Trang chủ » hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ bánh trôi nước

hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ bánh trôi nước

Hồ Xuân Hương được mệnh danh là bà chúa thơ nôm với các tác phẩm xuất sắc mang giá trị tượng trưng tượng hình sâu sắc. Điển hình phải kể đến là bài thơ Bánh Trôi Nước.
Để hiểu hơn vềthân phận của người phụ nữ Việt Nam ở thời kì phong kiến xưa cũ. Mời các bạn học sinh tham khảo những bài văn phân tích về hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ Bánh trôi nước do Lambaitap.edu.vn biên soạn.

Dàn ý đề bài hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ Bánh Trôi Nước

I. Mở bài

Giới thiệu nhà thơ Hồ Xuân Hương và tác phẩm Bánh Trôi Nước
Dẫn dắt đến vấn đề cần trình bày: hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ “Bánh trôi nước”.

II. Thân bài

1. Vẻ đẹp bên ngoài của người phụ nữ

– Hình ảnh ẩn dụ: “chiếc bánh trôi” để tượng trung người phụ nữ.

– Vẻ ngoài của người phụ nữ được miêu tả: “vừa trắng lại vừa tròn” gợi lên một thân hình đầy đặn, làn da trắng hồng. Đó là tiêu chuẩn của cái đẹp trong xã hội xưa

2. Số phận nghiệt ngã và vẻ đẹp bên trong tâm hồn của người phụ nữ

– Số phận của người phụ nữ:

“Bảy nổi ba chìm”: cuộc đời gian truân, gặp không ít vất vả
“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nạn”: Vận mệnh phụ thuộc vào người khác chứ không phụ thuộc vào bản thân. 
– Tâm hồn cao quý của người phụ nữ:

“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”: Dù cuộc sống có khó khăn, hoang tàn, người phụ nữ vẫn giữ được tấm lòng son sắt, đẹp đẽ và không dễ thay đổi.

=> Ngay cả khi cuộc đời xô bồ, vùi dập tơi tả, người phụ nữ vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp.

III. Kết bài

Nêu cảm nghĩ về hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ Bánh Trôi Nước của Hồ Xuân Hương.

Bài làm 1: Phân tích hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ Bánh Trôi Nước

Qua bài thơ ” Bánh trôi nước ” của Hồ Xuân Hương, hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến hiện lên rất rõ ràng. Hai câu đầu nói về sự xinh đẹp của họ. ” Trắng ” của làn da, ” tròn ” là vẻ đẹp đầy đặn, phúc hậu. Vẻ đẹp nội tâm được bộc lộ rõ trong cụm từ ” tấm lòng son ” , sự trong trắng, tròn trịa trong cách ứng xử, tấm lòng thủy chung son sắt. Thành ngữ ” Ba chìm bảy nổi ” được tác giả biến đổi thảnh ” Bảy nổi ba chìm ” , từ đó ta thấy thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến chìm nổi bấp bênh, lênh đênh không tự quyết định được số phận của mình. Cuộc sống của họ sướng hay khổ đều phải phụ thuộc vào người khác và sự may rủi. Câu cuối là lời khẳng định dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn giữ tấm lòng thủy chung son sắt cùng với những phẩm chất tốt đẹp của mình. Qua bài thơ, Hồ Xuân Hương đã gián tiếp lên án xã hội phong kiến.

Bài làm 2: Cảm nhận hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ Bánh Trôi Nước 

Trong xã hội phong kiến xưa, thân phận của người phụ nữ vô cùng nhỏ bé, bất hạnh, họ là đối tượng bị xã hội phong kiến đối xử bất công, tàn nhẫn. Vì vậy mà đã có rất nhiều những tác phẩm thơ văn của các nhà thơ Trung đại hướng ngòi bút của mình đến những con người này. Một trong số đó không thể không kể đến nhà thơ Hồ Xuân Hương, bà là một nhà văn nữ tài năng, bà viết về những người phụ nữ phong kiến bằng tất cả những tình thương, sự xót xa đồng cảm. Đồng thời bà cũng sẵn sàng phê phán, chỉ chích những bất công của xã hội bằng những lời lẽ sâu cay, thâm thúy nhất, vì đã làm cho cuộc đời những người phụ nữ này đau khổ. Ta có thể thấy, trong tất cả những sáng tác thơ văn của Hồ Xuân Hương, bài thơ “Bánh trôi nước” là một trong số rất hiếm những bài thơ có giọng điệu dịu dàng, nữ tính khi thể hiện những nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
 
Trong bài thơ “Bánh trôi nước”, nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương đã mượn hình ảnh của những chiếc bánh trôi để nói về vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp phẩm chất của những người phụ nữ Việt Nam xưa, bài thơ dùng những hình ảnh giản dị, gần gũi nhất với con người, nhưng thông qua hình ảnh ấy nhà thơ Hồ Xuân Hương đã tạo ra một biểu tượng bất hủ về người phụ nữ Việt Nam. Mở đầu bài thơ, nhà thơ Hồ Xuân Hương đã dẫn ra lời tâm sự của những chiếc bánh trôi nước:
 
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
 
Bảy nổi ba chìm với nước non”
 
Ở đây cũng gợi ra hình ảnh thực của những chiếc bánh trôi nước, gợi cho người đọc liên tưởng đến những chiếc bánh trôi tròn, trắng muốt được nặn ra bởi bàn tay của những người thợ lành nghề. “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”, hình ảnh những viên bánh trôi vừa “trắng” lại vừa “tròn” không chỉ gợi ra ấn tượng về mặt thị giác với người đọc, đó là hình ảnh tròn trịa, vẹn nguyên của những viên bánh trôi mà còn tạo sự ấn tượng mạnh mẽ về mặt xúc giác, chỉ qua những hình ảnh đẹp đẽ bên ngoài, người đọc cũng có thể tưởng tượng, hình dung ra được cái mùi vị tươi ngon của những viên bánh trôi này.
 
Nếu câu thơ đầu nhà thơ Hồ Xuân Hương gợi cho người đọc liên tưởng về hình dáng và màu sắc của những chiếc bánh trôi thì câu thơ sau lại gợi mở về quá trình chín của những viên bánh trôi này. Bánh trôi được làm chín bằng cách thả vào nồi nước để luộc, khi thả xuống những viên bánh trôi này sẽ chìm,còn khi chín nó sẽ nở to và nổi trên mặt nước. Cũng căn cứ vào đặc điểm này mà người làm bánh có thể nhận biết được bánh chín hay chưa. Tuy nhiên, mục đích của nhà thơ Hồ Xuân Hương ở đây không phải là những chiếc bánh trôi nhỏ bé ấy mà thông qua hình ảnh của chiếc bánh để thể hiện sự ngưỡng mộ về những người phụ nữ, chính xác hơn là vẻ đẹp hình thức cũng như vẻ đẹp tâm hồn của những người phụ nữ ấy.
 
Ta có thể thấy ở đây, thông qua hình ảnh trắng, tròn của những viên bánh trôi, nhà thơ Hồ Xuân Hương đã thể hiện thái độ đề cao vẻ đẹp hình thức của những người phụ nữ. Nhưng, vẻ đẹp hình thức ấy tuy được nhà văn ca ngợi, ngưỡng mộ chỉ là bước đệm để nhà văn khẳng định một vẻ đẹp đáng trân trọng hơn của người phụ nữa, đó là vẻ đẹp tâm hồn. “Bảy nổi ba chìm với nước non” có thể hiểu là những biến cố, bất hạnh có thể xảy đến với cuộc đời của những người phụ nữ này. Bảy nổi ba chìm là một cuộc đời đầy trắc trở, gian truân nó khiến cho những người phụ nữ gặp rất nhiều khó khăn, đau khổ với có thể chạm được vào hạnh phúc.
 
Câu thơ trên như để làm cơ sở cho câu thơ dưới, cũng như vẻ đẹp hình thức chỉ là bước đà để vẻ đẹp tâm hồn có thể tỏa rạng. Bởi không chỉ trải qua những biến cố của cuộc đời mà hạnh phúc của người phụ nữ còn thụ thuộc vào những người đàn ông, những người chồn của họ, nếu họ biết trân trọng thì đó là hạnh phúc, còn không biết trân trọng thì đó thực sự là một bất hạnh đối với người phụ nữ:
 
“Rắn nát mặc dầu

Bài làm 3: Qua hình ảnh chiếc bánh trôi nước hãy phân tích hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ Bánh Trôi Nước

Bánh trôi nước – nhắc đến bài thơ là ta lại nhớ đến người phụ nữ Việt Nam. Ta cũng biết rằng, xã hội xưa là một xã hội trọng nam khinh nữ, một xã hội đen tối, thối nát, nhất là vào thời của bà: đại thi sĩ Hồ Xuân Hương. Bà cũng là một người phụ nữ, một người con gái trong xã hội đó, bà cũng phải chịu chung một số phận như họ: hai lần đi lấy chồng, hai lần đều làm lẻ, cả hai lần đều ngắn ngủi và không có hạnh phúc; nên bà hiểu được họ, hiểu được người phụ nữ Việt Nam, bà là một điển hình của họ. Người con gái xinh đẹp, trắng trẻo, trong sáng nhưng lại phải chịu một cuộc đời “bảy nổi ba chìm”, để mặc cho số phận lênh đênh giữa dòng nước, không biết trôi vào đâu. Như một hạt mưa sa, hạt vào đài các hạt ra ruộng đồng. Nhưng dù hoàn cảnh có ra sao, họ cũng đâu có để cho tâm hồn mình theo nó, họ luôn giữ nguyên nét đẹp đó, trong trắng, hiền dịu, nết na, vẻ đẹp vốn có từ bao lâu nay của người phụ nữ Việt Nam, từ hàng vạn năm trước họ đã đẹp vậy, họ đã tỏa hương thơm ngát như những bông hoa sen trong bùn lầy hôi tanh mà không vấy bẩn chút gì. Và họ – người phụ nữ Việt Nam, một nét đẹp truyền thống không bao giờ biến mất theo dòng thời gian.

Bài làm 4: Qua bài thơ bánh trôi nước nêu cảm nhận về hình ảnh người phụ nữ

Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ tiêu biểu trong nền văn học Việt Nam trung đại. Một trong những bài thơ nổi tiếng của bà – “Bánh trôi nước” đã khắc họa hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Nhà thơ đã miêu tả hình ảnh chiếc bánh trôi nhưng ngầm chỉ vẻ đẹp của người phụ nữ. Cụm từ “vừa trắng lại vừa tròn” gợi ra một thân hình khá đầy đặn, có nước da trắng hồng. Đây là vẻ đẹp được coi là chuẩn mực của người phụ nữ trong xã hội xưa.

Dù ngoại hình xinh đẹp, nhưng số phận của họ lại chẳng được hạnh phúc. Việc mở đầu bài thơ bằng cụm từ “thân em” – có sự bắt gặp với ca dao:

“Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.”

Hay như:

“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu.”

Đó giống như một lời than trách cho cuộc đời hồng nhan mà bạc phận của người phụ nữ. Không dừng lại ở đó, Hồ Xuân Hương còn sử dụng thành ngữ “bảy nổi ba chìm” gợi ra một cuộc đời không bình yên mà phải chịu nhiều lận đận, long đong. Đặc biệt là câu thơ “rắn nát mặc dầu tay kẻ nạn” đã nói lên số phận phải phụ thuộc vào người khác, không được tự mình quyết định. Nhưng dù có chịu nhiều bất hạnh, người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương vẫn gìn giữ được tâm hồn cao quý: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Nhưng dù cuộc đời có khó khăn, khổ cực thì họ vẫn giữ được tấm lòng thủy chung, son sắc và không thay đổi. Hình ảnh người phụ nữ hiện lên với đầy đủ nét đẹp từ ngoại hình đến tâm hồn.

Như vậy, bài thơ “Bánh trôi nước” đã thể hiện sự trân trọng trước vẻ đẹp, phẩm chất trong trắng của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa. Đồng thời, tác giả còn thể hiện niềm thương cảm cho số phận của họ.

Bài làm 5: Phân tích hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ Bánh Trôi Nước

Chúng ta đang được sống trong một thế giới tràn đầy hạnh phúc,một thế giới có sự bình đẳng về chủng tộc về mọi tầng lớp dân tộc. Mà trong ta có ai biết được trong xã hội xa xưa người phụ nữ phải chịu đựng một quan niệm cổ hữu sai trái ”trọng nam khinh nữ”. Sống trong hoàn cảnh đó ,cũng mang trong mình số phận người phụ nữ Hồ Xuân Hương đã viết nên tác phẩm “Bánh trôi nước”.

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầ tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Chỉ có những chiếc bánh trôi nước mộc mạc giản đơn thế thôi mà tác giả Hồ Xuân Hương đã làm nên một bài thơ nói lên sự chịu đựng, gánh lấy quan niệm sai trái trọng nam khinh nữ của người phụ nữ lúc bấy giờ. Bài thơ chỉ có những vốn từ đơn giản thân thuộc mà chất chứa biết bao nhiêu tình cảm.

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn”

Tác giả đã sử dụng mô típ ca dao quen thuộc “Thân em” để ngưởi phụ nữ có thể hóa thân vào những chiếc bánh trôi nước dân dã đáng yêu. Hàm chứa bên trong vẫn là ca ngợi vè đẹp của người phụ nữ biến họ thành những đóa hoa xinh đẹp, lộng lẫy và thắm tươi nhất của cuộc đời. Làm cho cuộc sống này thêm tươi đẹp thêm màu sắc.

“Bảy nổi ba chìm với nước non”

Thành ngữ “bảy nổi ba chìm” được vận dụng tài tình nhằm gợi tả số phận người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến xưa. Để bày tỏ nỗi xúc động thương cảm của bà Hồ Xuân Hương đứng trước số phận lênh đênh chìm nổi chẳng biết đi về đâu của người phụ nữ. Chỉ mặc cho số phận định đoạt. Tôi tự hỏi:”Một người phụ nữ đẹp đến mà vì lẽ gì phải chịu đựng cuộc đời như vậy, chẳng lúc nào được sống trong cuộc sống vui vẻ hạnh phúc?” Tại sao những người đàn ông to lớn khỏe mạnh như thế mà không chịu những số phận khổ cực mà bắt những phụ nữ nhỏ bé kia phải gánh lấy chứ?

“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn” Tác giả sử dụng một biện pháp kinh tế:đảo ngữ. Nó lên người phụ nữ phải sống lê thuộc. “Tại gia tòng phụ, xuất giá tỏng phu, phu tử tòng tử” . Lúc ở nhà thì phụ thuộc vào cha, cha bảo gì làm nấy chằng giám làm trái. Khi lập gia thất thì phải cung phụng cho chồng , cũng chẳng giám làm sai. Lúc chồng mất sống phận của mình phải nương nhờ vào con của mình. Trên cuộc đời này làm gỉ có quan niệm vô lí đến thế! Vậy biết bao giờ họ mới có được cuộc sống riêng tự lâp cho chính bản thân mình. Họ phải đau khổ biết bao để chịu đựng những thứ đao lí như thế

“Mà em vẫn giữ tấm lòng son

Giọng thơ tự hào quả quyết biểu thị thái độ kiên trì, bền vững. “Tấm lòng son” tượng trưng cho phẩm chất sắc son thủy chung, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam đối với chồng con, Với mọi người tuy bị cuộc sống phụ thuộc, đối xử không công bằng trong cuộc đời. Câu thơ thể hiện niềm tự hào và biểu lộ khá đậm tính cách của Hồ Xuân Hương: cảm thương cho người phụ nữ, căm phẫn đối với người chồng.

Bài thơ nói về người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua hình ảnh bánh trôi nước – một món ăn dân tộc bằng một thứ ngôn ngữ bình dị, dân gian. Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đã được Việt hóa hoàn toàn. Thơ hàm súc đa nghĩa giàu bàn sắc Xuân Hương. Bài thơ biểu lộ niềm thông cảm và tự hào đối với số phận, thân phận và của người phụ nữ Việt Nam nó có gái trị nhân bản đặc sắc. Nữ sĩ viết với tất cả lòng yêu mến, tự hào bản sắc nền văn hóa Việt.

Bài làm 6: Cảm nghĩ hình ảnh người phụ nữ qua hình ảnh Bánh Trôi Nước

“Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen”

Câu ca dao quen thuộc trên đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của hình tượng người phụ nữ dựa trên việc đối lập vẻ đẹp ngoại hình bên ngoài và nhân cách bên trong. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương – bà Chúa thơ Nôm cũng đã có những vần thơ rất hay để miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ thông qua bài thơ “Bánh trôi nước”. Tuy khác với câu ca dao ở điểm Hồ Xuân Hương vừa đề cao vẻ đẹp hình thể lẫn tâm hồn nhưng chúng ta vẫn thấy nổi bật hơn cả là vẻ đẹp về tâm hồn. Người phụ nữ đã hiện lên với vẻ đẹp tâm hồn đẹp đẽ, tấm lòng chung thủy son sắt:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Trong bài thơ, vẻ đẹp của người phụ nữ đã được khúc xạ thông qua hình ảnh bánh trôi nước. Tác giả đã lựa chọn những chi tiết nổi bật nói lên đặc điểm của bánh trôi để gợi nên vẻ đẹp của người phụ nữ. Sau khi làm miêu tả sự hài hòa về hình thể “vừa trắng lại vừa tròn”, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp về tâm hồn của người phụ nữ trong những câu thơ tiếp theo.

Vẻ đẹp đó đã trải qua hành trình lênh đênh chìm nổi: “Bảy nổi ba chìm với nước non”. Thành ngữ “Ba chìm bảy nổi” để nói về sự lênh đênh, trôi nổi của kiếp người đã được tác giả Hồ Xuân Hương vận dụng một cách sáng tạo thông qua biện pháp đảo ngữ, tạo nên hình ảnh cách nói đầy ấn tượng “Bảy nổi ba chìm”. “Nước non” đã được chuyển nghĩa gợi lên hoàn cảnh sống và cuộc đời của người phụ nữ. Đó là một cuộc đời truân chuyên, lênh đênh, chìm nổi. Không những thế, người phụ nữ còn phải chịu đựng kiếp sống bị lệ thuộc, không được làm chủ cuộc đời mình: “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”. Trong xã hội phong kiến xưa, khi chế độ nam quyền lên ngôi, người phụ nữ không thể có được tiếng nói riêng mà luôn phải tuân thủ những nguyên tắc của lễ giáo phong kiến: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (Ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, nếu chồng mất thì theo con trai). Như vậy, người phụ nữ luôn phải chịu số phận lệ thuộc là không được phép làm chủ cuộc đời mình. Cũng giống như chiếc bánh trôi, bánh rán hay bánh nát là do người làm bánh khéo hay vụng, số phận của người phụ nữ cũng phải lệ thuộc vào kẻ khác, giống như câu ca dao xưa:



“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

Nhưng chính trong những thử thách và bất công đó, vẻ đẹp của người phụ nữ đã được làm nổi bật: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Mặc dù cuộc đời phải trải qua chìm nổi, bấp bênh, không có tiếng nói riêng nhưng người phụ nữ vẫn giữ trọn vẹn tấm lòng thủy chung, son sắt. Câu thơ kết thúc đã để lại một ấn tượng khó phai mờ trong lòng độc giả về một vẻ đẹp hoàn mỹ của người phụ nữ vượt lên những bi kịch của cuộc đời.

Thông qua vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ, tác phẩm “Bánh trôi nước” trở nên thấm đẫm giá trị nhân đạo. Đằng sau vẻ đẹp của người phụ nữ là cái nhìn đồng cảm, xót thương của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đối với những thân phận chìm nổi, bấp bênh, đồng thời thể hiện thái độ trân trọng, ngợi ca, đề cao vẻ đẹp tâm hồn son sắt, thủy chung của họ. Đặt trong bối cảnh xã hội phong kiến với chế độ nam quyền và thiết chế “trọng nam khinh nữ” thì những giá trị này càng có ý nghĩa sâu sắc hơn.

Bằng ngôn từ giản dị, bài thơ “Bánh trôi nước” đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, son sắt thủy chung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Thông qua việc vịnh một món ăn dân giã, quen thuộc theo phong tục dân tộc, chúng ta thấy được thái độ trân trọng, đồng cảm đối với thân phận người phụ nữ: “Thiếu một bàn tay, một tâm hồn phụ nữ dân dã như bà, dễ thường như cái bánh trôi chưa vào được văn học”

Bài làm 7: Phân tích hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ Bánh Trôi Nước

Hồ Xuân Hương, một hồn thơ trong trẻo, một nữ thi sĩ tài năng của nền thơ ca Việt Nam. Giọng thơ của bà mang âm hưởng nhẹ nhàng, nữ tính, đồng thời thể hiện khát vọng được yêu thương thầm kín của người phụ nữ. “Bánh trôi nước” là một trong những tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp của nhà thơ, ở đó, người ta bắt gặp hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam xưa: Xinh đẹp, nết na và chung thủy, son sắt, bộc lộ qua cả vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp tâm hồn.

Bản thân không may trải qua nhiều sóng gió đường tình duyên, Hồ Xuân Hương thấu hiểu và cảm thông cho những tâm sự, những nỗi buồn luôn cất giấu trong lòng của người phụ nữ. Thân phận phụ nữ thấp cổ bé họng, không có tiếng nói trong xã hội, bà tìm đến thơ văn, mượn ngòi bút, mượn giấy mực để bày tỏ những xúc cảm khát khao mãnh liệt của mình. Trong “Bánh trôi nước”, người đọc nhận ra hình tượng người phụ nữ Việt Nam xưa với nét đẹp hình thể nuột nà, mơn mởn và nét đẹp tâm hồn giản dị, chân phương, dù có vất vả, lận đận nhưng vẫn giữ nguyên bản chất tốt đẹp, thủy chung, lương thiện điển hình.

Lựa chọn hình tượng chiếc bánh trôi nước, tác giả ví von thức quà quê giản dị này với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Miêu tả chiếc bánh trôi nước hay chính là miêu tả người phụ nữ Việt Nam với nét đẹp về ngoại hình. Chiếc bánh trôi nước trắng ngần, tròn trịa, đẫy đà với nhân đường ngọt ngào bên trong. Trong văn hóa xưa, bánh trôi nước là món quà vặt đơn sơ, dễ kiếm, hương vị ngọt thanh. Tác giả mượn motif “thân em” trong ca dao dân ca để giới thiệu về người phụ nữ. Hai tiếng “thân em” vừa mang lại cảm giác bé nhỏ, yếu đuối, lại vừa có hàm ý tự hảo. Người con gái ấy biết mình đẹp, ắt hẳn trong lời giới thiệu cũng có chút tình tự đáng yêu. Sự kín đáo ngay từ cách giới thiệu khiến người đọc cảm nhận được vẻ đẹp ngọt ngào, nhuần nhị, hình thể nuột nà, đầy đặn của người phụ nữ. Vẻ đẹp chẳng phải thắt đáy lưng ong chuẩn mực nhưng lại khiến người ta xao xuyến, vẻ đẹp phúc hậu, tròn đầy của người vợ, người mẹ, người phụ nữ đảm đang, tháo vát thời xưa.

Hình tượng người phụ nữ Việt Nam được tác giả khéo léo lồng ghép vào quá trình nặn, nấu ra những chiếc bánh trôi nước:

Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

“Bảy nổi ba chìm”, sử dụng thành ngữ “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”, tác giả miêu tả công đoạn luộc bánh, hay chính là những vất vả, khó khăn, bấp bênh, trôi nổi của cuộc đời người phụ nữ. Không chỉ “một” mà là “ba”, là “bảy”, là những lo toan, sóng gió cuộc đời người phụ nữ sớm phải bươn chải. Trong xã hội phong kiến đương thời, phụ nữ bị coi là phận “con ong cái kiến”, thấp cổ bé họng, không có quyền tham gia, ý kiến. Ngay cả đến số phận của mình cũng không được lựa chọn, phải phó mặc vào sự sắp xếp của gia đình. Sống dưới ách thống trị và tư tưởng, quan điểm về đạo Tam tòng: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, người phụ nữ cả đời chỉ có thể núp dưới bóng đàn ông, bị bóc lột, bị chà đạp nhưng không dám kêu than, không thể đứng lên chống trả. “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”, chiếc bánh trôi nước phải người khéo nặn thì mềm mại, tròn trịa, phải người vụng thì méo mó, sơ sài, cũng giống người phụ nữ nếu may mắn được gả vào gia đình lương thiện thì được sống một đời an nhàn, bằng không sẽ phải chịu khinh miệt, đớn đau đến cuối đời. “Mặc” trong từ “mặc kệ” thể hiện sự bất lực, phó mặc số phận, phó mặc cuộc đời đưa đẩy. Hình ảnh người phụ nữ có phần khổ hạnh, đáng thương khiến người đọc không khỏi cảm thấy thương xót, thông cảm.

Trong hoàn cảnh khốn cùng ấy, người phụ nữ vẫn luôn giữ cho mình nét đẹp tâm hồn:

Mà em vẫn giữ tấm lòng son

Tấm lòng son sắt, thủy chung dẫu cho có bị cuộc đời vùi dập, bị người đời đối xử bạc bẽo, vẫn luôn một lòng một dạ, lương thiện và đáng quý. Phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam được đề cao, một tâm hồn trong sạch, một tấm chân tình trước sau như một. Dù có phong ba bão táp, sóng gió cuộc đời, dù có long đong, lận đận, vất vả, “tấm lòng son” vẫn được gìn giữ, chắt chiu. nét đẹp tâm hồn luôn mang bản tính thiện lương, hiền lành giữa cuộc đời xô bồ, bất công.

Bằng tình thương, sự trân trọng với người phụ nữ và khả năng sử dụng ngòi bút đại tài, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đã được tác giả khắc họa qua hình tượng chiếc bánh trôi nước, ngoại hình đẹp đẽ, xinh xắn, cuộc đời vất vả, nhuốm màu đau thương nhưng quan trọng nhất vẫn là trái tim thủy chung, son sắt. Đó chính là giá trị nhân đạo lớn nhất trong văn thơ của Hồ Xuân Hương.

Bài làm 8: Phân tích thân phận người phụ nữ qua bài thơ Bánh Trôi Nước

Hồ Xuân Hương là một trong ít những nữ sĩ có nhiều tác phẩm được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Các tác phẩm của bà chủ yếu tập trung mô tả, cảm nhận về vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Bánh trôi nước là một tác phẩm như vậy.

Bài thơ có hai lớp nghĩa chính, lớp nghĩa thực là mô tả về bánh trôi nước và cách làm món ăn dân dã, giản dị này. Nhưng điều mà Hồ Xuân Hương hướng đến không phải là cái đích ấy mà ở một điều sâu sắc hơn, ẩn kín hơn chính là về vẻ đẹp và số phận người phụ nữ.

Trước hết, họ là những người có vẻ đẹp về hình thể:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn”

Về hình thức họ mang trong mình vẻ đẹp “trắng”, “tròn” gợi nên sự tròn đầy, phúc hậu. Trong quan niệm dân gian xưa, người phụ nữ đẹp là người phụ nữ có gương mặt tròn như mặt trăng, nước da trắng hồng, người đậm đà, đây chính là tiêu chuẩn vẻ đẹp của người phụ nữ xưa. Và em mang đầy đủ những vẻ đẹp đó. Câu thơ vang lên đầy tự hào, khẳng định giá trị, vẻ đẹp của bản thân. Trắng ở đây không chỉ dùng để nói về làn da hồng hào, trắng trẻo, mà trắng còn dùng để chỉ phẩm chất trong sáng, thuần khiết của người con gái. Câu thơ kết hợp với quan hệ từ tăng tiến “vừa …vừa” càng nhấn mạnh, làm nổi bật hơn nữa vẻ đẹp của người phụ nữ.

Trong xã hội cũ chúng ta biết rằng, số phận người phụ nữ vô cùng bất hạnh, chìm nổi, họ không được tự quyết định số phận mình. Trong bài thơ này, Hồ Xuân Hương cũng đã phản ánh chân thực số phận bất hạnh ấy: “Bảy nổi ba chìm với nước non/ Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”. Nhưng dù cảnh ngộ có bất hạnh bao nhiêu đi chăng nữa, thì người con gái, người phụ nữ vẫn giữ trong mình tấm lòng thủy chung, sắt son:

“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Với ngôn ngữ giản dị, trong sáng, giàu sức gợi cảm, gần gũi với văn học dân gian, Hồ Xuân Hương đã gửi gắm niềm cảm thông sâu sắc với số phận bất hạnh của người phụ nữ. Đồng thời thông qua hình ảnh chiếc bánh trôi nước tác giả cũng khẳng định, ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp hình thức và phẩm chất của họ.

Bài làm 9: Hình ảnh người phụ nữ qua bài thơ Bánh Trôi Nước của Hồ Xuân Hương

“Phụ nữ Việt Nam trung trinh tiết hạnh

Trang điểm cuộc đời muôn cánh hoa

Ra đời giúp nước giúp non

Về nhà tận tụy chồng con một lòng.”

Trong lịch sử hào hùng của dân tộc, phụ nữ đã oanh liệt làm nên trang sử vàng của dân tộc. Đã có biết bao nhà thơ nữ nổi tiếng như: Đoàn Thị Điểm, Huyện Thanh Quan,… Nhưng ta cũng phải kể đến cuộc sống thầm lặng của những người phụ nữ miền quê nông thôn. Sự bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến luôn được đề cập trong ca dao, văn thơ… Thấu hiểu và cảm thông điều đó, Bà Hồ Xuân Hương đã viết lên những phẩm chất đáng quý, tấm lòng đức hạnh của người phụ nữ thông qua bài thơ “Bánh trôi nước”:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.” Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đã làm hiện lên được tấm lòng son sắt của người phụ nữ trong xã hội phong kiến thời xưa.

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn” Người phụ nữ hóa thân bánh trôi nước hàm chứa nhũng ý nghĩa về vẻ đẹp của họ. Họ là những người phụ nữ trong trắng, tiết hạnh, là những người làm đẹp cho cuộc sống.

“Bảy nổi ba chìm với nước non” Với nghệ thuật sử dụng thành ngữ “bảy nổi ba chìm” đã nêu lên số phận lênh đênh, chìm nổi của cuộc đời người phụ nữ, không biết sẽ đi đâu về đâu, cũng giống như thân phận của Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn” Với biện pháp đảo ngữ nói lên rằng người phụ nữ phải sống lệ thuộc. Sống trong thời đại xã hội phong kiến, với quan niệm sai trái “trọng nam khinh nữ”, phụ nữ luôn bị khinh rẻ, vì vậy luôn sống phụ thuộc vào người đàn ông.

“Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

Thân em như thể cánh bèo Ngược xuôi, xuôi ngược theo chiều nước trôi” Người phụ nữ luôn sống cam chịu, cực khổ, nhưng vẫn luôn chung thủy, giữ tấm lòng son sắt, thủy chung, trong trắng.

“Mà em vẫn giữ tấm lòng son” Đây là một bài thơ hay, mượn hình ảnh chiếc bánh trôi nước để nói lên thân phận của người phụ nữ, tấm lòng son sắt của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, đồng thời lên án, tố cáo một thế lực bất công tàn bạo của xã hội phong kiến thời xa xưa, quan niệm “trọng nam khinh nữ” đã làm mất đi quyền sống tốt đẹp, độc lập của người phụ nữ.

Người phụ nữ thời xưa ở Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung đã chịu đựng sự bất công, ngược đãi, thấp hèn do quan niệm trọng nam khinh nữ. Và nhà thơ Hồ Xuân Hương đã khắc họa rõ nét hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ Bánh Trôi Nước một cách vô cùng tài tình mà sâu sắc. Hy vọng các bài phân tích ở trên đã giúp các bạn học sinh có cái nhìn thấm thía và sâu sắc hơn để có thể triển khai bài Ngữ Văn lớp 7 của mình được tốt nhất. Chúc các bạn học tốt.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top