Trang chủ » Bài văn tả giàn cây leo lớp 6 hay nhất

Bài văn tả giàn cây leo lớp 6 hay nhất

Bài làm 1
 
Gần giếng nước, bố em trồng hai gốc mướp hương. Cây đã leo lên giàn và đang đơm hoa, kết trái.
Bố vun đất thành một hố chậu rồi gieo hạt mướp. Hạt nẩy lá mầm bé xíu rồi lớn dần rất nhanh. Lúc đầu gốc bé bằng ngón út rồi lớn dần. Dây mướp to bằng ngón tay cái, bám chặt cây đờ, bò lên giàn. Thân cây càng lên cao, càng nhỏ dần nhưng bám giàn rất chắc. Thân dây mướp cũng như lá, đều có lông sờ rám tay. Dây mướp leo đến đâu, lá mọc ra đến đó. Lá mướp rất dẹp, lá có năm khía chụm lại ở cuống lá. Gần gốc, lá mướp to bằng bàn tay người lớn, càng lên cao, lá cũng nhỏ dần.
 
Ngọn của dây mướp mảnh dẻ nhưng quấn chặt giàn, nâng đỡ năm bảy trái mướp lớn. Hoa mướp màu vàng ươm, xoè năm cánh tròn xoay quanh nhụy hoa, đều như tranh vẽ. Hạt mướp gieo xuống đất độ một tháng thì cây đã leo kín giàn và ra hoa. Hoa mướp có màu vàng như hoa cúc. Hoa mướp toả hương mời gọi ong bướm đến. Ong bướm làm ông mai, bà mối để hoa thụ phấn cho quả nhỏ xíu bằng ngón tay. Trái mướp lớn lên rất nhanh, thon thon bằng cổ tay em, dài từ ba mươi xăng-ti-mét đến năm mươi xăng-ti-mét. vỏ của quả mướp hơi cứng nhưng thịt của quả mềm, ngậm nước. Hoa mướp khô lại, quắp ở chóp đuôi của quả mướp. Giống mướp bố trồng là mướp hương nên cả hoa và quả của nó đều có mùi thơm. Quả mướp xắt nhỏ, xào lên thì hương thơm lan toả ngào ngạt khắp nhà. Mùi hương của mướp như mùi thơm của nếp, mùi mướp thơm ngào ngạt, lâng lâng gợi cho em cảm giác thèm ăn một chén cơm nóng với mướp xào, nếu có thêm chút rau hành hay cá khô thì ngon tuyệt.
 
Giàn mướp điểm hoa vàng trên nền lá biếc, trái treo lủng lẳng trên giàn che mát sân giếng. Bố lúc gieo hạt chỉ muốn đủ quả để ăn, giờ thì tiện lợi hơn nên bố bảo sẽ trồng thêm một gốc bầu nậm nữa để mướp có bầu, có bạn. Bầu và mướp luân phiên cải thiện bữa ăn của gia đình em làm cả nhà rất vui.
 
Bố mới gieo hạt bầu. Cả nhà háo hức chờ bầu leo lên giàn, thế là mướp sẽ có bầu, có bạn. Em rất thích ngắm giàn mướp điểm hoa, đậu trái. Giàn mướp làm cảnh sắc ngôi nhà thân yêu của em tươi mát và sung túc thật dễ thương.
 
Bài làm 2
 
Mướp thuộc họ bầu bí, gọi là hồ lô. Trồng mướp phải bắc giàn. Mướp nở hoa vào mùa xuân, kết trái vào đầu hè. Hoa mướp vàng tươi. Ngọn mướp có nhiều râu như những chiếc vòi. Hoa mướp, ngọn mướp hái về đem xào ăn rất ngon. Quả mướp hình trụ dài, thẳng hoặc hơi cong, to bằng cổ tay em bé hai, ba tuổi. Mướp non có màu trắng xanh với những đường vằn thẫm màu. vỏ quả mướp già có màu vàng nhạt hoặc màu nâu đậm. Mướp bánh tẻ để xào lòng gà vịt, để nấu canh cua, ăn rất ngon.
 
Hạt mướp non màu trong. Hạt mướp già màu đen. Xơ mướp có thể dùng để rửa bát đũa. Mướp hương thơm ngon, mướp đắng (khổ qua) rất quý.
 
Nhà em có một giàn mướp. Em vẫn dùng nước vo gạo tưới cho gốc mướp. Nhìn giàn mướp treo lủng lẳng hàng chục quả mướp hương, em lại nhớ đến món mướp xào lòng gà của mẹ trong bữa cỗ.
 
Bài làm 3
 
Trong vườn nhà em có rất nhiều cây leo như: su su, bầu, bí, hoa thiên lý,…trong đó em thích nhất là giàn mướp hương mà bà nội em trồng ở sau vườn.
 
Khung giàn mướp được làm bằng tre dài năm mét, rộng hai mét. Mới hôm nào, cây mướp còn nhỏ xíu. Chỉ mấy hôm sau, ngọn mướp đã bò khắp giàn. Tay mướp chỉ nhỏ bằng que tăm, mới chiều hôm nay tay mướp chỉ dài khoảng năm phân mà sáng mai tay đã dài mười năm phân quấn chặt vào giàn. Thật là kì lạ phải không các bạn!
 
Chẳng mấy chốc một màu xanh tươi đã phủ kín mặt giàn. Khi đã leo khắp giàn thì mướp bắt đầu ra hoa. Hoa mướp màu vàng tươi như mời gọi ong bướm đến hút mật. Rồi quả mướp bé xíu thi nhau chồi ra như muốn mở lời chào ngày mới. Quả bằng ngón tay, bằng con chuột, bằng con cá chuối to. Quả thì thẳng, quả thì cong như vầng trăng gần giữa tháng. Quả này chen với quả kia lúc lỉu khắp giàn. Sáng nào, em cũng ra vườn hái mướp về ăn. Mướp nhiều quá, mẹ sai em cắt mang biếu họ hàng, hàng xóm mỗi người vài quả. Ai cũng khen mướp nhà em ngon và thơm.
 
Cây mướp nhà em rất nhiều tác dụng, vào mùa hè mà có bát canh cua hoa mướp thì thật là tuyệt! Lá mướp tươi để lau nhựa mít. Ai bị nước ăn chân thì dùng lá mướp khô sẽ khỏi. Em sẽ chăm sóc cây mướp thật tốt để cây cho nhiều quả.
 
Bài làm 4
 
Một lần về quê nội, bỗng nghe câu hát có lẽ từ một ngôi nhà nào đó vọng ra:
 
Chiều chiều gọt mướp nấu canh
Thấy anh qua lại bỏ hành lộn om
 
Tôi ngơ ngác nhìn quanh, ai đó trêu mình chăng, hay là câu hát ru con của một bà mẹ trẻ? Trước ngôi nhà vọng tiếng hát ru là một giàn mướp rực rỡ hoa vàng, những con ong đen nâu tròn lững đang tìm nhụy, những con bướm nhỏ cũng vàng như hoa đang dạo quanh, một vài trái mướp xanh buông xuống thảnh thơi. Một cảnh thanh bình và êm ả mà có lẽ ở phố tôi không làm sao có được. Trước nhà tôi, không phải là giàn mướp mà là giàn phong lan ngoại nhập đắt giá. Hoa phong lan đẹp và bền nhưng chẳng thấy con ong con bướm nào đến, lạ nhỉ? Có ai giải thích điều này giùm tôi? Con ong quê con bướm quê đã quen mùi hương quê, có lẽ thế!
 
Những tia nắng chiều xuyên qua những kẽ lá, rọi lên những bông mướp vàng rực rỡ kiêu sa đến bất ngờ. Một chút gió nhẹ chập choạng va vào những trái mướp xanh nhả từng hơi mát rười rượi. Những trái mướp xanh, ôi sao mà đáng yêu đến thế! Những trái mướp gọt võ nấu canh với tôm là món ăn chính của mỗi gia đình quê. Hương vị bát canh thật tuyệt diệu vừa bùi vừa dẻo vừa đặc lại vừa có nước để chan. Một bát canh mướp, một đĩa cá kho, một chén nước mắm ớt tỏi và một nồi cơm gạo mới bốc hơi đủ để cho ta nhớ cả một thời ấm áp, đủ để cho ta vào đời với bao nhiêu hoài niệm, đủ để cho ta lớn lên thành con người mang đậm dấu ấn của quê hương.
 
Từ ngày xa quê nội, xa giàn mướp tuổi thơ, trong tôi vẫn ăm ắp nỗi nhớ không tên. Cái màu vàng phố thị không thể nào sánh bằng cái màu vàng của hoa mướp. Có buổi chiều nào dịu mát như chiều quê, có buổi trưa nào xanh như buổi trưa quê?
 
Tôi còn nhớ, bên cạnh giàn mướp là cái giếng đá ong xưa với cây cần vọt kẽo cà kẽo kịt. Bên kia vườn của nội là vườn của dì Sáu. Vườn của dì Sáu cũng có một giàn mướp với những con ong con bướm lượn lờ, những dây mướp xanh leo sang cả hàng rào nhà nội tôi.
 
Xanh xanh dây mướp leo rào
Đôi ta mới gặp biết chào sao đây?
 
Câu hát ru con lại vọng ra từ ngôi nhà phía trước, giọng hát ru nghe quen quen. Dì Sáu có cô con gái trạc tuổi tôi, hiền như mướp. Đã đôi lần tôi và cô ấy đi dưới giàn hoa mướp nói chuyện vu vơ. Hay là cô ấy đang hát ru con ?  Nếu cô ấy hát ru con thì sao nhỉ ? Bao nhiêu năm rồi còn gì nữa đâu mà nuối tiếc… Chạnh nhớ tình bạn giữa trai quê gái ruộng thật mộc mạc và chân chất. Tuổi trẻ bây giờ biết có nói vu vơ, biết có rụt rè đi bên nhau dưới một giàn hoa mướp, biết có e có thẹn có đợi có chờ?
 
Câu hát đã dẫn tôi vào ngõ nhà ai. Tiếng hát ru nghe thật rõ:
 
Dây bầu dây mướp cùng leo
Sớm nuôi cha mẹ giàu nghèo sá chi
 
Dừng lại bên giàn mướp, hít thật mạnh thật sâu để hương quê tràn vào lồng ngực, tôi bỗng nhận ra dưới giàn mướp là những dấu chân quen. Dấu chân của nội, của mẹ, của dì, của em, của những người quê kiểng. Dây mướp có hơi người nên lớn nhanh, xanh tốt, ra hoa, kết trái. Dây mướp gần người nên có tình có nghĩa. Từng ngọn mướp quấn quýt nhau, nhẹ nhàng trìu mến chạm vào người qua lại. Những đêm trăng sáng, mướp mơ giấc mơ của người: yêu thương, chân thực. Mướp cho hoa vàng quanh năm, một loại hoa đặc trưng để mỗi ngày ở vùng quê nội luôn là ngày tết. Những em bé quê nhặt từng hoa mướp rụng kết thành vòng nguyệt quế với các trò chơi dân dã. Bao nhiêu năm, bao nhiêu đời mướp với người luôn gần gũi nhau, chăm sóc nhau, chia nhau niềm vui nỗi buồn mộc mạc.
 
Tần ngần bên giàn mướp, đưa tay vén một ngọn mướp muốn bỏ ngọn qua rào nhà bên, tiếng hát ru con lại vọng ra:
 
Mướp hương bỏ ngọn qua rào
Bướm ong vây chặt  biết chừng nào gặp em
 
Tạm biệt câu hát ru, tạm biệt giàn mướp nhà em. Có lẽ đêm nay mướp sẽ ngủ giấc say nồng bởi lời ru ngọt ngào của tình quê để ngày mai hoa vàng khoe sắc đón những tia nắng mới…
 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top