Trang chủ » Kể lại một câu chuyện đáng nhớ của bản thân – Văn tự sự lớp 9

Kể lại một câu chuyện đáng nhớ của bản thân – Văn tự sự lớp 9

Mỗi người đều có một câu chuyện khó quên để lại ấn tượng khó phai trong lòng họ. Đó có thể là một câu chuyện vui, một câu chuyện buồn và những câu chuyện đó đã để lại trong lòng người đọc một bài học quý giá. Hãy để Lambaitap.edu.vn chia sẻ nó với tất cả các bạn!

Kể về một kỉ niệm đáng nhớ lớp 9 với dàn ý chi tiết và 9 bài văn mẫu ngắn gọn giúp các bạn học sinh lớp 9 có thêm nhiều ý tưởng mới để hoàn thiện bài văn kể lại một câu chuyện đáng nhớ của bản thân. Nhờ đó, cảm hứng học tập Văn tự sự lớp 9 kể chuyện đời thường ngày càng tốt hơn.

Dàn ý kể chuyện đời thường lớp 9

1. Mở bài kể lại câu chuyện đáng nhớ của bản thân

Dẫn dắt vào một kỉ niệm đáng nhớ: Khi còn nhỏ, tôi đã có một trải nghiệm khó quên với ông bà ngoại ở quê ngoại.
Ấn tượng về câu chuyện: Đó là một bài học về sự trung thực, không thể nào quên.

2. Thân bài kể lại một kỉ niệm đáng nhớ của bản thân

a. Kể về bối cảnh xảy ra câu chuyện

– Trong kỳ nghỉ hè, em được bố mẹ chở về quê thăm ông bà:

Quê ngoại rất đẹp và yên bình: cánh đồng lúa vàng, cánh cò trắng, từng đàn trâu mẹ và nghé con.
Ông bà ngoại tuy đã lớn tuổi, mái tóc đã bạc phơ nhưng vẫn còn rất minh mẫn: chăm  sóc đàn gà, trồng rau, thương yêu các cháu nhưng cũng rất nghiêm khắc.
Được chơi thả diều, tắm sông, bắt dế, chơi ô ăn quan với anh chị em họ hàng và các bạn nhỏ trong làng

⇒ Cảm nhận: Về quê ngoại em rất vui, vì được chơi nhiều trò chơi mới, được nghe ông bà kể chuyện cổ tích, chuyện lịch sử, chuyện trồng trọt, chăn nuôi.

b. Kể lại câu chuyện đáng nhớ của bản thân

Mô tả hoàn cảnh, nơi xảy ra câu chuyện: một buổi chiều
Diễn biến câu chuyện
Kết thúc câu chuyện: Ông bà tha thứ cho lỗi lầm, không quên răn đe, dạy bảo về tác hại của việc nói dối, sống cần phải có sự trung thực.

Thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của mình qua câu chuyện: cảm thấy có lỗi, tự hứa bản thân sẽ luôn trung thực và không để người thân thất vọng.

3. Kết bài kể về một kỉ niệm đáng nhớ lớp 9

Câu chuyện đó khiến bản thân thấy thế nào: đáng nhớ khó quên, bản thân có được một bài học quý giá, thêm yêu thương, kính trọng ông bà

Bài làm 1: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ lớp 9

Suốt năm năm nay, người dân ở quanh Trường tiểu học Ya Chim 1 (xã Ya Chim, thị xã Kon Tum) rất cảm động trước tình bạn của hai cậu học sinh. Thấy bạn mình có đôi chân què quặt, cậu bé A Byưh đã tình nguyện cõng bạn đến trường hàng ngày. Dù mưa gió hay mùa khô nắng gắt, người ta vản thấy A Trâm tươi cười trên lưng A Byưh đến trường. Nhà A Byưh nghèo khó, bố mẹ lam lũ rẫy nương, nhà của A Trâm cũng chẳng khá gì hơn. Không một ai bắt A Byưh phải làm thế, nhưng vì thương bạn, cậu bé đã làm điều đó một cách tự nguyện và vui vẻ.

“Em muốn mình là đôi chân của bạn”, A Byưh tâm sự.

“Yàng không phạt người tốt đâu!”.        

     A Byưh và A Trâm ở cùng làng Klâu Ngoh Zố. Vì thế, từ nhỏ hai cậu đã kết thân với nhau. Nhà A Byưh nghèo, anh em lại đông nên cậu bé phải vất vả từ nhỏ. Còn hoàn cảnh A Trâm cũng chẳng khá hơn. Khi vừa sinh ra, chẳng hiểu vì sao đôi chân của em cứ teo tóp rồi không thể đi được, chỉ lết quanh quẩn trong nhà. Thấy con bị tật nguyền, ba của em trốn biệt, chỉ còn lại hai mẹ con trong căn nhà sàn trống trơ. Hằng ngày, sau giờ xua bò lên rẫy, A Byưh lại đến chơi với A Trâm. Trò chơi của nhũng đứa trẻ vùng quê giữa Tây Nguyên bạt ngàn chỉ là mấy cái lá cây vàng rụng, vài cục đất sét lượm được quanh vùng. Vậy mà tình bạn giữa hai đứa cứ ngày càng thắm thiết.

      Đến tuổi đi học, A Byưh vui mừng khi mẹ cho chiếc cặp mới để chuẩn bị đến trường, cậu mang đến nhà A Trâm để hai đứa cùng vui. Nhưng A Trâm không thể nào vui được, cậu lết ra sau căn nhà sàn rồi ngồi bệt giữa đất mà khóc. A Byưh lên tiếng: “Mầy không vui khi tao được đi học hả A Trám? Tại sao mày lại khóc?”. A Trâm sụt sùi trả lời: “Không phải tao không vui vì mầy được đi học, mà tao buồn vì tao không có đôi chân như mày để đi học. Tao buồn lắm A Byưh!”. Thương bạn, A Byưh suy nghĩ nhiều lắm. Rồi bỗng dưng mấy hôm sau A Byưh đến nhà A Trâm với nét mặt hớn hở: “Tao có đôi chân, hai đứa mình dùng chung. Cả hai cùng đi học nhé!”. Nghe bạn nói, cái bụng A Trâm mừng như được quà.

      Chị Y Thanh, mẹ A Trâm, nhớ lại: “Thương con lắm nhưng nó tật nguyền, trường lớp lại xa, mình thì suốt ngày lên rẫy. Nhà chỉ có hai mẹ con, ai đưa nó đến trường! Mình nghĩ cái số nó bị Yàng phạt nên có học cũng chẳng làm được gì. Thôi thì mặc cho Yàng vậy”. Nhưng rồi một hôm thây A Byưh đứng chần chừ trước cửa như muốn nói điều gì đó, chị Y Thanh lên tiếng: “A Byưh, mày có chuyện gì muốn nói à?”. Sau một hồi ngập ngừng, A Byưh lên tiếng: “Dì cho thằng A Trâm đi học với con nhé? Con sẽ cõng nó tới trường!”.

      Tuy ưng cái bụng nhưng chị Y Thanh vẫn lo lắng: “A Byưh à, cái số thằng A Trâm bị Yàng phạt rồi, mày giúp nó không sợ Yàng hả?”. Chẳng một phút đắn đo, A Byưh trả lời: “Không đâu, Yàng không phạt người tốt đâu! Con sẽ cõng A Trâm tới trường”.

       Thấy A Byưh nhất quyết xin cho A Trâm tới trường, cuối cùng chị Y Thanh cũng đồng ý. Ngày khai trường, A Trâm rạng rỡ nụ cười trên lưng A Byưh, chị Y Thanh thấy vui vô cùng! Tuy khuyết tật nhưng A Trâm cũng lớn ngang ngửa với A Byưh. Để đến được trường, nhiều khi đôi bạn nhỏ phải ngồi bệt giữa đường nghỉ lấy hơi.

       Thấy dáng A Byưh cõng bạn đi liêu xiêu trên con đường đất đỏ của làng, ai cũng thầm thán phục và lo lắng cho lòng tốt của A Byưh có ngày bị Yàng phạt. Nhưng A Byưh và A Trâm thì không, hai đứa vẫn cười đùa hồn nhiên trong suốt hành trình năm năm đi tìm con chữ.

       Anh Tuấn, một người sửa xe đạp ở làng và cũng là nhân chứng của đôi bạn này trên con đường đầy bụi đỏ kể: “A Trâm ngày càng lớn nên nhiều lúc A Byưh cõng cũng thấm mệt. Những lúc như vậy A Trâm cởi quần dài, ngồi lết từng đoạn chờ bạn nghỉ mệt.

       Ở quê, trẻ con có được ăn sáng trước khi đến trường đâu, khi tan học cũng đã thấm cơn đói. Vậy mà chưa bao giờ tôi thấy A Byưh bỏ bạn cả, mệt lắm thì nó lấy cái mo cau kéo bạn về. Có những hôm mưa lớn, thấy hai đứa lem luốc bùn đất, thương quá tôi lấy xe chở về. Tôi vẫn thường chỉ vào tụi nó mà dạy con tôi, nhưng nói thật để làm được như A Byưh thì hiếm lắm!”.

       Năm nay, cả A Byưh và A Trâm đã bước vào lớp 6, trường lại xa nhà hơn 6 km. Hôm tôi đến chỉ còn gần một tuần nữa là vào năm học mới, A Trâm nói với giọng buồn buồn: “Trường xa quá, chắc con phải nghỉ học thôi. Đi xa vậy mà bắt bạn cõng thì tội lắm”. Nói rồi cậu bé thút thít khóc. Đúng lúc đó A Byưh từ rẫy chạy về: “A Trâm à, mày có nhà không? Đi chăn bò tao thấy có mấy trái này chín ngon quá, tao mang về cho mày này”. Rồi cả hai cùng chia nhau mớ trái cây trên rừng ăn ngon lành. A Trâm quên cả buồn.

      Sau khi ăn xong trái cây, A Byưh nói với bạn: “Mày đừng buồn nữa A Trâm à, dù trường có xa tao cũng cõng mày đi học, vì mày là bạn tốt của tao mà”. Nói rồi A Byưh lôi chiếc xe đạp hư của chị Y Thanh vứt ở góc nhà ra ngắm nghía. A Byưh nói sẽ xin chị Y Thanh tiền để sửa lại chiếc xe đạp, sẽ tập đi xe đạp cho kịp ngày khai trường.

       Nhìn chiếc xe gỉ sét tôi chợt chạnh lòng. Nhưng khi nhìn thẳng vào đôi mắt đen nhánh và to tròn của A Byưh, tôi biết cậu bé sẽ làm được. Vì cậu đã hứa: mãi là đôi chân của bạn.

Bài làm 2: Kể lại một câu chuyện đáng nhớ của bản thân

Tôi và Thành chơi với nhau từ nhỏ. Nhà chúng tôi ở cùng một xóm. Chúng tôi cùng lớn lên ở vùng quê nghèo, hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn nên dễ đồng cảm với nhau.

Bố Thành mất từ khi Thành còn rất nhỏ. Thương con sớm mồ côi cha nên bác Thoa – mẹ Thành rất chiều cậu. Mỗi bận đi chợ về thế nào bác cũng bớt mấy đồng mua cho cậu cái bánh xèo, cây mía hay những thứ hoa quả mà cậu thích. Dù khó khăn nhưng hễ Thành xin tiền nộp học là mẹ cho liền, không có cũng đi vay cho bằng được. Đáp lại, Thành cùng chăm học và đỡ đần công việc nhà giúp mẹ. Thành không thông minh nhưng cần cù, cẩn thận, nên cuối năm học nào Thành cũng có giấy khen mang về. Bác Thoa mừng lắm. Bà con lối xóm cũng mừng lây. Có người còn bảo:

– Đấy, “con mất cha như nhà mất nóc”, nhưng thằng Thành còn giúp mẹ nó làm được cái nóc vững hơn lúc cha nó còn ấy chứ !

Nghe vậy má Thành đỏ ửng, còn mẹ thì cười rạng rỡ nhưng mắt vẫn ngấn nước.

Thế rồi một lần, Thành và tôi trên đường đi học về, gặp một người bán lô-tô. Bà ta tên thật là gì không rõ, nhưng cả phố gọi là bà Mập. Vì người bà ta to béo, đúng là “mập” thật! Nhưng gọi thế mà bà ta cũng chẳng tự ái.

Bà gọi chúng tôi đến, dỗ ngon dỗ ngọt mua cho bà mấy cái vé số. Tôi can Thành đừng có dính vào đấy. Cậu ta từ lâu vẫn ngấm ngầm chơi đề, giờ nghe bà Mập nói liền tỏ ra say mê lắm:

– Sao? Bác nói nó về hai à? Ôi, tiếc quá!

Tôi can bạn không được, liền nghĩ: từ nay, mình sẽ không chơi với nó nữa!

Thế là chúng tôi xa nhau dần.

Bỗng một ngày kia, khi tôi đi học về, thấy trong nhà Thành rất đông người. Có cả mấy chú công an. Hỏi ra mới biết Thành bị bắt vì tội trộm cắp. Hắn cùng mấy đứa thất học trong phố lừa ăn trộm xe gắn máy, bán đi để lấy tiền chơi đề.

Ôi, khốn nạn! Thật là khốn nạn! Sao Thành lại đến nông nỗi ấy cơ chứ? Tôi xấu hố vì đã từng chơi thân với một đứa như thế!

Nhưng không! Tự nhiên tôi thấy ân hận. Đáng lè tồi không nên xa lánh bạn dễ dàng như thế! Nhưng tôi biết làm thế nào? Tôi sợ chính mình cũng dính vào cái trò chơi đỏ đen, cái mà ngày nào bố mẹ tôi cùng dạy dỗ, răn đe trong từng bữa ăn, giấc ngủ.

Nhưng Thành ạ! Tất cả hãy còn chưa muộn! Tôi vẫn nhớ bạn là một đứa trẻ ngày nào chăm học, chăm làm, “lấy cần cù bù khả năng”, và biết thương yêu mẹ.

Giờ này, chắc mẹ Thành đang đau lòng lắm!

Bài làm 3: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ lớp 9

Trong cuộc đời mỗi người, chắc hẳn ai cũng có những ấn tượng đặc biệt về một sự kiện nào đó đã diễn ra trong cuộc sống, những sự kiện ấy không chỉ để lại những kỉ niệm khó quên mà nó còn gắn liền với những cảm xúc, tâm trạng. Bởi vậy mà mỗi khi ta nhớ về những sự việc đã xảy ra đó thì chúng ta cũng là một lần ta sống lại trong những kí ức xưa. Sự kiện quan trọng hay đáng nhớ của mỗi người có sự khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh, ấn tượng cũng như cảm nhận của mỗi cá nhân. Đối với em, những kỉ niệm đáng nhớ không có gì to lớn mà đó chỉ là những mẩu chuyện mà em cảm thấy thú vị đã xảy ra trong cuộc sống của mình.

Sự việc đã xảy ra khiến cho em nhớ mãi, đó chính là lần đầu tiên em có ý thức học bài thực sự, cảm hứng ấy đến vô cùng tự nhiên, và nó cũng mang lại cho em kết quả tốt khiến cho em nhớ mãi không quên. Cảm hứng học của em có lẽ đến khá ngẫu nhiên và bất ngờ, nó xảy ra vào thời điểm mà em cũng không thể lường trước được. Sự bất ngờ trong hoàn cảnh khiến cho em có nguồn cảm hứng thực sự, và khi ta có đam mê, có thể dùng đam mê ấy để tự làm một điều gì đó thì thật tuyệt vời.

Em còn nhớ rất rõ, đó là vào năm học cấp hai của em, mặc dù rất ghét môn ngữ văn nhưng trên đường đi học, nhìn ngắm cảnh đất trời sau cơn mưa thì bỗng dưng em lại nhớ về những hình ảnh thấp thoáng đâu đó trong bài thơ mình đã từng học, những từ ngữ trong đầu em lúc ấy đã kết hợp lại với nhau nhanh và chính xác đến mức em cũng không thể ngờ được. Bài thơ em mới đọc một lần trên lớp, về nhà không đọc lại và cũng không hề có bất cứ một ấn tượng nào bỗng nhiên được em đọc thuộc lòng, cảm giác của em lúc ấy ngỡ ngàng có, vui sướng hân hoan cũng có, mang lại cho em cảm giác em vừa thực hiện được một cái gì đó lớn lao lắm.

Em rất thích học toán và những môn khoa học tự nhiên, nhưng em lại học kém môn ngữ văn bởi em không tìm được niềm đam mê ở môn học này. Môn ngữ văn trong ấn tượng của em lúc bấy giờ là một môn học nhiều lí thuyết, thiếu tính ứng dụng và không thể thực tế với đời sống như môn học tự nhiên. Do đó em không thích học ngữ văn, những tiết học bài trên lớp em có cảm giác như thời gian bị kéo dài ra gấp đôi, cô giáo dù giảng rất nhiệt tình, hăng say nhưng em vẫn không thể cảm nhận được cái hay của bài.

Việc học tập môn ngữ văn của em trên lớp chỉ mang hình thức đối phó, miễn là qua môn. Trước những bài kiểm tra miệng, em thường học thuộc như một cái máy, đọc xong nhưng không có ấn tượng gì, và dù đọc thuộc lúc kiểm tra nhưng chỉ vài ngày sau những từ ngữ trong câu thơ cũng rơi rụng dần. Những bài thơ mà em thuộc thực sự rất ít ỏi. Nhưng cho đến một ngày, mọi ấn tượng về môn ngữ văn của em đều thay đổi, đó đều là do sự tác động bởi khung cảnh mà em bắt gặp khi đến trường.

Đó là một buổi chiều ngày thứ sáu, sở dĩ em nhớ được ngày bởi hôm ấy có hai tiết văn của cô giáo chủ nhiệm. Em vốn không thích học văn nên buổi hôm nào có tiết văn đều làm cho em chán nản, áp lực. Hơn nữa, buổi trưa hôm ấy trời mưa như trút nước, bầu trời giăng mây đen bao phủ cả bầu trời, những cơn gió rít lên từng hồi làm những hàng cây nghiêng ngả. Em đang thầm vui mừng vì nếu mưa to như vậy thì buổi chiều em có lí do để nghỉ học, và điều quan trọng nhất là em sẽ không phải học hai tiết văn. Tuy nhiên, chỉ tầm một giờ sau thì cơn mưa tạnh hẳn, bầu trời trong xanh trở lại, em nén nỗi thất vọng trong một tiếng thở dài đầy chán nản.

Trên đường đi học, em lo lắng bởi hôm nay em chưa học bài về nhà, nếu như bị kiểm tra chắc chắn em sẽ bị phê bình. Nhưng quang cảnh sau mưa thật đẹp, trời quang gió hiu hiu thổi, mặt đường có nước mưa rội qua trơn bóng lấp lánh dưới ánh sáng của bầu trờ, dòng nước trên những con rạch thì lặng lẽ chảy, khung cảnh yên bình xung quanh khiến cho em quên đi nỗi lo bài cũ. Trong đầu em lúc ấy chợt hiện lên những câu thơ rời rạc, đất trời, núi rừng, và sau đó em tự nhiên có thể đọc thuộc được một đoạn thơ mà em chưa bao giờ nghĩ là mình có thể làm được;

“Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa”

Thật sự là rất ngẫu nhiên và tình cờ, trước khung cảnh tươi đẹp của vạn vật sau mưa đã khiến cho em nhớ lại và đọc thuộc được những câu thơ mà em từng cho rằng chúng rất hóc búa. Và kết quả là buổi kiểm tra hôm ấy em có thể đọc trọn vẹn khổ thơ này, cô giáo đã tuyên dương em trước cả lớp và cho em điểm chín khiến cho em rất vui mừng. Em chợt nhận ra môn văn cũng rất thú vị, không hề nhàm chán như em từng nghĩ.

Bài làm 4: Kể lại 1 câu chuyện buồn của em lớp 9

Mỗi chúng ta đều có một câu chuyện để mãi mãi khắc ghi. Tôi cũng có một câu chuyện như vậy, cho tới tận bây giờ tôi vẫn luôn ghi nhớ câu chuyện ấy. Chuyện của năm về trước, về một lời nói dối mãi mãi không thể quên.

Khi ấy, tôi bảy tuổi đang là một cô bé hồn nhiên tinh nghịch. Em gái tôi mới ba tuổi, con bé ngoan và dễ tính. Tôi có một gia đình nhỏ bé, không quá đủ đầy nhưng ấm no, hạnh phúc. Cuộc sống cứ êm đềm như vậy, ba mẹ đi làm còn chị em tôi đi học, về nhà sẽ tranh thủ phụ những việc nhỏ nhặt. Gần cuối năm ấy, ba chợt vắng nhà nhiều. Có bận, ông đi đâu đó cả tháng trời không về nhà. Mẹ thỉnh thoảng cũng không ở nhà, chị em tôi đều gửi ông bà chăm nom. Có lần tôi cũng hỏi mẹ:

– Ba bận việc gì sao mẹ? Con không gặp ba nhiều như lúc trước.

Mẹ nhìn tôi một lúc, có vẻ không biết trả lời sao cho phải. Mãi sau, mẹ mới nói:

– Ba đang bận công việc, gần cuối năm rồi, ba phải tranh thủ để còn ăn Tết với gia đình mình chứ!

Nghe vậy, tôi đinh ninh ba bận rộn lắm. Mỗi lần ba về nhà tôi lại thấy ông gầy đi một chút, tiều tùy đi một chút. Càng như vậy, tôi càng thương và lo cho ba hơn nên không dám đòi ba như trước. Khi ba vắng nhà quá lâu, ông sẽ gọi điện về nhà. Dần dần thành quen. Ba gầy yếu đi, mẹ dường như cũng xanh xao hơn dạo trước. Có lần, tôi thấy mẹ ngồi trong phòng, cầm tờ giấy gì đó, lặng lẽ khóc. Lúc ấy, tôi giật mình, lòng lo lắng không thôi. Bài kiểm tra tuần trước tôi lười học nên bị điểm kém, tôi đã cố ý giấu đi rồi nói dối mẹ. Có phải mẹ phát hiện ra bài kiểm tra đó hay không? Mẹ thất vọng vì kết quả học tập hay sự lừa dối của tôi ư? Nội tâm giằng xé hồi lâu, cuối cùng tôi quyết định bước vào phòng. Tôi khẽ gọi:

– Mẹ!

Mẹ giật mình quay ra nhìn tôi, vội vàng lau đi những giọt nước mắt. Tôi càng khẳng định mẹ buồn vì mình, không nhịn được liền lao vào lòng mẹ, bật khóc:

– Con xin lỗi, con không nên giấu mẹ bài kiểm tra bị điểm kém. Con hứa lần sau học hành chăm chỉ, sẽ để cho ba mẹ tự hào về con… Tôi thấy vòng tay ôm chặt của mẹ hình như hơi run run, mẹ cũng khóc theo tôi. Tôi cứ òa khóc như vậy cho tới khi mệt lả mà ngủ thiếp đi.

Sáng hôm sau tỉnh dậy tôi đã nằm trên giường của mình. Không lâu sau đó, ba chuyển về nhà và không đi ra ngoài nữa. Tôi vui mừng khôn xiết, cuối cùng tôi không còn phải xa cách nhiều ngày như vậy nữa. Nhưng nhìn ba gầy đi nhiều, không còn khỏe mạnh, dáng đi cũng không còn vững vàng mà phải nhờ bác hai và bác cả dìu vào phòng tôi chợt thấy sợ hãi. Trở về nhà, ba cứ luôn nằm trên giường như vậy, không ra ngoài. Có những khi tôi chỉ dám len lén đứng ngoài cửa phòng nhìn vào. Thấy bác sĩ hay đến tiêm thuốc, tôi đoán rằng ba bị ốm nên ngoan ngoãn không dám làm phiền ba nghỉ ngơi. Một hôm, như thường lệ, tôi lén lút nhìn trộm qua khe cửa xem ba đang làm gì thì nghe tiếng ba gọi:

– Vào đây con!

Tôi mừng rỡ chạy vào trong, leo lên ghế nhựa cạnh giường hỏi ba:

– Ba ơi, ba đỡ hơn chưa ạ? Ba mỉm cười xoa đầu tôi, giọng ấm áp:

– Ba đỡ hơn nhiều rồi, con gái ngoan. Nghe được câu trả lời lòng tôi nhẹ nhõm hơn nhiều. Tôi cứ ngồi trò chuyện với ba như vậy, ba nói thật nhiều về chuyện tương lai với tôi. Cuối cùng ông dặn:

– Sắp tơi, ba phải đi đến một nơi thật xa trong một khoảng thời gian dài. Có thể khi con trưởng thành rồi ba mới quay về với con. Con có thể hứa với ba, trong thời gian ba vắng nhà con sẽ học tập tốt, thay ba chăm sóc em và mẹ được không?

Khi ấy tôi chưa hiểu ý nghĩa câu nói của ba, chỉ cho rằng ba phải đi xa và nhờ tôi chăm nom gia đình, tôi không do dự mà gật đầu ngay:

– Được chứ ạ. Con sẽ chăm sóc em và mẹ chu đáo. Ba về nhớ mua quà cho con nha.

– Chắc chắn rồi. Con phải hứa không được đòi ba với mẹ đấy nhé! – Ba ngoắc tay với tôi. Đó là cách mà ba con tôi cam kết lời hứa.

Một lát sau, ba nói ba hơi mệt, kêu tôi ra ngoài chơi. Tôi ngoan ngoãn về phòng của mình. Sau ngày hôm đó, tôi không gặp lại ba. Mẹ đem bức ảnh ba cười thật ấm áp đặt lên trên cao, nói:

– Trong thời gian ba đi vắng, bức ảnh này thay thế cho ba.

Mọi người đến nhà lại hay nhìn chị em tôi, lặng lẽ lau nước mắt. Tôi không hiểu vì sao người lớn lại kỳ lạ như vậy, cứ thường hay khóc. Em gái tôi còn nhỏ, dù nhiều lần tôi nói với nó ba đi vắng nó vẫn hay khóc nhè đòi ba. Những lúc ấy, con bé khóc, mẹ cũng khóc theo. Có lúc tôi cũng khóc vì ba mãi chẳng trở về. Nhiều lần nhớ ba tôi lại trèo lên ghế, nhìn bức ảnh mà hỏi trong vô thức:

– Khi nào thì ba mới về? Con và em, cả mẹ nữa nhớ ba nhiều lắm!

Nhiều năm trôi qua, cuộc sống cứ tiếp diễn như vậy. Tôi vẫn luôn chờ ba, vì ba đã hứa sẽ quay về. Tôi mong mình lớn thật nhanh để được gặp ba. Nhưng không, cho tới năm mười bốn tuổi tôi mới hiểu hết mọi chuyện. Ba đã đến một nơi rất xa làm sao có thể quay lại được nữa? Năm đó ba nói như vậy chỉ để tôi an tâm mà lớn lên. Tang lễ của ba ngày xưa cũng diễn ra đơn giản, nhanh chóng. Sau này tôi hỏi mẹ, mẹ nói:

– Ba không muốn con nghĩ rằng mình lớn lên mà không có ba như bạn bè, sẽ buồn bã tự ti nên trước khi đi dặn mọi người làm như vậy. Ba nói dối con là không đúng, nhưng ông ấy chỉ muốn con có một tuổi thơ trọn vẹn.

Hiểu chuyện, tôi đau đớn rất nhiều. Lại từng trách ba nói dối tôi, rõ ràng khi còn nhỏ ba luôn dạy tôi phải trung thực, phải biết giữ lời hứa. Lời nói dối ấy theo tôi nhiều năm, trở thành niềm tin của tôi. Bây giờ, ngay cả khi trưởng thành hơn, câu nói ấy của ba vẫn luôn là chỗ dựa tinh thần cho tôi, khiến tôi tin rằng ông luôn ở bên cạnh tôi. Không phải lời nói dối nào cũng là xấu xa, có những lời nói dối đem lại sức mạnh cho cả một cuộc đời. Đừng vội vàng oán trách ai đó vì đã dối gạt bạn, biết đâu đó lại là những lời nói dối chân thành tốt đẹp.

Bài làm 5: Kể lại một kỉ niệm đáng nhớ nhất cuộc đời của em

Trong cuộc đời mỗi người chắc hẳn ai cũng đều có người để yêu thương và quý mến nhưng đã có ai từng nghĩ: “Ai là người mình yêu nhất và ai là người để lại cho mình những kỉ niệm không thế phai mờ?”. Đối với mọi người có thể người ấy là bạn thân, ông bà hay anh, chị, em nhưng riêng đối với tôi, người mà tôi luôn yêu mến và mãi sẽ yêu là Mẹ – người đã trao cho tôi cuộc sống.

Mẹ tôi năm nay đã gần bốn mươi tuổi. Mọi người vẫn khen mẹ tôi trẻ và xinh nhưng đôi khi tôi gần mẹ, tâm sự với mẹ, tôi thấy mẹ như đã già đi nhiều. Đôi mắt mẹ ánh lên vẻ ấm áp, trìu mến, giờ đây đã xuất hiện những vết chân chim. Vầng trán mẹ đã có nhiều nếp nhăn. Nổi bật nhất trên khuôn mặt mẹ là chiếc mũi cao dọc dừa và đôi môi đỏ. Tôi vẫn còn nhớ như in những nụ hôn ấm áp mẹ trao cho khi tôi còn bé. Làn da mẹ mềm mại, trắng hồng nhưng đã điểm những nốt tàn nhang của tuổi bốn mươi.

Trước đây, khi tôi còn nhỏ, mẹ có mái tóc dài, mượt mà, mái tóc đen của mẹ như một đoạn của dải của Ngân Hà, đen mượt và óng ả. Khi tôi học lớp Năm, mẹ tôi đã thay đổi kiểu tóc, mẹ đã cắt mái tóc dài và thay vào đó là mái tóc xoăn. Mái tóc ngắn, xoăn, màu nâu đỏ thả bồng bềnh trên vai có lẽ hợp với khuôn mặt trái xoan của mẹ hơn, nhưng tôi vẫn thích mẹ để tóc dài như trước.

Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên tôi đi học. Tối hôm đó, sau bữa tối, mẹ đã mang vào phòng tôi một bọc quà rất to. Tôi cứ nghĩ là được mẹ mua cho đồ chơi hay là một bộ lego mà tôi hằng mong muốn. Tôi háo hức mở bọc quà, thì ra đó toàn là sách, vở, đồ dùng học tập và có cả một chiếc cặp sách in hình siêu nhân mà tôi rất thích. Bộ đồng phục đã được mẹ là phẳng phiu.

Mọi thứ đã sẵn sàng, tôi rất thích thú đợi đến ngày mai — ngày đầu tiên tôi bước vào lớp Một. Sáng hôm sau, mẹ âu yếm dắt tôi đến trường. Tôi vẫn nhớ cảm giác hồi hộp và lo sợ lúc đó, tôi không biết mình sẽ làm gì và mình sẽ như thế nào khi không có mẹ ở bên. Rời tay mẹ, tôi bước vào cổng trường, tôi thấy mình thật bơ vơ và lạc lõng. “Cố lên con, rồi con sẽ quen với cô giáo và các bạn.

Mẹ ôm tôi vào lòng âu yếm: “Con lớn rồi mà, từ hôm nay con đã là học sinh lớp Một rồi. Hãy tự tin lên nào!”. Tôi nghe lời mẹ, vào lớp học. Ngày hôm đó đối với tôi thật dài, tôi rất nhớ mẹ, chưa bao giờ tôi lại thấy yêu mẹ và cần mẹ hơn lúc này.

Đã tám năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên đi học nhưng tôi không thể nào quên được hình ảnh thân thương của mẹ và những cảm xúc của mình trong cái ngày đáng nhớ ấy. Mẹ đã giúp tôi tự tin, vững vàng bước những bước đi đầu tiên trên con đường tri thức.

Đã có lần, tôi vô lễ với mẹ và tôi nhớ mãi để không bao giờ tái phạm nữa. Tôi còn nhớ như in, đó là một ngày mưa, khi tôi còn là một cậu học sinh lớp Sáu. Tôi đi học về với một vẻ mặt buồn bã. Mẹ rất quan tâm, mẹ hỏi han rất nhiều. Nhưng vì quá bực bội nên tôi đã gắt lên với mẹ: “Con ghét mẹ lắm, mẹ đừng nói nữa!”. Nói rồi tôi bật khóc và chạy lên phòng, đóng sập cửa lại. Tôi khóc rất to, mắt đã đỏ hoe. Chỉ vì thằng bạn thân hiểu nhầm tôi mà chúng tôi cãi nhau to.

Cả ngày hôm nay, tôi không có tâm trí nào mà tập trung vào việc học được nữa và hậu quả là tôi đã không làm được bài kiểm tra môn Toán. Nghĩ đến những việc đó, đầu óc tôi lại như phát điên. Tôi nằm bẹp suốt một giờ đồng hồ. Cảm giác cô đơn và lạnh lẽo khiến tôi tỉnh táo hẳn. Tôi nghĩ đến mẹ, nghĩ đến câu mình vừa nói với mẹ. Trời ơi, tôi đã mắc phải một sai lầm lớn! Tại sao mình lại có thể nói vô lễ với người luôn yêu thương, chăm sóc mình được chứ?

Tôi ân hận lắm! Chỉ vì bị bạn hiểu lầm mà tôi đã trút giận lên mẹ. Tôi bật dậy, định chạy ra ngoài xin lỗi mẹ thì mẹ tôi đã mở cửa phòng bước vào. Như đoán được suy nghĩ của tôi, mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến và ngồi xuống bên tôi. “Mẹ ơi, con xin lỗi, con sai rồi!”. Tôi nói trong tiếng nấc nghẹn ngào.

Mẹ nhẹ nhàng vuốt tóc tôi rồi nói thật nhẹ nhàng: “Mẹ cũng có lỗi vì đã không thông cảm và hỏi han con”. Tôi rất ân hận vì đã làm mẹ — người tôi luôn yêu thương bấy lâu nay, phải buồn. Chính những lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ âu yếm của mẹ làm tôi thêm day dứt vì lỗi lầm của mình hơn. Tôi đã kể cho mẹ nghe mọi chuyện. Mẹ đã an ủi và động viên khiến tôi phấn chấn hơn nhiều. Từ lần đó, tôi luôn tự hứa phải suy nghĩ kĩ trước khi nói và không được làm mẹ buồn nữa.

Có những lần tôi bị ốm, mẹ đã chăm sóc tôi tận tình và dành cho tôi tình yêu thương nồng ấm để tôi mau khỏi bệnh. Những đêm tôi ôn thi, mẹ đã thức cùng tôi, ở bên động viên và giúp tôi học.

Với tôi, mẹ như một làn mây che cho tôi mưa nắng, mẹ là ngọn lửa thôi thúc con tim tôi để vững bước trên đường đời. Dù mai đây nếu mẹ có mất đi thì trong tôi, mẹ luôn sống và theo tôi suốt cuộc đời.

Bài làm 6: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ lớp 9

Cuộc sống con người là sự hài hòa của nhiều thứ tình cảm khác nhau, không chỉ là tình thân mà còn là tình thầy trò, tình yêu…và cả tình bạn. Mỗi chúng ta, ai cũng có những người bạn thân và kỉ niệm sâu sắc với người bạn ấy. Nhớ lại người bạn thân của mình, tôi lại nhớ về kỉ niệm sâu sắc của chúng tôi.

Người bạn thân của tôi chính là người hàng xóm bằng tuổi, cùng lớn lên với tôi. Bạn ấy có một cái tên rất hay, Mai Linh. Trong ấn tượng của tôi, Mai Linh là một cô bé nhỏ nhắn, xinh xắn với nước da trắng hồng rạng rỡ. Mái tóc ngắn ngang vai mềm mượt như nhung, hai má núm đồng tiền và chiếc răng khểnh rất duyên. Đôi mắt Mai Linh tròn xoe, đen láy và đôi môi đỏ mọng chúm chím. Nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi khiến mọi người yêu thích. Ngoại hình xinh xắn, tính cách bạn ấy cũng rất tốt. Mai Linh hòa nhã, thân thiện, rất chăm chỉ và tốt bụng.

Nhà Linh ở ngay cạnh nhà tôi, từ nhỏ chúng tôi đã cùng chơi đùa, cùng đi học với nhau. Ngày ngày dắt tay nhau đến lớp, đến trường, rồi lại đợi nhau mỗi khi tan học. Trong quãng thời gian ấy, có một kỉ niệm mà đến tận sau này tôi vẫn luôn ghi nhớ. Một chiều ngày đầu hạ năm lớp 6, như thường lệ đồng hồ điểm 13 giờ 30 phút, tiếng gọi thánh thót như chim sơn ca của Mai Linh vang lên ngoài cổng. Tôi dậy muộn nên chạy vội đi, để mặc tiếng nhắc nhở của mẹ rằng trời sẽ mưa to, phải cầm áo mưa đi vì tối nay bố mẹ về rất muộn.

Chúng tôi vẫn vui vẻ cùng nhau đạp xe đến trường, trò chuyện về những việc thú vị. Chiều hôm ấy, trời đổ mưa tầm tã, không có sấm chớp mà mưa cứ nặng hạt không dứt. Tiếng chuông tan học đã vang lên mà cơn mưa ngoài sân vẫn trút nước ào ào. Nhìn các bạn lần lượt ra về, lòng tôi buồn bã và lo lắng vô cùng. Tôi nhớ lại lời mẹ dặn, thầm tự trách và nghĩ mình sẽ phải đội mưa về nhà một mình. Ngay lúc ấy, Mai Linh chợt xuất hiện trước mắt tôi, cô bạn dắt xe gọn vào mái hiên trước cửa lớp tôi, vẫy vẫy chiếc áo mưa trong tay, giọng nói át cả tiếng mưa:
– Gửi xe ở bác bảo vệ, chúng ta cùng về.

Trong ánh mắt bất ngờ của tôi, Mai Linh đưa ba lô của mình cho tôi, khoác áo mưa dặn tôi đợi rồi ra nhà để xe, dắt xe đạp của tôi đi gửi bác bảo vệ. Xong xuôi, bạn ấy quay lại lớp, bảo tôi chui vào phía sau áo mưa để nhanh chóng về nhà khỏi trời mưa nặng hạt. Cứ như vậy chúng tôi cùng khoác chung một chiếc áo mưa. Mai Linh chở tôi trên chiếc xe cào cào của mình, tôi áp má vào lưng cô bạn để tránh mưa. Chiếc áo mưa không quá rộng để che hết cả hai đứa, mưa xối xả ướt đẫm cả khuôn mặt xinh xắn của Mai Linh và hai chân để bên ngoài của tôi. Trên con đường trắng xóa một màn mưa, người bạn thân của tôi đạp xe như bay. Về đến nhà tôi, cả hai đứa đều ướt, run cầm cập vì lạnh. Trời mưa lại tối om, Mai Linh hiểu tôi sợ nên ở lại cùng tôi. Hai đứa không thay quần áo, cứ để như vậy, ngồi luyên thuyên đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Khi bố mẹ tôi về, Mai Linh mới tạm biệt tôi.

Sáng hôm sau, tôi và Mai Linh đều bị cảm lạnh, bố mẹ hai nhà đều trách mắng không thôi. Chúng tôi vẫn cùng nhau đi trên con đường quen thuộc thường ngày, rồi không hẹn mà cùng hắt hơi khi có cơn gió lạnh thổi qua. Dù mũi khó chịu và cổ họng khô rát, chúng tôi lại đồng loạt bật cười. Lẫn trong tiếng chim hót líu lo và tiếng xào xạc của lá là tiếng cười khàn khàn, giòn tan của hai cô học trò nhỏ. Chúng tôi bị cảm lạnh suốt một tuần liền. Sau lần đó, hai đứa dường như gắn bó, thân thiết hơn. Mỗi lần nhìn thấy mưa, trong lòng lại nhớ về kỉ niệm ngốc nghếch mà sâu sắc ngày ấy.

Mai Linh là người bạn thân mà tôi yêu quý nhất. Kỉ niệm trong cơn mưa mùa hạ đó dù chỉ là một trong số rất nhiều kỉ niệm của chúng tôi nhưng nó lại là kỉ niệm sâu sắc nhất. Tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi gặp được người bạn thân như Mai Linh.

Bài làm 7: Kể lại một câu chuyện đáng nhớ của bản thân

Tôi có một người bạn đã chơi với nhau từ thời ấu thơ đó là Phương, chúng tôi lớn lên cùng nhau, chơi đùa, học tập với nhau và đã trải qua biết bao kỉ niệm vui buồn của tuổi thơ, có một kỉ niệm giữa tôi và Phương khiến tôi không bao giờ quên đó là kỉ niệm về một lần tôi bị ngã xe.

Tôi còn nhớ khi ấy chúng tôi mới là học sinh lớp 3, hai đứa học cùng lớp lại gần nhà nên thường rủ nhau đi học mỗi ngày, hôm ấy như mọi ngày Phương đến nhà và rủ tôi đi học, chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện rất vui vẻ. Đang đi trên đường bỗng có một chiếc xe máy đi rất ẩu vừa nhanh lại lạng lách đánh võng, tôi và Phương đã đi sát và lề đường để tránh xa thế nhưng chiếc xe vẫn va vào xe của tôi khiến tôi mất tay lái, loạng choạng rồi cả xe lẫn người nằm xoài trên đường. Ngay lúc đó chiếc xe lại lao nhanh chạy đi mà không thèm ngoảnh lại nhìn, tôi ngã quả đó vừa đau lại vừa tức, khi ấy Phương đã nhanh chóng tiến tới đỡ tôi vào lề đường ngồi rồi dựng xe lên giúp tôi. Phương tỏ ra rất lo lắng, phủi bụi quần áo cho tôi rồi cẩn thận nhìn ngó xem tôi có bị đau chỗ nào không, Phương thấy tôi bị đau liền đem xe gửi vào nhà bên đường rồi đèo tôi tới trường học, trên đường đi cậu ấy liên tục hỏi tôi “cậu có đau lắm không?”, rồi cứ bắt tôi vào phòng y tế. Sự quan tâm ân cần của Phương khiến tôi rất xúc động, cậu ấy rất biết quan tâm và an ủi người khác, lại biết hy sinh vì người bạn của mình, tôi cứ nhìn cậu ấy mà thầm cảm ơn vì mình có một người bạn tốt như vậy.

Mỗi lần nhớ về kỉ niệm đó tôi lại cảm thấy Phương là một người bạn thật hiếm có, kỉ niệm đó đã giúp tôi hiểu hơn về người bạn của mình để từ đó biết yêu quý, trân trọng người bạn đó và gìn giữ tình bạn đẹp của chúng tôi.

Bài làm 8: Kể lại một kỉ niệm đáng nhớ nhất cuộc đời

Từng đợt gió thổi như quất vào người tôi. Kéo lại chiếc cổ áo, tôi co người lại. Đang bước vào nhà bỗng có tiếng “choang” từ nhà bên vọng sang. Tiếng đổ vỡ đó làm tôi thấy lạnh thêm. Nó gợi lại trong tôi một kỉ niệm đáng nhớ trong tuần qua.

Hôm đó là một ngày rét nhất trong tuần. Buổi sáng, bố mẹ đi làm chỉ còn mình tôi với con Cún ở nhà. Mẹ có dặn tôi phải rửa ấm chén cho sạch rồi dọn nhà cửa. Từ trên giường lăn xuống đất tôi rét run lên cầm cập. Cún từ trong buồng ngoe nguẩy đuôi chạy ra nhảy lên lòng tôi. Tôi âu yếm vuốt ve nó. Đó là một con chó rất đáng yêu. Mùa hè mỗi khi tôi đi học về muộn lại thấy chú đứng ở cổng vẻ rất “sốt ruột”. Ớ nhà bao giờ cũng chỉ có mình tôi và nó nhưng mà vui đáo để. Nó thường nô đùa VỚI tôi. Hiếm có một con chó nào thông minh như nó. Cún quấn lấy chân tôi, chạy theo tôi ra cửa. Chờ tôi đánh răng rửa mặt xong, nó lại theo tôi vào. Nó quấn quýt với tôi suốt cả ngày. Hôm đó, tôi lại lôi đồ hàng ra, nó ngoan ngoãn nằm xuống bên cạnh. Tôi bắt đầu lôi vải ra may cho nó một cái nơ. Loay hoay suốt cả buổi sáng tôi mới làm xong. Tôi cẩn thận buộc vào cổ cho nó, trông nó lúc này thật đáng yêu Nó vui mừng ra mặt. Tôi với nó nô đùa mãi cho tới khi mệt lử. Liếc nhìn đồng hồ tôi giật mình: đã 10 giờ rồi. Mẹ sắp về. Tôi vội vàng thu dọn nhà cửa. Lúc đó Cún nằm ngoan ngoãn cho tôi dọn. “Á! Còn rửa cốc chén”, tôi chợt nhớ. Vội vàng, tôi chạy xuồng múc nước lên. Con Cún tưởng tôi đùa, nó cũng chạy theo đùa giỡn. Tôi bực lắm, cố đuổi nó ra, nhưng tưởng tôi đùa nó lại tiếp tục nhảy lên. Đang rửa, tôi quay ra định vụt nó nhưng tay lại lôi chiếc khăn trải bàn. Thế là “choang” – một chiếc đĩa rơi xuống. Tôi sợ quá, cúi nhìn. Chiếc đĩa bằng pha lê rất quý do ông nội tôi để lại. Sợ quá tôi đã khóc. Con Cún trông thật tội nghiệp. Nó cụp tai xuống nằm im. Lúc đó tôi nhìn nó mà chỉ muốn đánh nó thật nhiều.

– Hoa ơi! Mở cửa cho mẹ với!

Tôi lo lắm, đầu rối bời lên. Tôi từ từ ra mở cửa cho mẹ. Trông thấy tôi giàn giụa nước mắt, mẹ hỏi:

– Con làm sao vậy?

– Dạ… dạ… cái đĩa pha lê bị… v… ỡ.

– Sao? Ai làm vỡ?

Giọng mẹ tôi nghiêm lại. Không kịp suy nghĩ, tôi trả lời:

– Con… Cún.

Dắt xe vào nhà, mẹ tôi lấy cán chổi đánh con Cún. Tôi thấy thương nó quá mà không làm gì được. Tại tôi cơ mà? Ánh mắt nó ngơ ngác như muốn hỏi tôi: “Tại sao mẹ lại đánh em? ”.

– Tôi nhốt nó ngoài sân.

– ơ mẹ… ơi… đừng…

– Đừng cái gì? Cho vào trong nhà để nổ phá à!

Tôi biết mẹ rất giận bởi vì cả bộ đĩa có năm cái. Trước khi mất, ông để lại cho mỗi gia đình một chiếc và dặn bố:

– Cố gắng giữ đủ nghe con!

Thế mà tôi đã làm vỡ. Cả ngày hôm đó tôi cứ thấy trong lòng day dứt, bồn chồn. Con Cún không nô đùa như mọi ngày nữa, nó nằm im, mắt buồn buồn. Nó nhìn tôi với ánh mắt rất lạ. Đêm hôm đó, trời rét như cắt da cắt thịt. Gió từng trận ào ào quật vào lá chuối. Tôi đã xin nhưng mẹ bảo:

– Con không biết mẹ buồn thế nào đâu?

Tôi lẳng lặng lên giường nằm. Tôi không thể nào nhắm mắt nổi. Tiếng con Cún sủa ầm ĩ, nó cào cửa đòi vào. Chắc nó rét lắm! Nhớ lại ánh mắt nó, tôi thấy mình có lỗi vô cùng. Tôi ôm lấy mẹ khóc:

– Mẹ ơi! Hãy tha lỗi cho con!

– Có chuyện gì vậy? – Mẹ từ tôn hỏi.

– Mẹ ơi, nếu con có lỗi mẹ có tha thứ cho con không?

– Sao lại không hả con?

Giọng mẹ vẫn dịu dàng làm tôi bối rối. Tôi kể hết cho mẹ nghe.

– Mẹ ơi, mẹ cứ đánh con đi nhưng mẹ đừng để Cún ở ngoài.

– Con ạ, chuyện gì đã xảy ra thì cứ để cho nó trôi qua. Mẹ không giận con đâu, con biết lỗi vậy là tốt, con ạ!

Mẹ đứng dậy ra mở cửa. Còn tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm hẳn. Bật đèn, tôi bước xuống giường. Con Cún đi vào, người nó run, lạnh cóng. Tôi ôm nó vào lòng ủ ấm.

– Cún ơi, hãy tha lỗi cho tao nhé!

Rồi tôi cùng mẹ đốt lò sưởi ấm cho nó. Trong ánh lửa tôi thấy ánh mắt nó sáng lên, cái đuôi ngoe nguẩy, đầu nó vào lòng tôi. Đưa tay tôi vuốt ve bộ lông mượt của nó. Đôi mắt nó lim dim mơ màng.

Bài làm 9: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ lớp 9 văn tự sự

Ai đó đã từng nói rằng: “Người ta không thể sống thiếu kỉ niệm nhưng cũng không thể chỉ sống bằng kỉ niệm”. Những kỉ niệm là hành trang cần thiết đối với cuộc đời mỗi con người. Vậy kỉ niệm đáng nhớ của các bạn là gì? Với tôi, đó là kỉ niệm trong một lần tôi bị ngã ở cuộc thi chạy do trường Tiểu học tổ chức.

Đó là khi tôi học lớp 5, do chạy nhanh nhất lớp nên tôi được cô giáo chủ nhiệm và các bạn cử làm đại diện đi thi chạy ở cuộc thi cấp trường. Buổi sáng hôm ấy, thời tiết khá mát mẻ, bầu trời trong xanh, cao vời vợi. Các cổ động viên đã có mặt đầy đủ ở sân trường để cổ vũ cho thí sinh của lớp mình. Riêng lớp tôi, các bạn đã chuẩn bị cả băng rôn, khẩu hiệu để cổ vũ nhiệt tình khiến tôi rất vui mừng và có thêm động lực để thi đấu.

Cuộc thi bắt đầu, tất cả các thí sinh đều cố gắng chạy hết mình trong tiếng hò reo của cổ động viên. Còn khoảng 15 mét nữa thì về tới đích và tôi đang là người chạy ở vị trí thứ hai. Bỗng nhiên, tôi bị vấp ngã và không tự đứng dậy được. Lúc đó, tôi đã nghĩ mình sẽ là người về đích cuối cùng. Vài phút sau, bạn nữ đang chạy ở vị trí dẫn đầu đã quay lại và đỡ tôi dậy, hai người cùng nhau bước về đích trong những tràng vỗ tay nhiệt tình của khán giả.

Bạn ấy tên là Phương Hà, là học sinh lớp 5E và trước đây, chúng tôi chưa từng nói chuyện với nhau. Hà là một bạn nữ xinh xắn, nước da trắng hồng, đặc biệt bạn ấy có một nụ cười tươi và giọng nói vô cùng ấm áp. Bạn ấy không chỉ là một học sinh giỏi của trường mà còn là một người biết giúp đỡ người khác nên được mọi người rất quý mến. Sau khi cuộc thi kết thúc, Phương Hà đã dẫn tôi đến phòng y tế của trường để kiểm tra xem chân tôi có bị làm sao không.

Thật may mắn, chân tôi chỉ bị một vết thương nhỏ, chỉ cần bôi thuốc là sẽ nhanh khỏi. Tôi rất cảm kích về hành động của bạn ấy. Bạn ấy đã từ bỏ vị trí dẫn đầu, có thể là giải nhất trường để quay lại đỡ tôi dậy vì khoảng cách của chúng tôi với các bạn còn lại khá xa. Khi tôi thắc mắc hỏi thì Phương Hà chỉ bảo rằng bạn ấy không quan trọng giải thưởng, điều quan trọng là bạn ấy không thể bỏ mặc bạn bè khi họ gặp khó khăn. Hà quý trọng tình bạn hơn là sự danh giá của giải thưởng. Nhưng dù sao thì cả hai chúng tôi về đích và cùng nhận giải khuyến khích nhằm khích lệ tinh thần thi đấu của nhà trường.

Thời gian trôi đi thật nhanh, bây giờ chúng tôi đã là những học sinh lớp 6 dưới mái trường Trung học cơ sở. Thật may mắn biết bao khi cô giáo xếp chỗ tôi và Phương Hà ngồi cạnh nhau để cùng giúp đỡ nhau học tập. Càng ngày chúng tôi càng trở nên thân thiết hơn. Chúng tôi cùng nhau giải những bài tập khó, cùng nhau tham gia vào đội văn nghệ của nhà trường.

Tôi và Hà có khá nhiều sở thích giống nhau, đặc biệt là sở thích đọc sách. Chúng tôi thường xuyên trao đổi những cuốn sách hay với nhau để mở mang hiểu biết về tri thức cũng như về cuộc sống. Tôi học được rất nhiều điều từ bạn ấy, nhất là đức tính giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn bởi khi mình cho đi cũng là khi mình được nhận lại, con người cần phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Như vậy thì một tập thể mới có thể phát triển vững mạnh.

Phương Hà thường xuyên nhắc nhở tôi phải cẩn thận trong tất cả mọi hoạt động, thỉnh thoảng bạn ấy nhắc lại chuyện tôi bị ngã trong cuộc thi chạy cấp trường là do tôi không cẩn thận để tôi rút ra bài học và cũng là để tôi có ý thức hơn. Phương Hà là một người bạn tốt, kỉ niệm giữa tôi với bạn ấy trong cuộc thi chạy sẽ là kỉ niệm tôi không bao giờ quên. Nhờ kỉ niệm ấy mà chúng tôi có một tình bạn thân thiết như bây giờ. Hi vọng rằng tình bạn của chúng tôi vẫn sẽ gắn bó như vậy theo năm tháng cho đến khi cả hai đứa đều lớn lên và trưởng thành.

Lời kết

Như vậy là Lambaitap.edu.vn đã chia sẻ tới các bạn 9 bài văn mẫu kể về một kỉ niệm đáng nhớ lớp 9. Hy vọng sẽ giúp các bạn có thêm tài liệu tham khảo bổ ích, trau dồi vốn từ vựng, nâng cao trình độ viết văn của mình ngày càng hay và đặc sắc hơn. Chúc các bạn học tập thật tốt, và nếu có thắc mắc hay muốn tìm kiếm kiến ​​thức lớp 9, các bạn hãy truy cập vào website lambaitap.edu.vn nhé

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top