Bài làm 1
Cả lịch sử và dân gian đều ghi nhận, người viết bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên cho Việt Nam là Lý Thường Kiệt. Với lời thơ đanh thép, “Nam quốc sơn hà” chính thức tuyên bố với tập đoàn phong kiến phương Bắc rằng, “Nam Quốc” là một nước độc lập, ngang hàng với quốc gia phong kiến phương Bắc. Nếu xâm phạm bờ cõi nước Nam, giặc Bắc chỉ có nước thua tơi bời…
Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt, sinh năm 1019, mất năm 1105, thọ 86 tuổi. Ông vốn là người làng An Xá, huyện Quảng Đức, sống tại phường Thái Hòa (thuộc phía trên khu vực Bách Thảo, Hà Nội hiện nay). Như vậy, ông là người Thăng Long gốc.
Ngô Tuấn có bố là Ngô An Ngữ. Ngô An Ngữ là một quan võ, từng giữ chức Sùng ban Lan tướng vào đầu triều Lý. Mẹ Ngô Tuấn là người họ Hàn, sinh con đầu lòng là Ngô Tuấn năm 20 tuổi. Bố mẹ Ngô Tuấn sinh được 2 người con trai, Ngô Tuấn và em là Ngô Hiến. Ngô Hiến sau này cũng trở thành một quan võ phục vụ trong triều đình nhà Lý, cũng được vua ban cho quốc thích với tên mới là Lý Thường Hiến.
13 tuổi, Ngô Tuấn mồ côi cha, được gia đình một người cô mang về nuôi dạy, cho ăn học tới nơi, tới chốn. Vốn là con nhà võ, Ngô Tuấn thường xuyên luyện tập võ nghệ. Ông nổi tiếng là người văn võ song toàn. Năm Ngô Tuấn 18 tuổi, mẹ của ông cũng đột ngột qua đời. Mới 18 tuổi, nhưng Ngô Tuấn đã đứng ra lo việc hiếu cho mẹ vẹn toàn, được hàng xóm ngợi khen là người con chí hiếu.
20 tuổi, Ngô Tuấn lấy vợ tên là Thuần Khanh. 21 tuổi, gác tình riêng, Ngô Tuấn xin vào đội kỵ binh của nhà vua với mong muốn được thỏa chí trai, góp sức bảo vệ bờ cõi nước nhà. Ngô Tuấn được phong làm Kỵ mã Hiệu úy. Đây chỉ là một chức quan nhỏ, nhưng đó là bước khởi đầu tốt đẹp cho sự nghiệp của Ngô Tuấn sau này.
Ngô Tuấn làm Kỵ mã Hiệu úy được 3 năm. Sau đó, vua Lý thấy Ngô Tuấn khôi ngô, tác phong đĩnh đạc, học rộng, hiểu nhiều nhưng cũng rất đỗi khiêm tốn, thận trọng bèn cho vào cung, bổ làm thị vệ hầu cận vua. Do quy định ngặt nghèo dưới thời phong kiến, để được nhập cung hầu vua, Ngô Tuấn phải tự yếm (tự nguyện hoạn để trở thành hoạn quan). Là người học rộng, tài cao, lại trung trinh, hiếu nghĩa, Ngô Tuấn nhanh chóng được vua Lý tin cẩn giao nhiều trọng trách và liên tục được thăng quan vì lập được nhiều công trạng, được vua Lý ban cho quốc thích, lấy tên tự ghép lại thành Lý Thường Kiệt. Người đời sau thường biết đến và gọi ông là Lý Thường Kiệt là vì vậy.
Công trạng của Lý Thường Kiệt lập được nhiều khó kể xiết, chỉ có thể kể tới những công lớn của ông, từ dẹp nội loạn tới bình Chiêm, phạt Tống. Trong công cuộc bình Chiêm, Lý Thường Kiệt được giao lãnh quân tiên phong, truy bắt được vua Chiêm là Chế Củ, buộc Chế Củ phải hàng và dâng 3 châu để được tha về nước. Trong công cuộc phạt Tống, nhà Tống nhăm nhe xâm lược nước ta vì ngỡ sau trận chiến với Chiêm Thành, Đại Việt đã bị suy yếu, hao binh, tổn tướng. Lý Thường Kiệt được giao chỉ huy 40 vạn quân thủy cùng voi chiến đi theo đường biển cùng với 60.000 bộ binh do Tôn Đản chỉ huy tạo thành thế gọng kìm tấn công phủ đầu vào đất Tống, phá tan tiền đồn tấn công Đại Việt của nhà Tống ở Ung Châu. Thua đau, nhà Tống xua 100.000 quân, 10.000 ngựa và 200.000 dân phu tiến đánh Đại Việt. Chính trong trận này, tại phòng tuyến sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt làm bài “thơ thần” Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam) nổi tiếng. Quân Tống khi sa vào trận địa này thì bị cắt hoàn toàn đường tri viện. Lương thảo thiếu thốn, lại không hợp thủy thổ nên quân Tống thảy đều mỏi mệt, ốm yếu mà chết. Thêm vào đó, quân Đại Việt dùng mưu liên tục tập kích khiến quan quân nhà Tống hãi hùng càng đến tột cùng, 10 phần thì quân chết đến 6, 7 phần. Đêm đêm, Lý Thường Kiệt cho người ngâm nga bài thơ thần từ đền thờ Trương Hống, Trương Hát. Lời thơ trầm bổng nhưng uy lực như được phát ra từ hồn thiêng sông núi khiến quân Tống càng kinh hồn, bạt vía:
Nam quốc sơn hà
Nam quốc sơn hà, Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Lời dịch:
Sông núi nước Nam
Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Biết được quân Tống đã ở vào thế không thể chịu đựng hơn được nữa, để tránh họa binh đao làm lụy tới dân chúng cả hai nước, Lý Thường Kiệt bèn sai người đi nghị hòa. Chỉ huy quân Tống là Quách Quỳ như người chết đuối vớ được cọc, vội vã chấp nhận giảng hòa, rút tàn quân về nước. Về đến nước rồi mà quan quân nhà Tống vẫn chưa hết hoảng hồn, chúng tâu với vua Tống: “Cũng may mà lúc đó địch lại xin giảng hòa, không thì chưa biết làm thế nào”.
Với những chiến công lẫy lừng, Lý Thường Kiệt được phong làm Phụ quốc thái phó, dao thụ chư trấn tiết độ, đồng trung thư môn hạ, thượng trụ quốc, thiên tử nghĩa đệ, phụ quốc thượng tướng quân, tước Khai quốc công, sau lại được phong làm Thái úy.
Lý Thường Kiệt mất năm 1105, thọ 87 tuổi. Thương tiếc, vua Lý Nhân Tông ban cho ông chức Nhập nội điện đô tri kiểm hiệu thái úy bình chương quân quốc trọng sự, tước Việt quốc công, thực ấp 1 vạn hộ, cho em trai ông là Lý Thường Hiến kế phong tước hầu.
Bài làm 2
Tương truyền, Lí Thường Kiệt sáng tác bài thơ trong một trận quân ta chiến đấu chống quân Tống xâm lược. Tác giả không chỉ là một vị tướng tài ba mà còn là một nhà thơ nổi tiếng.
Cuối năm 1076, mấy chục vạn quân Tống hai hai tên tướng Quách Quỳ và Triệu Tiết cầm đầu sang cướp nước ta. Quân ta dưới quyền chỉ huy của Lí Thường Kiệt đã chiến đấu dũng cảm, chặn chân chúng lại ở phòng tuyến bên sông Như Nguyệt. Truyền thuyết kể rằng một đêm nọ, quân sĩ nghe vẳng vẳng trong đền thờ Trương Hồng và Trương Hát (hai tướng quân của Triệu Quang Phục đã hi sinh vì nước) có tiếng ngâm bài thơ này. Điều đó ý nói thần linh và tổ tiên phù hộ cho quân ta. Bài thơ đã góp phần khích lệ binh sĩ quyết tâm đánh tan quân giặc, buộc chúng phải rút lui nhục nhã vào tháng 3 năm 1077.
Từ trước đến nay, người ta thường cho rằng vị tướng Lí Thường Kiệt làm bài thơ này chỉ với mục đích động viên khí thế binh sĩ của mình. Tất nhiên là thế, nhưng câu thứ tư (Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm) lại rõ ràng là lời cảnh cáo quân giạc. Thì ra đối tượng nghe thơ không chỉ là quân ta mà còn là quân địch. Chính vì thế mà bài thơ được coi là một văn bản địch vận nhằm lung lya ý chí chiến đấu của đối phương.
Tác giả khẳng định: Chủ quyền độc lập của nước Nam là một chân lí không gì có thể bác bỏ được. Dân tộc Việt bao đời nay đã kiên cường chiến đấu để giữ vững bờ cõi, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng ấy.
Bài thơ Sông núi nước Nam thể hiện niềm tin tưởng và tự hào sức mạnh chính nghĩa của dân tộc ta có thể tiêu diệt bất kì kẻ thù hung bạo nào dám xâm phạm đến đất nước này. Vì thế mà nó có sức mạnh kì diệu cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta, làm khiếp vía kinh hồn quân xâm lược và góp phần tạo nên chiến thắng vinh quang. Tinh thần và sức mạnh của bài thơ toát ra từ sự khẳng định dứt khoát, mãnh liệt như dao chém cột.
Bài thơ lưu lại từ xưa không có tựa đề. Các sách thường lấy mấy từ Nam quốc sơn hà trong câu đầu làm tựa đề cho bài thơ (Dịch là Sông núi nước Nam):
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Câu thứ nhất nêu lên chân lí: Sông núi nước Nam vua Nam ở. Lẽ ra phải nói là dân Nam ở thì đúng hơn nhưng thời bấy giờ, vua đại diện cho quốc gia, dân tộc. Chân lí ấy thật đơn sơ, hiển nhiên nhưng nhân dân ta phải gian khổ đấu tranh bao đời chống giặc ngoại xâm mới giành lại được.
Từ khi nước nhà có chủ quyền cho đến năm 1076, dân tộc Đại Việt đã nhiều lần khẳng định chân lí ấy bằng sức mạnh quân sự của mình. Lũ giặc phương Bắc quen thói hống hách, trịch thượng, luôn nuôi tham vọng cướp nước nên chúng khăng khăng không chấp nhận.
Ý nghĩa câu thơ không dừng lại ở đó. Tác giả xưng danh là nước Nam với chủ ý gạt bỏ thái độ khinh miệt coi nước ta là quận huyện vẫn tồn tịa trong đầu óc lũ cướp nước bấy lâu nay. Đặt nước mình (Nam quốc) ngang hàng với (Bắc quốc). Xưng vua Nam (Nam đế) cũng là bác bỏ thái độ ngông nghênh của bọn vua chúa phương Bắc hay tự xưng là thiên tử (con trời), coi thường vua các nước chư hầu gọi họ là vương. Các từ nước Nam, vua Nam vang lên đầy kiêu hãnh, thể hiện thái độ tự hào, tự tôn cùng tư thế hiên ngang làm chủ đất nước của dân tộc Việt. Đó không phải là lời nói suông. Chiến dịch tấn công ào ạt của quân ta vào căn cứ của quân cướp nước mấy tháng trước đó là một bằng chứng hùng hồn. Do đó, chân lí nói trên càng có cơ sở thực tế vững chắc.
Ngày ấy, triều đình nhà Tống lấy cớ ta dám quấy nhiễu vùng biên ải nên phải "dấy binh hỏi tội". Đầu năm 1076, quân ta đã tiêu diệt các căn cứ lương thảo, vũ khí, quân đội… nhằm chuẩn bị cho cuộc xâm lược của kẻ thù ngay bên đất chúng. Cho nên Lí Thường Kiệt nhắc lại chân lí này để quân dân nước Nam đang chiến đấu nắm chắc thêm lưỡi gươm giết giặc, mặt khác để vạch trần bộ mặt phi nghĩa của quân thù và đánh mạnh vào tinh thần chúng.
Câu thứ hai: Tiệt nhiên định phận tại thiên thư (Vằng vặc sách trời chia xứ sở) khẳng định chủ quyền của nước Nam đã được ghi rõ trên sách trời. Sách trời đã chia cho vua Nam có riêng bờ cõi.
Người xưa quan niệm rằng các vùng đất đai dưới mặt đất ứng với các vùng sao trên trời. Nước nào có vua nước đó. Điều đó là do thiên định nên thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Câu thơ nhuốm màu sắc thần linh khiến cho chân lí nêu ở câu trên càng tăng thêm gái trị.
Câu thơ thứ ba: Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm? (Giặc dữ cớ sao phạm đến đây?) là câu hỏi nghiêm khắc đối với binh tướng giặc. Chủ quyền độc lập của nước Nam không chỉ là chuyện của con người mà còn là chuyện vằng vặc ( rõ ràng, minh bạch) trên sách trời, không thể chối cãi, ai cũng phải biết, phải tôn trọng. Vậy cớ sao quân giặc kia lại dám xâm phạm tới? Câu hỏi thể hiện thái độ vừa bực tức vừa khinh bỉ của tác giả. Bực tức vì tại sao tướng sĩ của một nước tự xưng là thiên triều mà lại dám phạm tới lệnh trời? Khinh bỉ vì coi chúng là nghịchlỗ, tức lũ giặc cướp ngỗ ngược, ngang tàng. Gọi chúng là nghịch lỗ tức là tác giả đã dặt dân tộc Việt Nam vào tư thế chủ nhà và tin rằng có đủ sức mạnh để bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ chủ quyền độc lập.
Tác giả tăng cường sức khẳng định cho chân lí hiển nhiên đã nêu ở trên bằng nghệ thuật đối lập giữa cai phi nghĩa của lũ giặc dữ với cái chính nghĩa của nước Nam và sự phân chia minh bạch ở sách trời.
Câu thứ tư: Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư (Chúng mày nhát định phải tan vỡ), ý thơ vẫn tiếp tục thể hiện thái độ khinh bỉ quân giặc và niềm tin sắt đá vào chiến thắng tất yếu của quân ta.
Ở trên, tác giả gọi quân xâm lược là giặc, là nghịch lỗ thì đến câu này, ông gọi đích danh như có chúng trước mặt: chúng mày. Cách xưng hô không khác gì người trên với kẻ dưới hàm ý coi thường, đồng thời nghiêm khắc cảnh cáo chúng: nhất định phải tan vỡ. Y như là sự việc đã sắp đặt trước, chỉ chờ kết quả. Kết quả sẽ ra sao? Đó là chúng mày không chỉ thua, mà thua to và thất bại thảm hại. Mười vạn quân giặc do hai tướng giỏi chỉ huy, quân ta đau phải dễ đánh bại nhưng vì hàng động của chúng phi nghĩa nên tất yếu chúng sẽ bại vong. Ngoài ý cảnh cáo giặc, câu thơ còn thể hiện niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh quân dân ta trên dưới đồng lòng và một niềm tự hào cao vút.
Câu thơ nguyên văn bằng chữ Hán: Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư có nghĩa là : Rồi xem, chúng bay sẽ tự chuốc lấy phần thất bại thảm hại. Thất bại ghê gớm của giặc là điều không thể tránh khỏi bởi chúng là kẻ dám xâm phạm tới điều thiêng liêng nhất của đạo trời và lòng người.
Một lần nữa, chân lí về chủ quyền độc lập rất thuận lòng người, hợp ý trời của nước Nam đã được tác giả khẳng định bằng tất cả sức mạnh của lòng yêu nước, căm thù giặc.
Bài Thơ Thần ra đời trong một hoàn cảnh cụ thể và nhằm vào một mục đích cụ thể. Cuộc đối đầu giữa quân ta và quân địch trước phòng tuyến sông Như Nguyệt đang ở thế gay go ác liệt. Để tăng thêm sức mạnh cho quân ta và đánh một đòn chí mạng vào tinh thần quân địch, bài thơ ấy đã vang lên đúng lúc và được lan truyền nhanh chóng. Có thể tưởng tượng rằng lúc ấy quân dân ta như được hun đúc trong ánh lửa thiêng liêng, máu sôi lên và khí thế giết giặc ngùn ngụt ngất trời.
Tính chân lí của bài thơ có giá trị vinhc hằng bởi nó khẳng định chủ quyền độc lập của nước Nam là bất khả xâm phạm. Tác dụng to lớn, mạnh mẽ của bài thơ không chỉ bó hẹp trong hoàn cảnh lúc bấy giờ mà còn kéo dài vô tận. Hơn mười một thế kỉ, quân xâm lược phương Bắc cố tình thôn tính nước ta nhưng dân tộc ta đã đồng lòng đứng lên chiến đấu đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi để bảo vệ chủ quyền ấy.
Chỉ bằng bốn câu thơ ngắn gọn, Lí Thường Kiệt đã khẳng định một cách đanh thép chân lí độc lập tự do, đồng thời lên án tính chất phi nghĩa của hành động xâm lược cùng sự bại vong tất yếu của kẻ dám ngang ngược xâm phạm chân lí đó.
Việc khẳng định lại chủ quyền độc lập của dân tộc ta để đánh tan tham vọng xâm lược của bọn cướp nước trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc chiến đấu ác liệt là hết sức cần thiết. Vì lẽ đó mà từ trước tới nay, có nhiều ý kiến cho rằng Sông núi nước Nam của Lí Thường Kiệt là bản tuyên ngôn độc lập thành văn thứ nhất của đất nước và dân tộc Việt Nam.
Bài làm 3
Việt Nam có truyền thống lịch sử lâu đời với hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trong suốt chiều dài của lịch sử, dân tộc ta luôn là “miếng mồi béo bở”, là đối tượng xâm lăng của những kẻ ngoại xâm. Nhưng, dân tộc Việt Nam là dân tộc có truyền thống kiên cường bất khuất, có lòng tự tôn dân tộc mạnh mẽ. Vì vậy mà bao dấu chân quân thù cũng bị cha ông ta đánh đuổi khỏi bờ cõi. Trong các tác phẩm thơ văn, đã có rất nhiều tác phẩm viết về lòng yêu nước này. Tác phẩm “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt là một trong những bài thơ tiêu biểu về lòng yêu nước, về ý thức tự tôn dân tộc. Bài thơ được xem như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta, bởi đây cũng là lần đầu tiên có một tác phẩm thơ văn khẳng định hùng hồn, đanh thép về chủ quyền, về độc lập như vậy.
Bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt là bài thơ tuy có bốn câu, rất ngắn gọn, xúc tích song nội dung chứa trong đó mới thật lớn lao làm sao, người chủ tướng này không chỉ vạch ra ranh giới lãnh thổ một cách rạch ròi, xác đáng, chỉ ra hành động ngang ngược, phi nghĩa cũng là trái với luật trời của lũ giặc, cũng như niềm tin mạnh mẽ, bất diệt vào sức mạnh của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống lực lượng bạo tàn, phi nghĩa ấy. Đặc biệt, những luận điểm mà tác giả Lý Thường Kiệt nêu ra trong bài thơ lại vô cùng chặt chẽ, hợp tình hợp lí mà quân địch “không thể chối cãi”. Mở đầu bài thơ, tác giả Lý Thường Kiệt đã dùng giọng nói hào sảng, mạnh mẽ để khẳng định ranh giới, lãnh thổ của nước ta:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời”
Ở đây, tác giả dùng một giọng điệu hào sảng khẳng định lãnh thổ chủ quyền của chính dân tộc mình, tuy nhiên Lý Thường Kiệt lại không dùng sự chủ quan của mình để phán xét, tác giả đã đứng trên lập trường của một người bình thường, với cái nhìn chủ quan để khẳng định những chân lí đã hiển hiện, rõ nét mà ai cũng biết, ai cũng phải thừa nhận. “Sông núi nước Nam” ta có thể hiểu là phần lãnh thổ của dân tộc Việt Nam, hình ảnh sông núi là sự biểu tượng cho phần ranh giới ấy. Trong tương quan với cương vực, lãnh tổ, Việt Nam cũng là một nước có chủ quyền, có người đứng đầu, người làm chủ “vua Nam ở”. Ngay ở câu thơ đầu, Lý Thường Kiệt đã đưa ra một lời khẳng định đanh thép, hùng hồn về vấn đề chủ quyền với lập luận xác đáng, không thể chối cãi.
Để tiếp tục chứng minh cho lời khẳng định của mình, Lý Thường Kiệt đã chỉ ra nguồn gốc, căn nguyên đầy vững chắc của lời khẳng định ấy. “Rành rành” là một từ láy chỉ sự rõ nét, hiển hiện một cách đầy chắc chắn. “ Định phận” là sự định đoạt, là số phận đã được phân chia, đã được quy định, “sách trời” lại chỉ ra đối tượng đã “định phận” ranh giới, lãnh thổ ấy. Sách trời là cuốn sổ ghi chép những điều có liên quan đến con người dưới trần gian, nói đến sách trời, tác giả như muốn nói đến sự thiêng liêng, cũng sự rạch ròi của đấng tối cao, người mà luôn khiến cho người dân phải tôn sùng và phải lắng nghe những lời chỉ dạy.
“Rành rành định phận ở sách trời” mang ý nghĩa thiêng liêng hơn khi chủ quyền lãnh thổ ấy đã được định đoạt ở sách trời, đồng thời cũng thể hiện được hành động đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta, đấu tranh nhằm ngăn cản những dã tâm ti tiện của kẻ xâm lược làm trái đi đạo lí của nhà trời. Từ việc khẳng định, nêu ra những lí lẽ xác đáng, Lý Thường Kiệt đã lên tiếng cảnh báo đầy hùng hồn về cái kết cục bi thảm mà quân địch sẽ nhận được khi chúng cố tình xâm phạm chủ quyền của một dân tộc có lãnh thổ, có ý thức về lòng tự tôn dân tộc ấy:
“Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh cho tơi bời”
Nếu như ở hai câu thơ đầu, tác giả Lý Thường Kiệt còn khá bình tĩnh, khách quan khi khẳng định ranh giới, cương vực, quyền làm chủ đất nước của dân tộc Việt Nam, thì đến câu thơ này, tác giả đã tỏ ra vô cùng giận dữ đối với hành động ngang ngược, phi nghĩa, trái với luật trời của lũ xâm lăng. “Cớ sao” là một câu hỏi đầy giận dữ, bởi đã biết những hành động xâm lược là sai trái, xâm lược vào một đất nước có chủ quyền là trái với đạo lí, trái với luật trời nhưng chúng vẫn tỏ ra ngạo mạn, bạo tàn với dân tộc tự do, yêu hòa bình ấy “có sao lũ giặc sang xâm phạm”.
Câu thơ còn thể hiện thái độ không khoan nhượng, không nhún nhường trước những hành động bạo tàn đó, thể hiện được chí khí,bản lĩnh của một người dân yêu nước. Không chỉ giận dữ trước hành động của lũ giặc, Lý Thường Kiệt còn lên tiếng cảnh báo trước hậu quả của lũ giặc sẽ phải nhận lấy khi xâm lược Việt Nam “chúng bay sẽ bị đánh cho tơi bời” đó chính là kết cục đầy ê chề, thê thảm của lũ cướp nước. Đồng thời, câu thơ cũng thể hiện được niềm tin bất diệt của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống lại các thế lực bạo tàn ấy.
Như vậy, bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt là một khúc anh hùng ca của dân tộc, nó không chỉ vang lên đầy hào sảng, mạnh mẽ cũng không kém phần tự hào khi chỉ ra ranh giới, chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, nó lại réo rắt, đanh thép khi kết tội kẻ thù, vạch ra kết quả bi thảm mà lũ giặc phải đón nhận khi cố tình xâm lăng dân tộc độc lập mà anh hùng ấy. Vượt lên trên tất cả những giá trị nội dung, nghệ thuật thông thường, “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt đã trở thành một áng thơ văn bất hủ, bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Bài làm 4
Lòng yêu nước sâu sắc và tinh thần tự tôn dân tộc vốn là một chủ đề thiêng liêng trong kho tàng văn học Việt Nam. Từ thơ ca trung đại đã có rất nhiều tác phẩm xuất sắc nói về lòng yêu nước nồng nàn. “Nam quốc sơn hà” hay còn gọi là “Sông núi nước Nam” là một bài thơ đặc sắc được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta. Bài thơ đã thể hiện chủ quyền của đất nước, niềm tự hào dân tộc và lòng quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi nước Nam.
“Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
Bài thơ nam quốc sơn hà được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú đường luật. Tác phẩm được viết vào thời nhà Lê trong trận chiến trên sông Như Nguyệt đánh đuổi giặc Tống xâm lăng. Hiểu được hoàn cảnh ra đời, người đọc càng thấm thía ý nghĩa lớn lao, giá trị sâu sắc của tác phẩm.
Hai câu đầu bài thơ đã khẳng định chủ quyền dân tộc sâu sắc:
“Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”
(Sông núi nước Nam vua nam ở
Rành rành định phận tại sách trời)
Chỉ với hai câu thơ ngắn gọn, nhà thơ đã khẳng định sông núi, đất nước Việt Nam là của người nước nam, điều đó đã định sẵn rõ ràng ở sách trời. Nhà thơ đã sủ dụng hình ảnh hoán dụ “vua nam ở” cũng chính là đại diện cho toàn dân tộc nước Nam ta từ ngàn đời nay. Hai từ “tiệt nhiên” khẳng định như đinh đóng cột một cách đanh thép, khó có thể chối cãi. Nhà thơ đã dùng đến “thiên thư” chính là sách trời để nói lên chủ quyền đất nước, chủ quyền từng mảnh đất của người nước Nam ta. Đó là vùng đất anh hùng, thiêng liêng đã gắn bó máu thịt với người dân nước Nam. Bên cạnh việc nhấn mạnh chủ quyền đất nước, câu thơ còn ẩn chứa niềm tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc. Giọng thơ hào hùng cùng nhịp thơ mạnh mẽ, rứt khoát trong câu thơ càng khiến cho mỗi câu thơ vang lên trở nên đanh thép, hào hùng, có sức truyền cảm lớn lao tới người đọc, người nghe.
Không chỉ khẳng định chủ quyền đất nước, bài thơ còn vang lên như một lời nguyệt sắt son quyết giữ trọn mảnh đất quê hương, đánh đuổi giặc xâm lăng:
“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
(Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời)
Sau khi nhấn mạnh chủ quyền đất nước đã định ở sách trời, bài thơ khéo léo nhắc nhở những tên giặc “nghịch lỗ” dám xâm phạm bờ cõi đất nước chẳng khác nào phạm vào thiên thư, phạm với ý trời. Ẩn chứa trong câu thơ là một sự giận dữ, ý chí căm hờn sâu sắc trong trái tim của mỗi người dân yêu nước khi tổ quốc bị xâm lăng. Cụm từ “thủ bại hư” khẳng định sâu sắc nhất định giặc xâm lăng sẽ bại trận một cách tơi bời, nhục nhã. Lời thơ vang lên đanh thép, hào hùng như một lời nguyện đoàn kết của toàn dân tộc, quyết tâm giữ vũng bờ cõi nước nam. Đó cũng chính là tinh thần đoàn kết, yêu nước từ ngàn đời của dân tộc ta. Đọc câu thơ, người đọc cảm nhận được hào khí một thời, cảm nhận được sức mạnh to lớn của toàn dân, của đoàn quân đang ào ào ra trận trên dưới đồng lòng vì tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc.
Đặt vào hoàn cảnh sáng tác của bài thơ, bài thơ vang lên trên sông Như Nguyệt giốn như một bài thơ thần, vừa có ý nghĩa răn đe kẻ thù, vừa có ý nghĩa khơi gợi lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân đội nhà Lê thời ấy. Lịch sử đã khẳng định thành công rực rỡ của bài thơ, quân xâm lược nhà Tống nghe xong bài thơ thấy khiếp sợ, giẫm đạp lên nhau chạy tan tác. Bài thơ tuy ngắn gọn với bốn câu thơ nhưng lời ít, ý nhiều, lời thơ xúc tích, giọng thơ đanh thép, hèo hùng cùng hình ảnh thơ đặc sắc đã làm nên chiến thắng cho quân dân ta thời ấy.
Gấp trang sách lại mà những lời thơ trong bài Nam quốc sơn hà vẫn vang lên đanh thép. Bài thơ đã khẳng định được chủ quyền đất nước, khơi gợi niềm tự hào tự tôn dân tộc và khẳng định sâu sắc quyết tâm đánh đuổi giặc xâm lăng ra khỏi bờ cõi nước ta. Bài thơ tuy cách xa chúng ta hàng bao thế kỷ nhưng từng lời trong bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên ấy sẽ còn vang vọng mãi cho đến tận hôm nay và mai sau.