức được tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không còn phù hợp trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào dân tộc dân chủ ở nước ta cuối năm 1928 – đầu năm 1929, đặc biệt là phong trào công nhân theo con đường cách mạng vô sản, đặt ra yêu cầu cần phải thành lập một đảng cộng sản để lãnh đạo phong trào.
- Tháng 3-1929, những hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kì đã chủ động thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên tại số nhà 5D phố Hàm Long (Hà Nội).
Câu 1 (trang 68 sgk Sử 9): Tại sao chỉ trong một thời gian ngắn, ba tổ chức cộng sản nối tiếp nhau ra đời ở Việt Nam?
Lời giải:
Cuối năm 1928, đầu năm 1929, phong trào dân tộc dân chủ mà đặc biệt là phong trào công nông phát triển mạnh mẽ theo con đường vô sản => phải thành lập 1 tổ chức cộng sản để lãnh đạo phong trào.
Do quan điểm khác nhau trong chủ trương thành lập đảng cộng sản nên đã có liên tiếp 3 tổ chức cộng sản ra đời:
- Ở Bắc Kỳ: những hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên đã thành lập Đông Dương Cộng Sản đảng (17-6-1929). Tổ chức đã đáp ứng yêu cầu của cách mạng nên được đông đảo nhân dân ủng hộ.
- Các hội viên tiên tiến trong bộ phận Hội Việt Nam Cách Mạng thanh niên ở Trung Quốc và Nam Kỳ thành lập An Nam Cộng sản đảng (7-1929 tại Hương Cảng -Trung Quốc).
- Ở Trung Kỳ: sự ra đời của 2 tổ chức cộng sản kia đã tác động mạnh mẽ đến Tân Việt Cách mạng đảng. Các đảng viên tiên tiến của Tân Việt từ lâu đã chịu ảnh hưởng của Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh niên cũng tách ra thành lập Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn (9-1929).