Trang chủ » Bài văn cảm nghĩ về cánh đồng lúa lớp 7 hay nhất

Bài văn cảm nghĩ về cánh đồng lúa lớp 7 hay nhất

Bài làm 1
 
Vừa bước xuống xe, tôi đã choáng ngợp trước cánh đồng. Nơi tôi đứng nhìn thẳng ra cánh đồng lúa đang độ chín. Có lẽ đã bắt đầu vào mùa thu hoạch. Cánh đồng lúa trải một màu vàng óng, trông như một tấm thảm khổng lồ. Xa xa có mấy bác nông dân đang hối hả gặt lúa, người bó, người gánh, người ôm. Có lẽ họ đều rất mệt nhưng niềm vui vì có một vụ mùa thắng lợi đã biểu hiện rất rõ trên những gương mặt hân hoan.
Cánh đồng lúa trải rộng trước măt mang đến cho tôi bao nhiêu cảm xúc. Trong lúc chờ cậu tôi ra đón, tôi vào ngồi nghỉ ở một hàng nước ven đường, dưới một gốc cây sĩ già rất lớn. Tôi thả hồn mình cùng những làn gió nhẹ đưa trên tấm thảm vàng. Bông lúa trĩu nặng se sẽ rung rinh nô đùa cùng gió. Năm nay được mùa lớn. Nhìn những hạt lúa mẩy vàng tôi thầm nghĩ: không biết có bao nhiêu giọt mồ hội rơi xuống thước đất kia, bao nhiêu trí tuệ của con người dồn vào để rồi đất mẹ rút ruột mình ra tạo nên những hạt thóc mẩy vàng. Tôi chợt nhớ đến câu ca dao:
 
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Rẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần
 
Ngày nay, khoa học kĩ thuật phát triển, người nông dân phần nào đã được giải phóng sức lao động, nhưng những giọt mồ hôi ấy vẫn rơi bởi thiếu bàn tay con người thì không thể có được bất cứ thứ gì trên trái đất này. Cánh đồng lúa chín ấy là sự trả công xứng đáng của thiên nhiên dành cho con người. Tôi vô cùng biết ơn và khâm phục nhưng kĩ sư nông nghiệp, những nhà bác học đã nghiên cứu ra những giống lúa phù hợp với đất đai và khí hậu quê hương. Biết ơn những người nông dân một nắng hai sương đã biến những công trình khoa học thành hiện thực, đã mang đến cho đất nước những mùa vàng bội thu.
Nắng tháng năm vẫn trải rộng trên cánh đồng gay gắt, gương mặt của những cô thôn nữ thêm ửng hồng khoẻ mạnh. Nụ cười tươi làm gương mặt họ bừng sáng. Quê hương đã thật sự vào mùa. Tôi thấy yêu quê ngoại vô cùng và tự hào về quê hương đất nước mình. Quê hương mình đã thật sự đổi thay. Với những người biết yêu đồng ruộng như cha ông chúng ta, quê hương mình sẽ ngày càng giàu đẹp.
 
Bài làm 2
 
Cánh đồng lúa quê em xanh mướt mùa trổ đòng, vàng óng mùa gặt và hoang sơ khi vừa thu hoạch xong. Ở mỗi thời điểm em đều cảm nhận được một vẻ đẹp riêng đầy thi vị.
Mẹ em nói, trước kia nhà em ở trên mặt phố, nhưng vì xe cộ qua lại nhiều, vừa ồn ào vừa ô nhiễm, nên bố em quyết định dọn vào mảnh đất ông bà em để lại trong làng ở, ngôi nhà ở mặt phố thì cho người ta thuê làm quán sửa xe.
 
Nhà mới của gia đình em ở tít cuối làng, ngay cạnh cánh đồng lúa trải dài mênh mông. Cả nhà em ai cũng thích nơi ở mới, yên tĩnh và trong lành. Sáng sớm em thường cùng bố ra mảnh sân trước nhà để tập thể dục, vừa tập thể dục vừa tận hưởng không khí trong lành và cảnh quan tuyệt đẹp mà cánh đồng làng quê mang lại.
Cánh đồng làng em cách cánh đồng làng bên một con sông nhỏ, bao quanh là những ngọn núi nối với nhau thành một dãy dài như một bức tường thành. Mùa lúa mới lên đòng, cánh đồng xanh mướt, quan sát từ góc độ nào cũng có thể cảm nhận được một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, đầy sức sống. 
 
Rồi tới khi lúa chín, bức tranh ấy lại được thay màu vàng óng, mang vẻ đẹp yên bình của làng quê. Cảnh người người rộn ràng thu hoạch lúa thật vui tươi. Họ vừa vừa lau giọt mồ hôi trên trán vừa cười nói phấn khởi vì hơn 3 tháng vất vả chăm bón cuối cùng cũng được thu hoạch. Những vất vả của họ được chắt chiu trong từng hạt thóc, vì thế, ai nấy đều nâng niu, lúc gặt, lúc gánh lúa về đều cố gắng để không làm rơi vãi.
 
Nhiều bạn nói cánh đồng chỉ đẹp khi lúa còn tươi tốt, nhưng với em, ngay cả khi đã thu hoạch xong rồi, khắp nơi chỉ con trơ lại gốc rạ thì em vẫn thấy cánh đồng mang một vẻ đẹp khác, vẻ đẹp hoang sơ và thanh tịnh đặc trưng của miền nông thôn. Tô điểm thêm cho khung cảnh hoang sơ đó là hình ảnh những chú trâu to lớn nhởn nhơ gặp cỏ, cõng trên lưng một cậu bé trạc tuổi em, hoặc đôi khi lại có vài chú cò trắng đậu trên đầu.
 
Cánh đồng lúa đã gắn liền với những kỷ niệm tuổi thơ của em và đám bạn. Em yêu cánh đồng lúa, yêu cả những buổi trưa hè nắng gắt, cùng nhau đi nhặt cua ngoi, đi vợt châu chấu về rang, yêu những ngày trốn bố mẹ theo đám bạn đi chăn trâu rồi chiều về tha hồ ăn roi vọt.
 
Nếu sau này khôn lớn, phải rời xa nơi đây, chắc chắn em sẽ luôn ghi nhớ hình ảnh cánh đồng lúa tươi đẹp đã làm nên kỷ niệm tuổi thơ của mình.
 
Bài làm 3
 
Hè vừa rồi, em được ba cho về thăm quê nội ở cần Giuộc, Long An. Sau một đêm nghỉ ngơi thoải mái, sáng hôm sau em theo bác Ba ra thăm đồng. Cánh đồng này có tên là đồng Thượng, nằm dọc theo con lộ đất đỏ như son, nối từ cần Giuộc đến vùng ngoại ô quận 8, thành phố Hồ Chí Minh.Bác Ba quẩy đội thùng tưới đi trước, em vác chiếc cuốc trên vai, cố đi nhanh cho kịp bác. Đến thửa ruộng của nhà, bác dừng lại rồi đưa tay khoát một vòng, tươi cười nói với em:
 
– Cháu thấy phong cảnh quê mình đẹp không?
Em thích thú gật đầu và mê mải ngắm nhìn cánh đồng buổi sớm trải dài trước mắt một màu xanh mướt của lúa, của hoa màu đang độ lớn. Thoảng trong gió mùi đòng đòng lúa thơm ngọt quyện với mùi bùn ngai ngái tạo nên hương vị khó quên của đồng quê. Đây đó, có tiêng rích rích của những chú chim trú đêm trong ruộng lúa.
 
Con mương chạy dài cắt ngang cánh đồng, dọc hai bên bờ là hàng dương thẳng tắp. Phía đất trũng hơn cây lúa, phía đất cao dùng để trồng hoa màu. Những luông rau cải xanh, cải trắng non tươi xen lẫn với những luống cà chua, xà lách, hành hoa… mơn mởn.
 
Bác Ba gánh nước từ dưới mương lên tưới rau. Nước theo vòi hoa sen toả đều trên mặt luông. Bụi nước li ti lấp lánh ánh mặt trời. Em giúp bác nhổ cỏ, bắt sâu. Trên các thửa ruộng khác, vài tốp nông dân đang cần mẫn làm việc. Tiếng nói, tiếng cười văng vẳng. Chẳng mấy chốc, nắng đã trải vàng rực khắp cánh đồng.
 
Người dân cần Giuộc quê em suốt đời gắn bó với đất đai. Bao nhiêu mồ hôi đã đổ xuống đất này cho lúa thêm xanh, cho rau thêm tốt. Người yêu thương đất, đất nuôi người. Bộ mặt quê hương em không ngừng thay đổi và mỗi ngày một tươi đẹp hơn.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top