Trang chủ » Bài văn cảm nghĩ về bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ thiên trường trông ra lớp 7 hay nhất

Bài văn cảm nghĩ về bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ thiên trường trông ra lớp 7 hay nhất

Bài làm 1
 
Nhắc tới Trần Nhân Tông, người ta nghĩ ngay tới người anh hùng cứu nước, vị vua tài trí lỗi lạc đã cùng quân dân nhà Trần đánh bại quân xâm lược Mông Cổ, làm nên một thời đại anh hùng trong lịch sử dân tộc – thời đại Đông A. Nhắc đến Trần Nhân Tông, người ta cũng nghĩ ngay tới vị tổ của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, nhà hiền triết của Đạo Phật. Trần Nhân Tông không chỉ là người – anh hùng cứu nước, vị vua sáng, nhà hiền triết, Trần Nhân Tông còn là một thi sĩ có tâm hồn thanh cao, phóng thoáng và một cái nhìn tinh tế, tao nhã.
 
Trần Nhân Tông đã từng nổi tiếng với những câu thơ rất đỗi hào hùng:
 
Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
 
Non sông nghìn thuở vững âu vàng.
 
(Tức sự)
 
Và nhà vua còn làm người đời ngạc nhiên hơn bởi một hồn thơ mang nặng tình quê thắm thiết. Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra (Thiên trường vãn vọng) là một hồn thơ như thế.
 
Từ Thăng Long về thăm quê cũ Thiên Trường (Nam Định ngày nay), từ trên cung điện ở phủ Thiên Trường, nhà vua phóng tầm mắt ra xa. Một cảnh tượng mở ra trước mắt ông xiết bao trìu mến:
 
Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
 
Bóng chiều man mác có dường không
 
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
 
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.
 
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)
 
Cảnh buổi chiều ở phủ Thiên Trường là cảnh của một vùng quê trầm lặng, yên bình (Cái yên bình của một cuộc sống thái bình). Trời đã về lúc chiều tối, thôn xóm chìm dần vào làn khói sương lãng đãng, mờ ảo. Có lẽ, đó là vào dịp thu đông. Có bóng chiều, sắc chiều đấy nhưng chỉ man mác, chập chờn, nửa như có, nửa như không.
Cái thời điểm giao thời giữa ngày và đêm ở chốn thôn quê gợi lên bao cảm xúc trong lòng người. Nó bâng khuâng, xao xuyến thật khó tả:
 
Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
 
Bóng chiều man mác có dường không.
 
Và vì thế, cuộc sống càng trở nên thân thương. Chỉ một hình ảnh rất bình thường: những đứa trẻ đang dắt trâu về làng, vừa đi, vừa thổi sáo, cũng khiến nhà vua chú ý và đưa vào trong thơ:
 
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết.
 
Phải chăng tiếng sáo của bọn trẻ đã đưa nhà vua trở lại cái thời thơ ấu ngây thơ, thoả sức vui đùa? Hay tiếng sáo hồn nhiên, trong trẻo quá khiến lòng ông thư thái lại sau bao nhiêu lo toan trăn trở việc triều chính? Trong lòng vị hoàng đế mang một niềm vui tràn ngập, nó cũng bình dị và trong trẻo như chính cuộc sống nơi đây.
 
Tâm trạng ấy khiến ông thấy cảnh vật càng nên thơ:
 
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.
 
Trên nền xanh của đồng nội, trong cái mờ ảo của khói sương, điểm xuyết vài cánh cò trắng đang là là hạ xuống. Chao ôi, cánh đồng quê sao mà đẹp thế!
 
Hai câu thơ cuối với bút pháp miêu tả bằng những nét chấm phá, đã vẽ ra trước mắt người đọc cả một vùng quê yên bình và thơ mộng. Con người và cuộc sống ở đây bình dị quá, hồn hậu quá! Bức tranh cảnh vật với những nét chấm phá tài hoa của thi nhân trở nên thật có hồn: có âm thanh ngọt ngào, sâu lắng; có sắc màu tao nhã, sáng trong, có hoạt động nhẹ nhàng êm ả… Một bức tranh thôn dã được cảm nhận bằng một tâm hồn thi nhân tinh tế và nhạy cảm; hơn nữa, bằng tâm hồn của một con người thiết tha yêu làng quê, yêu cuộc sống.
 
Ít ai có thể nghĩ được rằng, một vị vua ở tận nơi lầu son gác tía, lại gắn bó máu thịt với quê hương thôn dã như vậy. Vì thế, càng đọc kĩ bài thơ, ta càng hiểu được cái tình quê, tình người lai láng đậm đà trong tâm hồn một bậc vĩ nhân, càng thêm quý trọng và mến phục ông.
 
Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra, thật xứng đáng là một áng thơ hay, tiêu biểu cho bản sắc và tâm hồn Việt Nam.
 
Bài làm 2
 
Nhắc đến kho tàng văn học trung đại Việt Nam ta nghĩ ngay đến nhà hiền triết Trần Nhân Tông. Ông là một vị vua tài trí lỗi lạc đã cùng quân dân nhà Trần đánh tan quân Mông – Nguyên xâm lược. Không những thế, Trần Nhân Tông là thi sĩ có tâm hồn thanh cao, luôn gắn bó máu thịt với quê hương, thôn dã. Đọc thơ ông, ta không thể nào quên áng thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra, một bài thơ nặng tình quê hương thắm thiết:
 
Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
 
Bóng chiều man mác có dường không
 
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
 
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng
 
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)
 
Cảnh buổi chiều của phủ Thiên Trường là cảnh của một vùng quê trầm lặng, yên bình. Thôn xóm đang chìm dần vào làn sương mờ bảng lảng. Đây là lúc ánh hoàng hôn sắp tắt, khoảnh khắc giao thời giữa ngày và đêm ở chốn thôn quê, cảnh vật mờ ảo, chập chờn rất nên thơ, nó gợi lên bao cảm xúc trong lòng người, nhất là những tâm hồn mang nặng tình quê thắm thiết. Vì yêu quê hương tha thiết nên nhà thơ cảm nhận được cái đẹp và cái đáng yêu của một làng quê mộc mạc. Trong mắt thi nhân, cảnh vật thật đẹp và thân thương, gần gũi. Tuy nó là một bức tranh vùng quê thôn dã, rất giản dị như bao vùng quê khác nhưng nhà thơ cảm thấy cảnh vật ở đấy thật thơ mộng, thật đẹp, cái đẹp trầm lặng mà không chút đìu hiu. Nhà vua – nhà thơ – nhà hiền triết ấy đã dấy lên một niềm cảm xúc dạt dào, cảm xúc từ lòng yêu quê hương sâu nặng.
 
Có yêu quê hương nhà thơ mới thấy được cái đẹp của đồng quê, nhà thơ mới có được những giây phút buồn man mác khi thấy quê hương trống vắng một cái gì đó thân thương, gần gũi, dù hình ảnh ấy thật mộc mạc:
 
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
 
Nhà vua – nhà thi sỹ thích nghe tiếng sáo vi vút, ngọt ngào của quê hương, thích nhìn những chú bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo. Phải chăng tiếng sáo của đám mục đồng đã giúp nhà vua thư thái sau bao nhiêu nỗi lo toan việc nước, việc quân? Hay tiếng sáo ấy đã đưa nhà vua trở lại cái thời đáng yêu, đáng nhớ của mình. Có lẽ rằng tình yêu quê hương, tình yêu đồng nội đã làm cho nhà vua thích lắng nghe tiếng sáo của các em chăn trâu đi dọc đường làng. Thích nhìn cái cò đáp cánh trên đồng ruộng. Tình yêu ấy đã làm cho vua và quân dân thêm khăng khít. Bởi thế, phủ Thiên Trường của vua và làng mạc nông dân không có những đường hào ngăn cách ngặt nghèo, không có "bệ rồng" lộng lẫy, không có thành quách cao dày hay cung điện nguy nga. Phủ Thiên Trường của vua không cách biệt với cuộc sống của người nông dân. Phải chăng Trần Nhân Tông là một vị vua thấm đẫm tình người. Một con người có địa vị tối cao nhưng gắn bó với quê hương, gắn bó với hương đồng cỏ nội, thật đáng trân trọng.
 
Với bút pháp miêu tả, cách dùng những đường nét chấm phá, bài thơ đã giúp ta cảm nhận cái đẹp của tâm hồn nhà vua và vẻ đẹp của làng quê Việt Nam ở triều đại nhà Trần. Đó là tâm hồn của bậc vĩ nhân giàu lòng yêu quê hương đất nước, một con người tài đức vẹn toàn đã khắc họa nên bức tranh làng quê yên ả, bức tranh hiện lên một cảnh tượng ngọt ngào, sâu lắng. Ở đó có sự trầm lặng nhưng ánh lên sự sống của con người trong sự hòa hợp của cảnh vật thiên nhiên.
 
Bài thơ thật hay, thật cảm xúc, nó chứa đựng đầy ắp tình yêu thương của một bậc vua tài trí, nhân hậu, gắn bó sâu nặng với cuộc đời. Bài thơ muốn nhắn gửi con người: Hãy yêu thiên nhiên, yêu cảnh đẹp của làng quê; yêu cỏ hoa đồng nội. Từ tình yêu đó sẽ hun đúc nên ở mỗi con người một tình yêu đất nước sắt son.
 
Bài làm 3
 
Trần Nhân Tông nổi tiếng là một vị vua anh minh hiền đức khoan dung. Bên cạnh đó ông còn là một nhà thơ một nhà văn hóa tiêu biểu của nhà Trần. Ông đã để lại một số lượng tác phẩm có tầm ảnh hưởng lớn. Trong số đó ta không thể không kể đến tác phẩm « buổi chiều đứng ở phủ thiên trường trông ra. Tác phẩm được sáng tác trong thời điểm ông về thăm quê nhà. Bài thơ tả cảnh buổi chiều ở Thiên trường tuy vắng lặng nhưng lại có rất nhiều cảnh vật khiến lòng người xốn xang.
 
Hai câu thơ đầu tiên tả thời điểm và vị trí khi mà tác giả có mặt
 
(Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên)
(trước xóm sau thôn tựa khói hồng
Bóng chiều man mác có dường không)
 
Đọc câu thơ ta thấy xuất hiện thời gian đó là thời điểm cảnh hoàng hôn. Chọn thời điểm như vậy dường như cũng là một dụng ý của tác giả bởi cảnh vật khi đã hoàng hôn trên thôn quê thì vô cùng vắng lặng hiếm có hình ảnh con người nhưng khi ấy cảnh vậy lại đang chuyển giao màu sắc nên cảnh vật sẽ vô cùng phong phú khiến cho thi nhân ngỡ ngàng. Địa điểm mà tác giả nói đến ở đây chính là trước xóm nhưng lại sau thôn và cảnh tượng ấy như đang chìm dần vào làn khói mờ giăng mắc khiến cho tầm mắt thi nhân khó quan sát hơn. Đó là làn khói từ trong bếp của các ngôi nhà đang chuẩn bị cơm tối. Hình ảnh này gợi cho chúng ta cảm giác về tình cảm ấm cúng của gia đình ,đó là một hình ảnh quen thuộc mà quê hương ai cũng có để rồi đi xa ai cũng nhớ cái hương vị của bếp củi đó. Cụm từ  « bán vô bán hữu » nửa như có lại nửa như không có khiến cho chúng ta thấy được khung cảnh ấy vừa thực lại vừa ảo không rõ thực hư. Tâm hồn người đang lâng lâng trước cảnh hay chính lòng người đang lâng lâng mơ mộng nhìn về xóm nhà tranh quê hương với bếp củi ấm áp. Bức tranh quê với những màu sắc que thuộc của ánh dương vàng còn rớt lại trên ngọn tre  chỗ đậm chỗ nhạt cùng tiếng sáo véo von gợi cho ta cảm giác về cuộc sống thanh bình và dường như đây cũng là một mong ước giản đơn với những người dân bình thường nhưng nó lại thật khó khăn đối với một ông vua của dân tộc. Hình ảnh trong bài thơ không có gì đặc biệt nhưng lại gây xúc động lạ lùng. Bởi nhân dân ta đã đổ xương máu đau thương tan tóc mới có thể giành lại được cuộc sống yên ấm từ tay lũ giặc ngoại xâm. hai câu thơ cuối là bức tranh đơn sơ của cảnh thôn quê.
 
“Mục đồng địch lí ngưu quy tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền. ”
(Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng).
 
Nhà thơ lựa chọn hai hình ảnh thơ đó là cánh cò và hình ảnh lữ trẻ đang chăn trâu. Tác giả chọn hai hình ảnh ấy làm hai hình ảnh kết bài thơ chính bởi đây là những hình ảnh đặc trưng nhất tiêu biểu nhất của quê hương mỗi người. Đó là hình ảnh tiếng sáo đang văng vẳng bên tai của những cậu bé chăn trâu khiến nhà thơ cảm thấy xốn xang lạ thường. Dường như ta đang được về quê cùng tác giả để ngửi hơi khói bếp để nghe tiếng sáo du dương để ngắm đàn trâu đang nhai những ngọn cỏ cuối cùng để về nhà. Đó còn là hình ảnh những cánh cò trắng đang chao liệng. Nói đến quê hương sao có thể không nhắc đến những đàn cò trắng đã đi vào trong tâm hông người dân thôn quê và cánh cò ấy cũng chao nghiêng trên bao bài thơ câu thơ thân thương của người dân. Đã là một người con của quê hương ta không thể quên được những hình ảnh thân thương ấy. Có lẽ tác giả không thực nhìn thấy những hình ảnh đó nhưng đối với một người con của quê hương mà nói những hình ảnh đó vốn là những hình ảnh quen thuộc đến nỗi mỗi khi nhắc đến là họ không thể quên được. Qua đó ta thấy tác giả cũng là một người sinh ra trên một mảnh đất quê hương và chịu cảnh chân lấm tay bùn,có thể tác giả mới có thể hiểu cảm nhận và viết lên những âu thơ về quê hương da diết đến như thế.
 
Cho đến nay bài thơ đã vượt qua rất nhiều những bài thơ viết về quê hương và trở thành bài thơ gây được nhiều ấn tượng lớn trong lòng người đọc. Tác phẩm đã gợi được cái hồn cái cốt cũng như con người của làng quê Việt Nam. Bài thơ sâu sắc nhưng lại vô cùng giản dị thể hiện khí chất của bậc hiền tài.
 
Bài làm 4
 
Quê em ở Nam Định, chính nơi đã gợi thi tứ cho Trần Nhân Tông viết ra bài tứ tuyệt Thiên Trường vãn vọng trong dịp nhà vua về thăm quê cũ ở Thiên Trường. Vậy mà đến nay, khi đọc lại bài thơ đó, em mới cảm thấy thấm thía vẻ đẹp của quê hương qua nét bút cúa một ông vua – thi sĩ.
 
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
 Bán vô bán hữu tịch dương biên
Mục đồng dịch lí ngưu quy tận
 Bạch lộ song song phi hạ điền.
 
Dịch thơ:
 
Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
 Bóng chiêu man mác có dường không
 Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.
 
Bốn câu thơ dựng lên trước mắt em cảnh một buổi chiều nơi đồng quê thôn dã Việt Nam. Và em nhận ra đó chính là quê mình khi xóm trước thôn sau đã bắt đầu chìm dần vào sương khói khiến cái bóng chiều man mác có dường không. Khung cảnh trầm lặng ấy bỗng ánh lên sự sống con người trong sự hoà hợp với thiên nhiên bằng hai nét vẽ tài hoa – vừa có âm thanh, vừa có màu sắc:
 
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
 Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.
 
Nhìn bức tranh minh hoạ trong sách giáo khoa, em nhớ lại một thời mình đã từng là "mục đồng" như thế. Tiếng sáo văng vẳng bên tai, cánh cò trắng chao liệng trước mắt, và em bỗng nhận ra đó là hồn quê, tình quê thấm đượm trong hai câu thơ, trong cả bài thơ. Nó quen thuộc gần gũi với em quá, nó chính là mình mà lâu nay mình không biết hoặc nhiều lúc đã hờ hững với nó, chứ không buồn hiu hắt cô đơn như trong thơ Bà Huyện Thanh Quan:
 
Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
 Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn
 Gác mái ngư ông về viễn phố
 Gõ sừng mục tử lại cô thôn
 
hay trong khúc ngâm Chinh phụ của Đoàn Thị Điểm:
 
Trông bến nam bãi che mặt nước
 Cỏ biếc um, dâu mướt màu xanh.
Nhà thôn mấy xóm chông chênh
Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm.
 
Một ông vua mà vẫn giữ được hồn quê, tình quê tha thiết, vẫn gắn bó máu thịt với quê hương thôn dã như vậy thật đáng trân trọng và kính phục biết bao!
 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top