(trang 72 sgk Lịch Sử 9): Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 – 1933) đã tác động đến tình hình kinh tế và xã hội Việt Nam ra sao?
Trả lời:
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra đầu tiên ở Mĩ (tháng 10-1930) rồi lan nhanh sang các nước tư bản khác, tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, xã hội của các nước tư bản.
Pháp là nước tư bản nên chịu chung tác động của cuộc khủng hoảng này. Khủng hoảng diễn ra ở Pháp rồi lan nhanh ra các thuộc địa và phụ thuộc của Pháp, trong đó có Việt Nam.
Dưới tác động của cuộc khủng hoảng, nền kinh tế, xã hội Việt Nam bị khủng hoảng nặng nề:
- Nông nghiệp, công nghiệp bị suy sụp, xuất nhập khẩu bị đình đốn, hàng hóa khan hiếm (do nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào Pháp).
- Khủng hoảng kinh tế đã tác động tới tất cả các tầng lớp, giai cấp trong xã hội Việt Nam, làm cho đời sống của các tầng lớp nhân dân vô cùng cực khổ (nhà máy bị đóng cửa, công nhân không có việc làm hoặc có việc làm thì lương rất thấp; sản xuất nông nghiệp sa sút do xuất khẩu lúa gạo bị đình trệ, nông dân bị bần cùng hoá…; đời sống của tư sản, tiểu tư sản bấp bênh…).
- Thực dân Pháp còn tăng cường chính sách thuế khóa, làm cho đời sống của nhân dân càng thêm cùng cực.
(trang 75 sgk Lịch Sử 9): Căn cứ vào đâu để cho rằng Xô viết Nghệ – Tĩnh thật sự là chính quyền cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng?
Trả lời:
Khi chính quyền của đế quốc, phong kiến ở nhiều huyện bị tê liệt, nhiều xã tan rã, các ban chấp hành nông hội xã do các Chi bộ Đảng lãnh đạo đứng ra quản lí mọi mặt đời sống chính trị và xã hội ở nông thôn, làm nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô viết. Lần đầu tiên nhân dân ta thực sự nắm chính quyền ở một số huyện ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Căn cứ vào các ý: Ai là người quản lí công việc ở thôn, xã? Hình thức chính quyền ra sao? Các chính sách về chính trị, kinh tế, xã hội để khẳng định Xô viết Nghệ – Tĩnh thật sự là chính quyền cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng:
- Về chính trị: chính quyền cách mạng đã kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng, bãi bỏ các thứ thuế, thực hiện quyền tự do dân chủ cho nhân dân, thành lập các đoàn thể cách mạng dưới hình thức các nông hội, Công hội, Hội tương tế…
- Về kinh tế: chia lại ruộng đất công cho nông dân, bắt địa chủ giảm tô, xóa nợ.
- Về văn hóa, giáo dục: khuyến khích nhân dân học chữ Quốc ngữ, bài trừ mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội, tuyên truyền ý thức chính trị cho quần chúng…
(trang 76 sgk Lịch Sử 9): Các đảng viên cộng sản trong nhà tù của thực dân Pháp đã thái độ như thế nào trước chính sách khủng bố tàn bạo của kẻ thù?
Trả lời:
Các đảng viên trong nhà tù của bọn thực dân Pháp đã nêu cao khí phách kiên cường, bất khuất, kiên trì đấu tranh bảo vệ lập trường, quan điểm cách mạng của Đảng, biến nhà tù thành trường học cách mạng và vẫn tìm mọi cách để liên hệ với các cơ sở Đảng ở bên ngoài.
Câu 1 (trang 76 sgk Sử 9): Phong trào cách mạng nước ta đến năm 1935 đã phát triển trở lại như thế nào?
Lời giải:
Phong trào cách mạng nước ta đến năm 1935 đã phát triển trở lại, hệ thống tổ chức Đảng ở trong nước nói chung đã được khôi phục.
- Các xứ ủy Bắc Kì, Trung Kì, Nam Kì lần lượt được lập lại.
- Các đoàn thể Công hội, Nông hội và các tổ chức của các lực lượng xã hội khác cũng được lập lại.
- Khắp nơi trong nước, phong trào đã dần dần được phục hồi.
- Đến tháng 3-1935, Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao (Trung Quốc) chuẩn bị cho một cao trào cách mạng mới.
Câu 2 (trang 76 sgk Sử 9): Đảng đã kịp thời có những thay đổi gì trong lãnh đạo phong trào cách mạng nước ta có điều kiện phát triển trở lại sau một thời kì tạm lắng?
Lời giải:
Từ năm 1931, Cách mạng Việt Nam bước vào thời kì vô cùng khó khăn. Thực dân Pháp và phong kiến tay sai thẳng tay thi hành chính sách khủng bố cực kì tàn bạo. Nhiều chiến sĩ cộng sản, hàng vạn người yêu nước bị bắt, bị giết hoặc bị tù đầy. Các cơ quan lãnh đạo của đảng ở trung ương và địa phương lần lượt bị phá vỡ.
* Đảng ta đã kịp thời chuyển vào hoạt động bí mật để củng cố lực lượng:
- Tổ chức cơ sở đảng trong nhà tù vẫn bí mật hoạt động. Các đảng viên cộng sản và những người yêu nước vẫn nêu cao khí phách kiên cường, bất khuất, kiên trì đấu tranh bảo vệ lập trường, quan điểm cách mạng của Đảng, biến nhà tù thành trường học cách mạng và vẫn tìm cách liên hệ với cơ sở Đảng ở bên ngoài. Số đảng viên còn lại ở bên ngoài cũng âm thầm tìm cách gây dựng lại các tổ chức cơ sở Đảng và quần chúng.
- Các tổ chức cơ sở của đảng ở các địa phương vẫn tồn tại và kiên trì bám chắc quần chúng để hoạt động, đồng thời lợi dụng các tổ chức công khai, hợp pháp của kẻ thù để đẩy mạnh đấu tranh. Tại các thành phố Hà Nội, Sài Gòn, một số đảng viên cộng sản đã tranh thủ các khả năng đấu tranh hợp pháp để ra tranh cử vào các hội đồng thành phố, lợi dụng diễn đàn công khai để tuyên truyền cổ động quần chúng theo các khẩu hiệu của Đảng. Khắp nơi trong nước, phong trào đã dần dần được khôi phục.
- Đến tháng 3-1935, Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao (Trung Quốc) để củng cố tổ chức, chuẩn bị cho một cao trào cách mạng mới.